Thursday, December 19, 2024
Trang chủSự thật Trung Hoa“Chính sách hướng Nam mới” và chuyến công du Đông Nam Á...

“Chính sách hướng Nam mới” và chuyến công du Đông Nam Á của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã có chuyến thăm quan trọng tới ba nước Đông Nam Á là Brunei, Malaysia và Campuchia từ ngày 11/3 đến ngày 15/3 vừa qua. Điều này cho thấy chính quyền Hàn Quốc hiện nay rất chú trọng quan hệ với các nước Đông Nam Á, trọng tâm trong “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc nhằm cải thiện quan hệ với các nước ASEAN, Ấn Độ và Pakistan và giảm bớt sự lệ thuộc vào các đối tác truyền thống là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Hàn Quốc với Lãnh đạo Brunei, Malaysia và Campuchia. Nguồn: AFP

Để khẳng định quyết tâm cũng như mục tiêu của chuyến công du, trước khi lên đường, Tổng thống Moon Jae-in đã viết trên mạng xã hội Twitter rằng ông sẽ rút ngắn khoảng cách giữa Hàn Quốc và ASEAN… và sẽ mở rộng con đường đưa các doanh nghiệp Hàn Quốc vào khu vực này đồng thời đẩy mạnh hợp tác thiết thực giữa hai bên, xây dựng một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng vì nhân dân.

Trong chuyến thăm Brunei (10-12/3)

Tổng thống Moon Jae-in đã ca ngợi Brunei là một “viên ngọc quý” với tài nguyên thiên nhiên phong phú. Tại Hội nghị Thượng đỉnh song phương ở Thủ đô Bruneian hôm 11/3, Tổng thống Moon Jae-in và Quốc vương nước chủ nhà Hassanal Bolkiah đã thảo luận các biện pháp mở rộng quan hệ hợp tác giữa Hàn Quốc – Brunei. Quốc vương Brunei cho biết, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Moon có ý nghĩa quan trọng, không chỉ bởi năm nay đánh dấu kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, mà hơn thế, Brunei còn đóng vai trò điều phối viên tích cực của Đối thoại Hàn Quốc-ASEAN. Quốc vương Brunei còn cho rằng, thời gian qua, hai nước đã không ngừng thúc đẩy hợp tác hữu nghị trong nhiều lĩnh vực, trong đó có cơ sở hạ tầng, năng lượng, giao lưu nhân dân. Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo nhất trí, mở rộng hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, sở hữu trí tuệ, khoa học và công nghệ; đồng thời, mở rộng các nỗ lực chung nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho khu vực và thế giới. Hai bên đã nhất trí cho rằng “Tầm nhìn 2035” của Brunei và “Chính sách hướng Nam mới” của Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng, đó là đều hướng tới việc tăng cường hợp tác thực chất để đạt được sự thịnh vượng chung. Hai bên đánh giá sự tham gia của doanh nghiệp Hàn Quốc vào các dự án xây dựng hạ tầng tại Brunei, đã đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế của quốc gia này, đồng thời nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác cùng phát triển trong thời gian tới, trong đó có lĩnh vực năng lượng, ngành công nghiệp chủ lực của Brunei và cũng là ngành Hàn Quốc phải lệ thuộc vào nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhất trí nỗ lực tăng số lượng các chuyến bay thẳng giữa hai quốc gia nhằm thu hút thêm nhiều du khách Brunei tới thăm Hàn Quốc và ngược lại. Tổng thống Moon Jae-in trao đổi với Quốc vương Brunei về tình hình bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây, lập trường của Seoul về lộ trình hòa bình bán đảo Triều Tiên và đề nghị sự ủng hộ của Brunei.

Trong chuyến thăm Malaysia (12-14/3)

Tổng thống Moon Jae-in đã ca ngợi Malaysia là “một quốc gia ASEAN quan trọng”, thể hiện sự đa dạng và đi đầu các nỗ lực vì hòa bình ở châu Á. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc đến Malaysia trong vòng 9 năm qua. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Moon Jae-in đang thúc đẩy thực hiện chính sách cải thiện quan hệ giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN. Lãnh đạo Hàn Quốc và Malaysia đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) và nỗ lực hoàn thành đàm phán trong năm nay. Trong ngày thứ 2 của chuyến thăm Kuala Lumpur, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng nước chủ nhà Mahathir Mohamad để thảo luận về những biện pháp mở rộng hợp tác và trao đổi giữa hai nước. Phủ Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ: “Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy một FTA Hàn Quốc-Malaysia nhằm tạo ra một bộ khung thể chế, giúp mở rộng hơn nữa đầu tư và thương mại giữa hai nước. Hai bên cũng nhất trí kết thúc đàm phán vào dịp hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Hàn Quốc và ASEAN vào cuối năm nay bằng việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán”. Trước sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước, các cơ quan liên quan của Hàn Quốc và Malaysia đã ký 4 bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực chế tạo, vận tải, phát triển thành phố thông minh và những sản phẩm theo làn sóng Hàn Quốc. Theo Chính phủ Hàn Quốc, kim ngạch thương mại song phương giữa nước này và Malaysia tăng 14,9% từ mức 16,7 tỷ USD năm 2017 lên 19,2 tỷ USD năm 2018.

Trong chuyến thăm Campuchia (14-15/3)

Tổng thống Moon Jae-in đã ca ngợi Campuchia là một nền kinh tế tăng trưởng “gây ngạc nhiên”. Và trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Moon Jae-in đã có các cuộc tiếp xúc, hội đàm với giới lãnh đạo Campuchia như Quốc vương Norodom Sihamoni, Thủ tướng Hun Sen nhằm thảo luận các biện pháp mở rộng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực khác. Hai bên đánh giá cao những bước tiến trong trao đổi thương mại, nâng kim ngạch thương mại song phương từ 54 triệu USD năm 1997, khi hai quốc gia tái thiết lập quan hệ ngoại giao, lên mức 970 triệu USD vào năm 2018. Lãnh đạo Hàn Quốc và Campuchia nhất trí đẩy mạnh nền tảng thịnh vượng chung ở các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, chế tạo, tài chính trong thời gian tới. Hai bên nhận định hơn 200 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Campuchia đóng vai trò quan trọng thúc đẩy thực hiện mục tiêu cùng tăng trưởng. Hai bên sẽ đẩy nhanh đàm phán về Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tăng cường hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc hợp tác đầu tư vào Campuchia. Tổng thống Moon Jae-in và Thủ tướng Hun Sen nhất trí tiếp tục hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp với điểm nhấn là việc mở cửa Trung tâm phân phối nông sản, cơ quan kiểm dịch nông sản đầu tiên của Campuchia hồi tháng 2 vừa qua, có sự tham gia đầu tư của doanh nghiệp hai nước. Phủ Tổng thống Hàn Quốc kỳ vọng sẽ có khoảng 50.000 tấn nông sản Campuchia như xoài, dừa, sầu riêng được xuất khẩu ra nước ngoài mỗi năm thông qua trung tâm này. Trong lĩnh vực tài chính, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Campuchia xây dựng “Hệ thống thanh toán quốc gia” trong năm 2019, hỗ trợ về hạ tầng tài chính, tạo môi trường thuận lợi để các công ty tài chính Hàn Quốc tiến vào thị trường nước này. Tổng thống Hàn Quốc cam kết sẽ mở rộng hỗ trợ cho Campuchia, đối tác hợp tác phát triển lớn thứ hai của Hàn Quốc tại ASEAN sau Việt Nam. Tổng thống Moon Jae-in đánh giá tích cực về việc hai bên ký hiệp định nâng hạn mức cho vay từ Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) của Hàn Quốc lên 700 triệu USD giai đoạn 2019-2023. Về phần mình, Thủ tướng Campuchia cảm ơn sự hỗ trợ của Hàn Quốc đồng thời bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ với chính sách phương Nam mới và lộ trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước nhất trí hợp tác chặt chẽ, vì thành công của Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc-ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Mekong dự kiến diễn ra vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước nhất trí hợp tác chặt chẽ, vì thành công của Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc-ASEAN và Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-Mekong dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.

Thúc đẩy “Chính sách hướng Nam mới” để giảm bớt sự lệ thuộc vào Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU

Một điểm chung trong chuyến thăm tới cả 3 nước là Tổng thống Moon Jae-in đều mong muốn có được sự ủng hộ của các nước đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, một nỗ lực mà ông đã bỏ nhiều công sức và đặt nhiều kỳ vọng. Điều này cũng cho thấy Hàn Quốc coi trọng vai trò của các quốc gia Đông Nam Á trong việc đóng góp, thúc đẩy giải pháp mang lại hòa bình và ổn định tại khu vực Đông Bắc Á. Chuyến công du 3 nước ASEAN ngay đầu năm của nhà lãnh đạo Hàn Quốc càng có ý nghĩa hơn khi ASEAN và Hàn Quốc sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt Hàn Quốc-ASEAN vào cuối năm nay tại Seoul để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối thoại giữa hai bên. Việc Tổng thống Hàn Quốc trong hơn một năm qua công du một loạt quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á, kể từ chuyến thăm cấp nhà nước tới Indonesia hồi tháng 12/2017, tới Việt Nam tháng 3/2018 và tới Singapore hồi tháng 7/2018, cũng mở ra cơ hội thuận lợi để Hàn Quốc và ASEAN đẩy mạnh hợp tác toàn diện, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ngày càng được củng cố. Hiện ASEAN là nhà nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới các sản phẩm của Hàn Quốc sau Trung Quốc. Hàn Quốc đang tìm cách tăng cường quan hệ thương mại song phương với các nước ASEAN từ mức cao kỷ lục 160 tỷ USD năm 2018 lên 200 tỷ USD vào năm 2020. Bên cạnh đó, ASEAN còn là nơi thu hút nhiều khách du lịch từ Hàn Quốc. Năm 2018, lượng du khách giữa hai bên lần đầu tiên vượt 10 triệu lượt người.

RELATED ARTICLES

Tin mới