Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiCuộc sống khó tưởng tượng của 13 triệu người trong "danh sách...

Cuộc sống khó tưởng tượng của 13 triệu người trong “danh sách đen” từ chính phủ TQ

Ở một vài nơi, các công ty viễn thông Trung Quốc còn sử dụng nhạc chuông đặc biệt cho các số điện thoại của laolai như một hình thức cảnh báo.

Ảnh minh họa: AP

Tệ hơn vào tù

David Kong cảm thấy kiệt sức sau chuyến công tác gần đây tới Trùng Khánh khi mất tới hơn 30 tiếng nằm giường cứng trên tàu thường. Với quãng đường ấy, nếu đi máy bay thì chỉ mất 3 tiếng, còn đi tàu cao tốc thì mất 12 tiếng, tuy nhiên Kong không được lựa chọn bởi ông là một “người mất uy tín”.

Là 1 trong số 13 triệu người được coi là “cá nhân mất uy tín”, hay “laolai” theo tiếng Trung, trong cơ sở dữ liệu của Tòa án Tối cao Trung Quốc, Kong (47 tuổi) bị cấm sử dụng các dịch vụ “xa xỉ” bao gồm cả di chuyển bằng đường hàng không và tàu nhanh, SCMP cho biết trong bài viết mới đây của cây viết Sarah Dai.

Trong cuộc sống thường nhật, nhóm người này (phần lớn bị xếp vào hạng “laolai” do trốn nợ) phải chịu rất nhiều tình huống tủi nhục, từ chuyện không thể thuê nơi ở bằng tên mình cho tới bị họ hàng, đối tác làm ăn xa lánh.

Ở một vài nơi, các công ty viễn thông còn sử dụng nhạc chuông đặc biệt cho các số điện thoại của laolai như một hình thức cảnh báo.

“Thậm chí còn tệ hơn vào tù bởi chí ít án tù còn có thời hạn”, Kong nói trong một cuộc phỏng vấn, “Có tên trong danh sách nghĩa là tên bạn sẽ luôn ở đó cho tới khi nào bạn trả sạch nợ”.

Đối tác làm ăn phát hiện ra tình trạng của Kong không phải nhờ cơ sở dữ liệu mà là do tới ga tàu hỏa đón ông. Tại Trung Quốc, chỉ những ai không đủ tiền đi tàu cao tốc mới phải bắt tàu thường.

Kong nói, để trả hết nợ, ông cần thành công với mối làm ăn mới của mình nhưng điều đó rất khó thực hiện nếu đối tác và khách hàng tiềm năng xa lánh ông khi thấy tình trạng “mất uy tín”. Kong cho biết, ông sống chỉ với 500 nhân dân tệ (tương đương khoảng 1,8 triệu đồng)/tháng, ở khu vực ngoại ô Bắc Kinh.

Các chủ nợ của Kong không mấy thông cảm. Họ cho rằng ông tìm đủ mọi cách để trốn nợ. Chia sẻ với SCMP, họ cho rằng, nếu Kong có tiền mua vé máy bay thì ông ta nên trả số tiền đó cho những người ông ta mắc nợ.

Danh sách “cá nhân mất uy tín” của Trung Quốc

Các cá nhân mất uy tín đã bị cấm tham gia tổng cộng 17,5 triệu chuyến bay và 5,5 triệu chuyến tàu hỏa cao tốc tính tới cuối năm 2018, theo báo cáo thường niên mới nhất của Trung tâm Thông tin Tín dụng Công Quốc gia Trung Quốc.

Được đưa ra vào năm 2013 – chỉ vài tháng trước khi Hội đồng Quốc gia công bố kế hoạch xây dựng hệ thống tín dụng xã hội tính đến năm 2020, danh sách “cá nhân mất uy tín” tương xứng với mục tiêu của kế hoạch. Đó là tác động tới hành vi của người dân bằng cách phạt các hành vi xấu và thưởng những việc làm tốt.

Với trường hợp của Kong, ông bị đưa vào danh sách năm 2015, 3 năm sau khi dự án xuất bản sách của ông thất bại. Kong đã vay 1,6 triệu NDT (tương đương hơn 5,5 tỉ đồng) và không có cách nào trả nổi số nợ này.

Kong nói rằng việc làm ăn thất bại dù ông đã nỗ lực hết mình nhưng các chủ nợ lại vẽ ra bức tranh hoàn toàn khác. Một chủ nợ cho rằng công ty của Kong từ đầu đã là giả mạo. Trong khi đó, Kong khẳng định công ty của mình hoạt động công khai và minh bạch.

Bản thân Kong ủng hộ một hệ thống toàn diện hơn, cân nhắc tới nhiều yếu tố khác ngoài tình trạng kinh tế và tài chính của một cá nhân, ví dụ như công tác tình nguyện và hiến máu. “Miễn còn nợ thì tôi vẫn còn là một tên ác quỷ không thể dung thứ”, Kong chia sẻ.

Kong nói ông đang nỗ lực để “quay trở lại”. “Tôi sẽ cắn răng và chịu đựng tất cả”, Kong cho biết, “Tới một ngày, khi tôi trả hết nợ, tôi hy vọng người ta sẽ chỉ vào mình và nói rằng ‘người này kể ra cũng không tệ'”.

Các chủ nợ của Kong cũng đang chờ tới ngày đó.

RELATED ARTICLES

Tin mới