Wednesday, November 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVN 'mất tự do' nếu "chấm điểm công dân" theo mô hình...

VN ‘mất tự do’ nếu “chấm điểm công dân” theo mô hình TQ

Một nhà quan sát nói về mặt được mặt mất nếu Việt Nam đi theo mô hình của Trung Quốc về “chấm điểm công dân”.

Trả lời phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt mới đây tại Hà Nội, ông Lê Ngọc Sơn, thành viên nghiên cứu quốc tế về truyền thông trong khủng hoảng của Đại học Công nghệ Ilmenau, Đức, cũng tỏ ra hoài nghi về ý tưởng Việt Nam lập mạng xã hội riêng thay cho các “ông lớn” như Facebook.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện trong bối cảnh truyền thông trong nước gần đây bàn về vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc “giúp ích” cho xã hội và công dân.

Tuy nhiên có một số ý kiến cho rằng AI xét về thực chất chỉ là một phần trong nhiều công cụ mà Trung Quốc đã và đang sử dụng trong việc thiết lập nên cái gọi là “Hệ thống tín nhiệm xã hội”, thực ra một phần là xử lý Big Data (Dữ liệu Lớn) thông qua camera theo dõi tại mọi nơi với công dân.

Ông Lê Ngọc Sơn: Chúng ta phải hỏi là nhiệm vụ tối thượng của khoa học là để làm gì và khi khoa học được sử dụng sai mục đích thì điều đó là gì. Việc Trung Quốc dùng công nghệ và dụng “Big Data” để đánh giá cái gọi là “tín chỉ” của người dân hay là chấm điểm công dân thì có mấy điểm cần nói.

Thứ nhất là về kỹ thuật thì Trung Quốc hiện đã đạt trình độ cao trong việc nghiên cứu về Dữ liệu Lớn và thực sự họ là đầu tàu trong việc nghiên cứu về lĩnh vực này và trí tuệ nhân tạo.

Điểm thứ hai phải nói tới là việc sử dụng này nó đang đặt ra vấn đề về mặt đạo đức trong việc áp dụng các chuẩn về khoa học. Mục tiêu tối thượng của con người là gì, là phải có các giá trị về tự do, nhân bản. Thế nhưng con người thời đại ngày nay lại chính là nô lệ của công nghệ về kỹ thuật số đó. Tức là trong một xã hội được số hóa thì chúng ta có được tự do hay không.

Khi ta ra đường mà bị giám sát bất cứ lúc nào bởi một camera công cộng thì con người chính là một dạng nô lệ của công nghệ hay nói cách khác đi là nếu xét về đạo đức của khoa học thì như vậy đã ổn chưa.

Xét về mặt lợi về quản lý thì có những các giá trị khác như tự do công dân thì sẽ như thế nào, đây là các bài toán hoàn toàn mới. Tức là về mặt quản lý nhà nước thì người ta nói rằng quản lý như thế sẽ tốt hơn nhưng nó lại xung đột với các giá trị lõi mà con người hướng đến. Và vấn đề đặt ra là người ta cân đong đo đếm các giá trị đó như thế nào.

BBC: Trung Quốc có hệ thống mạng xã hội của riêng Trung Quốc và giới chức tại Việt Nam từng nói về nhu cầu cần có hệ thống mạng xã hội “của Việt Nam” tương tự vậy. Điều này có cần thiết không?

Ông Lê Ngọc Sơn: Đứng về mặt chủ nghĩa dân tộc mà nói hoặc xét về góc độ của các nhà quản lý thì chúng ta thấy là việc có mạng xã hội kiểu Việt Nam là cần thiết. Trong một nền kinh tế số thì những cái đó hoàn toàn có thể mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho đất nước. Tức là nếu xét về mặt đó thì ổn.

Thế nhưng nếu xét về thời điểm hiện nay về mặt hiệu quả thì về mặt kỹ thuật Việt Nam có làm được không và với sự canh tranh của các “ông lớn” hiện nay thì nếu chúng ta làm ra các sản phẩm đó thì chúng ta có thể tồn tại được không.

Tại sao nói vậy vì cái này nếu làm là phải dùng tới ngân sách. Và đã dùng đến ngân sách là cần phải tính toán kỹ càng vì là dùng tới tiền thuế của người dân đóng góp. Tôi nghĩ là việc muốn thì ai cũng muốn có thôi nhưng cứ không phải muốn đã là được, nhất là trong thời điểm hiện nay.

Còn câu chuyện đằng sau câu chuyện lập ra các dịch vụ đó là cái gì như là người ta muốn nắm hành vi của con người, kiểm soát được nội dung thì nó là cái gì. Tại Trung Quốc mức độ quản lý rất tập trung. Chúng ta có thể dùng từ “độc tài”. Chẳng hạn Trung Quốc không cho Facebook hay YouTube vào thị trường của họ chẳng hạn. Thì câu hỏi là Việt Nam có làm được điều đó không. Thế thì chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập khá sâu hiện nay thì có khi muốn chưa hẳn là đã làm được và nó sẽ là thách thức rất lớn.Một nhà quan sát về ‘dữ liệu lớn’ nói về thách thức của việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân tại Việt Nam, nước mới bắt đầu bước vào lĩnh vực này.

RELATED ARTICLES

Tin mới