Saturday, December 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTiến trình Brexit đứng trước nhiều ngã rẽ

Tiến trình Brexit đứng trước nhiều ngã rẽ

Cuộc bỏ phiếu tối 27/3 của các nhà lập pháp Anh được xem là cơ hội để Quốc hội Anh có thể vạch ra đường hướng cho tương lai của thỏa thuận Brexit.

Tối 27/3, các nhà lập pháp Anh sẽ bỏ phiếu về một loạt các lựa chọn Brexit như: thực hiện thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May, theo đuổi Brexit không thỏa thuận, tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân khác hoặc hủy bỏ quy trình “ly hôn” theo Điều 50 và ở lại thị trường chung EU. Đây được xem là cơ hội để Quốc hội Anh có thể vạch ra đường hướng cho một thỏa thuận với những mối quan hệ gần gũi hơn với EU và thúc đẩy Chính phủ đi theo đường hướng đó.

Đã có 16 kiến nghị được các nghị sĩ Anh đưa ra để Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu trong tối nay (27/3) nhằm đưa ra  hướng đi sắp tới của Brexit. Đáng chú ý trong số này có kiến nghị của Công đảng đối lập Anh về việc thiết lập một mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Liên minh châu Âu. Công đảng đề xuất đàm phán với Liên minh châu Âu một Hiệp định thuế quan mới cùng lúc với việc ký thoả thuận rời bỏ khối.

Ngoài ra, theo kiến nghị này, Vương quốc Anh cũng sẽ tham gia vào một số cơ quan quản lý của châu Âu. Dự kiến, các đề xuất sẽ có khoảng 5 giờ để tranh luận sau đó đưa ra bỏ phiếu lúc 19h (giờ địa phương) và kết quả sẽ được Chủ tịch Hạ viện Bercow công bố vào tối muộn cùng ngày.

Trong khi đó, Chính phủ Anh ra một tuyên bố chỉ trích bước đi của Quốc hội, cảnh báo đây sẽ là một “bước đi nguy hiểm và không lường trước được cho tương lai”.

Thủ tướng Theresa May cảnh báo rằng, việc bỏ phiếu tất cả các phương án khác nhau sẽ có thể dẫn đến kết quả không có phương án nào nhận được đại đa số phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ. Thủ tướng Theresa May cũng nói rõ bà không cam kết chính phủ của bà sẽ làm theo kết quả của các cuộc bỏ phiếu này, bởi không một chính phủ nào có thể đưa ra cam kết sẽ thực hiện một việc mà không biết nội dung.

“Tôi biết rằng, Thỏa thuận tôi đưa ra là một sự thỏa hiệp. Thỏa thuận này tôn trọng những ý kiến của những người đã bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân và tin tưởng vào nền dân chủ của chúng ta. Nhưng nếu Hạ viện hỗ trợ, chúng ta có thể rời khỏi Liên minh châu Âu trong vòng chưa đầy hai tháng. Sẽ không có việc trì hoãn, không có mối đe dọa nào đối với Brexit và không có rủi ro về việc không thỏa thuận. Tôi nghĩ rằng, đây là con đường để đưa Brexit tới những người dân đã bỏ phiếu”, bà May nói.

Tuy nhiên, bà Theresa May cam kết “sẽ tham gia tích cực trên tinh thần xây dựng trong tiến trình này”.

Về mặt lý thuyết, Thủ tướng Anh có thể thuyết phục các nhà lãnh đạo EU ủng hộ một thỏa thuận Brexit “mềm” mà Hạ viện đề xuất và sử dụng nó như một đòn bẩy để giành được nhiều lá phiếu của những nghị sĩ ủng hộ Brexit. Tuy nhiên, chiến lược đó mang tính mạo hiểm cao. Ngày 25/3, một số nhà lập pháp Công đảng ủng hộ Brexit khẳng định họ sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May, bất chấp đề nghị được đưa ra là gì. Trong khi đó, một số nghị sĩ khác như Chủ tịch Nhóm Nghiên cứu châu Âu (ERG) Jacob Rees-Mogg và cựu Ngoại trưởng Boris Johnson dường như đang nghiêng về kế hoạch của Thủ tướng Theresa May.

Theo kế hoạch, chính phủ Anh sẽ có thời gian đến ngày 12/4 để trình EU về đề xuất khác của mình nếu như thỏa thuận rút khỏi EU hiện nay không được Hạ viện thông qua.

Dự kiến, trong ngày hôm nay, Thủ tướng Theresa May sẽ có bài phát biểu tại Ủy ban 1922 của các nghị sĩ Bảo thủ và các nghị sĩ sẽ thực hiện bỏ phiếu đối với việc thay đổi ngày Anh sẽ rời EU theo luật Anh hiện nay là ngày 29/3

RELATED ARTICLES

Tin mới