Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaVề thực trạng và các vấn đề đặt ra từ toan tính...

Về thực trạng và các vấn đề đặt ra từ toan tính chế tạo, triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi ra Biển Đông của TQ hiện nay

Trong những năm qua, Trung Quốc từ âm thầm đến ráo riết nghiên cứu, chế tạo các nhà máy điện hạt nhân nổi cỡ nhỏ (FNPP). Trong đó, Trung Quốc toan tính dự án vận hành thử nghiệm đầu tiên của lò phản ứng hạt nhân nổi của nước này có thể sẽ được triển khai ở Biển Bột Hải và khu vực Biển Đông“trước năm 2020”.

Các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi của TQ. Ảnh minh họa.

Thực trạng nghiên cứu, chế tạo FNPP hiện nay của TQ

Trung Quốc đang xem xét mở rộng các hệ thống vũ khí hạt nhân, để nâng cao khả năng phòng thủ, răn đe của mình. Chuyên gia quân sự Song Zhongping từ Hồng Kông nhận định, khả năng hạt nhân của Trung Quốc đứng sau cả Nga. Hoa Kỳ và Nga đang sở hữu hơn 90% số vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Bắc Kinh đang tăng cường, cải thiện khả năng răn đe hạt nhân trên biển vì Mỹ đang tìm cách ngăn chặn tàu ngầm chiến lược của Trung Quốc, Song Zhongping nhấn mạnh. Chuyên gia Collin Koh từ Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore cho rằng Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh răn đe trên biển bằng việc phát triển một loạt vũ khí tăng khả năng tấn công. Trước đó, Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) đã ra mắt lò phản ứng hạt nhân “Hualong One” được phát triển tại địa phương vào năm 2015 để cạnh tranh với các mô hình của Pháp và Mỹ, để bán cho Argentina và Pakistan. Trung Quốc cũng đang phát triển hai mẫu thiết kế nhà máy điện hạt nhân di động trên biển, gồm một dạng nổi và một dạng chìm. Các nhà máy điện hạt nhân nổi di động cỡ nhỏ (Floating Nuclear Power Plant) này là sự kết hợp hữu cơ giữa lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ với công trình tàu; có thể giúp cung cấp năng lượng an toàn, hiệu quả cho các giàn khoan khai thác dầu khí và các đảo, bãi ở vùng xa xôi, và cũng có thể dùng cho các tàu công suất lớn cùng việc ngọt hóa nước biển. Trung Quốc đã đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ công nghệ thiết kế các nhà máy điện hạt nhân nổi di động cỡ nhỏ và đầu tư kinh phí chế tạo mỗi nhà máy khoảng 02 tỷ nhân dân tệ.

Vấn đề đặt ra cho các nước trước kế hoạch nghiên cứu, thử nghiệm, triển khai FNPP của TQ?

Thứ nhất, kế hoạch của Trung Quốc về vận hành các nhà máy hạt nhân nổi ở Biển Đông sẽ tạo ra các vấn đề trong hợp tác an toàn hạt nhân với các quốc gia Đông Nam Á giáp biển Đông. Thông thường, để chứng minh cho cộng đồng quốc tế về sự an toàn của chương trình điện hạt nhân, một quốc gia cần thông qua Công ước An toàn hạt nhân và tham gia vào quá trình rà soát Công ước bằng cách gửi báo cáo quốc gia cho cuộc họp đánh giá vốn IAEA tổ chức ba năm một lần. Sau khi tham gia Công ước này vào năm 1996, Trung Quốc thường xuyên đệ trình báo cáo quốc gia về an toàn hạt nhân tại các cuộc họp tổng kết, trong đó gần đây họ cũng đưa vào bản đồ có chứa lãnh thổ tranh chấp trên biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Vì các báo cáo này thường được công khai, các bên thứ ba như các nước Đông Nam Á có thể xác minh liệu Trung Quốc có thực hiện các biện pháp an toàn cần thiết cho các cơ sở hạt nhân dân sự của mình hay không. Tuy nhiên, họ sẽ không thể kiểm tra về chất lượng giám sát an toàn của Trung Quốc đối với các nhà máy điện hạt nhân nổi trong tương lai, vì Công ước An toàn hạt nhân chỉ áp dụng cho các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền. Mặc dù các nước xung quanh biển Đông vẫn có thể yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin trong trường hợp xảy ra sự cố với các nhà máy điện hạt nhân nổi theo Công ước về Thông báo sớm tai nạn hạt nhân, vốn bao gồm tất cả các loại lò phản ứng hạt nhân và đã được phê chuẩn bởi tất cả các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, nhưng đối với các quốc gia có thể bị ảnh hưởng, như thế rõ ràng là quá muộn để thực hiện bất kỳ kế hoạch ứng phó khẩn cấp hoặc giảm nhẹ tổn thất nào một khi xảy ra tai nạn.

Thứ hai, Trung Quốc có thể lập luận rằng vấn đề thông tin liên lạc về an toàn hạt nhân dạng này có thể được cải thiện thông qua việc đàm phán kí kết các thỏa thuận song phương hoặc đa phương riêng biệt giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Một ví dụ của các thoả thuận dạng này là việc tháng 11/2017 Trung Quốc và Việt Nam ký biên bản ghi nhớ về hợp tác an toàn hạt nhân trong đó tập trung vào việc trao đổi thông tin, chuẩn bị và ứng phó sự cố khẩn cấp. Biên bản ghi nhớ này được ký kết không lâu sau khi Việt Nam đề nghị Trung Quốc cải thiện việc cung cấp thông tin liên quan đến sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân của nước này được xây dựng và vận hành gần biên giới Trung-Việt, bao gồm các tổ máy điện hạt nhân ở Phòng Thành Cảng, Xương Giang và Trường Giang, trong đó nhà máy ở Phòng Thành Cảng chỉ cách biên giới giữa hai nước 50 km. Tuy nhiên, khi các nhà máy điện hạt nhân nổi  được Trung Quốc triển khai đến khu vực biển tranh chấp, thì việc ký kết các thỏa thuận song phương hoặc đa phương tương tự là không thể bởi các quốc gia này sẽ không hy sinh các khẳng định chủ quyền lãnh thổ của họ chỉ cho một thoả thuận về an toàn hạt nhân. Tuy nhiên, nếu không có bất kỳ kênh trao đổi thông tin nào, các nước Đông Nam Á sẽ không thể đảm bảo Trung Quốc sẽ giữ được các tiêu chuẩn an toàn cao nhất cho các nhà máy điện hạt nhân nổi, trong khi đó, chính Trung Quốc sẽ mất đi áp lực cần thiết từ các đánh giá đồng cấp của các quốc gia khác trong khu vực vốn là một phần quan trọng giúp tăng cường chất lượng quản lý an toàn hạt nhân. Philippines – nước có tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông (8/2018) từng đã lên tiếng phản đối, bày tỏ không cho phép quốc gia nào mang vũ khí hay nhà máy điện hạt nhân tới khu vực đang có tranh chấp giữa nhiều bên này. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cảnh báo việc Trung Quốc đang toan tính xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nổi di động cỡ nhỏ để cung cấp điện cho các đảo, bãi đá ở Biển Đông trước năm 2020.

 Thứ ba, trong bối cảnh nguy cơ tiềm tàng về mặt an toàn đối với các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc trong tương lai và các vấn đề liên quan khác như trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra tai nạn, hoặc rủi ro an ninh từ cướp biển hoặc các nhóm khủng bố trong khu vực, kịch bản tốt nhất cho khu vực sẽ là Trung Quốc thay đổi nguồn cung cấp điện cho các đảo mà quốc gia này đang kiểm soát trên biển Đông, hoặc ít nhất là trì hoãn việc triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi. Nhưng theo các nguồn tin của Trung Quốc thì dự án vận hành thử nghiệm đầu tiên của lò phản ứng hạt nhân nổi của nước này có thể sẽ được triển khai ở Bột Hải phía bắc Trung Quốc “trước năm 2020.” Sự phát triển nhanh chóng của chương trình hạt nhân nổi Trung Quốc khiến cho kịch bản tốt nhất kể trên không thể xảy ra.  Điều đó có nghĩa là các nước Đông Nam Á, với sự hỗ trợ của ASEAN và Mạng lưới các cơ quan quản lý về năng lượng nguyên tử (ASEANTOM), các tổ chức và diễn đàn khu vực như Hội đồng hợp tác an ninh khu vực Châu Á Thái Bình Dương (CSCAP) và các đối tác quốc tế khác quan tâm đến khu vực như Mỹ, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc nên sớm tìm ra ít nhất một kênh đối thoại với Trung Quốc để trao đổi thông tin về sự an toàn của cơ sở hạt nhân trên biển và quy định vận hành nó, mà không ảnh hưởng đến chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia trên các hòn đảo ở Biển Đông. Như đã thảo luận ở trên, sẽ không có giải pháp dễ dàng đối với các vấn đề an toàn của các nhà máy điện hạt nhân nổi, nhưng việc tìm ra giải pháp như vậy sẽ mang tính sống còn cho một Biển Đông trong tương lai không có rủi ro an toàn hạt nhân.

RELATED ARTICLES

Tin mới