FBI mở chiến dịch phản gián nhằm ngăn các học giả Trung Quốc đến Mỹ nếu như họ bị nghi ngờ có liên quan đến cơ quan tình báo Trung Quốc.
Giống những lần đến Mỹ trước đó, ông Zhu Feng ăn lót dạ bữa trưa ở sân bay Los Angeles trước khi vội vàng bắt chuyến bay của hãng Air China trở về Bắc Kinh.
Bỗng nhiên, hai đặc vụ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) chặn học giả người Trung Quốc ngay tại cửa lên máy bay, đồng thời yêu cầu ông xuất trình hộ chiếu. Họ lật cuốn hộ chiếu 10 năm của ông, dùng bút đen vạch lên giấy. Ông Zhu – giáo sư quan hệ quốc tế – kể lại lời một đặc vụ nói với ông trong chuyến đi hồi tháng 1/2018: “Quay trở về Trung Quốc. Ông sẽ nhận được giấy thông báo”.
Theo tờ New York Times, trong bốn thập kỷ kể từ khi Trung Quốc và Mỹ bình thường hóa quan hệ, Washington vẫn thường chào đón các học giả và nhà nghiên cứu Trung Quốc đến Mỹ, ngay cả khi Bắc Kinh ít cởi mở với giới học giả của Mỹ. Chính quyền của đảng Cộng hòa và Dân chủ cho rằng Mỹ vẫn có lợi ích quốc gia khi đưa các học giả Trung Quốc đến với các giá trị của Mỹ.
Hiện tại, cánh cửa đó dường như đang đóng lại bởi hai quốc gia đang là đối thủ chiến lược của nhau. Hơn nữa, họ nghi ngờ các học giả đến từ nước bên kia có thể làm gián điệp, đánh cắp bí mật thương mại và can thiệp chính trị.
FBI đã mở chiến dịch phản gián nhằm ngăn các học giả Trung Quốc đến Mỹ nếu như họ bị nghi ngờ có liên quan đến cơ quan tình báo Trung Quốc. Khoảng 30 giáo sư người Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học xã hội, giám đốc các viện nghiên cứu cùng những chuyên gia phân tích chính sách chính phủ đã bị hủy hộ chiếu đến Mỹ trong năm qua, hoặc bị xếp vào danh sách chờ duyệt.
Chiến dịch được mở ra sau khi Giám đốc FBI Christopher A. Wray cảnh báo tại phiên điều trần trước Thượng viện năm ngoái rằng Bắc Kinh là “một mối đe dọa với toàn xã hội” yêu cầu “toàn xã hội phải phản ứng”.
Trong công văn phản hồi, một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết lực lượng thực thi pháp luật Mỹ tin rằng cơ quan tình báo Trung Quốc đang tăng cường lợi dụng các chuyến thăm của những chuyên gia nước này để nhắm đến công dân Mỹ với mục đích thu thập tình báo. Bộ trên từ chối nêu rõ trường hợp cụ thể. FBI cũng từ chối xác nhận hay phủ nhận về cuộc điều tra liên quan đến các chuyến thăm của học giả Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: NYT |
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nỗ lực để ngăn chặn vấn nạn đánh cắp tài sản trí tuệ bởi các nhà khoa học Trung Quốc đang làm việc tại các viện nghiên cứu ở Mỹ. Năm ngoái, Washington đã bắt đầu giới hạn thị thực cho sinh viên tốt nghiệp người Trung Quốc trong những ngành nghiên cứu nhạy cảm cũng như cảnh báo giới nghiên cứu y sinh tại các đại học của nước này hãy cảnh giác gián điệp Trung Quốc đánh cắp kết quả nghiên cứu của họ.
Trọng tâm của các mối lo ngại này chính là quan niệm Trung Quốc có thể đe dọa đối với vị trí thống trị về khoa học kỹ thuật của Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố mục tiêu đưa Bắc Kinh trở thành một cường quốc khoa học toàn cầu vào năm 2049.
Tuy nhiên, một số học giả Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc lâu năm cho rằng việc cấm vô lý các chuyên gia khoa học xã hội người Trung Quốc, Mỹ có thể gây hại đến danh tiếng “mở cửa và hợp tác” của nước này trong lĩnh vực tri thức. Những chuyên gia bị cấm cấp hộ chiếu bao gồm cả những người rất am hiểu về nước Mỹ.
Bà Susan Shirk, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 tại Đại học California San Diego, nói: “Trong số họ có những người tinh tường nhất về cách Mỹ vận hành và là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất mối quan hệ tốt với Mỹ. Chúng ta đang xa lánh những người bạn tốt nhất của Mỹ ở Trung Quốc”.
Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Mỹ khác lại có cái nhìn chặt chẽ hơn, cho rằng hoạt động trao đổi chuyên gia giữa hai nước đã trở thành lợi ích một chiều với Trung Quốc. Họ cáo buộc Bắc Kinh từ chối cấp hộ chiếu cho học giả Mỹ trong những lĩnh vực mà nước này đánh giá nhạy cảm, ngay cả khi học giả của nước họ vẫn có cơ hội đến Mỹ.
Lệnh cấm của Washington ảnh hưởng rõ rệt đến các chuyên gia tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc – một hệ thống các học viện do nhà nước quản lý. Ông Wu Baiyi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ thuộc viện trên cho biết ông đã bị các đặc vụ FBI thẩm vấn trong lúc tham dự sự kiện ở Atlanta hồi tháng 1. Hộ chiếu của ông sau đó đã bị hủy.
Lu Xiang, học giả cùng Viện Nghiên cứu Mỹ từng làm việc 6 tháng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington vài năm trước, cho biết thị thực của ông đã bị hủy hồi năm ngoái. “Họ có thể nghĩ rằng chúng ta biết quá nhiều về Mỹ”, ông Lu nói.
Ông Wang Wen, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang ở Bắc Kinh cho biết một số người nhận được thông báo rằng họ chỉ có thể xin thị thực nhập cảnh một lần. Tuy nhiên, họ sẽ phải cung cấp địa chỉ, số điện thoại và hồ sơ đi lại trong vòng 15 năm gần nhất. Ông Wen là cố vấn chiến lược cho chương trình cơ sở hạ tầng của Trung Quốc cùng với sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.
Thị thực của ông Wang đi bị hủy sau khi ông dự hội thảo tại Trung tâm Carter. Ông quyết định không xin thị thực nhập cảnh một lần bởi vì các câu hỏi quá cặn kẽ. Ông nói: “Tôi không muốn tới Mỹ những năm tới. Đó không phải là tổn thất của tôi, đó là tổn thất của Chính phủ Mỹ. Họ đã để mất một người bạn có sức ảnh hưởng”.
Quay lại câu chuyện của ông Zhu Feng, 55 tuổi. Ông là chuyên gia về quan hệ quốc tế, bị hủy hộ chiếu ngay tại sân bay ở Los Angeles, nằm trong số những chuyên gia về Mỹ thế hệ đầu thời kỳ hậu Mao Trạch Đông ở Trung Quốc.
Ông nghiên cứu về “xứ sở cờ hoa” tại Đại học Bắc Kinh trong thập niên 1980 và 1990, cùng với một trong những chuyên gia hàng đầu lĩnh vực này là Robert A. Scalapino. Lần đầu ông đến Mỹ năm 1999, làm việc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Monterey.
Câu hỏi đầu tiên của FBI sau khi ông hạ cánh tại Los Angeles để đổi chặng đến San Diego rằng ông có làm việc cho Quân Giải phóng Nhân dân và Bộ Ngoại giao Trung Quốc hay không. Họ cũng hỏi trong số đồng nghiệp của ông có ai có quan hệ mật thiết với tình báo.
Ông Zhu cho biết nhân viên FBI đã cảnh báo rằng nếu ông không hợp tác, ông sẽ bị coi là đối địch với nước Mỹ. Chuyên gia này đã phủ nhận làm việc cho quân đội và Bộ Ngoại giao. Về câu hỏi liên quan đến đồng nghiệp, ông trả lời: “Tôi không biết”. Ông từ chối lời đề nghị hợp tác.