Bốn tháng liên tiếp trữ vàng gia tăng, Trung Quốc có thể vượt Nga vào cuối năm.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) vừa thông báo, trong tháng 3, đơn vị này đã tăng dự trữ thêm 11,2 tấn vàng, nâng mức dự trữ hiện tại lên 1.885 tấn.
PBoC đã tăng dự trữ lên 60,62 triệu Ounce trong tháng 3, tăng so với mức 60,26 triệu Ounce vào tháng trước đó.
Đây là tháng thứ 4 liên tiếp Bắc Kinh mua vàng cho quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.
Động thái này củng cố của giới đầu tư rằng các ngân hàng Trung ương trên toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lượng nắm giữ vàng. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là hai trong nhiều quốc gia lựa chọn dự trữ vàng để đảm bảo nền kinh tế đủ khả năng chống chọi với trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Bloomberg báo cáo, nếu Trung Quốc tiếp tục tích lũy vàng thỏi với tốc độ hiện tại trong năm 2019, thì đến thời điểm cuối năm, Bắc Kinh có thể vượt Nga về dự trữ vàng. Moscow vốn đã tăng dự trữ vàng lên khoảng 2.149 tấn.
Nga hiện đứng trong số 5 quốc gia nắm giữ vàng hàng đầu thế giới: Mỹ đứng đầu với khoảng 8.130 tấn, Đức đứng thứ hai với 3.370 tấn, Ý thứ ba với 2.450 tấn và Pháp đứng thứ năm với 2.440 tấn.
Trữ vàng được coi là một động thái phòng vệ chống lại các cú sốc thị trường. Theo số liệu của Hội đồng Vàng thế giới, chính phủ các nước mua tổng 651,5 tấn vàng trong năm 2018. Trong đó, Nga tăng gấp 4 lần dự trữ vàng chỉ trong 10 năm với mục đích thoát khỏi sự phụ thuộc vào đồng USD.
Thế giới đang tiến đến một kỷ nguyên bất ổn mới, với viễn cảnh khủng hoảng toàn cầu dường như ngày càng rõ ràng hơn. Việc tích trữ vàng có thể coi là biện pháp phòng vệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trước cuộc đối đầu thương mại không hứa hẹn trước với Washington.
Jeffrey Halley, một nhà phân tích thị trường cao cấp tại OANDA nói với SCMP rằng, việc mua vàng của Bắc Kinh là một “hàng rào trú ẩn an toàn” trong bối cảnh rủi ro địa chính trị.
“Trung Quốc từ lâu đã cố gắng đa dạng hóa nguồn dự trữ của mình khỏi đồng đô-la Mỹ” – ông Halley nói.
Hội đồng vàng thế giới dự báo, vàng sẽ trở nên hấp dẫn hơn vào năm 2019, do những bất ổn lớn hơn của thị trường và sự mở rộng của các chính sách kinh tế bảo hộ.