Wednesday, November 20, 2024
Trang chủĐàm luậnSa vào “bẫy nợ” của TQ dễ dẫn tới mất chủ quyền...

Sa vào “bẫy nợ” của TQ dễ dẫn tới mất chủ quyền ở Biển Đông

Hơn hai năm qua Trung Quốc đã đổ nhiều tiền của để bồi đắp các đảo mới thông qua hoạt động nạo vét để củng cố các căn cứ quân sự trên các đảo này. Bắc Kinh kiên trì bảo vệ những yêu sách phi lý, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các nước trong khu vực.

Mới đây Tổng thống Malaysia đã nói thẳng với Thủ tướng Philippines rằng, các thỏa thuận ký kết với Trung Quốc sẽ khiến đất nước này sớm nằm dưới sự “kiểm soát” của họ.

Ông Rodrigo Duterte -Tổng thống Philippines đối mặt với nhiều áp lực trong tuần qua do ông đã quyết định bảo vệ các khoản cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng do Trung Quốc cung cấp. Các nhà phân tích cho rằng, việc không trả được nợ có thể khiến Philippines mất đi các nguồn lực quan trọng.

Hiện Trung Quốc đang tiếp tục hỗ trợ các nước Đông Nam Á các nguồn tài chính khổng lồ để phát triển cơ sở hạ tầng như một phần của kế hoạch “Vành đai và Con đường”. Tham vọng của Bắc Kinh đơn giản là để giúp củng cố mối liên kết bền chặt hơn giữa các quốc gia dọc theo “Vành đai và Con đường”, với lợi ích từ những cơ hội được tạo ra cho các công ty Trung Quốc ở nước ngoài.

Đó là về mặt lý thuyết. Song trên thực tế Trung Quốc hy vọng lấn át được tuyên bố chủ quyền của các nước đối lập ở vùng Biển Đông, có tầm quan trọng chiến lược và lịch sử.  

Mới rồi, trên tờ Business Insider, ông Daniel O’Neill, Phó giáo sư ngành Khoa học chính trị tại Đại học Thái Bình Dương, cho hay: “Biển Đông là tuyến giao thông quan trọng. Trung Quốc hiện có 80% lượng dầu nhập khẩu qua eo biển Malacca và vùng biển này cũng chứa các tài nguyên quan trọng. Lý do lớn nhất của hành động tăng cường quyền kiểm soát là để phục vụ mưu đồ bá chủ khu vực của Trung Quốc”.

Khu vực Biển Đông hiện chứa khoảng 125 tỉ thùng dầu và 500 ngàn tỉ foot khối trữ lượng khí đốt tự nhiên, theo Global Risk Insights. Theo đó có khoảng 10% nguồn cung cấp cá toàn cầu có liên hệ với khu vực này, theo The Financial Times. Khoảng 3,4 ngàn tỉ Mỹ kim giá trị thương mại được vận chuyển qua khu vực này mỗi năm, theo Global Risk Insights.

Khi Trung Quốc quyết định tăng cường hỗ trợ tài chính cho Philippines nghĩa là họ muốn lôi kéo, tác động đến đến đất nước này trong vấn đề Biển Đông. Năm 2016 ông Tập Cận Bình thăm Philippines. Sau đó Trung Quốc đã mở một khoản tín dụng trị giá 9 tỉ Mỹ kim cho Philippines. Đa phần trong số 9 tỉ đó đã chảy vào các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm các công trình đập nước.

Há miệng mắc quai, Tổng thống Duterte buộc phải bảo vệ quyết định của nước này trong việc ký các khoản vay với Trung Quốc. Biết rằng các điều khoản vay rất không thuận lợi, có thể khiến Manila đánh mất tài sản quốc gia trong trường hợp vỡ nợ.

Tòa án Tối cao Philippines hôm 22/3 đã chỉ ra rằng, Trung Quốc có thể giành quyền kiểm soát các mỏ khí đốt của quốc gia này trong vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông nếu Philippines không tuân theo các nghĩa vụ của mình đối với công trình đập Chico. Thỏa thuận đó đã được ký vào tháng 4 năm 2018 và được coi là khuôn mẫu cho các ràng buộc tài chính tiếp theo, theo Bloomberg. Vấn đề xoay quanh cái gọi là “di sản” trong khu vực do Philippines điều hành ở Bãi Cỏ Rong.

Do đó, các đảng đối lập ở Philippines đã yêu cầu minh bạch hóa nguồn tài liệu về các thỏa thuận vay nợ mới nhất của đất nước này với Trung Quốc, liên quan đến công trình đập Kaliwa, Bộ Tài chính Philippines sau đó đã chấp nhận công khai tài liệu này.

Trung Quốc có một thủ đoạn không mới là, cung cấp các nguồn hỗ trợ tài chính cho nhiều nước ASEAN nhằm chia rẽ lực lượng đối trọng với các tiến triển của họ ở Biển Đông. Tổ chức này cần có sự đồng thuận mỗi khi thông qua các phán quyết. Như vậy Trung Quốc đã có thể lôi kéo từng quốc gia một để chống lại phán quyết của Liên hợp quốc về vấn đề vùng đặc quyền kinh tế năm 2016, được quy định trong Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS). Quy định đã bị Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ. Phán quyết của LHQ được thiết kế để ngăn chặn sự xâm lấn của Trung Quốc vào vùng biển chiến lược của các nước khác có liên quan, gồm Đài Loan, Malaysia, Việt Nam, Brunei và Philippines.

Rõ ràng Trung Quốc đã áp dụng thủ đoạn củ cà rốt và cây gậy để chia rẽ ASEAN, trong đó họ triệt để khai thác các khoản cho vay để gây áp lực lên từng nước thành viên.

Song, bất chấp những lo ngại rằng, ảnh hưởng của Trung Quốc có thể còn tăng hơn nữa khi đất nước này tiếp tục tài trợ cho các dự án dọc theo “Vành đai và Con đường”, nhiều nước trong khu vực đã phản ứng quyết liệt khiến Bắc Kinh không thể chủ quan.

Sau chiến thắng bất ngờ của Thủ tướng 93 tuổi Manathir Mohammed trong cuộc bầu cử năm 2018, Malaysia gần đây đã trở nên mạnh mẽ hơn trước Trung Quốc. Nikkei Asian Review dẫn lại câu nói của Thủ tướng Malaysia với kênh tin tức ABS-CBN, trước cuộc họp với ông Duterte: “Nếu bạn vay một khoản tiền lớn từ Trung Quốc và rồi không thể trả, bạn biết rằng khi một người mang nợ thì người đó phải chịu sự kiểm soát của người cho vay nợ, vì vậy chúng tôi phải rất cẩn trọng với điều đó”.

Đó là một thí dụ về những gì mà các nhà phê bình gọi là “chính sách ngoại giao bẫy nợ” đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của Trung Quốc với Sri Lanka và Lào trong những năm gần đây. Nhiều người biết đến Sri Lanka vì quốc gia này đã phải dành cho Trung Quốc hợp đồng thuê một cảng chiến lược trong thời hạn 99 năm sau khi họ gặp khó khăn về tài chính với các chủ nợ.

Trung Quốc không dễ kiểm soát Biển Đông. Sự phản kháng của các nước trong khu vực ngày càng mạnh mẽ. Cái bẫy nợ mà Bắc Kinh giăng ra người ta đã nhìn thấy rõ. Đành tương kế tựu kế. Vay thì sẽ có cách trả, cố nhiên không thể trả bằng chủ quyền dân tộc.

RELATED ARTICLES

Tin mới