Tuesday, November 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 25/03/2019

Bản tin Biển Đông ngày 25/03/2019

Bản tin Biển Đông ngày 25/03/2019.

Philippines không ngừng bày tỏ phẫn nộ với Trung Quốc

Ngày 23/3, tờ Philstar đưa tin, Phủ Tổng thống Philippines cho biết các công dân Philippines được quyền tự do bày tỏ “sự phẫn nộ chính đáng” đối với hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông và đưa vụ kiện ra trước Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo khẳng định Chính phủ sẽ không ngăn cản các cá nhân theo đuổi vụ kiện họ đệ trình trước ICC kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì các vi phạm về môi trường cấu thành tội chống lại loài người ở Biển Đông. Tuy nhiên, ông Panelo cũng cho biết, vấn đề về thẩm quyền đối với vụ kiện sẽ phụ thuộc vào ICC. Nhiều người đã lên tiếng ủng hộ việc các cựu quan chức Philippines đâm đơn kiện ông Tập Cận Bình, trong đó có Agnes Callamard – báo cáo viên đặc biệt về thi hành pháp của Liên hợp quốc, Florin Hilbay – cựu Tổng chưởng lý, thành viên tham gia vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Giám mục Arturo Bates – chủ trì Hội nghị Giám mục công giáo của Ủy ban Philippines – Episcopal…

Bắc Kinh âm thầm bành trướng ở Biển Đông

Ngày 23/3, trang Global Risk Insights đăng bài viết của Fabian Bak, Viện Liên minh Châu Âu tại Luxembourg, về việc Trung Quốc gia tăng bành trướng ở Biển Đông. Bài viết cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông vẫn tiếp diễn phức tạp nhưng không nổ ra xung đột, đó là do Bắc Kinh thực hiện chiến lược “chủ nghĩa bành trướng âm thầm”. Theo đó, Trung Quốc đã phát triển các hoạt động ở mức vừa phải, không đủ để tạo ra các làn sóng leo thang quân sự từ các bên khác. Tuy nhiên, kết quả so sánh cho thấy, 40 năm trước, Trung Quốc mới chỉ tham gia vào các hoạt động đánh bắt cá bình thường ở vùng biển hoang sơ rộng lớn, thì nay, Bắc Kinh đã hoàn toàn ngăn cản được các tàu cá và tàu quân sự của các nước bằng các tiền đồn quân sự của Trung Quốc nằm rải rác ở Biển Đông, thậm chí có cả đường băng cấp quân sự trên đảo. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã giành được vị thế nổi bật về chính trị khu vực với việc thể hiện tham vọng và xu hướng bành trướng thông qua sáng kiến “Vành đai, Con đường” bằng cách tăng cường quan hệ gần gũi với các nước ASEAN, trong đó có Philippines. Sự thành công của “chủ nghĩa bành trướng âm thầm” và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã tạo điều kiện thúc đẩy Philippines chuyển hướng liên minh, xích lại gần Trung Quốc. Bài viết cho rằng khó có thể chặn đứng “chủ nghĩa bành trướng âm thầm” của Trung Quốc. Hải quân Mỹ đã và đang thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, áp dụng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc, nhưng tình trạng bế tắc vẫn xảy ra. Chủ nghĩa bành trướng âm thầm vẫn tiếp diễn mà không có hành động mạnh mẽ từ phía Mỹ. Nếu xu hướng này vẫn được duy trì, vị thế của Trung Quốc ở khu vực và trên toàn cầu sẽ trở nên ngày càng quan trọng. Điều này sẽ tạo ra môi trường bất lợi cho các nước láng giềng của Trung Quốc bởi sự chênh lệch về tiềm lực kinh tế so với Bắc Kinh. Có vẻ như các quốc gia nhỏ hơn sẽ cân bằng các tranh chấp lãnh thổ với các lợi ích tài chính của Trung Quốc. Điều đáng lo ngại là các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế đã bị Trung Quốc coi thường và các quốc gia không can thiệp để đề cao các tiền lệ pháp lý. Tuy nhiên, như Tổng thống Philippines Duterte từng nói một cách đơn giản rằng, “bạn có thể làm gì khi Trung Quốc đã nắm quyền sở hữu?”

RELATED ARTICLES

Tin mới