Chuyên gia Gopalaswami Parthasarathy, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Pakistan nhận định Trung Quốc dựa vào Pakistan để kiềm chế Ấn Độ, vì vậy việc các tàu chiến, tàu sân bay, tàu ngầm của Ấn Độ hiện diện ở phía Bắc Biển Ảrập hiện nay là thông điệp “cảnh báo” nhắm đến Trung Quốc, chứ không phải Pakistan.
Lực lượng tàu ngầm, tàu chiến và tàu sân bay của Ấn Độ. Nguồn: RT.
Chuyên gia Gopalaswami Parthasarathy nhấn mạnh rằng Ấn Độ không tăng cường năng lực phòng thủ dựa trên những gì Pakistan làm được hay không làm được.Ấn Độ lo ngại hơn đến viễn cảnh Trung Quốc kiểm soát Ấn Độ Dương, vùng biển được xem là cửa ngõ của Ấn Độ.Cùng quan điểm trên, nhà báo quân sự Ấn Độ Shiv Aroor cũng nói rằng hải quân hai nước Ấn Độ và Pakistan không hề tương xứng xét trên số lượng hay sức mạnh hạm đội. Ví dụ như Pakistan không hề có tàu ngầm hạt nhân hay tàu sân bay. Tuy nhiên, nếu chiến tranh trên biển nổ ra giữa Ấn Độ và Pakistan thì chắc chắn Trung Quốc cũng sẽ can thiệp.
Pakistan là một công cụ được Trung Quốc sử dụng để kiềm chế Ấn Độ và để làm điều này Bắc Kinh đã cung cấp cho Pakistan các nguồn lực vũ khí, tên lửa và thậm chí là cả các thiết kế vũ khí hạt nhân. “Bản thân Pakistan không khiến chúng tôi lo ngại. Chúng tôi vượt hơn Pakistan và có thể đối phó với nước này”, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Pakistan nhấn mạnh.
Chuyên gia và các nhà phân tích Ấn Độ đưa ra tuyên bố trên nhằm phản hồi nhận định của một số tờ báo phương Tây, cho rằng động thái huy động hàng chục tàu chiến của Ấn Độ là nhằm “nắn gân” Pakistan.Hàng chục tàu chiến Ấn Độ, bao gồm tàu sân bay INS Vikramaditya và các tàu ngầm hạt nhân, đã hoàn thành cuộc tập trận quân sự và tiến đến gần vùng biển Pakistan hôm 18/3.
Động thái triển khai hàng loạt vũ khí tối tân trên biển của Ấn Độ diễn ra khi nước này đang đối đầu căng thẳng với nước láng giềng Pakistan, một cuộc đối đầu có nguy cơ bùng nổ chiến tranh. Ấn Độ và Pakistan hồi cuối tháng trước đã bắn máy bay của nhau. Vào thời điểm đó, Paksitan đã đóng cửa không phận. Ít nhất 6 sân bay đã bị đóng cửa ở Ấn Độ và một khu vực không phận rộng lớn ở phía bắc thủ đô New Delhi cũng bị đóng, không cho phép các chuyến bay dân sự. Ấn Độ còn cho biết, họ đã xây 14.000 boongker dọc biên giới với Pakistan để chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh. Trung Quốc chắc chắn là nước quan ngại hàng đầu nếu Ấn Độ và Pakistan nổ ra chiến tranh bởi hai nước này nằm áp sát ngay cửa ngõ của Trung Quốc. Một cuộc chiến tranh nổ ra đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến Trung Quốc. Trung Quốc vốn là đồng minh thân thiết của Pakistan. Năm 2017, binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ ở biên giới ở cao nguyên Doklam thuộc dãy Himalaya. Đụng độ xảy ra khi binh sĩ Trung Quốc xây một con đường ở khu vực tranh chấp. Cả Trung Quốc và Ấn Độ sau đó đã rút lực lượng khỏi khu vực này.
Bên cạnh vấn đề biên giới và mối quan hệ với Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc cũng đang có cạnh tranh chiến lược tại khu vực Biển Đông. Trong khi Trung Quốc luôn cho rằng Biển Đông là chủ quyền của riêng nước này và tìm cách ngăn cản sự can thiệp từ bên ngoài thì Ấn Độ cũng khẳng định có lợi ích ở khu vực này về tự do hàng hải, môi trường an ninh và hợp tác dầu khí, kinh tế với các nước Đông Nam Á. Ấn Độ nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm quan trọng của một cường quốc khu vực trong việc tạo ra môi trường hòa bình, ổn định trong vùng biển quốc tế và bảo đảm việc sử dụng vũ lực phải tuân thủ nghiêm pháp luật quốc tế. Chính phủ Ấn Độ thực hiện nguyên tắc nhất quán là không đứng về bên nào trong tranh chấp, song Ấn Độ cũng ủng hộ nguyên tắc đảm bảo an ninh, tự do hàng hải trên cơ sở tôn trọng, thực thi pháp luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), duy trì môi trường hòa bình trong khu vực, phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp. Trong khi giới học giả tại Ấn Độ lại cho rằng, Biển Đông có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ, cùng với đó là mối lo ngại chung của các nước về hoạt động mở rộng, cải tạo và quân sự hóa trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đã phá vỡ nguyên trạng, đe dọa an toàn hàng hải và hàng không quốc tế và các hoạt động thương mại của Ấn Độ. Ngoài ra, Trung Quốc đang coi Biển Đông là bước đệm để gia tăng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương. Việc Trung Quốc triển khai Sáng kiến “Vành đai, Con đường” cũng tạo ra những thách thức nghiêm trọng đối với chủ quyền và lợi ích an ninh của Ấn Độ.