Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Philippines Conchita Carpio Morales đã gửi đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) do những hành động “tàn bạo” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, khả năng ICC thụ lý vụ kiện còn là một ẩn số khó đoán trước.
Nội dung đơn kiện của Philippines
Đơn kiện cáo buộc ông Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao Trung Quốc đã phạm tội “gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng, gần như tàn phá vĩnh viễn môi trường biển ở Biển Đông”; cho rằng thiệt hại về môi trường xảy ra khi ông Tập Cận Bình và các quan chức khác thực hiện “kế hoạch mang tính hệ thống nhằm chiếm lấy Biển Đông”.
Theo đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức khác đã có những hành vi vi phạm luật quốc tế khi gây ra tổn hại nghiêm trọng cho các thế hệ ngư dân Philippines và ngư dân các nước khác đánh bắt cá ở Biển Đông; cáo buộc hành động trên của Chính quyền Trung Quốc đã đẩy nhanh sự sụp đổ nghề cá và dẫn tới tình trạng thiếu lương thực ở một số quốc gia”; nhấn mạnh “mặc dù được công bố rộng rãi, những hành động vô nhân đạo và tàn bạo này của các quan chức Trung Quốc ở Biển Đông và trong lãnh thổ Philippines vẫn chưa bị trừng phạt; khẳng định chỉ ICC mới khiến Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp”.
Không những vậy, trong đơn kiện, ông del Rosario và bà Morales kêu gọi Công tố viên Fatou Bensouda của ICC khởi xướng “cuộc khảo sát sơ bộ” nhằm “đánh giá các hành vi phạm pháp của Trung Quốc chống lại người dân Philippines và các quốc gia khác”.
ICC có thẩm quyền xét xử những vụ án nào
ICC là tòa án hình sự quốc tế thường trực, độc lập đầu tiên của cộng đồng quốc tế. Tòa án có thẩm quyền điều tra và xét xử các cá nhân chịu trách nhiệm về các tội ác nghiêm trọng nhất như: tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh, và tội xâm lược. Năm 2016, ICC ra tuyên bố mới, cho biết tòa án này sẽ bắt đầu thụ lý và xét xử cả những tội phạm liên quan đến hành vi hủy hoại môi trường, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và chiếm đoạt đất đai phi pháp. ICC nhấn mạnh hành động hủy hoại môi trường và chiếm đoạt đất đai có thể dẫn tới việc khởi tố các vụ án về tội ác chống lại loài người. ICC hiện có 116 quốc gia thành viên, bao gồm tất cả các quốc gia Nam Mỹ, gần như toàn bộ châu Âu và gần một nửa các quốc gia ở châu Phi.
Tòa án này đặc biệt ở chỗ được hình thành từ sự kí kết của một hiệp ước mà không phải do Liên Hợp quốc lập. ICC gồm bốn cơ quan: Ban chánh án; Ban thẩm phán có 18 vị thẩm phán được chia làm 3 bộ phận: dự thẩm, sơ thẩm và kháng cáo; Văn phòng công tố: cơ quan độc lập với tòa án, chuyên tiến hành điều tra và đưa vụ việc ra xét xử trước tòa; Hội đồng lục sự, có chức năng hỗ trợ hành chính để đảm bảo tòa vận hành trơn tru.
Về phạm vi tài phán, ICC chỉ xét xử cá nhân, không xét xử tổ chức hoặc quốc gia. ICC có quyền xét xử các tội phạm quốc tế đặc biệt nghiêm trọng, gồm bốn tội danh: diệt chủng, tội phạm chiến tranh, tội phạm chống loài người và tội phạm xâm lược. Tuy nhiên, vì thành lập vào 7/2002 và không có quyền tài phán hồi tố, ICC không thể xét xử những tội phạm được thực hiện trước tháng 7/2002. ICC có quyền tài phán với những vụ việc sau: Xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia thành viên đã chấp nhận quyền tài phán của ICC; Người phạm tội mang quốc tịch của quốc gia thành viên hoặc của nước đã chấp nhận quyền tài phán của ICC; Do Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông báo cho công tố viên của ICC theo thẩm quyền quy định tại Chương VII Hiến chương LHQ.
Ngoài ra, ICC không thay thế mà chỉ có tác dụng bổ sung cho tòa án quốc gia. ICC sẽ đưa vụ việc ra xét xử khi và chỉ khi một quốc gia không tự nguyện hoặc không thể tiến hành xét xử một cách thực chất. Dù có thẩm quyền xuyên biên giới, ICC không thể ra lệnh cho các quốc gia thành viên thực hiện theo yêu cầu hoặc phán quyết của mình. ICC chỉ có thể hợp tác và tranh thủ sự trợ giúp của các quốc gia để hoàn thành những công việc như bắt giữ và thuyên chuyển phạm nhân tới trại giam của ICC ở The Hague (Hà Lan), phong tỏa tài sản của nghi phạm và thực thi bản án.
Tính pháp lý của vụ kiện
Đầu tiên, về thời điểm kiện: Lá đơn kiện đã được hai cựu quan chức cao cấp Philippines gửi cho ICC vào ngày 15/03, tức là trước khi Manila chính thức rút khỏi Hiệp ước thành lập tòa án ICC 02 ngày (17/03/2019). Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định rút Philippines khỏi Hiệp ước thành lập ICC sau khi Tòa án này (02/2018) tiến hành “xem xét sơ bộ” về tội ác chống nhân loại mà Tổng thống Duterte bị cáo buộc, do đã có quá nhiều người bị sát hại ở Philippines trong chiến dịch bài trừ ma túy mà ông phát động. Ngoài ra, ngay cả trong trường hợp không là thành viên của ICC, một quốc gia cũng có thể phải chịu ảnh hưởng của việc thực hiện thẩm quyền của tòa án. Trường hợp phổ biến là nếu công dân của nước đó phạm tội trên lãnh thổ của quốc gia là thành viên của ICC thì hành vi này thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án. Một trường hợp nữa là hành vi phạm tội diễn ra trên lãnh thổ một nước không phải thành viên của ICC, nhưng lại do công dân của một nước thành viên tiến hành, thì ICC vẫn có thẩm quyền xét xử công dân đó. Như vậy, vụ kiện thỏa mãn điều kiện quan trọng của ICC, nghĩa là vụ kiện liên quan đến nước là thành viên của ICC.
Thứ hai, về địa điểm diễn ra tranh chấp, khởi kiện. Trong đơn kiện, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Philippines Conchita Carpio Morales đã khéo léo kiện ông Tập Cận Bình và một số quan chức cấp cao về các tội ác mang tính hủy diệt môi trường, đe dọa đời sống người dân do thực hiện các hành động phi pháp, phá hoại môi trường trong vùng biển của Philippines. Theo đó, nội dung đơn kiện đã đáp ứng được yêu cầu “xảy ra trên lãnh thổ của quốc gia thành viên đã chấp nhận quyền tài phán của ICC”.
Thứ ba, đơn kiện chỉ kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một số quan chức cấp cao khác. Không những vậy, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và cựu Tổng thanh tra Philippines Conchita Carpio Morales đã tái khẳng định mình chỉ là đại diện cho người dân Philippines kiện ông Tập Cận Bình, cũng như một số quan chức khác. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 40.000 người dân Philippines tuyên bố ủng hộ vô điều kiện đối với vụ kiện trên. Điều này nghĩa là đơn kiện trên không kiện một chủ thể là quốc gia hay tổ chức, mà chỉ là kiện các cá nhân đơn lẻ trong Chính quyền Trung Quốc. Nó hoàn toàn phù hợp với thẩm quyền của ICC.
Thứ tư, nội dung kiện xoay quanh các hoạt động của Trung Quốc (dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình) đã phá hủy môi trường sinh thái ở Biển Đông, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân ven biển trong quá khứ, hiện tại và tương lại. Như vậy, nội dung vụ kiện sẽ phù hợp với thẩm quyền xét xử của Tòa về những tội phạm liên quan đến hành vi hủy hoại môi trường, khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên, chiếm đoạt đất đai phi pháp và tội ác chống lại loài người.
Thứ năm, bản thân nội bộ Philippines đang bất đồng, mâu thuẫn sâu sắc liên quan chủ trương, chính sách trong vấn đề Biển Đông và quan hệ giữa Philippines – Trung Quốc. Do đó, Tòa án Philippines sẽ không đủ điều kiện, cũng như không có khả năng xét xử các vụ án liên quan ông Tập Cận Bình. Vì vậy, nó phù hợp với quy định của ICC về việc sẽ đưa vụ việc ra xét xử khi và chỉ khi một quốc gia không tự nguyện hoặc không thể tiến hành xét xử một cách thực chất.
Khó khăn và thách thức
Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển tại Đại học Philippines Jay Batongbacal đánh giá lúc này hành động đó chưa được gọi là vụ kiện, mới chỉ là yêu cầu công tố viên tiến hành điều tra. Theo Batongbacal, cựu ngoại trưởng Del Rosario và bà Morales sẽ gặp phải thách thức lớn khi theo đuổi vụ kiện. Trước tiên, họ cần thuyết phục được công tố viên xem xét sơ bộ vấn đề, mục tiêu duy nhất trong giai đoạn này là để công tố viên nhận định rằng có thể có tội danh theo quy định của ICC hay không. Từ đó, công tố viên mới tính đến việc đề nghị bộ phận Tiền xét xử (Pre-Trial Chamber – PTC) của ICC cho phép tiến hành việc điều tra đầy đủ. Ở bước tiếp theo của quy trình tại ICC, nếu nhận thấy có căn cứ hợp lý để kết luận có tội danh trong quyền tài phán của ICC, PTC sẽ mở vụ án hình sự, ra lệnh triệu tập hoặc lệnh bắt giữ người bị kiện. Khi nghi phạm bị giam, phiên tòa có thể bắt đầu. Phiên tòa sẽ kết thúc khi nghi phạm bị kết tội hoặc được tha bổng.
Đáng chú ý, Jay Batongbacal cho rằng vụ kiện sẽ mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn và hành động của cựu ngoại trưởng Del Rosario và bà Morales nhắc dư luận không quên những gì Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông suốt từ năm 2012 đến nay. Trong giai đoạn gần 7 năm này, Trung Quốc đã cải tạo nhiều thực thể ở Trường Sa, biến thành các đảo nhân tạo. Bắc Kinh xây dựng các đường băng, căn cứ quân sự, triển khai nhiều vũ khí hiện đại đến khu vực. Trong bối cảnh đó, vụ kiện “ghi dấu phản ứng mạnh mẽ của người dân Philipines”, kể cả khi chính quyền đương nhiệm không muốn làm vậy. Hành động đưa Trung Quốc ra tòa là nhằm lên án tất cả mọi điều Bắc Kinh thực hiện ở Biển Đông, gồm cả việc quân sự hóa các đảo nhân tạo. Khi tuyên bố gửi yêu cầu lên ICC, ông Del Rosario và bà Morales đã khiến vấn đề được thảo luận sôi nổi trước dư luận.
Tiến sĩ luật Markus Gehring, Đại học Cambridge, Anh, cũng cho rằng vụ kiện mới ở giai đoạn đầu, song hồ sơ này sẽ thu hút sự chú ý của công tố viên ICC. Nhưng trước tiên họ cần quyết định có tiến hành điều tra hay không và vấn đề chính cần quan tâm là vì sao chính quyền Manila hiện nay không thể/không sẵn lòng theo đuổi một vụ kiện quốc tế.
Phản ứng của Trung Quốc
Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila Tan Qingsheng cho rằng hành động của ông del Rosario và bà Morales “không đại diện cho quan điểm của chính phủ và người dân Philippines” và sẽ “không ngăn chặn sự phát triển quan hệ song phương”; nhấn mạnh Trung Quốc không có kế hoạch phản hồi đơn kiện của hai cựu quan chức Philippines.
Phản ứng này của Trung Quốc là không mới. Vào năm 2016, Trung Quốc cũng đã phớt lờ PCA khi tòa này thụ lý, xét xử và ra phán quyết liên quan việc Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.