Saturday, December 21, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTàu chỉ huy hiện đại nhất của Mỹ đi qua Biển Đông:...

Tàu chỉ huy hiện đại nhất của Mỹ đi qua Biển Đông: Tiếp tục thách thức yêu sách chủ quyền phi pháp của TQ

Hãng tin AP cho biết, tàu chỉ huy USS Blue Ridge của Mỹ (13/3) đã đi qua Biển Đông và ghé thăm cảng ở ngoài khơi thủ đô Manila, Philippines nhằm khẳng định mối quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Philippines.

Tàu USS Blue Ridge neo đậu ở ngoài khơi vịnh Manila, Philippines

Hạm trưởng Eric Anduze, chỉ huy tàu USS Blue Ridge cho biết, chuyến thăm lần này của tàu chỉ huy hiện đại nhất Hải quân Mỹ tới vịnh Manila là động thái khẳng định liên minh vững chắc giữa Mỹ và Philippines; đồng thời tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc triển khai tàu và máy bay hoạt động tại “bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép”. Ông Anduze cho biết tàu của Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy “tự do hàng hải” trong khu vực. Dự kiến, chiến hạm Blue Ridge sẽ lưu trú tại Philippines để tham gia các cuộc thảo luận với các quan chức an ninh quốc gia và tướng lĩnh cao cấp của hải quân Philippines.

Theo ông Eric Anduze, Blue Ridge là một tàu chỉ huy và kiểm soát theo nghĩa đen. Sứ mệnh của tàu là cung cấp cho tư lệnh Hạm đội 7, Phó Đô đốc Sawyer, một nền tảng chỉ huy và kiểm soát mà từ đó chúng tôi có thể chăm sóc tất cả các lực lượng trong Hạm đội 7, cho dù đó là hàng không mẫu hạm, khu trục hạm hay bất cứ thứ nào khác.

Theo đánh giá của giới truyền thông, tàu USS Blue Ridge dài 194m, rộng 33m; chở hơn 1.000 thủy thủ, trong đó có 150 người Mỹ gốc Philippines. Mặc dù nhỏ hơn các tàu sân bay đã ghé thăm Philippines thời gian gần đây, tàu Blue Ridge lại sở hữu công nghệ không thể xem thường. Tàu có thiết bị liên lạc tiên tiến nhất trong hải quân Mỹ sau khi ngừng hoạt động trong 2 năm để tu sửa.

Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm khẳng định quan hệ đồng minh với Philippines và cam kết sẽ bảo vệ Manila trước các cuộc tấn công từ Bắc Kinh. Trong chuyến thăm Philippines trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (1/3) khẳng định việc Trung Quốc xây đảo và tiến hành các hoạt động quân sự ở Biển Đông đe dọa chủ quyền, an ninh, kéo theo đó là đời sống kinh tế của Philippines và của Mỹ nữa. Ông Pompeo tuyên bố Mỹ sẽ hậu thuẫn Philippines trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang đối với tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông bởi cuộc tấn công như vậy nằm trong phạm vi nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau theo Điều 4 Hiệp ước Phòng thủ giữa hai nước. Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai khẳng định cam kết bảo vệ lãnh thổ Philippines ở Biển Đông., Ngoại trưởng Pompeo còn cho biết, Mỹ không chỉ hỗ trợ Philippines trong vấn đề này mà cả các nước khác trong khu vực nữa, có như vậy thì các tuyến hàng hải quan trọng ở đây mới luôn được thông thoáng và Trung Quốc không đe dọa đóng chặn các tuyến đường này. Đáng chú ý, trong cuộc gặp với Tổng thống Philippines Duterte, Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc đang sử dụng sức mạnh của mình theo nhiều cách nhằm ngăn cản tự do hàng hải ở khu vực, đồng thời cho biết Washington có chiến lược an ninh quốc gia để đối phó với vấn đề này.

Đáng chú ý, ngay trong những tháng đầu năm 2019, Mỹ liên tục điều tàu chiến tuần tra, tập trận ở Biển Đông cho thấy quyết tâm của Washington trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức các yêu sách “chủ quyền” phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Mới đây, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton (10/3) chỉ trích Trung Quốc đi ngược lại với mọi cam kết do họ (Trung Quốc) đưa ra trước đây về việc tiến hành đàm phán hòa bình để giải quyết tuyên bố chủ quyền, họ đang chiếm giữ các đá, bãi cạn và đảo, đồng thời xây dựng các căn cứ quân sự trên đó (Biển Đông); tố cáo Trung Quốc đang “toan tính tạo lập tỉnh mới” thông qua việc xây dựng đảo ở Biển Đông. Theo ông John Bolton, Trung Quốc “đang chiếm giữ các bãi đá, bãi cạn và đảo ở Biển Đông và xây dựng các căn cứ quân sự trên đó. Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được”; đồng thời cho biết, Mỹ sẽ tiếp tục tìm cách ngăn chặn nỗ lực phi pháp này của Trung Quốc. Ông John Bolton cũng cho biết thêm, Mỹ “tiếp tục thực hiện các cuộc diễn tập tự do hàng hải và xem xét những cách khác để ngăn chặn có hiệu quả nỗ lực tạo ra một tỉnh mới của Trung Quốc”.

Trước đó, Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ (7/3) khẳng định Mỹ nhận thức rõ sự gia tăng các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, cho rằng cần phải có phản ứng quốc tế đối với các hoạt động này, trên cơ sở trật tự dựa trên luật lệ, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Để duy trì an ninh khu vực trước các thách thức hiện tại, ông Davidson đề cao vai trò của ASEAN, khẳng định các nước ASEAN có sức mạnh đạt tới thịnh vượng, an ninh, và ngăn chặn các cuộc xung đột khi cùng đoàn kết. Theo ông Davidson, Mỹ và ASEAN chia sẻ sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế và hòa bình giải quyết tranh chấp. Chúng ta cần tăng cường khả năng phối hợp hoạt động và chia sẻ thông tin, đồng thời khẳng định Hải quân Mỹ đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các quốc gia đối tác trong ứng phó với các thách thức an ninh biển. Đáng chú ý, Đô đốc Davidson cho biết đang hướng tới cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ và ASEAN vào cuối năm 2019. Trước đó, ông Davidson (12/2) cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và sẽ có sự tham gia của các đồng minh và đối tác; nhấn mạnh các hành vi của Trung Quốc liên quan đến việc mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng kinh tế lại là mối đe dọa lớn hơn đối với việc duy trì hoạt động tự do lưu chuyển của các luồng người và thương mại. Theo Đô đốc Davidson, hình thức thể hiện rõ nhất ảnh hưởng của Trung Quốc là việc nước này sử dụng các đảo ở Biển Đông để củng cố các yêu sách lãnh thổ ngày càng tăng của mình. Luật pháp quốc tế không công nhận điều này và việc triển khai các hoạt động tự do hàng hải là cách để Trung Quốc biết rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận các yêu sách đó.

Đáng chú ý, trước các tuyên bố và hoạt động của Mỹ ở Biển Đông gần đây khiến Trung Quốc “không hài lòng” và có thái độ “khó chịu”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngang nhiên cho rằng: “Hành vi của một số quốc gia phá hoại tình hình ở khu vực Biển Đông là vô trách nhiệm, cho rằng Trung Quốc vẫn có những tranh chấp nhất định với các bên trong khu vực liên quan đến quyền sở hữu đảo và biển, Trung Quốc chủ trương rằng các tranh chấp này được giải quyết trực tiếp bởi các bên liên quan thông qua những cuộc tham vấn thân thiện. Trong khi đó, một số quốc gia ở xa đang cố gắng phá hoại tình hình. Đây là hành vi rất vô trách nhiệm đối với khu vực này”.

Trước đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (28/2) cho rằng, hiện nay dưới sự nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN, cục diện Biển Đông là “hòa bình, ổn định và tiếp tục phát triển theo chiều hướng tốt”; nhấn mạnh Trung Quốc “tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không mà các quốc gia ở Biển Đông được hưởng theo luật pháp quốc tế”, nhưng kiên quyết phản đối một số quốc gia lấy danh nghĩa “tự do hàng hải” tiến hành khiêu khích quân sự ở Biển Đông; đồng thời lồng ghép khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo và vùng nước xung quanh ở Biển Đông, tình hình Biển Đông đang dần cải thiện; cáo buộc việc các tàu và máy bay của Mỹ “xâm phạm vào vùng nước và không phận các đảo ở Biển Đông không những không được các nước trong khu vực hoan nghênh mà còn ảnh hưởng đến an ninh chủ quyền của Trung Quốc, vi phạm luật pháp, thực tiễn quốc tế, gây nguy hại đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông”. Trung Quốc kiên quyết “phản đối” các hoạt động này; yêu cầu Mỹ tôn trọng “chủ quyền, an ninh của Trung Quốc”, tôn trọng khát vọng chung của các nước trong khu vực về bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông, không gây rắc rối, tạo sóng ở khu vực. Quân đội Trung Quốc sẽ kiên định “thực hiện nhiệm vụ phòng vệ, tiến hành các biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực”.

Trên thực tế, Trung Quốc mới chính là kẻ đang phá hoại hòa bìn, ổn định, thịnh vượng và phát triển trong khu vực. Với yêu sách “chủ quyền” theo “đường 9 đoạn” – đã bị luật pháp quốc tế bác bỏ, Trung Quốc đang ngồi trên luật pháp quốc tế, gây mất đoàn kết, hòa bình và phát triển trong khu vực, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trung Quốc cần chấm dứt ngay những hành vi phi pháp trên, tuân thủ các quy định luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

RELATED ARTICLES

Tin mới