Sunday, November 17, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ từ chối cải cách nhân quyền vì ‘điều kiện chưa phù...

TQ từ chối cải cách nhân quyền vì ‘điều kiện chưa phù hợp’

“Không phù hợp với điều kiện quốc gia của Trung Quốc, mâu thuẫn với luật pháp Trung Quốc, thiên vị chính trị hoặc sai sự thật”, đó là cách chính quyền Trung Quốc đã từ chối hàng tá lời khuyến nghị của các chính phủ khác trong cuộc Đánh giá định kỳ toàn cầu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ở Geneva.

Bà Sophie Richardson, Giám đốc vấn đề Trung Quốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), đã đưa ra bình luận này trong một bài xã luận đăng trên Hong Kong HP (HKFP) ngày 15/3/2019.

Hoạt động đánh giá các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc đã đến cao trào vào ngày 15/3, khi chính phủ Trung Quốc giải thích những khuyến nghị nào mà họ sẽ chấp nhận và không chấp nhận thực hiện.

Sau khi “làm mất tích” Thứ trưởng Bộ Công an Mạnh Hồng Vĩ trong khi ông đang làm người đứng đầu Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol vào năm 2018, Trung Quốc đã từ chối hoàn toàn các yêu cầu của các chính phủ khác về việc tham gia một hiệp ước quốc tế về những vụ mất tích, Bắc Kinh nói rằng “cần phải quan sát thêm”.

Trung Quốc cũng tương tự gạt đi hàng tá lời kêu gọi phê chuẩn Công ước quốc tế về nhân quyền và các quyền chính trị được ký vào năm 1998, tuyên bố rằng sau hai thập niên “các điều kiện có liên quan ở Trung Quốc” vẫn chưa “phù hợp” để tuân thủ công ước này, bà Richardson cho biết.

Trung Quốc tuyên bố đã chấp nhận hoặc đang thực hiện 284 trong số 346 khuyến nghị của các quốc gia, nói rằng họ không sử dụng cực hình tra tấn, tôn trọng quyền lợi những người bị giam giữ, bảo vệ tự do tín ngưỡng, bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân, bao gồm cả những luật sư bảo vệ nhân quyền và những người hợp tác với các cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho thấy rõ một bộ mặt khác của Trung Quốc, bà Richardson bình luận.

Doanh nhân Halimbek Shahman, người Kazakhstan, quốc tịch Trung Quốc, đã tự cứa vào cổ mình tại sân bay Uzbekistan nhằm cầu cứu, và từ chối bị dẫn độ về Trung Quốc. (Ảnh: Facebook/ Erkin Azat)

Trung Quốc phớt lờ hàng tá lời khuyến nghị của nhà quan sát độc lập và LHQ về việc cho phép các tổ chức quốc tế tiếp cận khẩn cấp khu tự trị Tân Cương, nơi có khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ khác đang bị giam giữ tùy tiện vì giáo dục chính trị của Bắc Kinh.

Bà Richardson viết trên HKFP rằng Bắc Kinh tìm cách gạt bỏ những quan ngại của cộng đồng quốc tế bằng câu thần chú từ lâu đã vô hiệu: “Trung Quốc kiên quyết phản đối sự can thiệp vào chủ quyền và các vấn đề nội bộ dưới bất kỳ lý do nào”.

Bà Richardson bình luận rằng các quốc gia thành viên LHQ nên hiểu rõ ràng về tuyên bố lạnh lùng đó của Trung Quốc: Đó là sự từ chối mệnh lệnh của Hội đồng Nhân quyền, và nghiêm trọng nhất là “dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ tiếp tục vi phạm nhân quyền hàng loạt ở Tân Cương”.

RELATED ARTICLES

Tin mới