Theo Công ước 1982 về Luật biển, các quốc gia ven biển đều có danh nghĩa pháp lí quy định các vùng biển của mình như nội thủy, lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Khi thực hiện quyền mở rộng biển của mình trong các vùng biển hẹp, các quốc gia có bờ biển tiếp giáp hay đối diện nhau đều có một mối quan tâm chung: phân định vùng biển chồng lấn. Giải quyết tốt vấn đề phân định sẽ góp phần giảm bớt xung đột, tạo môi trường ổn định và phạm vi biển rõ ràng cho phát triển, bảo vệ, quản lí, khai thác tài nguyên thiên nhiên biển. Việt Nam cùng là một trong những quốc gia có vùng biển chồng lấn với các quốc gia khác. Do đó, hoạt động phân định vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam đang là một trong những vấn đề được ưu tiên hàng đầu nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế.
Phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ
Phân định biển là quá trình hoạch định đường ranh giới phân tách hai hay nhiều quốc gia có vùng biển tiếp giáp nhau và không được phân tách bởi biển cả hoặc đáy biển – vùng di sản chung của loài người. Vùng biển thuộc quyền chủ quyền quốc gia là các vùng biển mà tại đó quốc gia có một số quyền nhất định xuất phát từ chủ quyền của các vùng biển bên trong.
Các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam theo Luật biển quốc tế hiện đại
Vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam: Căn cứ vào quy định của Công ước 1982 và văn bản pháp luật trong nước là Tuyên bố ngày 12/5/1977, Điều 4 khoản 2 của Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Việt Nam đã thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong phạm vi vùng biển rộng 12 hải lý tiếp liền với lãnh hải 12 hải lý, tính từ đường cơ sở hiện hành của Việt Nam. Về cơ bản, việc xác định bề rộng cùng tiếp giáp của Việt Nam hoàn toàn có căn cứ và phù hợp với cách xác định của Công ước Luật Biển 1982. Theo pháp luật Việt Nam, việc thực hiện thẩm quyền tài phán trong vùng này được quy định hoàn toàn phù hợp với quy chế pháp lý vùng tiếp giáp trong Luật Biển quốc tế hiện đại và so với Điều 33 của Công ước 1982 thì có thêm quy định về thẩm quyền bảo vệ an ninh trong vùng tiếp giáp lãnh hải. Một trong số biện pháp về kiểm soát an ninh là quy định tàu quân sự muốn vào vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam phải xin phép trước ít nhất 30 ngày (theo Điều 3 và Điều 14 của Nghị định số 30/CP ngày 29/1/1980).
Ngoài ra, trong văn bản pháp luật quốc gia (như Bộ luật hàng hải Việt Nam) có điểm khác với Công ước 1982 là chưa có quy định điều chỉnh về các hiện vật lịch sử – khảo cổ phát hiện ra và trục vớt lên ở vùng này như Công ước đã quy định. Đây là một trong những hạn chế cần được bổ sung vào pháp luật quốc gia Việt Nam khi xây dựng luật về các vùng biển thời gian tới đây.
Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam: Phù hợp với Điều 55 của Công ước Luật Biển 1982, Điều 4 khoản 3 của Luật Biên giới quốc gia năm 2003 xác định: vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải và hợp với lãnh hải thành vùng biển rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, trừ trường hợp điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia hữu quan có quy định khác. Với tư cách thành viên Công ước 1982, trong các văn bản pháp luật quốc gia của Việt Nam đều khẳng định nhà nước Việt Nam có đặc quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế của mình trong các lĩnh vực khái thác tài nguyên sinh vật, không sinh vật, trong nghiên cứu khoa học biển, xây dựng, khai thác đảo nhân tạo hoặc các công trình thiết bị và đặc biệt là trong bảo vệ và chống ô nhiễm môi trường biển.
Liên quan đến việc thực hiện các đặc quyền về kinh tế trong vùng này, pháp luật quốc gia của Việt Nam đã có bước phát triển quan trọng để đảm bảo thực thi chế độ pháp lí của vùng này và thụ hưởng các đặc quyền về khai thác tài nguyên sinh vât. Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản và luật này được sửa đổi, bổ sung, có hiệu lực từ 1/7/2004. Về tổng thể, Luật Thủy sản thực tế đã hình thành được khuôn khổ pháp luật để quản lý hoạt động thủy sản trên các vùng biển thuộc Việt Nam. Ngoài ra, đối với việc đảm bảo thi hành pháp luật trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhằn ngăn ngừa và trừng trị các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng này, pháp luật Việt Nam quy định áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính hoặc hình sự. Việc áp dụng những hình phạt chính như cảnh cáo, phạt tiền (ví dụ: mức phạt áp dụng đối với hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế như các hoạt động thăm dò, khai thác nguồn lợi hải sản, dầu khí, tài nguyên khác có thể đến tối đa là 500 triệu đồng Việt Nam); hoặc những hình phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề…) đã có tác dụng bảo đảm an toàn, an ninh trong vùng đặc quyền kinh tế.
Thềm lục địa Việt Nam: Tuyên bố ngày 12/5/1977 của Chính phủ Việt Nam về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam (điểm 4) và Luật Biên giới năm 2003 (điều 4 khoản 4) quy định: “Thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa mở rộng ra ngoài lãnh hải cho đến bờ ngoài của rìa lục địa mà Việt Nam là quốc gia ven bờ có chủ quyền, quyền tài phán được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, trừ trường hợp điều ước quốc tế giữa CHXHCN Việt Nam và các quốc gia hữu quan có quy định khác”. Ngoài ra, các quần đảo, các đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam đều có các vùng biển tương tự như trong đất liền, trong đó có thềm lục địa. Nếu căn cứ theo địa hình, cấu trúc của thềm lục địa Việt Nam bao gồm 4 khu vực: Vịnh Bắc Bộ; Khu vực miền Trung; Khu vực phía Nam; Khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Riêng tại khu vực miền Trung, do cấu trúc địa hình bờ biển, thềm lục địa tự nhiên ra ngoài khoảng 50km đã thụt xuống độ sâu 1000m, như vậy tại khu vực này, Việt Nam có thể vận dụng quy định của Công ước 1982 đối với dạng thềm lục địa ngắn để kéo dài thềm lục địa pháp lý đến giới hạn 200 hải lý. Còn ranh giới ngoài của thềm lục địa tại các khu vực khác được vận dụng theo quy định của Công ước hoặc trên cơ sở các thỏa thuận với các nước hữu quan để xác định.
Cùng với các hoạt động mang tính chất xác định thềm lục địa pháp lý, Việt Nam thực hiện các hoạt động mang tính lập pháp để tạo cơ sở pháp lý cho việc nghiên cứu khoa học cũng như các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên ở thề lục địa.
Phân định các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam với các quốc gia hữu quan
Phân định với Thái Lan trong Vịnh Thái Lan: Thái Lan và Việt Nam là hai nước có bờ biển đối diện, cùng có quyền mở rộng vùng biển của mình, tạo ra một vùng chồng lấn rộng khoảng 6074km2. Trong vịnh, Thái Lan là nước đầu tiên đã thăm dò và khai thác dầu khí. Ngày 18/5/1973, Thái đơn phương vạch ranh giới ngoài của thềm lục địa Thái Lan trong Vịnh và công bộ các tọa độ của con đường này. Ranh giới này là đường trung tuyến giữa một bên là các đảo quan trọng của Thái Lan như Ko Phangun, Ko Samui và bờ biển Thái Lan… và bên kia là các đảo quan trọng và bờ biển của các quốc gia liên quan như đảo Rong, Xalem của Campuchia, Phú Quốc, Mũi Cà Mau của Việt Nam… Đây chính là yêu sách tối đa của Thái Lan, khai thác việc xác định các “hoàn cảnh đặc biệt” theo điều 6 của Công ước Giơnevơ năm 1958 về thềm lục địa mà Thái Lan là một phê chuẩn. Để vạch ranh giới này Thái đã cố tình bỏ qua các đảo xa bờ như đảo Ko Kra, Ko Losin của Thái, đảo Poulo Wai của Campuchia và quần đảo Thổ Chu của Việt Nam. Đường yêu sách do Việt Nam đưa ra năm 1971 được coi là đường trung tuyến vạch giữa một bên là Hòn Khoai, Thổ Chu và Poulo Wai và bên kia là bờ biển Thái Lan và đảo Ko Phangun, không tính đến các đảo nhỏ Ko Kra và Ko Losin của Thái Lan.
Ngoài vấn đề thềm lục địa, Việt Nam và Thái Lan đều đã đơn phương tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế của mình, Việt Nam với tuyên bố của Chính phủ về các vùng biển ngày 12/5/1977; Thái Lan với tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế ngày 23/2/1981. Cả hai bên đề có tuyên bố về đường cơ sơ: Việt Nam với tuyên bố của Chính phủ về đường cơ sở Việt Nam năm 1982; Thái Lan với tuyên bố về hệ thống đường cơ sở ngày 11/6/1970 và tuyên bố bổ sung ngày 19/8/1992 liên quan tới các đảo đá Ko Kra và Ko Losin. Tuy nhiên các tuyên bố này của hai bên đều không đưa ra một ranh giới thật sự nào của vùng đặc quyền kinh tế hai bên.
Như vậy giữa Thái Lan và Việt Nam có hai vấn đề cần giải quyết: phân định thềm lục địa và phân định vùng đặc quyền kinh tế.
Sau nhiều vòng đàm phán, hai bên đã thỏa thuận đường phân chia ranh giới thềm lục địa cũng chính là đường phân chia vùng đặc quyền kinh tế, thể hiện trên hải đồ là đường thẳng kẻ từ điểm C tới điểm K. Điểm C chính là điểm nhô ra nhất của khu vực khai thác Thái Lan – Malaysia và điểm K nằm trên đường thẳng cách đều Thổ Chu và Poulo Wai thuộc vùng dàn xếp tạm thời của Việt Nam – Campuchia. Ngoài việc hoạch định đường này, hai bên thỏa thuận về các vấn đề khác liên quan đến việc khai thác dầu khí ở đây cũng cơ bản như các quan niệm ở thỏa thuận của vùng khai thác chung Việt Nam – Malaysia.
Phân định với Malaysia trong Vịnh Thái Lan: Trong Vịnh Thái Lan, Việt Nam còn có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với Malaysia với tư cách hai nước có bờ biển đối diện. Do cả hai nước đều đã phê chuẩn và xác định các vùng biển của mình theo tiêu chí của Công ước Luật Biển 1982 nên hình thành vùng chồng lấn với bề rộng 2.800km2. Ban đầu, Malaysia quan niệm đã hoạch định đúng thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền của mình nên từ năm 1986 đã ký ba hợp đồng với các công ty dầu khí nước ngoài mà phạm vi hoạt động khai thác của các công ty này bao trùm lên cả thềm lục địa do Việt Nam yêu sách.
Trước bối cảnh nêu trên, với sự gặp nhau ở những quan điểm cơ bản cho vấn đề tranh chấp giữa hai bên nên ngày 5/6/1992 bản ghi nhớ về khai thác chung đã được ký kết tại Kuala Lumpur. Đây là cơ sở pháp lý quốc tế chủ yếu để hai bên tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác và sử dụng vùng này. Theo thỏa thuận này, một vùng chồng lấn hiện hữu giữa hai bên gọi là “vùng xác định” và loại bỏ ra ngoài các vùng chồng lấn có liên quan đến bên thứ ba trong vùng chồng lấn ba bên Việt Nam – Malaysia – Thái Lan.
Sau khi bản ghi nhớ nêu trên có hiệu lực, thỏa thuận thương mại giữa hai đối tác đại diện của Chính phủ hai nước là Petronas (Malaysia) và Petrovietnam (Việt Nam) đã được ký kết ngày 25/8/1993. Thỏa thuận này quy định một cách khá cụ thể quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên. Cơ chế điều hành hoạt động ở vùng này thông qua Ủy ban hỗn hợp ở cấp cao. Ủy ban này giải quyết các vấn đề cao và thành lập ủy ban điều phối để xác định phần đóng góp của các bên; giám sát hoạt động của các nhà thầu; giải quyết việc cung ứng dịch vụ của hai nước. Với cơ chế nêu trên, hiện nay, các giếng dầu tại các vùng này được khai thác một cách có hiệu quả.
Phân định với Indonesia: Có thể hình dung về vùng thềm lục địa chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia là khu vực này nằm ở phía đông nam Việt Nam và Tây Bắc đảo lớn Borneo của Indonesia. Trong khu vực này, đảo xa bờ nhất của Việt Nam là Côn Đảo, cách bờ biển Việt Nam khoảng 90 hải lý. Khu vực này không có nhiều tiềm năng về tài nguyên cá mà chỉ có tiềm năng về dầu khí ở phía đông. Điểm đáng lưu ý nữa là Indonesia là thành viên của cả hai Công ước Luật Biển 1958 và 1982, còn Việt Nam chỉ là thành viên của Công ước 1982. Ngày 26/6/2003, Hiệp định về phân định thềm lục địa giữa hai nước đã được ký chính thức tại Hà Nội. Hiệp định này có nội dung tương tự như các quy định trong hiệp định ký với Thái Lan và Trung Quốc.
Phân định với Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ: Do Vịnh Bắc Bộ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quốc phòng, an ninh nên khi Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về Luật biển cho phép các quốc gia ven bờ vịnh quyền mở rộng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa đã dẫn đến tranh chấp về biển giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ.
Sau 10 năm (1991-2000) đàm phán giữa hai nước về phân định Vịnh Bắc Bộ theo nguyên tắc công bằng, qua thương lượng hữu nghị hai bên đã đi đến các thỏa thuận về thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế như sau: (1) Đồng ý đường phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ được xác định bằng 21 điểm có tọa độ địa lý xác định nối tuần tự với nhau bằng các đoạn thẳng. Đường phân định từ điểm số 9 đến điểm số 21 là ranh giới giữa vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của hai nước trong Vịnh Bắc Bộ. (2) Đồng ý giành cho Bạch Long Vĩ hiệu lực một vòng cung 15 hải lý tính từ điểm nhô ra nhất của đảo về phía đông và đảo Cồn Cỏ được tính 50% hiệu lực trong phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. (3) Trong trường hợp có các cấu tạo mỏ dầu, khí tự nhiên hoặc cấu tạo mỏ khác hoặc tài nguyên khoáng sản khác nằm vắt ngang đường phân định, hai bên ký kết thông qua hiệp thương hữu nghị để đạt được thỏa thuận về việc khai thác hữu hiệu nhất các cấu tạo hoặc khoáng sản nói trên cũng như việc phân chia công bằng lợi ích thu được từ việc khai thác.
Vấn đề còn tồn tại trong hoạt động phân định các vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam và hướng khắc phục
Tranh chấp tại Biển Đông đã khiến cho khu vực này nằm trong vùng bất ổn vì sự gia tăng sức mạnh quân sự giữa các bên. Trong số những tranh chấp này, đặc biệt nổi lên là cuộc tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện nay, Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam cùng tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Đối với quần đảo Trường Sa, sáu quốc gia và vùng lãnh thổ đều nhận mình có chủ quyền, bao gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam tuyên bố chủ quyền với toàn bộ quần đảo, Philippines, Malaysia và Brunei tuyên bố có chủ quyền đối với từng phần của quần đảo, trừ Brunei, các quốc gia và vùng lãnh thổ đều có sự hiện diện về mặt quân sự trên quần đảo Trường Sa.
Trước năm 1974, tranh chấp tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa này đã xảy ra nhưng không có xung đột lớn. Sau đó thì cuộc tranh chấp đã diễn ra với mâu thuẫn giữa các bên ngày càng tăng và đỉnh điểm là những xung đột về quân sự tại hai quần đảo này. Sau sự kiện vào tháng 12 năm 2007 Trung Quốc cho lập thành phố hành chính Tam Sa trong đó bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà các nước khác cùng tuyên bố chủ quyền các vụ tranh chấp này ngày càng trở nên căng thẳng và làm cho tình hình khu vực này trở nên bất ổn.
Hướng khắc phục: Những tranh chấp trên các khu vực Biển Đông, đặc biệt là khu vực hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thể hiện sự đan xen, cân nhắc thể hiện cả chính sách đối nội và đối ngoại. Các quốc gia không dễ dàng từ bỏ chủ quyền của mình đối với các khu vực này. Chủ quyền đều được mỗi quốc gia quan niệm là đặc biệt thiêng liêng. Chính vì vậy, hiện nay các giải pháp cho việc giải quyết vấn đề chủ quyền cho các bên yêu sách vẫn còn mờ mịt, chưa có lối ra. Để đi đến một giải pháp lâu dài cho cuộc tranh chấp, các quốc gia có liên quan phải sẵn sàng không quá đề cao tinh thần dân tộc, giảm bớt sự nghi kỵ lẫn nhau và chấp nhận nhân nhượng, thỏa hiệp. Điều này sẽ dẫn đến sự hợp tác, cùng có lợi.
Giải pháp 1: đối thoại giữa các bên giải quyết tranh chấp. Một trong những ưu tiên hàng đầu để giải quyết các tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là tăng cường xây dựng lòng tin và thúc đẩy hợp tác trong khu vực. Đối thoại là cần thiết nhưng chưa đủ. Sự minh bạch trong quan điểm, minh bạch trong chính sách cùng với thiện chí là điều kiện tiên quyết cho quá trình tìm kiếm giải pháp lâu dài và công bằng.
Giải pháp 2: giải quyết vấn đề chủ quyền bằng cách đưa tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án quốc tế. Theo điều 287 Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc năm 1982 thì vấn đề tranh chấp này có thể đưa ra Tòa án Quốc tế về Luật biển (thành lập theo Phụ lục VI), Tòa án quốc tế (ICJ), Tòa án trọng tài (thành lập theo phụ lục VII) và Tòa án đặc biệt (phụ lục VIII). Đáng chú ý, việc Tòa Trọng tài thụ lý và đưa ra phán quyết liên quan việc Philippines kiện Trung Quốc liên quan vấn đề Biển Đông có ý nghĩa quan trọng, mở đia hướng đi mới về việc sử dụng pháp lý để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Giải pháp 3: Hợp tác khai thác chung. Khai thác chung không phải là ý tưởng mới trong giải quyết các tranh chấp biển trên thế giới. Mô hình khai thác chung trên thế giới đã được thực hiện từ lâu, điển hình là Hiệp ước Svalbard ngày 19/12/1920, theo đó các bên tranh chấp công nhận chủ quyền của Na uy đối với quần đảo Svalbard, trong khi duy trì quyền tiếp cận hiện hữu của các quốc gia khác đối với quần đảo này nhằm mục đích thực hiện việc khai thác, săn bắt và các hoạt động kinh tế khác. Kể từ khi Hiệp ước này ra đời, trên thế giới đã có khoảng 20 điều ước quốc tế về mô hình hợp tác khai thác chung được ký kết, ví dụ như Thỏa thuận khai thác chung giữa Papua New Guinea và Australia năm 1978, Na uy và Anh ở biển Bắc, Arab Saudi và Sudan, Thailand và Malaysia, Australia và Indonesia, Việt Nam và Malaysia…
Khai thác chung là một thỏa thuận giữa các quốc gia liên quan, nhằm chia sẻ tài nguyên trên các vùng biển chồng lấn. Cơ sở của các thỏa thuận này chính là chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển của quốc gia theo quy định của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thoả thuận về khai thác chung phải được coi là giải pháp tạm thời nhằm giảm xung đột giữa các bên tranh chấp và chỉ nhằm mục đích phát triển nguồn tài nguyên mà thôi. Thỏa thuận này không được làm ảnh hưởng tới yêu sách về chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.
Nhìn chung, trên thực tế hiện nay, hoạt động phân định cùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam trên thực tế còn gặp phải nhiều khó khăn, vẫn còn xảy ra tranh chấp về biển với một số nước hiện nay vẫn chưa được giải quyết . Giải quyết tốt vấn đề phân định biển sẽ góp phần giảm bớt xung đột, tạo môi trường ổn định và phạm vi biển rõ ràng cho phát triển, bảo vệ, quản lí, khai thác tài nguyên thiên nhiên biển. Vì vậy một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu của Việt Nam hiện nay đó là việc giải quyết các tranh chấp trên biển và phân định các đường biên giới biển càng sớm càng tốt.