Tờ Sunday Times (Anh) tiết lộ 11 thành viên nội các đang lên kế hoạch lật đổ Thủ tướng Theresa May, và bà sẽ ra đi trong 10 ngày tới và sẽ có người phụ trách Brexit thay.
“Một cuộc đảo chính nội các toàn diện sẽ được tiến hành đêm nay nhằm đẩy bà Therasa May ra khỏi ghế thủ tướng”, biên tập viên phụ trách chính trị của tờ Sunday Times, ông Tim Shipman, viết trong bài viết đăng vào đêm 23-3.
Biên tập viên này dẫn lời một quan chức cấp bộ không nêu tên trong nội các của bà May khẳng định rằng: “Cái kết đã cận kề. Bà ấy sẽ ra đi trong 10 ngày tới”.
Thông tin này xuất hiện chỉ vài ngày trước khi bà May bước vào cuộc bỏ phiếu quyết định đề xuất của bà về việc đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là sự kiện Brexit. Tính đến nay, đã hai lần bà May không thể thuyết phục nội bộ thông qua đề xuất Brexit.
Không chỉ Sunday Times, thông tin về âm mưu lật đổ bà May đã xuất hiện rộng rãi trên những tờ báo ủng hộ Brexit khác như Telegraph và Daily Mail, dẫn nguồn tin rò rỉ từ các bộ trưởng bên Đảng Bảo thủ của bà.
Ông Shipman trong bài viết của mình cho rằng các bộ trưởng nội các đang gây áp lực buộc Thủ tướng rời chức, dẫu bản thân bà không dám đưa ra quyết định cứng rắn để đối diện sự thật ấy. Ông cũng mỉa mai nữ thủ tướng này với lập luận giờ đây chồng của bà nằm trong số rất ít những người còn cổ vũ bà cố gắng ngồi lại vị trí lãnh đạo.
Theo Shipman, người thay thế vị trí bà May để tiếp tục thúc đẩy tiến trình Brexit là ông David Lidington, nhân vật được cho là cánh tay phải của thủ tướng. Ngoài ra, một số người khác cũng cân nhắc đưa Bộ trưởng Môi trường Michael Gove hoặc Ngoại trưởng Jeremy Hunt lên ngồi vào ghế “nóng”.
Tờ Daily Mail trong khi đó nghiêng về phương án ông Gove sẽ được chọn vào vị trí lãnh đạo tạm thời cho đến mùa hè năm nay.
Bà May lên nắm quyền Thủ tướng Anh thế chỗ ông David Cameron năm 2016, như một hệ quả từ việc cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU.
Nữ chính trị gia này chính vì vậy có nhiệm vụ then chốt là đưa nước Anh rời EU thành công, đảm bảo tối đa lợi ích sau vụ “ly hôn” với tổ chức liên minh gồm 28 thành viên này.
Nhưng đến nay, gần như mọi đề xuất của bà May đều không được chấp thuận. Khi đã phần nào thuyết phục được các lãnh đạo EU, thì bà May gặp rắc rối từ nội bộ, kể cả sự phản đối từ các chính trị gia đối lập lẫn trong Đảng Bảo thủ.
Biểu tình lớn ở Anh hôm 23-3 kêu gọi tổ chức bỏ phiếu trưng cầu lại về Brexit. Khung cảnh tại quảng trường Nghị viện Anh – Ảnh: Twitter
Bế tắc kéo dài khiến nước Anh có nguy cơ rời khỏi EU vào ngày 29-3 tới mà không đi kèm một thỏa thuận nào, tức chia tay một cách thẳng thừng không duy trì bất kỳ sợi dây liên kết nào để bảo vệ lợi ích đôi bên.
Việc trì trệ ấy khiến bà May áp lực và nội các của bà cũng càng áp lực. Hôm 23-3, hơn 1 triệu người đã biểu tình đòi bỏ phiếu trưng cầu lại về việc có rời EU hay không.
Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon, người theo quan điểm trưng cầu lần hai, nói với đám đông tại quảng trường nghị viện rằng “Thủ tướng và chính phủ của bà ấy đã hoàn toàn chứng tỏ họ không có khả năng thực hiện kết quả của cuộc trưng cầu (rời EU năm 2016), vốn dĩ là lý do tại sao sẽ là điều đúng đắn khi quyền lựa chọn nên trở về tay nhân dân”.