Hôm thứ Ba (9/4), Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Liên minh châu Âu lần thứ 21 đã diễn ra tại Thủ đô Bruxelles của Bỉ. Theo nhiều kênh truyền thông, hai bên đã đạt được nhất trí về tuyên bố chung vào phút chót, Trung Quốc đã có nhượng bộ lớn về vấn đề mà Liên minh châu Âu đang quan tâm.
Hôm thứ Ba (9/4), trước khi có cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho biết, các công ty châu Âu tại Trung Quốc cần hưởng quyền lợi tương đồng như các công ty Trung Quốc tại châu Âu đang hưởng.
Mục đích của Hội nghị Thượng đỉnh lần này là nhằm giải quyết chia rẽ ngày càng gia tăng giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc. Liên minh châu Âu cho rằng, Trung Quốc không thực hiện cam kết ủng hộ tự do thương mại và toàn cầu hóa, cũng không hình thành quan hệ thương mại đối đẳng với EU; EU cũng nhấn mạnh, Trung Quốc cần mở cửa thị trường đối với doanh nghiệp châu Âu, giống như những gì mà châu Âu đã làm đối với doanh nghiệp Trung Quốc. EU còn yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ và trợ cấp các ngành công nghiệp do chính phủ chủ đạo. Gần một tháng trước khi diễn ra hội nghị, Ủy ban châu Âu đã công bố báo cáo “Triển vọng chiến lược Liên minh châu Âu – Trung Quốc”, trong đó liệt kê ra kế hoạch 10 điểm, gọi Trung Quốc là “kẻ cạnh tranh kinh tế, đối thủ của thể chế”. Lãnh đạo EU cũng kêu gọi giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có cuộc hội đàm hôm 9/4, sau đó, trong cùng ngày hai bên đã phát biểu “Tuyên bố chung Hội nghị Thượng đỉnh Trung – Âu”.
Trung Quốc đưa ra nhượng bộ vào phút chót
Trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh, quan chức EU tiết lộ, hai bên vẫn đang cùng nhau tiến hành đàm phán về bản thảo của tuyên bố chung. Quan chức châu Âu chia sẻ với kênh truyền thông EURACTIV tại châu Âu rằng, buổi tối trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh, EU vẫn từ chối ký vào tuyên bố chung Hội nghị Thượng đỉnh Trung – Âu.
Quan chức châu Âu nói với EURACTIV, khi Bắc Kinh đưa ra nhượng bộ vào phút chót bằng biện pháp tăng cường trật tự quốc tế và giải quyết vấn đề trợ cấp cho các ngành công nghiệp do chính phủ chủ đạo, hai bên đã đạt được nhất trí về bản tuyên bố chung.
“Trung Quốc rất mong muốn đạt được tuyên bố chung”, một quan chức châu Âu cho biết.
Theo EURACTIV, về vấn đề trợ cấp công nghiệp của Trung mà hai bên Trung – Âu đang có nhiều tranh nghị, hai bên đồng ý “tăng cường thảo luận, để tăng cường chấp hành quy tắc quốc tế trong vấn đề trợ cấp công nghiệp.” EU vẫn luôn chỉ trích Trung Quốc trợ cấp đối với các doanh nghiệp nhà nước từ đó dẫn đến cạnh tranh không công bằng.
Một phần nội dung của tuyên bố chung
Về phương diện thương mại công bằng mà EU nhấn mạnh, tuyên bố chung có nói, hai bên “cam kết xây dựng quan hệ thương mại trên cơ sở cởi mở, không kỳ thị, cạnh tranh công bằng; đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch, cùng có lợi”.
Về phương diện tiếp cận thị trường mà EU quan tâm, tuyên bố nói, “sẽ cải thiện điều kiện tiếp cận thị trường, xóa bỏ yêu cầu và cách làm mang tính phân biệt đối xử gây ảnh hưởng tới đầu tư nước ngoài, xây dựng khung đảm bảo cân bằng đầu tư, đưa vào các điều khoản liên quan đến đầu tư và phát triển bền vững.”
Tuyên bố còn nhấn mạnh, cần “cùng cung cấp điều kiện tiếp cận thị trường rộng rãi, thuận lợi, không kỳ thị. Dựa vào điểm này, Trung – Âu sẽ cố gắng hơn nữa để tìm phương án giải quyết được cả hai bên cùng đồng thuận trong hàng loạt các vấn đề được nhận định là chướng ngại quan trọng, đồng thời sẽ tiến hành kiểm điểm lại trong Hội nghị Thượng đỉnh lần tới.”
Về vấn đề cưỡng ép chuyển giao công nghệ mà EU quan tâm, tuyên bố có nói: “Hai bên đồng ý, không nên có việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ”; “Hai bên ủng hộ công tác cải cách cơ chế giải quyết liên quan đến tranh chấp đầu tư của Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hiệp Quốc, đồng thời sẽ hợp tác cùng tham gia vào tiến trình cải cách này.”
Về chính sách trợ cấp doanh nghiệp của Trung Quốc, trong tuyên bố chung, hai bên đồng ý thắt chặt thảo luận nhằm tăng cường các quy định quốc tế về vấn đề trợ cấp doanh nghiệp.
Trung – Âu giằng co về nội dung trong tuyên bố chung
EU đã chế định một bản thảo về tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Trung – Âu trước khi diễn ra hội nghị, đồng thời chờ đợi phía Trung Quốc đồng ý. Theo Reuters dẫn lời một quan chức của EU tiết lộ, sau khi bản thảo này được đưa cho phía Trung Quốc, quan chức Trung Quốc đã xóa bỏ và sửa đổi nhiều nội dung trong đó, dẫn đến nhiều khả năng không công bố tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh hôm 9/4.
Một quan chức EU nói, đặc sứ các nước thuộc EU gồm cả Anh Quốc, Đức, Pháp đều cho biết, họ không đồng ý với bản tuyên bố sau khi được phía Trung Quốc sửa.
“Chúng ta mong muốn nói rõ ràng rằng chúng ta muốn hợp tác với Trung Quốc như thế nào, chứ không phải là công bố một văn kiện không có chút ý nghĩa nào”, một quan chức ngoại giao cấp cao của EU cho biết.
Một nhân sĩ tiết lộ, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kiến nghị không chấp nhận bản tuyên bố mà Trung Quốc đã sửa. Trung Quốc không đáp ứng được yêu cầu của EU về vấn đề mở cửa thị trường, cũng không cố gắng cải cách quy tắc thương mại toàn cầu.
Một quan chức EU khác nói, nếu Bắc Kinh không thay đổi lập trường, thì sẽ không có tuyên bố chung.
EURACTIV cho biết, trước khi Hội nghị Thượng đỉnh Trung – Âu diễn ra, Bắc Kinh đã gửi bản thảo tuyên bố chung cho EU để thu hẹp chia rẽ giữa hai bên. Trong 2 vấn đề hóc búa là tiếp cận thị trường và cưỡng ép chuyển giao công nghệ, Trung Quốc đã có một số cải tiến. Tuy nhiên, quan chức EU thừa nhận, tuyên bố chưa có cơ chế chấp hành để giải quyết vấn đề cưỡng ép chuyển giao công nghệ.
Hôm thứ Ba, Trung Quốc đã có thêm nhượng bộ vào phút chót, và Hội nghị Thượng đỉnh Trung – Âu lần này đã kết thúc bằng một bản tuyên bố chung.