Wednesday, January 8, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 05/04/2019

Bản tin Biển Đông ngày 05/04/2019

Bản tin Biển Đông ngày 05/04/2019.

Manila cảnh báo Bắc Kinh nếu Trung Quốc động vào đảo Thị Tứ

Ngày 5/4, The Guardian đưa tin, liên quan đến việc các tàu Trung Quốc bao vây đảo Thị Tứ mà Philippines đang chiếm đóng, Tổng thống Philippines Duterte cảnh báo Bắc Kinh rời khỏi đảo này, và sẽ có “hành động tự sát” nếu Trung Quốc dám động vào đảo Thị Tứ. Nhằm thu hút đầu tư, thương mại từ Trung Quốc, nên từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Duterte đã rút lại những lời chỉ trích yêu sách biển của Trung Quốc. Tuy nhiên, trước hành động vừa qua của Trung Quốc, Tổng thống Duterte đã phải lên tiếng “Tôi sẽ không nài nỉ hay cầu xin, tôi chỉ nói với các ông rằng hãy rút khỏi Thị Tứ vì tôi có quân lính ở đó. Nếu các ông đặt chân lên đảo, đó lại là câu chuyện khác. Khi đó, tôi sẽ bảo lính của tôi sẵn sàng cho nhiệm vụ tự sát”.

Trước đó, theo Nikkei ngày 4/4, Bộ Ngoại giao Philippines đã lên tiếng phản đối hành động của Bắc Kinh, cho rằng sự hiện diện của các tàu cá Trung Quốc ở khu vực đảo Thị Tứ xâm phạm “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines được xác định theo Công ước Luật Biển 1982”. Bộ Ngoại giao Philippines kêu gọi các bên dừng mọi hành động, hoạt động trái với Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) bởi những hành động này sẽ gây ra căng thẳng, mất niềm tin, bất ổn, đe dọa đến hòa bình và ổn định của khu vực.

Về phản ứng của Trung Quốc, tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 4/4 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người phát ngôn Cảnh Sảng đã hai lần né tránh trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến sự việc này. Ông Cảnh chỉ luôn miệng nhắc lại những kết quả tốt đẹp của Cuộc họp lần thứ 4 Cơ chế tham vấn song phương về Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines.

Giữ hòa bình trên biển

Ngày 4/4, The New Straits Times đăng bài phân tích của tiến sỹ Yan Yan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Luật Biển và Chính sách, Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông. Theo TS. Yan, Biển Đông là tâm điểm sự chú ý của cộng đồng quốc tế, là vấn đề thúc đẩy căng thẳng và cạnh tranh nước lớn ở khu vực. Tuy nhiên, trong 3 năm quan, nhờ sự chung sức nỗ lực của Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN, Biển Đông đã tương đối ổn định và hòa bình, quá trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã đạt được nhiều tiến triển, trong đó có đề xuất của Trung Quốc về việc hoàn thành COC trong vòng 3 năm. Tác giả bài viết cho rằng đề xuất này thể hiện ưu tiên của Bắc Kinh về việc sớm đạt được các quy định và nguyên tắc có lợi cho hòa bình và trật tự khu vực. Vậy mà có những nước ngoài khu vực lại bày tỏ sự quan ngại của một “bên thứ ba” và tìm cách can dự vào tiến trình này, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cũng như tiến trình đàm phán COC. Bà Yan cho rằng, hợp tác biển là chìa khóa cho vận mệnh chung của Trung Quốc và ASEAN và cho việc gìn giữ hòa bình ở khu vực trước khi các tranh chấp được giải quyết. Việc giải quyết các tranh chấp biển thông qua đối thoại và tham vấn với các nước liên quan trực tiếp là thực tiễn phổ biến trong lịch sử, trong đó xây dựng lòng tin và sự tự tin là bước đi đầu tiên. Các bên có thể bắt đầu hợp tác biển trên các lĩnh vực cơ bản như bảo vệ môi trường biển, an toàn hàng hải, tìm kiếm và cứu nạn trên biển. Và trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy các dự án hợp tác biển với các nước thành viên ASEAN. Vấn đề là các cơ quan thuộc chính phủ, các cá nhân, công luận,… phải được phổ biến để hiểu về lợi ích của hợp tác biển và tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin. Chính phủ các nước ven biển phải nâng cao nhận thức của các đối tượng này về vấn đề hợp tác biển.

Bên cạnh đó, TS. Yan cho rằng tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông mang tầm quan trọng đối với hoạt động vận chuyển quốc tế và nền kinh tế toàn cầu. Tự do hàng hải chưa bao giờ là vấn đề ở Biển Đông. Đây cũng là một trong những lợi ích biển của Trung Quốc ở khu vực. Tuy nhiên, hiện vẫn còn xảy ra nhiều vụ va chạm giữa các tàu chở hàng đi qua vùng biển này. Do vậy, các nước láng giềng nên thiết lập một cơ chế chia sẻ thông tin, ví dụ như cảnh báo thiên tai, thông tin vận chuyển, tìm kiếm và cứu nạn. COC nên bao gồm các quy định mang tính phòng ngừa nhằm tăng cường hợp tác biển trong lĩnh vực ít nhạy cảm, phi truyền thống này. TS. Yan kết luận, việc đạt được COC sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia và giúp thiết lập một trật tự dựa trên luật pháp tại khu vực. Đối với Trung Quốc và ASEAN, việc hợp tác biển sâu rộng sẽ không chỉ giúp xây dựng lòng tin mà còn giúp giải quyết các mối đe dọa trên biển phổ biển. Để làm được điều này sẽ tốn thời gian và nỗ lực ngoại giao, nhưng đáng để thực hiện.

RELATED ARTICLES

Tin mới