Từ đầu năm 2019 đến nay, Đài Loan tiếp tục là một trong những “điểm nóng” trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả phải dùng vũ lực. Bắc Kinh đã tăng cường áp lực với hòn đảo kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức năm 2016 do bà không thừa nhận chính sách “Một Trung Quốc”. Trong khi đó, Mỹ công nhận chính sách “Một Trung Quốc” vào năm 1979 nhưng vẫn là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất và là đồng minh không chính thức mạnh nhất của Đài Loan.
Mỹ lại điều tàu chiến qua eo biển Đài Loan
Bất chấp sự phản đối gay gắt từ phía Trung Quốc, Hải quân Mỹ (24/3) tiếp tục điều động các chiến hạm thực hiện các chuyến tuần tra tại eo biển Đài Loan. Theo thông tin từ quân đội Mỹ cho biết, lực lượng Hải quân và Tuần duyên Mỹ đã điều tàu khu trục USS Curtis Wilbur và tàu tuần duyên Bertholf đi qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và mở cửa và khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi qua và hoạt động ở bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Trong đó, tàu USCGC Bertholf (WMSL-750) thuộc lớp Legend có tải trọng 4.500 tấn đã rời Alameda thuộc bang California cùng với thủy thủ đoàn 170 người từ hồi tháng Một để tới hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Còn tàu khu trục USS Curtis Wilbur có chiều dài 154 m, rộng 20 m, mớn nước 9,4 m, lượng giãn nước toàn tải 9.000 tấn và thủy thủ đoàn 280 người.
Trước đó, Hải quân Mỹ (24/1) đã điều 2 tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan. Đây là lần đầu tiên hải quân Mỹ thực hiện một chuyến tuần tra qua eo biển Đài Loan trong năm nay. Theo Reuters, hành động này cho thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ Đài Loan trong bối cảnh quan hệ giữa hòn đảo tự trị này với Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng.
Trung Quốc gây sức ép để Mỹ ngăn Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn quá cảnh ở Hawaii
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn dự kiến (27/3) sẽ quá cảnh ở Hawaii trên đường công du 8 ngày bắt đầu từ 21/3 tới Palau, Nauru và Marshall Islands. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc (21/3) thúc giục Mỹ không cho phép Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn được dừng chân ở Hawaii. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc đã đưa ra “quan điểm nghiêm khắc” về việc dừng chân đã lên kế hoạch của bà Thái ở Mỹ; đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc “cương quyết phản đối Mỹ hoặc bất cứ nước nào khác có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc cho phép việc quá cảnh này”, cho rằng Mỹ không “đưa ra tín hiệu sai cho các bè phái muốn Đài Loan đối lập”.
Được biết, chuyến công du của bà Thái Anh Văn diễn ra giữa lúc có các căng thẳng tăng cao giữa Đài Bắc và Bắc Kinh, điều đã làm tăng thêm áp lực về ngoại giao và quân đội để xác định chủ quyền của Trung Quốc đối với Đài Loan tự trị. Đài Bắc đang tìm mọi cách giữ 17 đồng minh còn lại của họ không bỏ Ðài Loan quay sang Trung Quốc. Năm ngoái, Trung Quốc thuyết phục Cộng hòa Dominic, Burkina Faso và El Salvador quan hệ với Bắc Kinh trong cái mà tổng thống Đài Loan gọi là hành vi “ngày càng mất kiểm soát.”
Trung Quốc phản đối Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan
Sau khi hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin giấu tên khẳng định Mỹ đã sẵn sàng phê chuẩn việc bán 60 máy bay chiến đấu F-16 do hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất cho Đài Loan, Người phát ngôn Cảnh Sảng (22/3) tuyên bố, “quan điểm phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là nhất quán và rõ ràng. Chúng tôi đã thúc giục Mỹ nhìn nhận đầy đủ về sự nhạy cảm của vấn đề và tác hại mà nó gây ra”.
Hiện chưa rõ phản ứng của Mỹ sau khi Trung Quốc đã thể hiện lập trường rõ ràng. Giới phân tích cho rằng, ông Trump có thể cân nhắc việc bán vũ khí cho Đài Loan để làm quân bài mặc cả với Bắc Kinh.
Được biết, Chính quyền Đài Loan đã hỏi mua máy bay Mỹ từ năm 2011, nhưng khi ấy tổng thống Mỹ Barack Obama đã chần chừ và quyết định từ chối. Thay vào đó, ông đề nghị giúp Đài Loan nâng cấp sản phẩm cũ. Đài Loan đang có khoảng 150 chiếc F-16A/B Block 20, và hiện đang được nâng cấp lên chuẩn F-16V. Theo Bloomberg, việc nâng cấp này giúp nhóm máy bay Đài Loan đang có tiến gần tới tiêu chuẩn F-16 Block 70 mà chính quyền Đài Bắc đang muốn mua. Đài Loan đã gửi yêu cầu mua một đội máy bay mới hồi đầu tháng 3/2019, nhưng hiện nay các cố vấn của Tổng thống Mỹ Trump được biết đã thúc giục chính quyền hòn đảo này gửi yêu cầu chính thức. Ngoài ra, được biết Mỹ đã từ chối một yêu cầu khác từ phía Đài Loan về việc mua tiêm kích F-35.
Bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng
Từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá đã nhiều lần dùng Đài Loan làm “con bài” để mặc cả, gây sức ép với Bắc Kinh trên phương diện chính sách: từ vấn đề thương mại đến việc cảnh cáo Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông. Chính quyền Trump đã thông qua đạo luật Du lịch Đài Loan trong đó khuyến khích các quan chức Mỹ đến thăm hòn đảo này. Mỹ còn khánh thành văn phòng mới của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT). Giới chuyên gia nhận định, động thái này của Mỹ nhằm biểu thị thông điệp của Washington về việc các nước có quyền tự do hàng hải ở các vùng biển quốc tế chiến lược và cam kết bảo vệ đồng minh trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc. Đài Loan hiện là một trong số những điểm nóng trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc bao gồm cuộc chiến thương mại và tình trạng Bắc Kinh đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Trung Quốc trước nay luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ, sẽ sáp nhập về Đại lục trong tương lai. Bắc Kinh luôn bày tỏ quan ngại về các chính sách của Mỹ nghiêng về Đài Loan như bán vũ khí cho chính quyền Đài Bắc dù 2 bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức vì chính sách “Một Trung Quốc”. Bắc Kinh cũng từng dọa sẽ sử dụng vũ lực để ngăn chặn Đài Loan đòi độc lập đồng thời tăng cường tập trận rầm rộ với máy bay ném bom chiến lược và tàu sân bay tại eo biển Đài Loan thời gian gần đây. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa phê chuẩn thỏa thuận bán các linh kiện chiến đấu cơ cho Đài Loan, còn nhà lãnh đạo Thái Anh Văn tuyên bố sẽ tăng cường ngân sách cho lực lượng phòng vệ.
Bất chấp sự đe dọa từ Bắc Kinh, chính giới Mỹ đã đưa ra nhiều tuyên bố thể hiện Washington sẽ tiếp tục hợp tác quốc phòng và bảo vệ Đài Loan.
Phát biểu sau cuộc gặp với cựu tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho rằng các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc mang tính đe dọa và chuyến viếng thăm của Đô đốc Scott Swift “không chỉ cải thiện giao lưu quân sự mà còn thể hiện quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa hai bên”, đồng thời kêu gọi “bình thường hóa” việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và Chính phủ của bà muốn có thêm nhiều hoạt động trao đổi quân sự hơn giữa hai bên.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ (9/2018) cho biết Quốc hội Mỹ đã thông qua hợp đồng bán vũ khí, trị giá 330 triệu USD cho Đài Loan. Theo đó, Mỹ sẽ cung cấp nhiều khí tài lớn cho Đài Loan bao gồm tiêm kích F-16 và vận tải cơ C-130. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng với mức ngân sách quốc phòng 716 tỷ đôla, gồm các điều khoản kêu gọi cải thiện năng lực phòng thủ cho Đài Loan nhằm đương đầu với việc phô trương sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, đồng thời tăng cường trao đổi quân sự cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan như mở rộng hợp tác về trợ giúp nhân đạo và cứu trợ thiên tai. Ông Donald Trump cũng ký ban hành Đạo luật đi lại Đài Loan, một đạo luật mang lại cho Tổng thống vỏ bọc chính trị nhằm thay đổi đáng kể chính sách của Mỹ đối với Đài Loan. Theo đó, Đạo luật cho phép các quan chức Mỹ ở mọi cấp có thể tới Đài Loan để gặp những người đồng cấp Đài Loan của họ và các quan chức cấp cao Đài Loan tới Mỹ để “gặp các quan chức Mỹ, bao gồm các quan chức từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng”.
Kể từ khi Mỹ không công nhận Đài Loan và thiết lập quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) vào năm 1979, Washington đã chỉ duy trì quan hệ không chính thức với Chính phủ Đài Loan. Quan hệ Trung-Mỹ được củng cố bởi ba thông cáo báo chí chung (được nhất trí vào các năm 1972, 1979 và 1982), theo đó Mỹ đã “thừa nhận” nhưng không công khai chấp nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc và rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quan hệ không chính thức với “người dân Đài Loan”, trong đó có những người trong Chính phủ Đài Loan, thông qua Học viện Mỹ ở Đài Loan, một thực thể giống như sứ quán được thành lập thông qua Đạo luật quan hệ với Đài Loan vào năm 1979. Đạo luật này tuyên bố rằng quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc của Washington dựa trên sự mong đợi rằng tương lai của Đài Loan sẽ được định rõ bằng các biện pháp hòa bình. Nhằm thúc đẩy một giải pháp hòa bình, Mỹ sẽ bán vũ khí mang tính chất phòng thủ cho Đài Loan và duy trì khả năng quân sự để chống lại sự ép buộc của Trung Quốc.