Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaSự can dự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương:...

Sự can dự của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương: Từ Chính quyền Obama đến Chính quyền Donald Trump (Phần 2)

Trong những năm gần đây, châu Á – Thái Bình Dương luôn chiếm vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ, nhất là từ thời Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma và hiện nay là Tổng thống Đô-nan Trăm. Dù biểu hiện dưới các hình thức khác nhau, song sự can dự của Mỹ đối với khu vực này là một trong những trọng điểm mà Mỹ theo đuổi.

Chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của Chính quyền D. Trump: Tìm lời giải về lý thuyết quan hệ quốc tế

Sau khi lên nắm quyền, Tổng thống D. Trump đã sớm “khai tử” chính sách “Tái cân bằng” tại châu Á – Thái Bình Dương. Ngày 13-3-2018, quyền Trợ lý Ngoại trưởng về Đông Á – Thái Bình Dương Susan Thornton công khai tuyên bố, “xoay trục” hay “tái cân bằng” là những từ ngữ để miêu tả chính sách châu Á của Chính quyền tiền nhiệm, đồng thời cho biết, Chính quyền D. Trump sẽ có công thức riêng với châu Á, dù khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục can dự tích cực tại khu vực này.

Đến tháng 4-2018, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức công khai Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Mặc dù các trụ cột của Chiến lược đến thời điểm đó vẫn chưa rõ; song mục đích chính yếu và nhất quán của Chiến lược là nhằm xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”(13). “Tự do” được hiểu là tự do hàng hải, hàng không; không chịu sự cưỡng ép, được hưởng quyền tự quyết chính sách độc lập; bảo đảm quyền tự do của con người. Trong khi đó, “rộng mở” hàm nghĩa các tuyến đường hàng không, hàng hải và các kênh giao tiếp mở; phát triển mở kết cấu hạ tầng để thúc đẩy hội nhập và tăng trưởng kinh tế; kích thích đầu tư và thương mại mở. Ba tháng sau, vào ngày 30-7-2018, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có bài phát biểu đáng chú ý tại Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương được tổ chức ở Thủ đô Washington(14), qua đó góp phần làm rõ hơn trụ cột kinh tế của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Cụ thể, Mỹ tuyên bố dành 113,5 triệu USD cho các sáng kiến kinh tế mới của Mỹ tại khu vực, triển khai trên ba lĩnh vực chính là kinh tế số, kết cấu hạ tầng và năng lượng. Thứ nhất, về lĩnh vực kết nối số và an ninh mạng, Mỹ khẳng định sẽ hỗ trợ các nước đối tác thông qua viện trợ kỹ thuật cũng như thiết lập quan hệ đối tác công – tư để xây dựng kết cấu hạ tầng số. Mỹ sẽ thiết lập Quỹ tư vấn chuyển giao Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm hỗ trợ các nước đối tác về luật tư trong đàm phán hợp đồng. Thứ hai, Mỹ sẽ phát động sáng kiến EDGE(15) để tăng cường an ninh năng lượng cho các nước đối tác, giúp các nước tận dụng nguồn vốn từ khu vực tư nhân trong lĩnh vực năng lượng. Thứ ba, Mỹ cam kết giúp tăng cường các thể chế quan trọng của khu vực, như ASEAN, sáng kiến kết nối Mỹ – ASEAN (phát động tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN vào tháng 2-2016), APEC, sáng kiến tiểu vùng sông Mê Công (LMI)… 

Tháng 11-2018, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tái khẳng định cam kết của Tổng thống D. Trump về một “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” tự do và rộng mở, trong đó “các nước đều có chủ quyền, mạnh và thịnh vượng”(16); nhấn mạnh an ninh và thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc vào việc tiếp cận “tự do và rộng mở” khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Trên cơ sở thông điệp của Phó Tổng thống Mike Pence, Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương xoay quanh ba trụ cột chính là: 1- Thúc đẩy thịnh vượng chung, thể hiện qua các thỏa thuận tự do thương mại, năng lượng, quan hệ đối tác thành phố thông minh…; 2- Bảo đảm trật tự khu vực an toàn và hòa bình, gồm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, tự do hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông, đẩy lùi hoạt động khủng bố và cực đoan; 3- Bảo đảm quản trị chính phủ tốt và “xã hội dân sự” (Sáng kiến minh bạch Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương).

Trên thực tế, rất khó xác định lý thuyết quan hệ quốc tế đơn lẻ nào có thể áp dụng chính xác cho chính sách đối ngoại của Chính quyền D. Trump nói chung và chính sách tại khu vực Ấn Độ Dương – châu Á – Thái Bình Dương nói riêng.

Về chủ thể, Chính quyền D. Trump coi trọng xử lý quan hệ với các chủ thể quốc gia, đặc biệt là các chủ thể đang thách thức về kinh tế, an ninh – chiến lược của Mỹ tại khu vực. Với chủ trương “nước Mỹ trên hết”, Chính quyền của Tổng thống D. Trump có xu hướng hướng vào trong, đặc biệt là xu hướng bảo hộ mậu dịch để bảo vệ nền kinh tế trong nước trước những thách thức từ bên ngoài, đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính quyền D. Trump liên tiếp áp các mức thuế lên một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Trung Quốc sang Mỹ. Ngày 26-11-2018, Tổng thống D. Trump khẳng định, rất ít khả năng sẽ trì hoãn hoặc hủy kế hoạch áp dụng mức thuế từ 10% đến 25% đối với khối hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc; đồng thời đe dọa tiếp tục áp mức thuế tương tự đối với 267 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu không đạt được thỏa thuận chung tại Thượng đỉnh G20. Với CHDCND Triều Tiên, Chính quyền của Tổng thống D. Trump can dự tích cực trên cả bình diện song phương, đa phương và quốc tế nhằm tiến tới việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Chính quyền Mỹ lại tỏ ra xem nhẹ các tổ chức quốc tế/ khu vực, như Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), Liên hợp quốc. Cho rằng các tổ chức này đã lỗi thời, hoạt động không hiệu quả, Chính quyền của Tổng thống D. Trump tin rằng Mỹ đang phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn các nước khác, kéo theo sự đóng góp tài chính bất công bằng. Tuy nhiên, với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Chính quyền D. Trump vẫn tiếp tục đề cao vai trò của các chủ thể phi quốc gia, đặc biệt là các thể chế khu vực, trong đó có ASEAN với vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, các diễn đàn/Sáng kiến khu vực khác, như ARF, EAS, APEC, LMI…

Về lợi ích quốc gia, trong khi vẫn tiếp tục coi trọng các lợi ích quốc gia về an ninh – chiến lược, Chính quyền Mỹ hiện có thiên hướng đề cao các lợi ích về kinh tế. Về an ninh – chiến lược, Mỹ vẫn tiếp tục thúc đẩy và thắt chặt quan hệ với các nước đồng minh khu vực, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc; tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng với Đài Bắc Trung Hoa (Bộ Ngoại giao Mỹ nhất trí chuyển đề xuất bán lô vũ khí trị giá 330 triệu USD cho lãnh thổ Đài Bắc Trung Hoa lên Quốc hội; một số thượng nghị sĩ đề xuất dự luật ngăn cản các nước đồng minh ít ỏi của Đài Bắc Trung Hoa quay lưng với Đài Bắc Trung Hoa để thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc đại lục), tiếp tục cảnh báo cứng rắn hơn nữa với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông để bảo đảm lợi ích về tự do hàng hải, hàng không của Mỹ tại tuyến đường biển quan trọng này. Tuy nhiên, Mỹ không xao lãng khía cạnh kinh tế, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc – được xác định là đối thủ cạnh tranh chiến lược trong Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ. Chính quyền Mỹ gây sức ép mạnh mẽ về kinh tế, khiến hai nước đứng trên miệng hố “chiến tranh thương mại”. Với khu vực, trụ cột kinh tế của Chiến lược Ấn Độ Dương – châu Á – Thái Bình Dương sớm được làm rõ so với các trụ cột còn lại của Chiến lược. Đạo luật sử dụng hiệu quả hơn các khoản đầu tư phát triển (BUILD), thành lập mới Cơ quan Tài chính phát triển quốc tế (IDFC) nhằm huy động nguồn vốn từ tư nhân, thay vì chỉ sử dụng các khoản tiền của Chính phủ, là những ví dụ điển hình về cạnh tranh đầu tư phát triển tại khu vực, là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc.

Về biện pháp triển khai chính sách, Chính quyền Mỹ hiện có xu hướng áp dụng linh hoạt các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự trong từng trường hợp cụ thể. Với tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Cố vấn An ninh quốc gia của Mỹ John Bolton nhấn mạnh vào tháng 10-2018 rằng, Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận để khẳng định chủ quyền tại Biển Đông; nhấn mạnh Trung Quốc không được tạo “sự đã rồi” ở khu vực tranh chấp; khẳng định Mỹ sẽ không bỏ qua các hành động đe dọa gần các tàu chiến Mỹ trên vùng biển quốc tế để đường biển quốc tế luôn mở; không để Trung Quốc lợi dụng trật tự quốc tế quá lâu. Ngày 13-8-2018, Tổng thống D. Trump đã ký thông qua Đạo luật Chuẩn chi Quốc phòng (NDAA) trị giá 716 tỷ USD, nhằm tăng cường sức mạnh quân sự Mỹ “chưa từng có” trong lịch sử, theo đó sẽ dành 616,9 tỷ USD cho Lầu Năm góc, 69 tỷ USD cho các hoạt động quân sự nước ngoài và 21,9 tỷ USD cho các chương trình vũ khí hạt nhân. NDAA cho phép chi 7,6 tỷ USD mua 77 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin. Kể từ khi lên nắm quyền, Chính quyền của Tổng thống D. Trump liên tục tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) ở Biển Đông, đáng chú ý bao gồm cả hoạt động trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc lấn chiếm, bồi đắp, tôn tạo ở Biển Đông. Với CHDCND Triều Tiên, việc Tổng thống D. Trump quyết định tiến hành cuộc họp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 6-2018 là cách tiếp cận vượt ra ngoài sự tiên đoán của tất cả các bên, kể cả trong chính nội bộ Mỹ, dù trước đó Tổng thống D. Trump đe dọa về “hỏa lực và cuồng nộ”. Tuy nhiên, trong khi chấp nhận gặp thượng đỉnh, Chính quyền của Tổng thống D. Trump vẫn kiên quyết khẳng định sẽ không giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên cho tới khi nước này tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có kiểm chứng và không bị đảo ngược. Năm tháng sau cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, vừa qua, CHDCND Triều Tiên đã bất ngờ thử nghiệm vũ khí công nghệ cao mới khiến tiến trình xây dựng lòng tin lại càng trở nên khó khăn và khó lường. Câu trả lời cho “bài toán” CHDCND Triều Tiên hiện vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngoài ra, trong khi đề cao hợp tác và hỗ trợ kinh tế các nước đối tác tại khu vực, Chính quyền Mỹ vẫn coi “dân chủ”, “nhân quyền” là một trong những trụ cột cốt lõi của Chiến lược Ấn Độ Dương – châu Á – Thái Bình Dương.

Có nhiều quan điểm khác nhau về chủ thuyết quan hệ quốc tế mà Chính quyền của Tổng thống D. Trump theo đuổi. Tác giả Stephen Martin Walt trên trang điện tử Chính sách đối ngoại (foreignpolicy.com) ngày 17-4-2018 cho rằng, có lý do để tin rằng D. Trump đã trở thành một nhà hiện thực học “kín đáo”, thậm chí là một “cân bằng gia từ bên ngoài”. Để lập luận cho nhận định này, tác giả X.M. Oát cho rằng, thay vì can dự trực tiếp để ngăn chặn các nguy cơ từ bên ngoài có thể tác động đến lợi ích quốc gia của Mỹ, Chính quyền của Tổng thống D. Trump để các nước Trung Đông “tự cứu”. Mỹ chỉ đứng từ ngoài để hỗ trợ về ngoại giao tại Liên hợp quốc và cung cấp trang thiết bị vũ khí. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ “tự cứu” trong một thế giới “vô chính phủ” bằng cách hỗ trợ từ ngoài. Chia sẻ phần nào quan điểm với X.M. Nikola Pijovic trên trang Policyforum.net ngày 30-11-2016 lại cho rằng, Tổng thống D. Trump vừa là nhà hiện thực học, vừa là nhà kiến tạo học. Dưới khía cạnh của chủ nghĩa kiến tạo, các ý tưởng và vai trò cá nhân của chính trị gia với xuất phát điểm là doanh nhân có vai trò quan trọng trong việc nhận định các vấn đề, từ đó tiến tới định hình chính sách đối ngoại. Trong khi đó, bản chất “vô chính phủ” của hệ thống quốc tế và quan ngại về sự tồn vong của quốc gia cũng sẽ giúp thúc đẩy hoặc trì hoãn các lựa chọn chính sách đối ngoại của các cá nhân lãnh đạo.

Trong khi mỗi một cách nhìn nhận lý thuyết quan hệ quốc tế đều có lý lẽ riêng, chính sách đối ngoại của Chính quyền của Tổng thống D. Trump trên thực tế là sự tác động tổng hòa của nhiều lý thuyết quan hệ quốc tế, từ chủ nghĩa hiện thực đến chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa kiến tạo. Dù cách thức triển khai chính sách đối ngoại của Chính quyền của Tổng thống D. Trump có thể linh hoạt, thậm chí là khó lường, song cuối cùng vẫn nhằm bảo đảm mục tiêu “nước Mỹ trên hết”, là “Thành phố trên đỉnh đồi” so với các quốc gia khác.

RELATED ARTICLES

Tin mới