Thủ tướng Ý Giuseppe Conte từng mập mờ nói về việc Rome có thể ký các thỏa thuận gia nhập sáng kiến Vành đai – con đường do Trung Quốc dẫn dắt.
Giới lãnh đạo Trung Quốc đang rất cần một thành tựu nổi bật để chứng minh sức hấp dẫn của sáng kiến Vành đai – con đường trước thế giới. Và Ý có thể là cái tên sẽ được nhắc đến nhiều tại Bắc Kinh vào tháng 4 tới.
Còn khoảng một tháng nữa sẽ đến hội nghị thượng đỉnh Vành đai – con đường (BRI) lần 2 – sáng kiến kết nối hạ tầng và thương mại mang đậm ý chí cá nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Chuyến thăm cấp nhà nước đến Ý từ ngày 22 đến 24-3 được dự báo sẽ đem về nhiều trái ngọt cho ông Tập khi Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã mập mờ nói về việc Rome có thể ký các thỏa thuận gia nhập BRI do Trung Quốc dẫn dắt.
Ý là một nền kinh tế lớn, một điểm đến đầu tư tuyệt vời. Chính phủ Ý không cần phải cho Trung Quốc mượn tính chính danh để bảo vệ cái dự án hão huyền của họ.
Người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia của Nhà Trắng Garrett Marquis kêu gọi ngày 9-3
Vì sao là Ý?
Sau một năm căng thẳng thương mại với Mỹ cùng nhiều con số dự báo, phân tích kém lạc quan về nền kinh tế số 2 thế giới được phương Tây đưa ra, Bắc Kinh đang cần một minh chứng đủ sức thuyết phục và trấn an những nước đã tham gia BRI.
Qua chuyến thăm Ý của ông Tập, có thể thấy Bắc Kinh đang nỗ lực tiếp cận chính phủ mới mang màu sắc dân túy tại Ý nhằm kêu gọi sự ủng hộ cho BRI.
Còn nhớ, cách đây hai năm, tại thượng đỉnh BRI đầu tiên vào tháng 5-2017, sáu nước châu Âu bao gồm Đức, Pháp, Anh, Hi Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia đã từ chối ký vào tuyên bố chung khi kết thúc hội nghị. Đó là một tín hiệu mà châu Âu muốn gửi đến Bắc Kinh vì sự thiếu minh bạch trong sáng kiến.
Nhưng nay, nếu thuyết phục thành công Ý – nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực eurozone (không tính Anh sắp rời EU) và thành viên G7, người Trung Quốc sẽ ở vị thế khác trong các cuộc nói chuyện với châu Âu và những nước khác về BRI.
“Với tất cả những biện pháp phòng ngừa cần thiết, việc Ý gia nhập một con đường tơ lụa mới sẽ đem lại nhiều cơ hội cho đất nước của chúng ta”, Thủ tướng Conte nói trong hội thảo chính sách đối ngoại tại thành phố Genova ngày 9-3.
Thủ tướng Conte, người đứng đầu một chính phủ liên minh có xu hướng hoài nghi về EU, cam kết sẽ đưa các giá trị chuẩn mực của EU vào BRI khi đến Bắc Kinh tham dự hội nghị thượng đỉnh lần 2 tháng tới.
Từ đây đến ngày ông Tập thăm Ý không còn xa, nhưng có các dấu hiệu cho thấy chính phủ của ông Conte vẫn chưa thực sự thống nhất về kế hoạch gia nhập BRI, chẳng hạn một thỏa thuận khung sơ bộ hay hợp đồng, ràng buộc hay không ràng buộc.
Một nguồn tin ngoại giao Ý tiết lộ Rome đang đứng trước các áp lực rất lớn từ Bắc Kinh để ký một biên bản ghi nhớ về việc này, trong lúc phải lựa lời để giải thích với Mỹ.
Ra sức bảo vệ BRI
Kể từ khi được Chủ tịch Tập Cận Bình giới thiệu lần đầu tiên năm 2013, BRI luôn nhận được cái nhìn hoài nghi từ phương Tây. Những chỉ trích, cáo buộc rằng sáng kiến mà Trung Quốc đưa ra thực chất là cái bẫy nợ buộc nước khác phải nghe theo và giao nộp những vị trí địa chiến lược luôn ra rả cho đến tận hôm nay.
Hai ví dụ điển hình nhất mà phương Tây hay đưa ra cho cái họ gọi là “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh là Pakistan trong Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan và Sri Lanka thuộc Con đường tơ lụa trên biển.
“Nợ quốc tế không phải là vấn đề gì mới mẻ cả. Việc mức nợ của một nước tăng lên là kết quả của việc nợ chồng nợ trong suốt thời gian dài” – Thứ trưởng thương mại Trung Quốc Tiền Khắc Minh bình luận về các chỉ trích nói việc gia nhập BRI đã khiến các nước nợ như chúa chổm. Lấy Pakistan làm ví dụ, ông Tiền cho biết 42% nợ của nước này là nợ các tổ chức đa phương, trong khi nợ Trung Quốc “chỉ vào khoảng 10%”.
“Ai thực sự cần tiền thì mới sẵn sàng đi vay, đi mượn. Đứng ở khía cạnh người cho vay, miễn là quan hệ với người vay tốt, tiền bạc được bảo đảm rõ ràng thì người ta cũng sẵn sàng cho mượn. Tôi nghĩ những người đứng ngoài đừng nên lo chuyện của kẻ mượn, người cho vay” – ông Tiền nói đầy ẩn ý trong cuộc họp báo ngày 9-3.
Một ngày trước các tuyên bố của ông Tiền, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp tục trấn an, khẳng định BRI “tuyệt đối không phải là một cái bẫy nợ” hay “công cụ địa chính trị” của Bắc Kinh.