Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóngSự kiệnSự hỗn loạn trong chiến lược trừng phạt Triều Tiên của chính...

Sự hỗn loạn trong chiến lược trừng phạt Triều Tiên của chính quyền Trump

Tổng thống Mỹ muốn giữ thái độ hòa hoãn với Triều Tiên nhưng các cố vấn của ông lại đề cao chiến lược gây sức ép tối đa.

Triều Tiên đang thông báo cho người dân hãy chuẩn bị trước kịch bản tồi tệ nhất bởi một thực tế rõ ràng là các cuộc thảo luận với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không dẫn tới đâu.

Trong một bài đăng ở trang blog cá nhân hôm 24/3, nhà cựu ngoại giao Triều Tiên Thae Yong-ho, người rời khỏi đất nước từ năm 2016, lưu ý rằng Bình Nhưỡng đã tập trung vào việc truyền thông điệp trên ở những cấp độ “chưa từng có”, khẳng định người dân hoàn toàn có thể sống sót chỉ dựa vào “nước và không khí” cũng như họ có khả năng sẽ phải đối mặt “với thời kỳ khó khăn hơn cả những năm 90”.

Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh những chính sách của chính quyền Trump đối với Triều Tiên đang hỗn loạn.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ đăng một dòng tweet gây khó hiểu về việc xóa bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Bình Nhưỡng, khiến Nhà Trắng, Bộ Tài chính và Lầu Năm Góc gặp không ít khó khăn trong việc lý giải ông thực sự muốn nói về điều gì.

“Bộ Tài chính hôm nay thông báo các biện pháp trừng phạt mới mạnh tay hơn sẽ được bổ sung thêm vào gói các biện pháp trừng phạt đã có đối với Triều Tiên”, Trump viết. “Tôi đã ra lệnh rút lại những biện pháp trừng phạt bổ sung này”.

Trước đó, Tổng thống Trump đề cập rất ít về quá trình đàm phán thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân sau khi hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa hai lãnh đạo Mỹ – Triều tại Hà Nội khép lại mà không có thỏa thuận nào được ký kết.

Bình luận từ Tổng thống Mỹ trái với chiến lược “gây áp lực tối đa” lên Triều Tiên mà chính quyền Trump lâu nay vẫn khẳng định là mấu chốt dẫn tới thành công của tiến trình phi hạt nhân hóa. Chúng cũng gây nên một cơn hỗn loạn bên trong chính quyền bởi thời điểm Trump đăng dòng tweet, không có bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào được công bố.

Lệnh trừng phạt mới nhất, nhằm vào các công ty vận tải Trung Quốc mà Bộ Tài chính cho rằng đang giúp Triều Tiên né các biện pháp cấm vận, được đưa ra hôm 21/3 và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ủng hộ nhiệt tình.

Hiện chưa rõ dòng tweet của Tổng thống Trump có liên quan tới lệnh trừng phạt nói trên hay không. Theo CNBC, cả Lầu Năm Góc và Bộ Tài Chính đều từ chối làm rõ, đẩy câu hỏi sang Nhà Trắng.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders hôm 22/3 chỉ giải thích đơn giản: “Tổng thống Trump yêu mến Chủ tịch Kim và ông không nghĩ những biện pháp trừng phạt đó là cần thiết”.

Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho hay dòng tweet của Tổng thống Trump “không liên quan tới lệnh trừng phạt ngày 21/3 mà là về một gói trừng phạt mới lớn hơn, chưa được công bố nhưng sắp diễn ra”.

Bộ Ngoại giao chưa đưa ra thông báo nào giải thích cho dòng tweet của Tổng thống.

Giới chuyên gia nhận định tình trạng hỗn loạn hiện nay là bằng chứng mới nhất cho thấy sự bất ổn trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump.

“Đây là dấu hiệu phản ánh một sự thật rằng Tổng thống và đội ngũ của ông hoàn toàn đi trên hai con đường tách biệt trong vấn đề Triều Tiên”, Mintaro Oba, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét.

Theo Oba, Tổng thống Trump “chỉ tập trung chủ yếu và hình ảnh cá nhân của mình”. “Tổng thống hy vọng việc tiếp tục tham gia với Triều Tiên sẽ khiến ông trông giống như một nhà thương thuyết vĩ đại, trong khi các cố vấn của ông ấy thì hoài nghi về triển vọng ngoại giao và đặt niềm tin vào chiến lược gây sức ép thông qua trừng phạt”, ông cho biết.

Daryl Kimball, giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, đánh giá chính sách Triều Tiên của Nhà Trắng hiện “thiếu tính phối hợp” và điều này sẽ dẫn tới việc thực thi các chính sách không thể đạt hiệu quả, qua đó gây khó khăn cho nỗ lực thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Trump đang cố gắng nói với Kim Jong-un rằng ông muốn duy trì một trạng thái ổn định và hiện tại, không cần thiết phải thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhưng đây không phải điều mà John Bolton nghĩ”, Kimball bình luận.

Hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim hồi tháng hai ở Hà Nội kết thúc mà không đạt kết quả. Tổng thống khẳng định ông rời khỏi hội nghị vì Bình Nhưỡng yêu cầu Washington gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt, điều mà Mỹ không thể chấp thuận. Tuy nhiên, Triều Tiên lại nói họ chỉ muốn Mỹ nới lỏng một phần các lệnh trừng phạt và đang theo đuổi cách tiếp cận từ từ.

Tuần trước, tiến trình đàm phán giữa hai nước bị đình trệ sau khi Triều Tiên tuyên bố hoãn các cuộc thảo luận với Mỹ và có thể thử tên lửa trở lại.

Trump dường như hiểu được rằng việc thực hiện bất kỳ động thái khiêu khích mới nào cũng tiềm ẩn nguy cơ chọc giận Triều Tiên, làm sụp đổ mọi nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa bấy lâu.

Theo Kimball, ông biết về “một cuộc tranh luận đang diễn ra bên trong Nhà Trắng liên quan tới câu hỏi có nên thắt chặt trừng phạt Triều Tiên hay không” kể từ sau hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội. Những thông tin nhiễu loạn tuần qua một lần nữa cho thấy chưa có bất kỳ sự đồng thuận nào và đây là tình trạng nguy hiểm đối với chính quyền.

“Chính quyền Mỹ không thể bất đồng và rối loạn về chính sách. Điều này thật điên rồ”, ông nói.

RELATED ARTICLES

Tin mới