Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHải chiến Gạc Ma là minh chứng hùng hồn cho lòng yêu...

Hải chiến Gạc Ma là minh chứng hùng hồn cho lòng yêu nước và ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc

Ôn cố tri tân. Trận hải chiến Gạc Ma cho thấy ý chí quật cường bảo vệ bằng được chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Ý chí này cần hun đúc và cùng với luật pháp quốc tế là một trong các vũ khí hữu hiệu để Việt Nam đối phó với Trung Quốc có sức mạnh vượt trội.

Những hòn đảo, mỏm đá, rặng san hô ngầm dưới biển ngoài khơi xa, nhất là ở Hoàng Sa và Trường Sa, là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Các đảo, đá ở đây có ý nghĩa phòng thủ chiến lược, là không gian sinh tồn che chắn phần sườn phía Đông của đất nước. Đây cũng là không gian mở để Việt Nam vươn ra với thế giới theo hướng biển. Nếu bị chặn lại, hoặc bị một quốc gia nào chiếm đóng và bao vây thì con đường Việt Nam ra với thế giới bị thu hẹp lại. Chính vì lẽ đó, quân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ cho bằng được nơi biên cương hải đảo này.

Cuộc chiến không cân sức

Nhân lúc Việt Nam vừa thống nhất đất nước, đang nỗ lực tìm cách củng cố, phát triển đất nước đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, trong khi tình hình Liên Xô và khối xã hội chủ nghĩa khủng hoảng chính trị trầm trọng, Trung Quốc nhăm nhe thôn tính Trường Sa. Sau khi chiếm đóng trái phép Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Xu Bi và Tư Nghĩa, từ đầu tháng 3/1988 Trung Quốc huy động hai hạm đội trên dưới chục tàu chiến hoạt động tuần tra, tuần tiễu bất thường ở Trường Sa.

Trước tình hình đó, hải quân Việt Nam nhận định Trung Quốc có thể chiếm một số đảo đá ở Trường Sa, trong đó Gạc Ma giữ vị trí quan trọng. Nếu bị Trung Quốc chiếm giữ, đường qua lại và tiếp tế ra các đảo đá của Việt Nam sẽ bị khống chế. Do đó, ngày 12/3/1988 tàu HQ605 từ Đá Đông được điều đến đóng tại Len Đao cắm cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền. Ngày 13/3/1988, tàu HQ604 và tàu HQ505 từ đảo Đá Lớn được điều đến bảo vệ Gạc Ma và Cô Lin.

Trận chiến diễn ra ác liệt và không cân sức. Quân Trung Quốc vác AK và lưỡi lê tràn lên hàng ngang trong khi lính công binh Việt Nam chỉ có cuốc chim và xẻng. Quân Trung Quốc nã đạn thảm sát các chiến sỹ Việt Nam bảo vệ cờ Tổ quốc trên đảo. Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn huy động nhiều tàu hộ vệ trang bị pháo 100 ly bắn phá vào tàu và cán bộ chiến sỹ Việt Nam. Kết cục là ba tàu hải quân Việt Nam bị bắn chìm, cháy; 64 chiến sỹ Việt Nam hy sinh. Các chiến sỹ Việt Nam đã không giữ được Gạc Ma, nhưng bảo vệ được Len Đao và Cô Lin, quan trọng hơn là chặn đứng bước đường bành trướng của Trung Quốc về phía Tây Trường Sa.

Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Trận chiến Gạc Ma quy mô tuy nhỏ (so với các cuộc chiến chống các triều đại phong kiến Trung Hoa xâm lược, chống thực dân Pháp đô hộ hay chống đế quốc Mỹ xâm lược) nhưng cần khắc ghi vì có ý nghĩa lớn. Trận chiến là minh chứng hùng hồn cho lòng yêu nước và can đảm của quân dân Việt Nam. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, thiên lệch về sức mạnh so với kẻ thù, quân dân Việt Nam vẫn kiên quyết bám trụ để bảo vệ bằng được chủ quyền và quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh phức tạp của tranh chấp Biển Đông ngày nay do sức mạnh của Trung Quốc vượt trội trong khi áp dụng chiến thuật tinh vi nhằm mở rộng kiểm soát không gian Biển Đông và luôn có ý đồ độc chiếm vùng biển này. Thay vì gây chiến tranh nóng, Trung Quốc tìm cách thay đổi nguyên trạng bằng lực lượng bán quân sự gồm lực lượng chấp pháp biển và dân quân biển để tiến hành cái gọi là “bảo vệ quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc” nhưng thực chất là xâm nhập và dần dần gặm nhấm, phong toả và kiểm soát vùng biển và các cấu trúc nằm trong đường lưỡi bò, nhất là những nơi do các nước khác quản lý. Ví dụ điển hình là vụ phong toả Scarborough 2012 (4/2012), ngăn cản Philippines tiếp tế đơn vị đồn trú ở Cỏ Mây (3/2014), xâm nhập vùng biển Natuna của Indonesia và Nam Luconia của Malaysia (3/2016). Trong một số trường hợp, Hải quân của Trung Quốc cũng tham gia tác chiến cùng lực lượng hải cảnh và dân quân biển như vụ hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014 (5-7/2014), tập trận tuyên thệ bảo vệ chủ quyền ở bãi cạn James cách bờ biển Sarawak của Malaysia 80 dặm (01/2014)…

Trung Quốc đồng thời ồ ạt cải tạo các cấu trúc trên Trường Sa đánh chiếm trái phép năm 1988, gồm Gạc Ma, biến thành các tiền đồn lưỡng dụng phục vụ phát huy sức mạnh ra khắp Biển Đông. Trung Quốc xây dựng các cảng biển nước sâu phục vụ quân sự, hầm trú máy bay gồm máy bay ném bom tầm xa, điều động tên lửa đối không và đối hải tiên tiến, xây dựng các trạm ra-đa tần số cao, thiết bị quân sự gây nhiễu sóng,… Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, Trung Quốc giờ có đủ khả năng kiểm soát và phát huy sức mạnh ra toàn bộ Biển Đông trong chuỗi đảo thứ nhất và đang vượt ra chuỗi đảo thứ hai trên Tây Thái Bình Dương.

Sức mạnh của ý chí quật cường và luật pháp quốc tế

Mặc dù vậy, quân dân Việt Nam quyết không nhụt chí, tiếp tục bám trụ để bảo vệ từng tấc đất, từng gợn sóng thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia nơi biên cương hải đảo.

Việt Nam không chủ trương gây sự hoặc mắc bẫy khiêu khích của Trung Quốc vì Trung Quốc sẽ vin cớ để sử dụng vũ lực đánh chiếm các đảo đá thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Trung Quốc luôn lo ngại ý chí quật cường của quân dân Việt Nam, quyết không bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ thế lực ngoại bang nào. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, ý chí ấy đã đánh bại các thế lực Trung Quốc mỗi khi xâm lược Việt Nam. Ý chí ấy đã chặn đứng bước tiến của Trung Quốc ra phía Tây Trường Sa trong trận hải chiến Gạc Ma. Và, ý chí ấy còn được nuôi dưỡng và nâng cao hơn so với tham vọng và sức mạnh của kẻ thù thì sẽ trở thành vũ khí đánh bại kẻ thù dù kẻ thù có lớn mạnh hơn ta nhiều lần.

Đồng thời, ý chí ấy còn được hỗ trợ bởi luật pháp quốc tế càng vững chắc. Việt Nam mạnh hơn Trung Quốc vì có đủ chứng cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên Biển Đông. Trong khi đó, Trung Quốc có sức mạnh vượt trội nhưng các hoạt động trên Biển Đông đều trái với luật pháp quốc tế. Việc chiếm Gạc Ma và các đảo đá ở Trường Sa và trước đó là Hoàng Sa năm 1974 là vi phạm Điều 2 khoản 4 của Hiến chương Liên hợp quốc về cấm sử vụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia khác. Các hoạt động cải tạo đảo, xâm nhập vào vùng biển thuộc quyền tài phán của các quốc gia khác ven Biển Đông không những không tạo ra quyền lợi và chính danh của Trung Quốc trên Biển Đông mà còn vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988 là một lát cắt trong lịch sử Việt Nam và có ý nghĩa lớn trong việc khơi dậy lòng yêu nước. Trận chiến cho thấy ý chí quật cường của quân dân ta. Chúng ta cần hun đúc và nâng cao, cùng với luật pháp quốc tế trong tay sẽ là vũ khí hữu hiệu trong công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới