Ngày 01/3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm Philippines. Chuyến thăm diễn ra chỉ sau một ngày khi ông vừa tham dự cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra tại Hà Nội giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Tại thủ đô Manila của Philippines, Ngoại trưởng Mỹ đã có những phát biểu và tuyên bố liên quan đến Biển Đông và quan hệ Mỹ – Philippines được dư luận quốc tế hết sức quan tâm và ngay lập tức, bị phía Trung Quốc phản ứng quyết liệt, cho là Mỹ đang “tạo ra rắc rối” ở Biển Đông. Điều gì xảy ra vậy và Mỹ có phải là bên “tạo ra rắc rối” ở Biển Đông không?
Số là, trong chuyến thăm Philippines, khi hội kiến với Tổng thống Duterte, Ngoại trưởng Mỹ đã phát biểu đề cập đến các vấn đề an ninh của khu vực Đông Nam Á, trong đó ông cho rằng: “Các hoạt động quân sự hóa và xây đảo của Trung Quốc trên Biển Đông đe dọa tới chủ quyền, an ninh và đời sống kinh tế của các bạn cũng như của Mỹ”, đồng thời nhấn mạnh: “Vì Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất cứ cuộc tiến công vũ trang nào nhằm vào máy bay hay tàu công vụ của Philippines trên Biển Đông đều kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ chung theo Điều 4 Hiệp ước phòng thủ chung của chúng ta”. Đương nhiên, các phát biểu và tuyên bố của ông Pompeo được truyền thông quốc tế loan truyền rộng rãi và vì thế, ngày chiều ngày 01/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã ra tuyên bố, trong đó nêu: “những nước bên ngoài Biển Đông như Mỹ nếu thực sự quan tâm đến hòa bình ở khu vực thì không nên tạo ra rắc rối”. Xem ra, Trung Quốc đang như người đóng vai trò bảo vệ, giữ gìn hòa bình ở khu vực, còn Mỹ thì chỉ chuyên “gây rối”. Nhưng sự thực lại không phải như thế. Bởi mấy lẽ sau:
Thứ nhất, thông thường, kẻ đi gây rối bao giờ cũng có chủ đích trước, nhằm vào một vấn đề nào đó và kiếm cớ để gây ra những vụ việc rối rắm, phức tạp xung quanh vấn đề đó và rồi nhân đó can dự hay can thiệp vào. Thậm chí, không kiếm được cớ thì tạo ra cớ, dựng ra chuyện để mà có điều kiện nhúng tay vào. Nói như dân gian bảo là “tự tay đốt nhà rồi kêu làng đến cứu”. Nếu hiểu như trên thì có phải Mỹ kiếm cớ hay tạo cớ ở Biển Đông để gây rối không? Rõ ràng là không. Vì lâu nay, nếu hỏi tất cả bàn dân thiên hạ ai mới là kẻ gây “rắc rối” ở Biển Đông thì không ai bảo đó là do Mỹ. Họ sẽ nói rằng chính Trung Quốc mới là người “tạo ra rắc rối” vì những tuyên bố của họ về “đường chín đoạn” trên Biển Đông xâm phạm vùng biển của các nước xung quanh dẫn đến rắc rối giữa Trung Quốc với các nước liên quan về chủ quyền lãnh thổ. Chính những hành động của Trung Quốc như lấn biển, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa các đảo đã xây mới gây ra rắc rối khiến cả cộng đồng quốc tế quan ngại. Cái sự “rắc rối” ấy là do Trung Quốc gây ra trước, một phần nào đó đã đụng đến quyền lợi của Mỹ, buộc người Mỹ phải lên tiếng và hành động. Đó như là một sự tất nhiên không cần tranh cãi.
Thứ hai, trong mối quan hệ giữa các nước với nhau, có quan hệ thân mật như bạn bè, đồng minh, liên minh, liên kết hay nhạt nhẽo hơn thì cũng là quan hệ làm ăn, đối tác với nhau, xấu hơn nữa là quan hệ thù nghịch. Khi quan hệ thân mật thì người ta bênh nhau, thậm chí bảo vệ nhau; khi quan hệ thù nghịch, người ta ghét nhau, chửi nhau… Âu cũng là lẽ thường tình. Quan hệ Mỹ với Philippines là quan hệ gì? Người ta kết đồng minh với nhau hàng mấy chục năm nay, người ta có cả Hiệp ước phòng thủ chung từ năm 1951 đến giờ. Thế mà Trung Quốc lại đòi đưa bãi cạn Scarborough của Philippines vào vùng chủ quyền của mình; đưa tàu hải giám, hải cảnh ra xua đuổi tàu cá và ngư dân cũng như tàu công vụ của Philippines ở vùng biển đó, rồi đe nẹt này nọ đối với Philippines. Vậy thì Hiệp ước phòng thủ chung Philippines ký với Mỹ để làm gì và Mỹ im lặng làm ngơ thì mới là chuyện lạ vì người ta sẽ ngờ rằng Mỹ “đi đêm” với Trung Quốc mà bỏ rơi Philippines. Nếu như thế, Mỹ đã chẳng phải là đồng minh của Philippines. Thử hỏi một đồng minh nào đó của Trung Quốc cũng bị bắt nạt như vậy thì Trung Quốc có khoanh tay đứng nhìn không? Mình gây rắc rối với bạn của người ta, sao trách người ta gây rắc rối cho mình. Thế cho nên, khi ông Pompeo tuyên bố “…bất cứ cuộc tiến công vũ trang nào nhằm vào máy bay hay tàu công vụ của Philippines trên Biển Đông đều kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ chung theo điều 4 Hiệp ước phòng thủ chung của chúng ta” thì truyền thông quốc tế không trách gì Mỹ, người ta chỉ ghi nhận rằng “đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai tuyên bố ý định bảo vệ Philippines tại Biển Đông”. Như vậy, người Mỹ đang làm điều mà nhiều người khác cho là phải.
Thứ ba, Mỹ cũng không phải là người dễ bị bắt nạt khi ông Trump tuyên bố “nước Mỹ trên hết”. Điều đó có nghĩa là quyền lợi của Mỹ, lợi ích của nước Mỹ phải là trên hết, phải được coi trọng. Biển Đông đương nhiên có liên quan đến lợi ích giao thông hàng hải, hàng không sống còn của cả thế giới, trong đó có Mỹ. Chưa kể là cả lợi ích làm ăn với các nước ở Biển Đông. Thế mà Trung Quốc nay thì nhận “đường chín đoạn” là vùng biển lịch sử của Trung Quốc, mai thì bảo “tứ sa” gồm Đông Sa, Trung Sa, Tây Sa và Nam Sa là thuộc chủ quyền Trung Quốc. Rồi hết tập trận lại kiểm soát hoạt động bình thường của các nước trong khu vực. Mấy chục năm nay, Mỹ thường xuyên phải phái tàu khu trục, tàu ngầm, thậm chí cả tàu sân bay vào Biển Đông để tiến hành hoạt động tuần tra bảo vệ tuyến đường giao thông trên. Từ đầu năm 2019 đến nay, Mỹ đã hai lần phái tàu chiến vào Biển Đông để tiến hành “bảo vệ tự do hàng hải” rồi. Lần thứ nhất là ngày 07/01 với tàu khu trục USS McCampbell và lần thứ hai vào ngày 11/02 với 02 tàu chiến khác. Nếu những hành động như trên của Mỹ đe dọa đến an ninh của nước nào đó trong khu vực thì mới là “tạo ra rắc rối” và sẽ bị cả cộng đồng quốc tế lên án, nhất là những nước có chủ quyền ở Biển Đông đã kiện Mỹ đến tổ chấy rồi chứ đâu chịu ngồi yên cho họ tự tung tự tác, cho dù Mỹ là nước lớn đi nữa. Nhưng mấy chục năm nay, có ai bảo rằng Mỹ “tạo ra rắc rối” ở Biển Đông đâu hay chỉ có Trung Quốc nói thế.
Công bằng mà nói, trước đây, Mỹ với vai trò “sen đầm” quốc tế, thời “chiến tranh lạnh” thì quả là họ có gây ra rắc rối cho nhiều quốc gia. Đơn cử như việc Mỹ gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” ở Biển Đông của Việt Nam rồi từ đó kiếm cớ để tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam bằng không quân, mở rộng chiến tranh ra toàn bộ lãnh thổ Việt Nam là hành động gây rắc rối; hay như sự kiện Mỹ đứng sau giật dây cho Lon Nol ở Campuchia gây ra đảo chính lật đổ ông Hoàng Sihanouk hòng dựng lên chính quyền tay sai ở Campuchia nhằm mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương cũng là hành động gây rắc rối. Để rồi Mỹ gỡ mãi mới thoát ra được. Nhưng ngày nay, dường như thời thế đang thay đổi. Hành động của Tổng thống Mỹ cùng ông Pompeo đến Hà Nội cuối tháng 2 vừa qua để gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un nhằm giải quyết vấn đề hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được cả thế giới dõi theo và hy vọng sẽ đem lại hòa bình cho cả khu vực Đông Bắc Á. Thế mới biết, dân gian nói câu “sông có khúc, người có lúc” không phải sai.