Thursday, November 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaKế hoạch phát triển “căn cứ hậu cần chiến lược” ở Hoàng...

Kế hoạch phát triển “căn cứ hậu cần chiến lược” ở Hoàng Sa của TQ hoàn toàn trái với pháp luật quốc tế

Việc chính quyền “thành phố Tam Sa” (15/3) công bố kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược” trên các đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn trái với pháp luật quốc tế và các tuyến bố trước đây về không quân sự hóa Biển Đông của giới lãnh đạo Trung Quốc, đồng thời xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mông ở Hoàng Sa (Việt Nam) nơi TQ dự định lập “căn cứ hậu cần”. Nguồn: AP/AMTI/CSIS

Thứ nhất, chủ thể công bố kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược” nói trên là chính quyền “thành phố Tam Sa” vốn do Trung Quốc đơn phương lập ra trái phép và đã bị công luận lên án mạnh mẽ. Tháng 7/2012, Trung Quốc đơn phương tuyên bố thành lập trái phép cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đơn vị hành chính thuộc tỉnh Hải Nam có phạm vi quản lý ba quần đảo ở Biển Đông, trong đó có hai quần đảo đang tranh chấp với Việt Nam là Hoàng Sa và Trường Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa và Nam Sa). Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Hành động nêu trên của Trung Quốc không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phù hợp với nhận thức chung quan trọng của Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc kiểm soát tốt bất đồng trên biển cũng như xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, trái với tinh thần và nội dung của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có lợi cho tiến trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng như việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông và khu vực. Chính vì không có tính pháp lý ngay đối với chủ thể đề ra, nên đã có thể khẳng định kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược” trên các đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng ở Hoàng Sa là hoàn toàn trái phép. Ngoài việc đề ra kế hoạch phát triển “căn cứ” trên là mới nhất, trước đó chính quyền “thành phố Tam Sa” đã thực hiện một loạt hoạt động trái phép như mở các đường bay dân sự và tàu thuyền ra “Tam Sa”, xây dựng các ngọn hải đăng, kêu gọi đầu tư tư nhân, xây dựng đồn giam giữ và “Trung tâm chỉ huy phòng ngự liên hợp Tam Sa”, quân hóa “thành phố Tam Sa”…

Thứ hai, các đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng ở Hoàng Sa nơi Trung Quốc dự kiến phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược”, vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam, song đã bị phía Trung Quốc cưỡng chiếm và kiểm soát cho đến nay. Riêng đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp từ năm 1956 cho đến nay và Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng phi pháp và quân sự hóa đảo. Đảo Phú Lâm được Trung Quốc chọn để đặt trụ sở hành chính của cái gọi là “thành phố Tam Sa”. Hiện nay cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm đã hoàn chỉnh và được tổ chức như một thị xã. Với tham vọng bá quyền, Trung Quốc muốn biến Phú Lâm của Việt Nam thành một trung tâm kinh tế và căn cứ quân sự để làm bàn đạp vươn ra thôn tính toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc đã quân sự hóa quy mô lớn trên đảo Phú Lâm, trong đó đã nâng cấp một đường băng dài 3.000 m và một cảng nước sâu dài 1.000 m, triển khai tên lửa HQ-9 và YJ-62, đặt cạnh các hệ thống radar đe dọa an toàn hàng không khu vực, triển khai thử nghiệm máy bay ném bom chiến lược H-6K, máy bay chiến đấu J-11… Những hành động trên của Trung Quốc đã vi phạm hàng loạt các hệ thống luật pháp hiện hành, bao gồm cả Hiến chương Liên hợp quốc. Cụ thể, hành động của Trung Quốc đã vi phạm khoản 3, 4 trong Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc, Nghị quyết 2625 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 24/10/1970, 7 điều trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Thứ ba, công bố kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược” trên các đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng hoàn toàn trái với các tuyên bố trước đây về “không quân sự hóa Biển Đông” của giới lãnh đạo Trung Quốc. Trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ (25/9/2015), sau khi hội đàm với Tổng thống Mỹ B.Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên cam kết công khai rằng sẽ không “quân sự hóa” các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép trên Biển Đông. Vậy nếu không là phục vụ cho mục đích quân sự, Trung Quốc có cần lên kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược” nói trên? Chính Bí thư “thành ủy Tam Sa” Trương Quân đã nhấn mạnh là kế hoạch xây dựng trên theo đúng tinh thần bài diễn văn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng như một chỉ thị của chính phủ trung ương đưa ra hồi năm 2018 nhân 30 năm ngày thành lập tỉnh Hải Nam. Hành động phản bội cam kết của chính mình đã khiến Trung Quốc hứng chịu nhiều chỉ trích từ công luận. Các nước nhiều lần khẳng định quan ngại sâu sắc về việc xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, cho rằng hành động này “làm gia tăng căng thẳng, phức tạp và leo thang tranh chấp, gây nguy hiểm cho dòng chảy tự do thương mại và làm suy yếu sự ổn định của khu vực”.

          Kết luận: Việc Trung Quốc công bố kế hoạch phát triển “căn cứ quốc gia về dịch vụ và hậu cần chiến lược” trên các đảo Phú Lâm, đảo Cây và đảo Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, DOCgiữa ASEAN và Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực. Dù dưới bất kỳ hình thức nào hay mục đích gì, những hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đều không có giá trị.

RELATED ARTICLES

Tin mới