Đúng ngày này 31 năm trước, 64 cán bộ, chiến sĩ quân đội Việt Nam đã hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc trước họng súng của đội quân xâm lược phương Bắc.
Hoạt động tri ân, tưởng niệm 64 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại đá Gạc Ma
Ngày 14/3/1988, khi các tàu vận tải và bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ tại Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) thì 4 tàu Trung Quốc xuất hiện, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở Len Đao và HQ-505 ở Cô Lin, dùng vũ lực cưỡng chiếm Gạc Ma. 64 chiến sĩ dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, mang lại hòa bình cho đất nước. Các anh sẽ mãi sống trong lòng tổ quốc, trong lòng nhân dân.
Sáng 14/3/2019, dòng người lặng lẽ dâng hoa, thắp hương tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma tại khu tưởng niệm ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Trong những người đến tưởng niệm có nhiều đồng đội, thân nhân của các liệt sĩ từ nhiều nơi. Nhiều cơ quan, đoàn thể đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn các anh hùng liệt sĩ. Nhiều người nghẹn ngào khi đứng trước tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” mang biểu tượng “Vòng tròn bất tử” được tạo thành từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma trong trận chiến với hải quân Trung Quốc.
Trong khi đó, đông đảo các cựu binh là bộ đội Trường Sa qua các thời kỳ đã tham gia lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ đã hi sinh trong trận chiến tại bãi đá Gạc Ma tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban liên lạc Bộ đội Trường Sa tại TP Đà Nẵng (thời kỳ 1984 – 1988), xúc động nói: Đúng 31 năm về trước, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hi sinh dưới họng súng của quân Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Lực lượng của ta đã kiên cường, dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Sau phút mặc niệm, đại tá Hoàng Duy Lập, nguyên chỉ huy trưởng đơn vị công binh Hải quân T3, nhắc lại ngày đó, lực lượng hải quân Trung Quốc đã bắn cháy, bắn chìm 3 tàu vận tải của Việt Nam đang bảo vệ tại 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. “64 đồng chí đã hy sinh anh dũng, 11 đồng chí bị thương và 9 người bị quân Trung Quốc bắt. Nhưng chúng ta đã giữ vững được 2 đảo Cô Lin và Len Đao. Chúng ta đã dựng nên một vòng tròn bất tử khẳng định chủ quyền thiêng liêng ở quần đảo Trường Sa là của Việt Nam. Mong các anh nở nụ cười nơi chín suối, linh hồn được siêu thoát ngàn thu”.
Trước đó, tối 13/3, hơn 40 cựu binh và thân nhân liệt sĩ trên chuyến tàu HQ604 trong trận chiến đảo đá Gạc Ma cùng rất đông người dân đã cùng về bãi biển thuộc xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thả hoa đăng xuống biển, tưởng nhớ và tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh ngày tại đảo đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cựu binh Lê Hữu Thảo (trưởng ban liên lạc) cho biết: Buổi lễ cũng nhằm để tưởng nhớ đến các đồng chí đồng đội, các Anh Hùng Liệt Sĩ đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, động viên an ủi, xoa dịu bớt phần nào nỗi đau mất mát của các gia đình thân nhân liệt sĩ và động viên tinh thần các cựu chiến binh may mắn sống sót. Cựu binh chúng tôi nêu cao tinh thần đoàn kết đồng chí đồng đội, và một phần trách nhiệm những người còn sống đối với người đã hi sinh, đó là kế tục truyền thống văn hóa cũng là nét nhân văn của người lính Quân đội Nhân dân Việt Nam- người lính Cụ Hồ. Qua đây cũng như muốn nhắc nhở thế hệ trẻ ….”.
Mưu đồ quyết chiếm đóng Gạc Ma của Trung Quốc
31 năm sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép Gạc Ma và 6 bãi đá trong khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc lại một lần nữa bất chấp luật pháp và sự phản đối của dư luận quốc tế, đang tìm cách cải tạo, mở rộng lấn chiếm quy mô lớn, biến rạn san hô ngầm này trở thành đảo nhân tạo với ý đồ từng bước thâu tóm và độc chiếm Biển Đông.
Đá Gạc Ma là rạn san hô nằm ở đầu phía Tây Nam của cụm Sinh Tồn trong quần đảo Trường Sa, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nằm cách rạn gần nhất là đá Cô Lin hơn 3km về phía Đông Nam và được bao quanh bởi vành đai san hô trắng, phần lớn bãi đá này chìm dưới mặt nước. Sau khi sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép bãi đá từ năm 1988, Trung Quốc đã từng bước cải tạo, xây dựng trên bãi đá này những cấu trúc vững chắc và biến nơi này thành một trong những tiền đồn quân sự phi pháp của họ trên Biển Đông.
Kể từ cuối tháng 02/2014, khi quân đội Trung Quốc tiến hành các hoạt động cải tạo, mở rộng và lấn chiếm với quy mô lớn chưa từng có. Hàng chục máy xúc, máy ủi, cần cẩu với cả tá tàu bè lớn nhỏ ngày đêm bơm hút một lượng cát khổng lồ lên Gạc Ma. Hiện tại, phía Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng trên diện tích 13,2 ha ở bãi đá Gạc Ma. Bên cạnh đó, họ còn nạo vét luồng theo hướng Bắc – Nam với chiều dài 900 – 1.000 m, rộng khoảng 250 – 400 m thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía Bắc. Các công trình của Trung Quốc được xây dựng cấp tập từ giữa năm 2013, đến nay đã hoàn tất và đưa vào sử dụng, gồm: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27m gồm 8 tầng, tại 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai – lỗ bắn. Trên nóc nhà bố trí 2 ra đa hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay có quả cầu che, cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác. Trên tầng 6 của tòa nhà, phía Trung Quốc lắp ra đa điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 của tòa nhà được lắp 2 bệ pháo 30 mm (7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76 mm. Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng Đông Bắc luôn có quân nhân trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và họ chỉ chui ra khỏi bệ pháo khi đổi ca trực. Trung Quốc còn xây dựng trái phép 2 tháp ra đa đối không – đảm bảo bay cho máy bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin năng lượng mặt trời, 1 ngọn hải đăng cao 50m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km… Hiện, họ đã hoàn tất và đưa vào sử dụng trái phép 1 bãi đáp trực thăng ở phía Đông Nam với diện tích 33 x 33 m, 1 cầu cảng ở phía tây bắc của bãi với chiều dài khoảng 100 m và đặc biệt là xây dựng 1 bến nghiêng rộng 20 – 30m, các loại xe vận tải, xe bánh xích, xe bánh lốp dễ dàng cơ động lên đảo từ những tàu vận tải đổ bộ, chở quân…
Đáng lo ngại hơn, những gì đang diễn ra ở Gạc Ma chỉ là một phần điển hình trong kế hoạch rộng lớn, tham vọng và phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông. Trung Quốc cũng đang tiến hành cải tạo, lấn chiếm quy mô lớn ở các đá Châu Viên, Huy Gơ, Gia Ven và Xu Bi… Đây thực sự là những nguy cơ đe dọa đối với hòa bình, ổn định của cả khu vực Đông Nam Á và Đông Á.
Những hoạt động ngang ngược trên của Trung Quốc không chỉ vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982), mà còn tạo ra một thực trạng mới hết sức nguy hiểm ở Trường Sa và Biển Đông. Một khi Trung Quốc hoàn thành việc mở rộng lấn chiếm và bố trí lại lực lượng của họ ở khu vực, sẽ tạo ra một tương quan lực lượng mới rất nguy hiểm với ưu thế vượt trội về mọi mặt thuộc về Trung Quốc.
Nhìn chung, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển phụ cận là một phần lãnh thổ, lãnh hải hợp pháp của Việt Nam, đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là phi pháp, vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc.