Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ và tham vọng làm giàu từ Mặt Trăng

TQ và tham vọng làm giàu từ Mặt Trăng

Không giống như các quốc gia khác, tham vọng vũ trụ của Trung Quốc hướng đến mục tiêu làm giàu cho nền kinh tế dựa vào công nghệ vũ trụ của nước này.

Năm 2049 sẽ là năm quan trọng đối với Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa. Đến năm đó, Trung Quốc sẽ kỉ niệm 100 năm thành lập (Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949).

Để chào đón năm quan trọng này, nhiều đời lãnh đạo Trung Quốc đặt ra mục tiêu biến nước này trở thành một “xã hội giàu có trên mọi lĩnh vực” và tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người so với năm 2010 (7.924 USD).

Theo tờ Atlantic, không giống như NASA, cơ quan vũ trụ của Mỹ có mục tiêu khám phá và thực hiện các nhiệm vụ khác về không gian, chương trình vũ trụ của Trung Quốc nhằm đến việc tạo sự giàu có cho nước này thông qua nền kinh tế dựa vào công nghệ vũ trụ.

Hiện nay nền kinh tế dựa vào công nghệ vũ trụ của toàn thế giới đạt giá trị 350 tỷ USD và dự kiến sẽ đạt mức 2,7 nghìn tỷ vào năm 2040. Ngoài ra, trong tương lai ngành khai thác mỏ trong không gian cũng có tiềm năng khổng lồ.

Các nhà khoa học ước tính một hành tình giàu platinum cỡ nhỏ, đường kính dài khoảng 200m, có thể giá trị tới 30 tỷ USD. Tiểu hành tinh 2011 UW158 trôi cách Trái Đất 2,4 triệu km vào năm 2015 được ước tính có lượng platinum trị giá 5.000 tỷ USD.

Trước triển vọng lớn lao đó, Trung Quốc mở đầu tham vọng không gian bằng cách dựa theo mô hình “lá cờ và dấu chân” mà các chuyến tàu Apollo của Mỹ đã thực hiện (theo đó các tàu vũ trụ của Mỹ chỉ đơn thuần tiến hành các cuộc thăm dò đến một thiên thể và quay về Trái Đất).

Trong sách Trắng về các hoạt động vũ trụ được Trung Quốc công bố năm 2016, chương trình vũ trụ được coi là một phần không thể tách rời trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế của nước này.

Trong buổi nói chuyện với các nhà du hành vũ trụ thực hiện chuyến bay trên tàu Thần Châu – 10 tới trạm vũ trụ Thiên Cung – 1 vào năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Giấc mơ không gian là một phần trong giấc mơ xây dựng Trung Quốc mạnh hơn.

Cùng với sự phát triển của các chương trình không gian, nhân dân Trung Quốc sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa trong việc khám phá vũ trụ”. Ngày 24/4/2016 nhân dịp kỉ niệm 46 năm ngày Trung Quốc phóng vệ tinh đầu tiên của nước này (24/4/1970), ông Tập khẳng định: “Khám phá không gian rộng lớn, phát triển ngành công nghiệp vũ trụ và xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc vũ trụ là giấc mơ chúng ta sẽ theo đuổi không mệt mỏi”.

Vậy vũ trụ có những tài nguyên gì mà Trung Quốc khao khát đến vậy?

Sự giàu có của Mặt Trăng

Ước tính trên bề mặt của Mặt trăng có các tài nguyên như chất Thori (nguyên liệu hạt nhân an toàn hơn chất uranium truyền thống), chất magiê, platinum, titan, silicon, nước đá, nhôm và quặng sắt. Năm 2002, Âu Dương Từ Nguyên, chuyên gia trưởng chương trình khám phá Mặt trăng của Trung Quốc, tuyên bố:

“Mặt trăng có thể sẽ là nguồn cung cấp năng lượng và tài nguyên mới cho loài người với trữ lượng khổng lổ. Đây là điều có tính then chốt đối với sự phát triển bền vững của nhân loại trên Trái Đất. Ai chiếm lĩnh Mặt trăng trước sẽ hưởng lợi trước”.

Hồi tháng 1 vừa qua, Trung Quốc đáp tàu vũ trụ Hằng Nga-4 xuống vùng trũng Nam Cực – Aitken – vùng tối của Mặt trăng chưa từng được khám phá – bước đi đầu tiên hướng đến mục tiêu của nước này mở trạm nghiên cứu Mặt trăng vào năm 2035.

Tàu Hằng Nga – 4 còn có hệ thống ra đa có khả năng quét bề mặt của Mặt trăng để tìm kiếm các khoáng sản như quặng sắt. Trung Quốc có vẻ đã xây dựng một kế hoạch khám phá Mặt trăng rất chi tiết. Sun Zezhou, thiết kế trưởng của tàu Hằng Nga – 4 làm việc tại Học viện công nghệ vũ trụ Trung Quốc (CAST) nói:

“Nếu chúng ta muốn xây dựng một trạm nghiên cứu khoa học trên Mặt trăng, chúng ta sẽ phải thực hiện nhiều chuyến bay tới cùng một vị trí để có thể lắp ráp các thiết bị vào nhau, điều đó đòi hỏi khả năng đáp xuống bề mặt của Mặt trăng với độ chính xác cao độ. Nếu Hằng Nga – 4 thực hiện thành công chuyến đi của mình thì đó sẽ là cơ sở cho các chuyến thám hiểm Mặt Trăng và các hành tinh khác”.

Đối với Trung Quốc, xây dựng một trạm nghiên cứu trên Mặt trăng sẽ giúp nước này đạt mục tìm kiếm khoáng sản từ các hành tinh nhỏ, thám hiểm vũ trụ và khai thác tài nguyên vũ trụ. Nếu có một trạm như vậy và chế tạo tàu vũ trụ sử dụng chính tài nguyên của Mặt trăng, Trung Quốc sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí thám hiểm các hành tinh khác. Phóng tàu vũ trụ từ Trái Đất tiêu tốn năng lượng gấp 22 lần so với phóng tàu từ Mặt trăng do trọng lực của Trái Đất lớn hơn.

Ngày 14/1, ông Wu Yanhua, Phó giám đốc Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), thông báo về các chuyến thám hiểm Mặt trăng tiếp theo của nước này. Cuối năm nay, Trung Quốc sẽ phóng tàu Hằng Nga – 5, đem các mẫu vật tư Mặt trăng về Trái Đất.

Sau đó sẽ là tàu Hằng Nga – 6, đem mẫu vật từ Cực nam Mặt trăng, tàu Hằng Nga – 7 thám hiểm Cực nam để tìm hiểu cấu tạo của khu vực này. Tàu Hằng Nga – 8 sẽ thử nghiệm các công nghệ then chốt như công nghệ in 3D để xây dựng trạm nghiên cứu.

Các nhà khoa học Trung Quốc đã đạt được bước tiến quan trọng về công nghệ in 3D trong môi trường trọng lực siêu nhỏ: hoàn thiện thành công kĩ thuật in 3D bằng chất liệu gốm trong năm 2018. Chất liệu gốm là chất liệu tương tự như các phân tử silicat trên Mặt trăng.

Ông Wang, giám đốc Phòng thí nghiệm công nghệ sản xuất vũ trụ nhận định: “Elon Musk và SpaceX đang phát triển các công nghệ đưa con người lên Mặt trăng, còn chúng ta đang phát triển các công nghệ giúp con người có thể sống được ở trên đó”.

Theo Paul D. Spudis, tác giả cuốn Giá trị của Mặt trăng, “giá trị lớn nhất của Mặt trăng là nơi đây có thể khai thác khả năng vận chuyển trong vũ trụ bằng cách sử dụng chính các nguyên liệu và tài nguyên của Mặt trăng”. Ông tin rằng khi nào loài người có thể làm chủ bề mặt của Mặt trăng và khai thác các nguồn tài nguyên ở đây; khi đó con người có thể thực sự tự do đi lại trong vũ trụ.

Năng lượng Mặt trời lấy từ vũ trụ

Ngoài tham vọng về Mặt trăng, Trung Quốc còn đang đầu tư cho các vệ tinh vũ trụ thu năng lượng mặt trời. Vào năm 2010, CAST đã xây dựng lộ trình cho các vệ tinh này như dưới đây:

“Vào năm 2010, CAST sẽ hoàn thiện khâu thiết kế, năm 2020 sẽ thử nghiệm đưa vệ tinh vào quỹ đạo và truyền sóng vô tuyến. Năm 2025 chúng tôi sẽ đưa vệ tinh thu năng lượng mặt trời 100KW đầu tiên và vào năm 2035 vệ tinh 100mW sẽ phát điện. Cuối cùng vào năm 2050, hệ thống vệ tinh thu năng lượng Mặt trời đầu tiên phục vụ mục đích thương mại sẽ được vận hành”.

Vào năm 2015, Trung Quốc bày tỏ ý đồ xây dựng trạm vũ trụ về Mặt trời, nằm cách Trái Đất 36.000km. Ông Wang Xiji, thiết kế trưởng của tên lửa vũ trụ đầu tiên của Trung Quốc, tin rằng: “Thế giới sẽ hoảng loạn do không còn nhiên liệu hóa thạch để phục vụ cho sự phát triển bền vững của loài người.

Chúng ta phải đi trước bằng cách sở hữu công nghệ năng lượng mặt trời lấy trong vũ trụ. Bất kì ai sở hữu được công nghệ này đầu tiên cũng sẽ chiếm lĩnh thị trường năng lượng trong tương lai. Vì thế điều đó (trạm vũ trụ về Mặt trời) có vai trò quan trọng chiến lược”.

Khoáng sản trên các hành tinh nhỏ

Các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu cách tiếp cận một hành tinh nhỏ gần Trái Đất (NEA) và đưa về Trái Đất để tìm hiểu cũng như chiết xuất các tài nguyên trên hành tinh đó.

Nhà nghiên cứu Li Mingtao cùng các đồng nghiệp đã xây dựng một kế hoạch chi tiết cho mục tiêu này. Theo đó, một tàu vũ trụ sẽ được dùng để đẩy hành tinh này về Trái Đất, theo sau đó là một tấm chắn nhiệt có nhiệm vụ làm giảm gia tốc của hành tinh này khi tiến vào bầu khí quyển Trái Đất.

Hành tinh này sẽ được hạ cánh xuống mặt đất dưới sự giám sát chặt chẽ theo từng phút và nơi hạ cánh sẽ là nơi cách xa các khu dân cư. Ông Li cùng các cộng sự dự kiến sẽ “bắt” một hành tinh nhỏ vào năm 2029 và đưa hành tinh đó về Trái Đất vào năm 2034.

Một hành tinh nhỏ gần Trái Đất như Amun, có đường kính khoảng 2km, chứa khối lượng nickel và sắt trị giá 8 nghìn tỉ USD, coban trị giá 6 nghìn tỉ USD, vàng và các kim loại quý khác trị giá 6 nghìn tỉ USD, tổng cộng 20 nghìn tỉ USD.

Ông Li quả quyết: “Khai thác khoảng sản trong vũ trụ sẽ trở thành động lực mới cho nền kinh tế toàn cầu. Không giống như việc đưa các mẫu vật về Trái Đất, chúng tôi hướng đến mục tiêu đưa cả một hành tinh nặng hàng trăm tấn.

Điều đó giúp chuyển các hành tinh vốn là mối đe dọa của Trái Đất thành nguồn tài nguyên cho chúng ta. Các kết quả phân tích của chúng tôi cho thấy về lí thuyết có thể “bắt” được một hành tinh nhỏ và điều đó giúp đem lại những lợi ích khổng lồ về kinh tế và xã hội”.

Những mối lo ngại từ tham vọng của Trung Quốc

Nếu Trung Quốc kiểm soát được Mặt trăng, ai có thể đảm bảo nước này không chiếm đóng và không cho các nước khác tiếp cận hành tinh này? Lối hành xử của Trung Quốc ở Tây Tạng và Biển Đông cho thấy nước này có “tiền sử” hành động đơn phương áp đặt, phớt lờ quyền lợi của các quốc gia khác, thiệt lập hiện tuyên bố chủ quyền của nước này.

Trung Quốc thậm chí còn không tuân thủ Bản dự thảo quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà nước này đã kí kết cũng như các phán quyết về Biển Đông của Tòa án quốc tế Lahay.

Với cách hành xử đó, rất có thể trong tương lai Trung Quốc sẽ “lấn lướt” các nước khác trong vũ trụ và tự xây dựng “luật chơi” phục vụ cho lợi ích của nền công nghiệp vũ trụ nước này.

RELATED ARTICLES

Tin mới