Tuesday, January 7, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaGiới phân tích: Tổng thống Philippines và Bộ Quốc phòng đang mâu...

Giới phân tích: Tổng thống Philippines và Bộ Quốc phòng đang mâu thuẫn trong quan hệ với TQ và Mỹ?

Trong khi quân đội Philippines vừa khởi động cuộc tập trận thường niên với Mỹ, Tổng thống Duterte lại tiếp tục nhấn mạnh các cam kết xây dựng mối quan hệ gắn bó với Trung Quốc. Giới phân tích khu vực cho rằng đang có một sự mâu thuẫn nhất định giữa Bộ Quốc phòng với Tổng thống Duterte trong vấn đề quan hệ giữa nước này với Trung Quốc và Mỹ.

Bộ Quốc phòng Philipines tăng cường quan hệ với đồng minh Mỹ

Cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines mang tên Balikatan (“Vai kề vai”) bắt đầu từ ngày 1/4 và kéo dài đến ngày 12/4, với sự tham gia của 4.000 binh sĩ Philippines, 3.500 binh sĩ Mỹ và 50 binh sĩ Australia, cùng đại diện tham dự với tư cách quan sát viên của một số nước ASEAN. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Philippines, trong cuộc tập trận, binh sĩ ba nước sẽ thực hiện các chiến dịch đổ bộ, diễn tập bắn đạn thật, chống khủng bố cùng nhiều hoạt động khác trên hai đảo Luzon và Palawan của Philippines. Hôm 30/3, tàu đổ bộ Mỹ USS Wasp chở F-35B và lính thủy đánh bộ Mỹ đến vịnh Subic. Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35B tham gia cuộc tập trận này. Đây là năm thứ 2 liên tiếp cuộc tập trận Balikatan được tổ chức. Hồi năm 2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tạm dừng Balikatan trong lúc ông muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Giới quân sự Philippines và Mỹ đánh giá cao cuộc tập trận lần này, cũng như mối quan hệ giữa hai nước. “Balikatan là cơ hội tuyệt vời cho hải quân, thủy quân lục chiến và các đồng minh của chúng tôi đến từ Philippines học hỏi lẫn nhau”, Chỉ huy tàu USS Wasp Colby Howard nhấn mạnh trong thông cáo. Trước đó, Quân đội Philippines hôm 28/9/2018 thông báo tăng cường các hoạt động chung về an ninh và quốc phòng với Mỹ với 281 hoạt động chung trong năm 2019, thay vì 261 đợt như trong năm 2018, nhằm thể hiện mối quan hệ vững chắc giữa hai nước đồng minh. Đáp lại thiện chí của Bộ Quốc phòng Philippines, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 1/3 đã tới thăm Philippines và lần đầu tiên tuyên bố “Vì Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất cứ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm máy bay hay tàu thuyền của Philippines trên Biển Đông đều kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ chung theo Điều 4 Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ”. Mỹ và Philippines ký Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ (MDT) từ năm 1951 nhằm bảo vệ lẫn nhau trước các cuộc tấn công của kẻ thù trên Thái Bình Dương. Gần đây nhất, Mỹ đã đề nghị đưa các tổ hợp pháo phản lực HIMARS đến Philippines để răn đe Trung Quốc. Philippines đã từ chối đề nghị vì lý do hệ thống này rất đắt đỏ.

Trong khi, Tổng thống Duterte chỉ trích Mỹ, cam kết thắt chặt quan hệ với TQ

Phát biểu tại thành phố Malabon hôm 02/4, một ngày sau khi Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tập trận chung Balikatan, Tổng thống Philippines Duterte tuyên bố rằng Manila muốn duy trì quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, bất chấp những căng thẳng liên quan đến vấn đề Biển Đông. Theo RT, ông Duterte nói không có vấn đề gì giữa Philippines và Trung Quốc là không thể giải quyết được bằng con đường chính trị. “Nếu tôi gây chiến, hải quân sẽ bị đánh bại trong vài phút. Tôi gây chiến với Trung Quốc, chỉ trong 7 phút, tên lửa sẽ bay đến Manila”, theo Tổng thống Duterte. Theo lời ông Duterte, Trung Quốc và cả Nga đã phản ứng tích cực khi Philippines ngỏ ý muốn mua vũ khí chống phiến quân Hồi giáo. Ngược lại, phía Mỹ đã ngừng hỗ trợ quân sự Philippines vì “vấn đề liên quan đến nhân quyền”. “Trung Quốc muốn làm bạn với chúng ta. Họ cho chúng ta vũ khí, đạn được. Tôi đến đó (Trung Quốc) vì Mỹ không cho chúng ta những gì chúng ta cần”, Tổng thống Duterte nói. “Chỉ khi tôi đến đó, nói chuyện với họ và cả Nga, người Mỹ mới bắt đầu để ý”, ông Duterte nói thêm. Chính Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi năm 2017 đã quyết định tạm dừng cuộc tập trận Balikatan trong lúc ông muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Tổng thống Philippines cho rằng các cuộc tập trận có thể kích động Trung Quốc và dẫn đến chiến tranh“Trung Quốc đã nắm được Biển Đông. “Biển Đông giờ đã nằm trong tay họ. Vậy tại sao lại phải tạo ra xích mích hay hành động quân sự cứng rắn dẫn tới biện pháp đáp trả của Trung Quốc”, tờ Inquirer dẫn tuyên bố hôm 15/11/2018 của Tổng thống Philippines Duterte bên lề Hội nghị Cấp cao Đông Á tại Singapore. Tuyên bố trên được ông Duterte đưa ra khi các phóng viên đặt câu hỏi liệu Philippines có ủng hộ các cuộc tập trận chung trên Biển Đông hay không. Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông, nhưng vấp phải sự phản đối của dư luận quốc tế và bị Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ. Tổng thống Philippines cho rằng các cuộc tập trận như vậy trên Biển Đông sẽ có thể kích động Trung Quốc và dẫn đến chiến tranh. “Tôi không quan tâm đến các nước gây chiến với nhau, nhưng Philippines lại ở ngay gần các đảo tranh chấp. Nếu xung đột nổ ra, đất nước tôi sẽ hứng chịu hậu quả đầu tiên”, Tổng thống Duterte nhấn mạnh.

Thực tế, xu hướng phản đối chính sách kết thân với TQ của Tổng thống Duterte gia tăng trong Bộ Quốc phòng Philippines

Trong các vụ việc liên quan Trung Quốc vừa qua có thể thấy rõ cách thức thể hiện quan điểm của Chính quyền Tổng thống Duterte và Bộ Quốc phòng Philippines. Họ lên án việc Trung Quốc đang dần từng bước củng cố hạ tầng và sự hiện diện ở Biển Đông cũng như phản đối chính sách kết thân với Trung Quốc của Tổng thống Duterte bằng cách tiết lộ cho giới truyền thông hoặc cho những người chỉ trích ông Duterte tại Quốc hội. Hôm 12/01, một quan chức giấu tên trong Bộ Quốc phòng Philippines đã tiết lộ với tờ Philstar rằng “Chúng tôi (Bộ Quốc phòng Philippines) biết Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã cử người và tài trợ tiền cho lực lượng dân quân hàng hải của nước này để cải trang thành ngư dân trên hàng chục tàu dân sự trong khu vực”. Theo quan chức này, việc triển khai hàng chục tàu được cho là tàu cá ở khu vực trong hoặc gần vùng đặc quyền kinh tế của các nước Đông Nam Á là cách để Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện và phô diễn sức mạnh trong khu vực.

Xu hướng trên tác động nhất định đến Chính quyền Tổng thống Duterte. Sau khi trở thành Tổng thống Philippines vào tháng 6/2016, ông Duterte thực thi chính sách thân Trung Quốc nhằm đổi lại các khoản viện trợ, đầu tư. Duterte nhiều lần bị phe đối lập lên án vì thể hiện lập trường mềm yếu trước các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng ông bác bỏ cáo buộc, tuyên bố sẽ không chấp nhận nhượng bộ Bắc Kinh trong vấn đề chủ quyền. Tổng thống Duterte nhiều lần có những phát ngôn gây tranh cãi về vấn đề Biển Đông. Hồi tháng 5, khi dư luận quốc tế phản đối quyết liệt các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, Duterte lại khẳng định Bắc Kinh “là một mối quan ngại nhưng không phải mối đe dọa”, đồng thời cho rằng Manila “không thể làm gì ngoài hy vọng vào lòng thương của Trung Quốc”.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 8/2018, Tổng thống Duterte lại thay đổi quan điểm khi tuyên bố Trung Quốc đã “phạm sai lầm” khi đòi chủ quyền không phận trên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép ở Biển Đông và cần xem xét lại những hành động có thể châm ngòi xung đột ở vùng biển này. Một tuần sau, Tổng thống Philippines tiếp tục đe dọa sẽ “mang dao rựa chém”, ám chỉ những phản ứng cứng rắn, nếu Bắc Kinh độc quyền khai thác dầu ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới