Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ xuyên tạc và chụp mũ trong vụ việc đâm chìm tàu...

TQ xuyên tạc và chụp mũ trong vụ việc đâm chìm tàu cá Việt Nam tại Hoàng Sa

Cảnh Sảng và Nhật báo Quân đội nhân dân Trung Quốc tìm cách kể câu chuyện khác nhằm lật lại chứng cứ phía Việt Nam đưa ra trong vụ tàu hải cảnh Trung Quốc xua đuổi tàu cá QNg 90819 ở Hoàng Sa. Nhưng thực tế cho thấy Trung Quốc là kẻ xuyên tạc và chụp mũ.

Tàu cá Việt Nam hoạt động trong ngư trường truyền thống.

Theo thông tin từ Cục Lãnh sự Việt Nam, ngày 06/3/2019, tàu cá Việt Nam QNg 90819 TS cùng 5 ngư dân đang neo đậu tại khu vực đảo Đá Lồi thuộc Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu hải cảnh 44101 của Trung Quốc phun vòi rồng xua đuổi. Tàu cá Việt Nam phải chạy đi và bị đâm vào rạn đá ngầm chìm tại toạ độ 16o15’ Bắc – 111o38’ Đông, cách Tây Bắc đảo Đá Lồi khoảng 925 m (khoảng 0,5 hải lý). Các ngư dân Việt Nam phải bám vào mũi tàu nổi trên biển để khỏi bị chết đuối, sau đó được tàu cá QNg 90620 TS cứu vớt.

Ngày 20/3/2019, Cục Lãnh sự Việt Nam đã trao công hàm phản đối hành động nguy hiểm của tàu Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, đe doạ tính mạng, gây thiệt hại về tài sản và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Trung Quốc xuyên tạc sự thật

Hai ngày sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (Geng Shuang) tổ chức họp báo thường kỳ vu cáo Việt Nam bóp méo sự việc. Cảnh Sảng cho rằng tàu cá của Việt Nam bị chìm do đâm vào rạn san hô ngầm trước khi tàu hải cảnh của Trung Quốc đến.

Ngày 25/3/2019, Nhật báo Quân đội nhân dân Trung Quốc có bài đưa tin về vụ việc. Bài báo này nêu lại sự việc theo phiên bản của Cảnh Sảng, lên án Việt Nam đưa tin sai, cho rằng Việt Nam đẩy sự việc lên để yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Bài báo còn hàm ý việc Việt Nam liên tục công khai các sự việc cụ thể trên Biển Đông để tạo ra căng thẳng, tranh giành chủ quyền với Trung Quốc, hưởng ứng hoạt động tự do hàng hải của Mỹ và đây là sự hợp tác ngầm giữa Việt Nam và Mỹ, và hành động tạo căng thẳng với Trung Quốc là nhằm lôi kéo Mỹ, Nhật can dự vào Biển Đông.

Đồng thời, bài báo còn giở giọng trấn an rằng Trung Quốc có thiện chí trong việc quản lý khác biệt. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều có lợi ích trong việc giữ hoà bình ở Biển Đông, tránh kích động tinh thần dân tộc…

Cảnh Sảng và Nhật báo quân đội nhân dân Trung Quốc đã tìm cách tô vẽ câu chuyện hòng lật lại chứng cứ phía Việt Nam đưa ra, nhưng lý lẽ không đủ thuyết phục. Chính Trung Quốc mới là kẻ cố tình bóp méo và xuyên tạc sự thật. Thực tế, từ trước đến nay, không chỉ ngư dân Việt Nam mà cả ngư dân nhiều nước khác trong khu vực thường xuyên là nạn nhân của hàng loạt các hành động bạo lực phi pháp của các lực lượng chấp pháp Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc đã rất nhiều lần bắt bớ trái phép tàu thuyền, ngư dân, làm hỏng máy, đâm chìm tàu cá, cướp ngư cụ, đập vỡ thùng chứa nước ngọt, chiếm dụng lượng cá đánh bắt, vô cớ đánh đập ngư dân, có lần gây thiệt hại tính mạng ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trong vùng biển hợp pháp thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam xung quanh Hoàng Sa.

Các hành động này của lực lượng chấp pháp Trung Quốc thể hiện sự ngang ngược, càn quấy của một nước lớn bất tuân luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã chà đạp lên Hiến chương Liên hợp quốc khi liên tiếp xâm chiếm bất hợp pháp Hoàng Sa từ Việt Nam (hoàn thành chiếm đóng năm 1974, gần 30 năm sau khi Hiến chương Liên hợp quốc được ký kết). Khi bị lên án sử dụng vũ lực thì Trung Quốc chuyển sang sử dụng sức mạnh bán quân sự để cưỡng ép, tìm cách đẩy ngư dân Việt Nam ra khỏi vùng biển của Hoàng Sa.

Một mặt, Trung Quốc ép Việt Nam không công khai các hành động hung hăng, bắt nạt của Trung Quốc làm cho Trung Quốc bị mất mặt trước cộng đồng quốc tế vốn đã bị xói mòn do chính sách quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông trong những năm qua. Đồng thời, Trung Quốc tạo sức ép trên thực địa nhằm thuyết phục Việt Nam phải nhượng bộ trong đàm phán hoặc chấp nhận hợp tác phát triển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Xa hơn, Trung Quốc có thể tự tung tự tác khẳng định quyền chủ quyền xung quanh Hoàng Sa mà các nước trong khu vực khó lên án vì cho rằng đây là vấn đề song phương.

Hành động chụp mũ

Nhật báo Quân đội nhân dân Trung Quốc cho rằng Việt Nam gây căng thẳng với Trung Quốc để lôi kéo Mỹ, Nhật và các nước can dự vào Biển Đông là chụp mũ vô căn cứ. Việt Nam là nước đang phát triển, không đủ sức mạnh để ép các nước lớn vào Biển Đông. Việt Nam cũng không đủ nguồn lực kinh tế, tài chính để chi trả lôi kéo các nước lớn can dự vào Biển Đông, mà do các nước tự nhận thấy có lợi ích tại Biển Đông.

Việt Nam cũng chẳng dại gì mà đi gây sự với Trung Quốc. Trong quan hệ quốc tế, một nước sức mạnh nhỏ hơn mà đi đối đầu với nước có sức mạnh lớn hơn thì dễ bị thiệt hại hơn là được lợi. Vì vậy, Việt Nam luôn muốn giữ quan hệ láng giềng tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt, giữ vững môi trường ổn định để phát triển.

Trên thực tế, các nước lớn, nhất là Mỹ và Nhật Bản can dự vào Biển Đông do bản thân các nước nhận thấy hành xử của Trung Quốc không thể chấp nhận được. Hành xử hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, như vụ xua đuổi tàu cá QNg 90819 TS là hành động bành trướng. Trung Quốc coi thường trật tự dựa trên luật pháp, trái với lối hành xử của một nước lớn bình thường, nên các nước lớn khác phải can dự vào để ép Trung Quốc phải hành xử đúng mực.

Phải nói thêm rằng, nếu chỉ một hoặc vài nước lớn can dự vào nhằm thách thức Trung Quốc thì còn có thể vì mục đích riêng tư (cạnh tranh ngôi vị hoặc hằn thù riêng tư giữa Mỹ, Nhật và Trung Quốc). Đằng này, hầu hết các nước lớn trên thế giới đều gia tăng hiện diện để thách thức Trung Quốc, đều cho rằng hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông là quá mức, khiến các nước không thể ngồi yên. Các nước lớn ở khu vực như Ấn Độ, Úc, các nước lớn ở tận châu Âu như Anh, Pháp và cả Liên minh châu Âu đều lên án bằng cả tuyên bố và hành động, coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và việc Trung Quốc không tuân thủ Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 là mối đe doạ đối với trật tự thế giới được thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Dù Cảnh Sảng và Nhật báo Quân đội Trung Quốc có biện hộ như nào đi chăng nữa, sự thật vẫn là sự thật. Sự thật là lực lượng chấp pháp của Trung Quốc đã nhiều lần xua đuổi, đàn áp ngư dân các nước và lần này, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã xua đuổi khiến tàu cá Việt Nam bị đâm vào san hô ngầm và chìm. Sự thật là các nước lớn can dự vào Biển Đông là để thách thức yêu sách biển quá mức của Trung Quốc và vì hành xử trên biển của Trung Quốc bất tuân luật pháp quốc tế và xói mòn trật tự quốc tế là không thể chấp nhận được.

RELATED ARTICLES

Tin mới