Hàng loạt chuyến bay khu vự và quốc tế đã bị ảnh hưởng sau khi Pakistan đóng cửa không phận và Ấn Độ đóng không phận phía Bắc sau cuộc đối đầu giữa tiêm kích 2 nước khiến ít nhất 3 chiếc bị rơi tại vùng tranh chấp Kashmir. Vụ việc đã làm dấy lên lo ngại về an toàn hàng không trên thế giới, trong đó có khu vực Biển Đông khi Trung Quốc những năm qua đã triển khai hàng loạt tên lửa, máy bay chiến đấu, tập trận quân sự ở Biển Đông.
Các chuyến bay phải tránh không phận Bắc Ấn Độ và toàn bộ Pakistan hôm 28/2 và việc TQ triển khai tên lửa ở Biển Đông. Nguồn: Reuters
Hàng không các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ căng thẳng quân sự Pakistan – Ấn Độ
Hàng loạt chuyến bay quốc tế, khu vực của các nước đã bị ảnh hưởng sau khi Pakistan đóng cửa không phận và Ấn Độ đóng không phận phía Bắc sau cuộc đối đầu giữa tiêm kích 2 nước khiến ít nhất 3 chiếc bị rơi tại vùng tranh chấp Kashmir hôm 27/2.Ấn Độ ngay sau đó đã đóng cửakhông phận phía Bắc Ấn Độ từ 10 giờ 30 trước khi mở cửa trở lại vào 14h giờ 30 (giờ địa phương). Pakistan đóng cửa không phận trong hơn 50 giờ kể từ 12 giờ 30 ngày 27/2 đến 5 giờ ngày 1/3. Và hậu quả là, các hãng Emirates, Qatar Airways, Etihad, flydubai, Gulf Air, SriLankan Airlines và Air Canada từ ngày 27/2 đã hủy các chuyến bay đến Pakistan và nhiều khu vực tại Ấn Độ.Trong khi đó, các hãng hàng không có chuyến bay qua không phận 2 nước để đến châu Âu, Trung Đông và châu Á cũng bị ảnh hưởng, trong đó một số chuyến bay được chuyển hướng qua Mumbai dọc bờ biển phía tây Ấn Độ nhằm tránh không phận Pakistan.Tại Thái Lan, hàng ngàn du khách bị mắc kẹt tại Bangkok vào ngày 28/2 sau khi hãng Thai Airways hủy tất cả các chuyến bay qua không phận Pakistan.Gần 30 chuyến bay chủ yếu kết nối với châu Âu đã bị ảnh hưởng, trong đó có 3 máy bay buộc phải trở lại sân bay Suvarnabhumi, trong khi các chuyến bay khác bị hủy hoặc chuyển hướng. Các máy bay của hãng Singapore Airlines bay thẳng đến châu Âu cũng buộc phải tiếp thêm nhiên liệu và một chuyến của hãng này đến Frankfurt (Đức) đã bị hủy.Nhiều sân bay ở khu vực phía Bắc đóng cửa tạm thời, hàng chục chuyến bay nội địa bị ảnh hưởng. Nhiều nguồn tin cho biết hơn 150 chuyến bay nội địa, 110 chuyến bay của hãng Pakistan International Airlines, 50 chuyến bay quốc tế và 50 chuyến bay tư nhân bị hủy hoặc hoãn. Cơ quan hàng không dân dụng Pakistan cũng đã thông báo đến tất cả các hãng liên quan về việc đóng cửa không phận.
Vụ việc trước đó bắt nguồn từ hôm 14/2 khi một phần tử thuộc nhóm khủng bố Jaish-e-Mohammed (JeM), có căn cứ tại Pakistan, bất ngờ tấn công đoàn xe buýt của Trung tâm Lực lượng Cảnh sát Dự bị Bộ Nội vụ Ấn Độ bằng một xe đánh bom tự sát VBIED. Vụ tấn công khủng bố có hậu quả thực sự nghiêm trọng, khiến hơn 40 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Căng thẳng lập tức gia tăng dữ dội giữa Ấn Độ và Pakistan. Ấn Độ đe dọa sẽ trả đũa các nhóm khủng bố ở Pakistan. Sáng sớm ngày 26/2, các máy bay chiến đấu Mirage 2000 của Ấn Độ vượt qua biên giới LoC có kiểm soát và tấn công doanh trại của nhóm JeM trên lãnh thổ Pakistan. Sáng ngày 27/2, không quân Pakistan dường như đã quyết định phản công nhằm vào các căn cứ địa và trận địa hỏa lực của Ấn Độ. Các máy bay Ấn độ truy đuổi bị trúng tên lửa tầm xa trong khu vực LoC. Pakistan tuyên bố bắn hạ hai máy bay Ấn Độ và bắt giữ một phi công, phía Ấn Độ thừa nhận mất 1 MiG-21.
Nguy cơ đe dọa an toàn hàng không, hàng hải từ việc TQ triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu và tập trận quân sự ở Biển Đông
Từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc nhiều lần ngang nhiên điều hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 và chiến đấu cơ J-11 đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, theo Đài Fox News. Tháng 5/2018, Bắc Kinh lần đầu điều máy bay ném bom chiến lược H-6K diễn tập cất/hạ cánh trên đảo Phú Lâm. Trung Quốc còn xây 3 đường băng phi pháp ở Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Đây là 3 trong số 7 thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, bồi đắp thành đảo nhân tạo. Ngày 3/5/2018, CNBC dẫn một số nguồn tin tiết lộ Trung Quốc đã âm thầm đưa tên lửa HQ-9 và tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B đến 3 đá này. Cùng thời gian trên, Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) cho biết Trung Quốc đã điều máy bay vận tải quân sự tới Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. AMTI nhận định hầu hết những hoạt động quân sự hóa gần đây của Trung Quốc ở Trường Sa theo mô hình đã thực hiện tại đảo Phú Lâm. Từ đó, AMTI dự đoán Bắc Kinh sẽ sớm đưa chiến đấu cơ tới Trường Sa.
Vào tháng 6/2018, Trung Quốc đã tiến hành đợt tập trận tên lửa, có sự thamgia của cả máy bay không người lái mô phòng việc chống lại các cuộc tấn công đạn đảo của đối phương ở Biển Đông. Máy bay, tàu thuyền các nước đã được thông báo không di chuyển trong khu vực Trung Quốc tập trận. Đến tháng 9/2018, Trung Quốc tiếp tục điều hàng chục máy bay chiến đấu và máy bay ném bom thuộc Chiến khu miền Nam của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông nhằm kiểm tra khả năng của các phi công Trung Quốc trong tác chiến, xuyên phá hệ thống phòng thủ và không kích với độ chính xác cao. Gần đây nhất, hôm 8/01/2019, Trung Quốc tiếp tục triển khai tên lửa đạn đạo diệt hạm Đông Phong-26 (DF-26) tại khu vực cao nguyên và sa mạc phía Tây Bắc nước này, ngày sau khi hải quân Mỹ điều tàu khu trục tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam hiện đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Theo các chuyên gia, với tầm bắn 3.000 – 4000 km và được lắp thiết bị lướt siêu vượt âm có quỹ đạo rất khó đánh chặn, tên lửa DF-26 được cho là có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không tối tân bảo vệ tàu sân bay, bao trùm cả Biển Đông.
Có thể nói từ vụ đụng độ quân sự giữa quân đội Pakistan và Ấn Độ những ngày qua cho thấy, việc Trung Quốc triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu hay nói rộng hơn là hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông đã và đang tạo ra những mối đe dọa, nguy cơ tiềm ẩn uy hiếp nghiêm trọng an toàn hàng không dân dụng và hàng hải ở khu vực, khiến dư luận các nước không khỏi quan ngại.