Ngày 18/3, phát biểu trong cuộc họp báo tại Philippines, Phó Đô đốc Phillip Sawyer, Tư lệnh Hạm đội 7 Hải quân Mỹ cho biết, Mỹ sẽ không thay đổi các chiến dịch tuần tra duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông, bất chấp hành động gây hấn của Trung Quốc.
Theo Đô đốc Phillip Sawyer, Mỹ khẳng định hoạt động tuần tra tự do hàng hải sẽ diễn ra tới khi không còn những yêu sách tuyên bố chủ quyền quá đáng ở Biển Đông; nhấn mạnh Mỹ phản đối “cách hành xử thiếu chuyên nghiệp” của Trung Quốc khi điều tàu chiến cắt mặt tàu khu trục USS Decatur hồi tháng 9/2018, khi nó đang di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên đá Ga Ven và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam; cho biết các cuộc tập trận song phương hay đa phương có sự tham gia của hải quân Mỹ với các đồng minh tại khu vực hay bất cứ nơi nào trên thế giới là rất quan trọng.
Được biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Mỹ đã hai lần điều tàu chiến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm ngăn chặn và thách thức các yêu sách “chủ quyền” phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đó, Hải quân Mỹ (7/1) đã cử tàu khu trục trang bị tên lửa hành trình lớp Arleigh Burke USS McCampell tuần FONOP trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Cây, Lincoln và Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm thể hiện thái độ cứng rắn và quyết tâm chống lại các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông, cũng như đáp trả các tuyên bố khiêu khích mới đây của Trung Quốc. Mỹ (11/2) đã cử hai tầu khu trục hạm có gắn tên lửa hành trình USS Spruance và USS Preble tuần tra vùng 12 hải lý bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ, bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo. Đá Vành Khăn là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn Đông 57 hải lý (105,6 km) về phía Đông và cách đảo Vĩnh Viễn 51 hải lý (94,5 km) về phía Nam. Đá Vành Khăn nằm trong số 7 bãi đá ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và ngang nhiên bồi đắp thành đảo nhân tạo trong vài năm gần đây.
Để đối phó với các tuyên bố, hành động của Mỹ ở Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngang nhiên cho rằng: “Hành vi của một số quốc gia phá hoại tình hình ở khu vực Biển Đông là vô trách nhiệm, cho rằng Trung Quốc vẫn có những tranh chấp nhất định với các bên trong khu vực liên quan đến quyền sở hữu đảo và biển, Trung Quốc chủ trương rằng các tranh chấp này được giải quyết trực tiếp bởi các bên liên quan thông qua những cuộc tham vấn thân thiện. Trong khi đó, một số quốc gia ở xa đang cố gắng phá hoại tình hình. Đây là hành vi rất vô trách nhiệm đối với khu vực này”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường (28/2) cho rằng, hiện nay dưới sự nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN, cục diện Biển Đông là “hòa bình, ổn định và tiếp tục phát triển theo chiều hướng tốt”; nhấn mạnh Trung Quốc “tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không mà các quốc gia ở Biển Đông được hưởng theo luật pháp quốc tế”, nhưng kiên quyết phản đối một số quốc gia lấy danh nghĩa “tự do hàng hải” tiến hành khiêu khích quân sự ở Biển Đông; đồng thời lồng ghép khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với các đảo và vùng nước xung quanh ở Biển Đông, tình hình Biển Đông đang dần cải thiện; cáo buộc việc các tàu và máy bay của Mỹ “xâm phạm vào vùng nước và không phận các đảo ở Biển Đông không những không được các nước trong khu vực hoan nghênh mà còn ảnh hưởng đến an ninh chủ quyền của Trung Quốc, vi phạm luật pháp, thực tiễn quốc tế, gây nguy hại đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông”. Trung Quốc kiên quyết “phản đối” các hoạt động này; yêu cầu Mỹ tôn trọng “chủ quyền, an ninh của Trung Quốc”; nhấn mạnh Quân đội Trung Quốc sẽ kiên định “thực hiện nhiệm vụ phòng vệ, tiến hành các biện pháp cứng rắn để bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực”.
Liên quan hoạt động tuần tra tự do hàng hải của Mỹ và các nước đồng minh ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần đưa ra các tuyên bố chính thức. Theo đó, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định Trung Quốc đã sử dụng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và 7 đảo, đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam; nhấn mạnh, với tư cách là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.