Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích “hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc ở khu vực đường thủy quốc tế”, khẳng định rằng đây không đơn giản chỉ là vấn đề an ninh.
Phát biểu tại Bắc Kinh hôm 13/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định, Trung Quốc đã bắt đầu tham vấn các quốc gia Đông Nam Á về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và kêu gọi các nước không liên quan đứng ngoài các cuộc tranh luận. Thông tin được SCMP đăng tải.
“Các quốc gia trong khu vực có khả năng giải quyết và xử lý vụ việc theo cách riêng của họ”, ông Lục nói, “Các nước bên ngoài khu vực nên kiềm chế, không gây rối và phá vỡ tình thế hòa hợp”. Mặc dù không đề cập cụ thể nhưng ông Lục nói rằng, một “quốc gia bên ngoài” đã nhiều lần tìm cách gây bất ổn, đi ngược lại lợi ích của các nước trong khu vực.
Ông Lục cũng phản bác trước quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và cho rằng đó là những tuyên bố “vô trách nhiệm”.
Trước đó, ông Pompeo đã lên tiếng cho rằng Trung Quốc đang cản trở hoạt động phát triển năng lượng ở khu vực Biển Đông thông qua “các hình thức cưỡng ép”, ngăn cản các quốc gia Đông Nam Á tiếp cận nguồn năng lượng dự trữ trị giá hơn 2,5 nghìn tỉ USD tại vùng biển này.
Phát biểu trước các quan chức và doanh nghiệp năng lượng hàng đầu nước Mỹ ở Houston, Texas, ông Pompeo chỉ trích “hoạt động bồi đắp đảo trái phép của Trung Quốc ở khu vực đường thủy quốc tế”, khẳng định rằng đây không đơn giản chỉ là vấn đề an ninh.
“Bằng cách cản trở phát triển năng lượng ở Biển Đông nhằm cưỡng ép, Trung Quốc ngăn cản các thành viên ASEAN tiếp cận nguồn năng lượng dự trữ trị giá hơn 2,5 nghìn tỉ USD”, ông Pompeo nói.
“Ngược lại, chính phủ Mỹ thúc đẩy an ninh năng lượng đối với các nước Đông Nam Á. Chúng tôi muốn các quốc gia trong khu vực tiếp cận tới nguồn năng lượng của chính họ”.
Phát ngôn của ông Pompeo là mới nhất trong loạt quan điểm chỉ trích Trung Quốc mà ông đưa ra gần đây. Tuần trước, tại Iowa, ông Pompeo đã tuyên bố, các dự án hạ tầng trong khuôn khổ “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc “gần như chắc chắn được thiết kế nhằm phục vụ cho hoạt động tịch thu tài sản để thế nợ”.
Trong cuộc gặp gỡ với các nông dân Iowa (hiện đang bị ảnh hưởng bởi cuộc thương chiến Mỹ – Trung), ông Pompeo còn cáo buộc Trung Quốc đánh cắp công nghệ nhạy cảm “cần thiết cho nông nghiệp”.
Trong phát biểu mới đây ở Houston, ông Pompeo tiếp tục nói rằng Mỹ muốn “tạo quan hệ đối tác” với các nước Đông Nam Á.
“Chúng tôi muốn giao dịch minh bạch, chứ không phải bẫy nợ”, ông Pompeo nói, “Chúng tôi thăm dò có trách nhiệm. Trung Quốc không hành xử với cùng một bộ quy tắc như vậy”. Ông Pompeo cũng lên án Trung Quốc về cái mà ông gọi là “ngoại giao bẫy nợ”, khẳng định các công ty Trung Quốc là bên hưởng lợi duy nhất trong hoạt động đầu tư nước ngoài của mình.
Trung Quốc “thường đưa nhân công của mình, tạo việc làm cho người lao động Trung Quốc hơn là dân bản địa” tại các nước như châu Phi – ông Pompeo nói.
“Trung Quốc đang sử dụng bẫy nợ… để đưa các nước đó vào một tình thế không phải là giao dịch thương mại. Đó là giao dịch chính trị được thiết kế để gây hại và tác động chính trị tới nước mà họ đang hoạt động”.
Ông Pompeo sau đó đã hối thúc ngành công nghiệp dầu khí hợp tác với Washington để thúc đẩy mô hình của Mỹ và trừng phạt những bên mà ông gọi là “các nhân tố tồi tệ”.