Sunday, January 12, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaChiến dịch khảo cổ ở Biển Đông và chiêu trò khẳng định...

Chiến dịch khảo cổ ở Biển Đông và chiêu trò khẳng định “chủ quyền” trên biển của TQ

Trong thời gian qua, những “di chỉ khảo cổ” được nhà cầm quyền và các học giả Trung Quốc sử dụng, nhào nặn để cố biến thành một loại luận cứ chứng minh cho yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Quá trình triển khai hoạt động đầu tư khảo cổ của Trung Quốc:

Trong những năm qua, Trung Quốc đã đào tạo hàng trăm nhà khảo cổ đại dương, xây dựng 3 viện bảo tàng dưới nước và đầu tư hàng triệu đô la vào nghiên cứu. Để tăng cường nghiên cứu khoa học ở Biển Đông, Trung Quốc cũng thành lập Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc năm 2011 đã đưa ra chương trình mang tên “Kế hoạch Biển Đông” kéo dài 8 năm với số vốn đầu tư 190 triệu nhân dân tệ. Kể từ khi chương trình bắt đầu, Trung Quốc đã thực hiện tổng cộng hơn 60 chuyến khảo sát khoa học.

Năm 2005, bằng việc tự chủ về nhân sự thay vì phải dựa vào sự trợ giúp của nước ngoài (1989-1990) hay dựa vào sự hỗ trợ của hải quân (1998-1999) khảo cổ dưới nước của Trung Quốc chính thức tự chủ tiến hành khai quật di sản khảo cổ dưới nước. Trung Quốc đầu tư 30 triệu USD để xây dựng Bảo tàng Con đường tơ lụa bên bờ biển Quảng Châu, trung tâm phát triển du lịch của tỉnh Quảng Đông.

Năm 2007, Trung Quốc chi 45 triệu USD cho việc trục vớt, bảo tồn tàu Nam Hải 1 – tàu chở gốm sứ thời Tống chìm ở độ sâu 27m. Tàu Nam Hải 1 được trục vớt và trưng bày ở “Thủy tinh cung”, gian trưng bày quan trọng nhất của Bảo tàng Con đường tơ lụa. Dựa trên các di vật khai quật được từ tàu Nam Hải 1, người ta xác định chủ tàu không phải người Trung Quốc mà là người Trung Á, chỉ gốm sứ có xuất xứ Trung Hoa. Tuy nhiên, một vở kịch kiểu Titanic, kể câu chuyện thủy thủ đoàn trước khi tàu đắm đã được công diễn.

Năm 2009, trong bối cảnh đẩy mạnh khảo cổ hàng hải, Trung Quốc thành lập Trung tâm bảo vệ di sản văn hoá dưới nước (CCUCHP). Kể từ khi thành lập, CCUCHP đã làm việc với các bộ ngành, kể cả Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công an, Giao thông Vận tải và Cục Quản lý Đại dương, để thành lập “Đội bảo vệ di sản văn hoá dưới nước quốc gia”. Ngoài ra, một trung tâm bảo tồn và nghiên cứu khảo cổ dưới nước đã được thành lập ở Tế Nam, Sơn Đông.

Năm 2013, Trung Quốc mở rộng hoạt động khảo cổ phi pháp đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đây, Trung Quốc đã xác định được khoảng 200 cái gọi là “di sản văn hóa” khác nhau dưới đáy biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Năm 2017, Trung Quốc đưa vào sử dụng Bảo tàng Hải dương Quốc gia đầu tiên tại Thiên Tân, với chi phí xây dựng lên đến 430 triệu USD.

Trung Quốc hiện đang lên kế hoạch xây dựng phi pháp Trạm khảo cổ biển trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà nước này đánh chiếm của Việt Nam.

Trung Quốc tuyên truyền cho rằng đã phát hiện 12 “địa điểm chứa cổ vật văn hóa dưới nước” tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính phủ Trung Quốc cho hay các nhà khảo cổ học đã phát hiện được các đồng tiền xu cổ và đồ gốm từ Ấn Độ và vùng Tây Á trong các đợt nghiên cứu dưới nước mới đây. Những cổ vật này sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp. Đáng chú ý, công tác khảo cổ của Trung Quốc cũng đang được mở rộng đến tận quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc đã xác định được khoảng 200 “khu vực di sản văn hoá” dưới nước ở giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, và đã tiến hành thăm dò khảo cổ trái phép ở Trường Sa kể từ năm 2013.

Âm mưu của Trung Quốc khi tiến hành khảo cổ ở Biển Đông

Trung Quốc luôn cho rằng nơi nào có hiện vật nguồn gốc Trung Hoa, nơi đó là vùng lãnh thổ do người Trung Hoa chiếm cứ và khai thác, bởi họ có ý đồ sẽ hậu thuẫn cho mục tiêu dịch chuyển không gian hàng hải đến toàn bộ dân chúng. Điều đó cho thấy, khảo cổ học dưới nước mang ý nghĩa chính trị trong vấn đề chủ quyền biển đảo quốc gia. Chính vì vậy, mục đích của Trung Quốc tập trung vào khảo cổ học không chỉ là bảo tồn văn hóa, mà quan trọng hơn là nâng cao địa vị cường quốc hải dương của Trung Quốc với thế giới và từng bước độc chiếm Biển Đông.

Khảo cổ cũng là chiêu trò mới của Trung Quốc trong việc tìm kiếm các chứng cứ lịch sử, yêu cầu UNESCO công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” của họ là di sản văn hóa thế giới. Nó thực chất là thủ đoạn ngụy tạo những chứng cứ lịch sử về sự hiện diện, khai phá của cư dân Trung Quốc trên các quần đảo. Việc đưa hàng loạt các tàu khảo sát, khảo cổ và thực nghiệm xuống biển Đông cho thấy, Trung Quốc đang không ngừng đầu tư chế tạo các tàu phục vụ cho hoạt động nghiên cứu lịch sử và khoa học trái phép, nhằm hiện thực hóa âm mưu hết sức nguy hiểm là tranh đoạt chủ quyền lãnh thổ và vơ vét tài nguyên ở 80% diện tích Biển Đông. Thời gian qua, Bắc Kinh đang thực hiện nhiều hoạt động tại các điểm khảo cổ ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong quá trình đề nghị UNESCO công nhận “con đường tơ lụa trên biển” với lý do là bảo vệ các khu vực khảo cổ học ở Biển Đông. Ông Vương Nhất Bình – Giám đốc cơ quan di sản văn hóa tỉnh Hải Nam cho biết, Trung Quốc sẽ thúc đẩy quá trình khai quật những xác tàu đắm tại đảo Hoàng Sa và Quang Ánh thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong hai năm tới. Ông này khẳng định rằng vật liệu xây dựng bằng đá và đục chạm khắc có niên đại từ triều đại nhà Thanh (1644 – 1911) cũng được phát hiện tại khu vực này. Cũng theo ông Vương Nhất Bình, cái gọi là “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc đơn phương thiết lập đã tiến hành chương trình bảo tồn tại hai đảo Cam Tuyền và Đá Bắc, đều thuộc quần đảo Hoàng Sa, vào đầu năm 2014. Ông Vương Nhất Bình cho biết thêm, Trung Quốc thường xuyên thực hiện những khảo sát khảo cổ xung quanh quần đảo Hoàng Sa, sắp tới đây họ còn dự định mở rộng vùng nghiên cứu xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam. “Chúng tôi đang lên kế hoạch về một chương trình khảo sát khảo cổ dưới nước cấp quốc gia, một trụ sở làm việc và một bảo tàng về Biển Đông để bảo vệ “Con đường tơ lụa trên biển”‘, từ đó đưa công trình này vào danh sách đề cử di sản thế giới của UNESCO”.

Ngoài ra, các tàu khảo sát vật lý địa cầu dưới đáy biển này đóng vai trò như những tên “lính tiên phong”, sẽ tiến hành thăm dò, lấy mẫu các tầng đất đá, nghiên cứu cấu tạo các tầng địa chất dưới đáy biển để tìm ra những dấu hiệu cho thấy sự hiện hiện của các mỏ dầu, tạo điều kiện thuận lợi cho các giàn khoan tiến hành thăm dò chất lượng và trữ lượng dầu trong các mỏ ngầm dưới đáy biển. Điều đó cho thấy, chính quyền Bắc Kinh đã lộ rõ chân tướng của một kẻ luôn muốn độc chiếm Biển Đông, nhằm khai thác triệt để nguồn tài nguyên dầu khí phong phú ở vùng biển này, phục vụ cho cơn khát năng lượng của một nền kinh tế hiện đang phát triển quá nóng của Trung Quốc.

Hoạt động tuyên truyền về khảo cố dưới biển của Trung Quốc

Trung Quốc cho xuất bản hàng loạt các ấn phẩm phổ biến khảo cổ học dưới nước, nghiên cứu chuyên sâu về tàu, thuyền, hải dương như công trình khảo cổ dưới nước Tây Sa gắn với vùng Biển Đông của Việt Nam để tuyên truyền về hoạt động khảo cổ, chứng cứ lịch sử của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông.

Trong khi đó, các hãng tin Trung Quốc, cả chính thống và phi chính thống cũng tích cực tuyên truyền, định hướng dư luận trong nước cũng như bên ngoài về các hoạt động khảo cổ hải dương của Bắc Kinh. Đài truyền hình Trung Quốc cũng triển khai nhiều phóng về hoạt động trên để tuyên truyền cho các hành động phi pháp của Bắc Kinh. Đáng chú ý Trung Quốc tuyên truyền cho rằng khảo cổ hàng hải và bảo vệ lịch sử hàng hải của Trung Quốc đã trở thành những công cụ quan trọng trong việc “bảo vệ quyền và chủ quyền” trên biển của Trung Quốc. Nó đồng thời trực tiếp ám chỉ đến những tranh chấp “phức tạp” mà Trung Quốc hiện phải “đối mặt” với các nước láng giềng. Thứ trưởng Bộ Văn hoá Trung Quốc Li Xiaojie từng tuyên bố, khảo cổ biển có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và gìn giữ quyền lợi trên biển của Trung Quốc.

Phản ứng của giới truyền thông và chuyên gia, học giả

Theo nhận định của tờ Nhật báo phố Wall của Mỹ, thông qua các cuộc khảo sát, các nhà khảo cổ Trung Quốc nhằm mục đích củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này tại Biển Đông.

Giới phân tích cho rằng Biển Đông, vốn là một trong những tuyến giao thương sầm uất nhất thế giới, có chứa rất nhiều xác tàu dưới đáy biển trong suốt hai thiên niên kỷ qua, bao gồm tàu cánh buồm Trung Quốc, tàu hàng Ấn Độ và Ả Rập, tàu buôn Hà Lan và Anh, cũng như tàu chiến các nước hồi Đệ nhị Thế chiến. Thực ra, từ mấy thập kỷ nay rồi, các nhà khoa học Trung Quốc cũng như nhiều nước trên thế giới đã quan tâm nghiên cứu và trục vớt, khai thác các con tàu đắm. Tuy nhiên, đa số tàu đắm được khai quật ở Trung Quốc cho đến nay chủ yếu là tàu sông hoặc tàu cận duyên. Rất hiếm khi khảo cổ học Trung Quốc phát hiện được những con tàu đắm vượt biển như con tàu đời Tống mang ký hiệu Hải Nam 1, vừa mới được trục vớt nghiên cứu ở đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Thế nhưng, ông Liu Shuquang – lãnh đạo Trung tâm Quốc gia về di sản văn hóa dưới nước – lại ngang ngược tuyên bố khi nói về các con tàu đắm ở Biển Đông: “Chúng tôi muốn tìm thêm những chứng cứ có thể xác nhận việc người Trung Hoa đã từng đi đến đó và sinh sống ở đó, như là chứng cứ lịch sử giúp công nhận Trung Quốc là chủ nhân đã từng chiếm hữu biển nam Trung Hoa”. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Lê Cát Long tại cơ quan di sản Hải Nam cho biết, các công tác khai quật đến nay vẫn còn hạn chế do khó khăn tài chính, thiếu chuyên gia giỏi, độ sâu của vùng biển khảo sát là 1,2 km

Nhìn chung, cho dù là dưới hình thức nào, vì bất cứ mục đích gì, thì việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động nghiên cứu biển tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là một hành động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam, đi ngược lại với “Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển” năm 1982 (UNCLOS) và “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông” (DOC).

RELATED ARTICLES

Tin mới