Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaGiới nghiên cứu TQ đổ lỗi cho Mỹ đang tạo ra nguy...

Giới nghiên cứu TQ đổ lỗi cho Mỹ đang tạo ra nguy cơ đụng độ quân sự ở Biển Đông giữa hai nước

Sau hàng loạt những động thái quân sự hóa ở Biển Đông, trước sự hiện diện gia tăng của Mỹ và các nước ở Biển Đông thời gian qua, giới nghiên cứu tại Bắc Kinh đã tung ra các lập luận cho rằng chính sách và hành động của Mỹ hiện nay đang gây ra nguy cơ xảy ra đụng độ giữa lực lượng hải quân của Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng lớn.

Tàu khu trục Mỹ USS Decatur bị tàu TQ áp sát nguy hiểm ở Biển Đông hôm 30/9/2018. Nguồn: Reuters

TQ cho rằng quân đội Mỹ được Chính quyền Tổng thống D.Trump trao quyền nhiều hơn

Một nhóm nghiên cứu có tên là “Sáng kiến Thăm dò Tình huống Chiến lược” thuộc Đại học Bắc Kinh của Trung Quốc ngày 09/4 đã công bố mộtBáo cáo về tình hình Biển Đông và hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực. Trong đó, khẳng định “nguy cơ xảy ra đụng độ giữa lực lượng hải quân của Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng lớn do quân đội Mỹ được Chính quyền Tổng thống Donald Trump trao thêm quyền ra quyết định”.

Theo nhóm này, hoạt động quân sự của Mỹ tại Biển Đông đang gia tăng về cường độ và mức độ. Báo cáo dẫn ra thống kê dưới thời cựu Tổng thống Barrack Obama, Hải quân Mỹ chỉ tiến hành 4 chiến dịch tuần tra tự do hàng hải (FONOP) gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép từ năm 2015, trong khi đó dưới thời Tổng thống D.Trump, Hải quân Mỹ đã thực hiện 11 chiến dịch FONOP (gấp gần 3 lần so với trước). Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng cũng dường như có xu hướng ít tham gia vào hoạt động quân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ tại vùng biển này. “Trong thời kỳ Obama, các chiến dịch như vậy mang nhiều ý nghĩa chiến lược hơn nên có sự giám sát của các cấp cao hơn. Còn Chính quyền Trump lại ủy quyền thực hiện chiến dịch FONOP cho Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (PACOM) và điều này chắc chắn sẽ làm gia tăng rủi ro và nguy hiểm trong khu vực”, chuyên gia Hu Bo, Giám đốc “Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hàng hải” tại Đại học Bắc Kinh, đồng tác giả của báo cáo cho biết.

Một thủ đoạn tuyên truyền về Biển Đông của TQ

Trung Quốc thường thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng: Trung Quốc sử dụng các cơ quan thông tấn, truyền thông và báo chí (Tân Hoa xã, Phượng Hoàng, Hoàn Cầu, Sina, Sohu, CCTV…) để đưa tin, hình ảnh, bài viết cập nhật về hoạt động bảo vệ “chủ quyền” biển đảo của quân, dân Trung Quốc; mở nhiều trang diễn đàn (diễn đàn quân sự, diễn đàn Nam Hải…) chuyên đăng các thông tin liên quan Biển Đông nhằm tuyên truyền về vấn đề “chủ quyền”, kích động tinh thần dân tộc và tán phát các thông tin xuyên tạc sự thật khiến người dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế ngộ nhận về “chủ quyền không thể tranh cãi” của Trung Quốc. Trung Quốc cũng thường sử dụng một nhóm các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước như “Sáng kiến Thăm dò Tình huống Chiến lược” thuộc Đại học Bắc Kinh hay Trung tâm Hợp tác An ninh thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc để đưa ra những bình luận, bài viết tìm cách bao biện cho “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông và lấp liếm các hành động phi pháp của Chính phủ Trung Quốc.

Thực tế, các vụ va chạm quân sự và dân sự ở Biển Đông vừa qua đều do các hành động hung hãn của TQ gây ra

Báo cáo được công bố sau khi nhiều quan chức cấp cao Mỹ, gồm Tư lệnh Hải quân John Richardson, cựu tư lệnh PACOM Harry Harris và người kế nhiệm Philip Davidson liên tục tuyên bố Mỹ sẽ có hành động cứng rắn hơn để chống lại các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông. Nhóm chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại rằng quân đội Trung Quốc có thể hành động thiếu kiềm chế hơn trên Biển Đông, làm gia tăng nguy cơ nổ ra xung đột. Tháng trước, Đại tá Zhou Bo, Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc, tuyên bố Hải quân Trung Quốc có thể sẽ không khoan nhượng với các hành động của Mỹ ở Biển Đông nữa. “Khi năng lực của chúng ta được củng cố, chúng ta có thể thực hiện thêm nhiều hoạt động để chống lại những động thái khiêu khích”, vị Giám đốc này nói.

Trung Quốc gần đây tăng cường hoạt động xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp này, bất chấp sự phản đối của Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Hôm 30/9/2018, Mỹ đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur đi qua vùng biển ngoài khơi quần đảo Trường Sa, thực hiện chiến dịch tuần tra kéo dài 10 giờ đồng hồ ở khu vực 12 hải lý gần các bãi Đá Gaven và Đá Gạc Ma, một nỗ lực duy trì tự do hàng hải trong khu vực. Tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc đã tiến sát ngay trước mũi tàu Mỹ ở khoảng cách chỉ hơn 40m và yêu cầu tàu Mỹ rời đi, một hành vi “không an toàn” và “thiếu chuyên nghiệp”, theo lời phát ngôn viên Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ Charles Brown. Hải quân Mỹ đã công bố bức ảnh đầu tiên chụp bởi Captain cho thấy khoảng cách nguy hiểm khi tàu khu trục Trung Quốc đến gần tàu Mỹ. Hành động trên của Trung Quốc ngay lập tức bị dư luận các nước lên án mạnh mẽ vì đã gây nguy cơ đụng độ nguy hiểm cho tàu Mỹ.

Trong các vụ đụng độ dân sự, phải kể đến các vụ tàu thuyền của Trung Quốc xuôi đuổi, đâm va các tàu cá của ngư dân Việt Nam và các nước. Nhiều trường hợp dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đe dọa tính mạng của ngư dân các nước. Vụ việc gần đây nhất diễn ra hôm hôm 6/3, khi một tàu cá Quảng Ngãi của Việt Nam có 5 lao động, do ông Trần Minh Hùng làm thuyền trưởng, đánh bắt hải sản cách đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 5 hải lý thì bị một tàu Trung Quốc mang số hiệu 44101 áp sát truy đuổi, dùng vòi rồng tấn công khiến tàu của ông Hùng phải bỏ chạy, va vào đá ngầm và chìm. Sau nhiều giờ bám vào phần nổi của mũi tàu, 5 ngư dân được một tàu cá Việt Nam cứu vớt và trở về bờ an toàn hôm 17/3, ước tính thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Những năm gần đây, Trung Quốc thường gây ra các vụ việc tương tự ở ngư trường truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nguy hiểm hơn, khi các nhân chứng cho biết nếu tàu Trung Quốc phát hiện ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản gần hai quần đảo trên thì sẽ đâm chìm chứ không cảnh báo và xua đuổi như trước.

RELATED ARTICLES

Tin mới