Tháng 11/2012, tại Đại hội lần thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, rồi tiếp đó được bầu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương. Trải qua hơn 7 năm cầm quyền, Tập Cận Bình đã lộ nguyên hình là một kẻ độc tài, hiếu chiến và lừa dối. Sau khi nắm cả 3 chức vụ cao nhất ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã dùng mọi thủ đoạn để thâu tóm quyền lực. Tập đã dùng chiêu bài chống tham nhũng tiến hành chiến dịch “thanh trừng” để loại bỏ những người không ủng hộ mình, kể cả những ủy viên Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc và những tướng lĩnh trong quân đội, từng bước thiết lập sự độc tôn của mình.
Sau khi loại bỏ được các đối thủ, Tập Cận Bình đã dùng Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc để thực hiện một loạt các hành động thiết lập sự thống trị của mình, xóa bỏ chế độ lãnh đạo tập thể đã được Đặng Tiểu Bình đề cao trong thời kỳ cải cách mở cửa từ 40 năm trước. Tập Cận Bình đã thay đổi cả Hiến pháp Trung Quốc nhằm dọn đường cho việc kéo dài thời kỳ thống trị của mình; đưa vây cánh của mình vào các vị trí lãnh đạo ở Trung ương và địa phương để dễ bề thống trị.
Đối với việc điều hành đất nước, Tập Cận Bình tìm cách hạn chế tối đa quyền lực của Thủ tướng Lý Khắc Cường, kể cả trong việc triển khai các chính sách kinh tế. Tập còn thi hành một chính sách tàn bạo đối với những người dân tộc ở những khu tự trị Tân Cương, Tây Tạng. Tập đã cho lực lượng quân đội tiến hành đàn áp, bắt bớ những người Duy Ngô Nhĩ, lập ra nhiều nhà tù ở Tân Cương để giam cầm những người bị bắt.
Để thực hiện tham vọng “giấc mộng Trung Hoa”, đưa Trung Quốc trở thành siêu cường thống trị khu vực và thế giới, từ năm 2013, Tập Cận Bình đã đưa ra Sáng kiến “Vành đai, con đường” để lừa gạt các nước. Với chiêu bài cung cấp tài chính thực hiện các dự án hạ tầng trong khuôn khổ “Vành đai, con đường” của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã biến nhiều quốc gia có chủ quyền thành “con nợ”, lệ thuộc vào Trung Quốc. Thâm độc hơn là Tập Cận Bình đã dùng việc cung cấp tài chính để thâu tóm nhiều càng biển của các nước ở những tuyến đường biển huyết mạch như eo biển Malacca, eo biển Hormuz, kênh đào Panama, kênh đào Suez…. Với hình thức cho vay vốn đầu tư xây dựng cảng biển, nước chủ nhà không trả được nợ sẽ phải cho Trung Quốc quyền sở hữu 99 năm như cảng nước sâu ở Sri Lanka, Pakistan…. Rõ ràng là Tập Cận Bình đã áp dụng hình thức thuộc địa kiểu mới.
Về vấn đề Biển Đông, trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Obama tại Nhà Trắng tháng 9/2015, Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa Biển Đông, nhưng trên thực tế ông ta đã bội hứa lời cam kết đó, trực tiếp chỉ đạo đẩy nhanh việc quân sự hóa Biển Đông. Sau khi cơ bản hoàn tất việc bồi đắp, mở rộng các cấu trúc ở Biển Đông, dưới sự chỉ đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã tăng cường bố trí tên lửa, máy bay chiến đấu và các thiết bị quân sự tinh vi, hệ thống gây nhiễu cho các tàu qua lại Biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc tăng cường tập trận kể cả bắn đạn thật ở Biển Đông, uy hiếp các nước láng giềng và tự do, an ninh hàng hải ở khu vực. Năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành 54 cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông, tăng 20 cuộc so với năm 2017; trong 3 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc tiến hành 07 cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông, tăng 01 cuộc so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, tháng 4/2018, Tập Cận Bình đã trực tiếp tham gia cuộc tập trận lớn nhất với hàng vạn binh sĩ Trung Quốc tham dự cùng các loại vũ khí hiện đại, thể hiện sự hiếu chiến của Tập. Có thể thấy, lời nói và việc làm bất nhất là tính cách của Tập Cận Bình. Chính điều này đã buộc Mỹ và các đồng minh phải tiến hành tự do hàng hải thường xuyên ở Biển Đông.
Dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, các tàu chấp pháp của Trung Quốc đã thường xuyên trấn áp, uy hiếp, đâm chìm các tàu cá của ngư dân Việt Nam và Philippines, đối xử vô nhân đạo với ngư dân các nước. Trong khi đó, Trung Quốc huy động một lực lượng tàu cá, tàu dân binh ồ ạt tràn xuống Biển Đông. Đặc biệt, từ đầu năm 2019, hơn tàu cá, tàu dân binh, tàu chấp pháp vây hãm khu vực đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa buộc Philippines (gần đây Philippines hạn chế chỉ trích Trung Quốc công khai) phải công khai hóa công hàm phản đối Trung Quốc.
Ngày 15/3/2019, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario và cựu Chánh Thanh tra, bà Conchita Carpio Morales đã kiện Tập Cận Bình lên Tòa án Hình sự quốc tế vì tội ác chống lại nhân loại, đối xử thô bạo với ngư dân các nước ở Biển Đông. Trong đơn kiện, ông Del Rosario và bà Morales thay mặt hàng trăm ngàn ngư dân và người dân Philippines, cáo buộc Tập Cận Bình phạm tội gây thiệt hại môi trường biển nghiêm trọng khi thực hiện kế hoạch khống chế, độc chiếm Biển Đông; Tập Cận Bình đã có hành vi vi phạm luật quốc tế khi gây tổn hại nghiêm trọng cho những người phụ thuộc vào việc đánh bắt cá để kiếm sống và cho các thế hệ cư dân ven biển của các nước ven Biển Đông thông qua việc đẩy nhanh sự sụp đổ nghề cá và do đó dẫn tới tình trạng thiếu lương thực ở một số quốc gia.
Trong đơn gửi Tòa án Hình sự quốc tế, các nguyên đơn cho rằng những hành động vô nhân đạo và tàn bạo này của Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình đứng đầu gây ra ở Biển Đông chưa bị trừng phạt và chỉ có Tòa án Hình sự quốc tế mới có thể bắt họ chịu trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; chỉ có Tòa án Hình sự quốc tế mới có thể khiến Tập Cận Bình và Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trong bối cảnh Tổng thống Philippines Duterte đang “vuốt ve” Trung Quốc và cá nhân ông Tập Cận Bình thì việc hai cựu quan chức cấp cao Philippines đệ đơn kiện Tập Cận Bình ra Tòa án Hình sự quốc tế thể hiện rõ nỗi thất vọng và bức xúc của người dân Philippines nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung trước các hành động hung hăng, hiếu chiến, tàn bạo không còn tính người của Tập Cận Bình. Đây cũng là nỗi bức xúc của hàng triệu ngư dân Việt Nam, cuộc sống của họ phụ thuộc vào đánh bắt cá trên biển khơi, nhưng thời gian qua luôn bị Trung Quốc trấn áp, bắt bớ, đâm chìm tàu cá ở ngư trường Hoàng Sa.
Là người đứng đầu của một đất nước đông dân nhất thế giới, có nền văn hóa lâu đời, hy vọng ông Tập Cận Bình hãy suy ngẫm về những hành vi của mình, hãy trút bỏ khỏi mình tư tưởng bá quyền đại Hán, hãy hành xử có nhân cách, hãy nói đi đôi với làm để người dân Trung Quốc, người dân các nước ven Biển Đông và nhân loại được nhờ, chứ đừng để Tòa án Hình sự quốc tế kết tội là kẻ độc tài, hung hăng, tàn bạo.