Wednesday, November 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 18/04/2019

Bản tin Biển Đông ngày 18/04/2019

Bản tin Biển Đông ngày 18/04/2019.

Ngày 17/4, Báo cáo của sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết, kể từ đầu tháng 3 đến nay, các hình ảnh thu được từ vệ tinh cho thấy, các tàu cá của Trung Quốc thực chất là một phần của lực lượng dân quân biển, đã hoạt động ở gần hai đảo do Philippines chiếm đóng là đảo Loại Ta và đá Loại Ta (đảo Kota và đảo Panaga). Các hình ảnh vệ tinh được thu thập vào ngày 12/3, 16/3, 29/3 và 7/4 đã khẳng định sự hiện diện của tàu cá Trung Quốc ở khu vực này. Tại khu vực 02 thực thể này, các tàu cá của Trung Quốc neo đậu thành từng cụm lớn, không thấy có ngư cụ; số lượng tàu tăng lên theo thời gian. Ngày 12/3 chỉ có một tàu cá Trung Quốc cách đảo Loại Ta khoảng 50m, ngày 16/3 thì số lượng tăng lên 8 tàu, đến ngày 29/3 thì thấy xuất hiện ít nhất 15 tàu cá loại lớn và 8 tàu nhỏ. Phần lớn các tàu cá đều ở đảo Loại Ta, một số lảng vảng gần đá Loại Ta. Không tàu nào thả lưới kéo hay sử dụng ngư cụ. Có 4 tàu cá của Trung Quốc neo đậu gần hơn nửa hải lý tính từ căn cứ của Philippines trên đảo Loại Ta, điều này đặc biệt gây bức xúc đối với Philippines khi căn cứ của Philippines trên thực thể này dựa vào sự tiếp tế và cứu trợ thường xuyên từ căn cứ trên đảo Loại Ta. Một hình ảnh thu được từ ngày 14/4 cho thấy không có tàu nào gần đá Loại Ta, nhưng lại không nhìn rõ đá Loại Ta, vì thế không rõ là tàu Trung Quốc còn lảng vảng ở khu vực lân cận hay không. Sự xuất hiện của tàu Trung Quốc trong vòng một tháng xung quanh hai thực thể này cho thấy sự xuất hiện của tàu Trung Quốc xung quanh đảo Thị Tứ trước đó không phải chỉ là một vụ việc riêng lẻ. Một nghiên cứu trước đó cho thấy lực lượng dân quân biển của Trung Quốc sẽ tiếp tục là cánh tay phải để Trung Quốc triển khai sức mạnh nhằm vào các nước láng giềng ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Quân đội Mỹ cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở các vùng nước tranh chấp

Ngày 16/4, mạng Express UK dẫn lời Tướng Robert Brown, Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương cho biết, Lục quân Mỹ ở Thái Bình Dương sẽ chuyển từ hoạt động diễn tập ở Hàn Quốc sang các cuộc diễn tập ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Các cuộc diễn tập sẽ ở cấp sư đoàn và sẽ chuyển dịch sang khu vực Biển Đông vào năm 2020. Lục quân Mỹ có khả năng sẽ là đối tác với quân đội Thái Lan và Philippines. Lục quân Mỹ hiện tại có 85,000 binh sỹ đồn trú ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và đang có các cuộc diễn tập then chốt như Pathways Pacific với các đồng minh và đối tác để diễn tập triển khai quân nhanh chóng từ Mỹ tới Thái Bình Dương. Các cuộc diễn tập được cho là để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc bởi Mỹ xem Trung Quốc như là “đối thủ cạnh tranh chiến lược và lâu dài với Mỹ”.

Mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc là các đường cáp mạng dưới biển

Theo mạng Japan Times ngày 16/4 đưa tin, khi phương Tây xem xét tới những mối đe doạ gây ra bởi những tham vọng hải quân của Trung Quốc thì xu hướng tự nhiên là sẽ chú ý nhiều tới Biển Đông. Những điểm dễ nhận thấy trong chiến lược biển của Trung Quốc là tham vọng với dầu khí, khí ga và khả năng kiểm soát tới 40% lượng vận của thế giới. Tuy nhiên, một yếu tố khác khó nhận biết hơn, đó là sự ảnh hưởng ngày càng tăng của chính quyền Bắc Kinh đối với việc xây dựng và sửa chữa các đường cáp ngầm dưới biển giúp truyền tải toàn bộ các thông tin qua mạng. Do vậy, để có thể hiểu được tổng thể “Trò chơi lớn” của Trung Quốc ở trên biển thì cần phải nhìn xuống cả đáy biển.

Phần cốt lõi của mạng Internet hiện nay là 380 đường cáp ngầm dưới biển, truyền tải hơn 95% tất cả các dữ liệu và âm thanh giữa các lục địa. Những đường cáp này phần lớn được xây dựng bởi Mỹ và các nước đồng minh để đảm bảo chúng được lắp đặt một cách “sạch sẽ”, không có khả năng bị gắn sẵn các thiết bị gián điệp thông tin bởi các nước đối thủ. Nhưng hiện nay, tập đoàn công nghệ Hoa Vi của Trung Quốc, công ty dẫn đầu về cung cấp mạng điện thoại 5G trên toàn cầu đã vươn cả tới biển. Hoa Vi đang xây dựng hoặc củng cố gần 100 đường cáp ngầm dưới biển trên thế giới. Do lo ngại chính đáng về phần mềm gián điệp trong công nghệ 5G của Hoa Vi, các chuyên gia tình báo phương Tây phản đối sự tham gia của công ty này vào các tuyến cáp ngầm dưới biển.

Khi Washington công bố các chứng cứ về các nguy cơ từ các đường cáp ngầm dưới biển của Hoa Vi thì Mỹ có thể đưa vấn đề an ninh của việc vận hành các đường cáp ngầm này vào chương trình nghị sự quốc tế, mạnh mẽ giống như cách Mỹ đã lo ngại về công nghệ 5G của Hoa Vi. Chứng cứ này là lập luận chính trong nỗ lực truyền thông chiến lược để thuyết phục các chính phủ và các công ty phương Tây rằng hợp tác với Trung Quốc sẽ không mang lại lợi ích trong dài hạn.

Đô đốc Mỹ, Jamie Foggo đã nói: “các đường cáp ngầm dưới biển là một phần của hệ thống quan trọng và thiết yếu đối với nền kinh tế toàn cầu. Mỹ phải bảo vệ sự thống nhất và an ninh của những đường cáp này để đảm bảo rằng chúng ta đang có tự do biển cả”. Như vậy, trong khi chúng ta chắc chắn cần xem xét những thách thức mà Trung Quốc gây ra trên mặt biển ở Biển Đông thì chúng ta cũng cần thiết nhìn xuống tận sâu dưới đáy biển.

Trung Quốc tiết lộ thông tin về tàu đổ bộ không người lái lưỡng dụng “thằn lằn biển” (Marine Lizard)

Ngày 17/4, mạng Sputnik trích dẫn Global Times cho biết, tàu đổ bộ không người lái lưỡng dụng đầu tiên thằn lằn biển đã được giao cho quân đội Trung Quốc tuần trước sau khi bản mẫu của con tàu này được tiết lộ tại Triển lãm Hàng không dân dụng Quốc tế tại Trung Quốc năm 2018. Thằn lằn biển được chế tạo bởi Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Trung Quốc, dài 12 m, chạy bằng động cơ diesel, có thể được sử dụng cùng với các thiết bị không người lái trên không và những tàu khác trong các chiến dịch.

Sputnik cho biết thêm, ngoài việc được trang bị hệ thống quang điện, hệ thống ra đa hiện đại và được kết nối với hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc, tàu Thằn lằn biển còn đặc trưng bởi thân tàu dát hợp kim nhôm và được trang bị một bệ phóng tên lửa thẳng đứng có thể triển khai tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không. Tàu Thằn lằn biển có tầm hoạt động rộng tới 1.200 km, tốc độ tối đa lên tới 50 hải lý/giờ và có thể được điều khiển từ xa qua vệ tinh.

Theo các chuyên gia của Thời báo Hoàn Cầu, khả năng triển khai độc lập của tàu Thằn lằn biển khiến nó trở thành lý tưởng cho các cuộc tấn công đổ bộ do có các thiết bị có khả năng thăm dò các điểm mạnh của kẻ địch, đồng thời có thể dùng lửa để trấn áp khi quân lính theo sau từ một khoảng cách đủ an toàn để giảm thương vong. Bên cạnh khả năng đổ bộ, tàu Thằn lằn biển cũng có thể bảo vệ bờ biển tốt bởi nó được thiết kế để có khả năng duy trì ở chế độ ngủ đông lên tới 8 tháng ở một hòn đảo không có người ở trước khi được kích hoạt trở lại từ xa để tuần tra hoặc tham gia chiến dịch.

RELATED ARTICLES

Tin mới