Sunday, December 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVì sao quốc tế khó dùng tên 'Biển Đông'?

Vì sao quốc tế khó dùng tên ‘Biển Đông’?

Hôm đọc tin vụ Bắc Hàn bắn hỏa tiễn, tôi để ý thấy báo Chosun ở Hàn Quốc bản tiếng Anh không nói tên lửa Bình Nhưỡng phóng rơi xuống Biển Nhật Bản mà xuống ‘Biển Đông’ hoặc ‘Đông Hải’.

Nguyên văn bài trên Chosun viết: “North Korea Monday fired at least four ballistic missiles into the East Sea” (bản tin 06/03/2017).

Hóa ra vùng biển này cũng có tranh chấp giữa ba quốc gia, Nhật, Hàn và Triều cả về lãnh hải lẫn cái tên.

 

Tìm hiểu thêm một chút thì thấy Nhật Bản muốn quốc tế giữ cách gọi ‘Sea of Japan’ với lý do các bản đồ Phương Tây đã ghi như vậy từ thế kỷ 18.

Hàn Quốc gọi đó là ‘East Sea’, và chữ Hán là ‘Đông Hải’ (Donghae).

Bắc Triều Tiên muốn gọi đó là ‘East Korea Sea’, tạm dịch là Biển Đông Triều Tiên.

Tại vùng biển này có mỏm đá núi lửa, Hàn Quốc gọi là nhóm đảo Dokdo (Độc Đảo), Nhật Bản gọi là Takeshima.

Nằm cách đảo Ullung của Hàn Quốc chừng 90 km, đây là điểm nóng trong tranh chấp Nhật – Hàn và đã gây ra biểu tình phản đối Nhật ở Seoul hồi 2005.

Cuộc tranh cãi về tên vùng biển này đã kéo dài nhiều năm và xem ra chưa có giải pháp vì tên tiếng Anh ‘East Sea’ còn dễ bị nhầm lẫn với ít nhất là hai vùng biển khác cũng ngay tại châu Á.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Giới trẻ Hàn Quốc biểu tình phản đối Nhật Bản và khẳng định chủ quyền đảo Dokdo

Đó là Biển Hoa Đông mà Trung Quốc đôi khi viết là East China Sea trong tiếng Anh nhưng cũng gọi là Đông Hải, và ‘South China Sea’ mà theo cách gọi của Việt Nam cũng là Biển Đông (East Sea).

Lấy mình làm chuẩn

Chuyện nước nào cũng lấy mình làm chuẩn để tính ra phương vị Đông Tây Nam Bắc và đặt tên các vùng đất, vùng biển từ nhãn quan của mình không phải là chuyện mới.

Hồi sang vùng biển Baltic năm ngoái, tôi đọc thấy một tấm biển dựng tại Pomorze của Ba Lan (tức Pomerania cũ thuộc Đức) ghi song ngữ và gọi đây là ‘Biển Đông’, Ostsee trong tiếng Đức.

Quả vậy, nhìn từ phía các cảng của Đức sang phía Ba Lan thì rõ ràng đây là vùng ‘Biển Đông’.

Người Đức đã gọi như thế trong khi tên quốc tế của vùng biển này là Baltic, lấy theo tên các bộ tộc Balts ở vùng nay là Lithuania, Estonia và Latvia.

Giống như vậy, người Thuỵ Điển cũng gọi vùng biển này là Biển Đông – Östersjön.

Cái tên Biển Baltic ngày càng phổ biến hơn nhưng các trang mạng quảng cáo nghỉ hè ở Đức cho đến giờ vẫn gọi đây là Ostsee.

Ai đọc tiếng Đức thì biết chuyện đó nhưng trên bản đồ tiếng Anh họ lại ghi là Baltic Sea.

Biển Đông Nam Á?

Điều khác biệt giữa ‘Biển Đông’ ở châu Âu và ‘Biển Đông’ ở Đông Nam Á là vùng biển hiện có tên quốc tế ‘South China Sea’ đang có các tranh chấp đa quốc gia nghiêm trọng.

Philippines gần đây đã đặt tên cho vùng này là Biển Tây Philipine để nhắc với thế giới về sự gắn bó của nó với nước họ.

Nhìn từ Manila ra Trường Sa thì đúng là phía Tây.

Trong năm 2016 có tin Indonesia định đổi tên gọi của họ về vùng biển này thành Biển Natuna, theo tên quần đảo do Jakarta nắm chủ quyền.

Cứ tình trạng này thì tranh chấp sẽ còn kéo dài vì sự thiếu vắng đồng thuận đã bắt đầu ngay từ cái tên.

Cần nhắc rằng trong trường hợp cả hai ‘East Sea’ ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á có vẻ như các lập luận về lịch sử không được quốc tế công nhận.

Hàn Quốc tìm ra các thư tịch cổ nói họ đã dùng cái tên Đông Hải (Biển Nhật Bản) từ 2000 năm.

Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Biển Nam Trung Hoa nhìn từ một vùng núi đá của Đài Loan

Việt Nam ít ra là cũng gọi đây là Đông Hải từ thế kỷ 15, theo câu trong Bình Ngô Đại cáo.

Nguyễn Trãi viết về tội ác của quân Minh:

“Quyết Đông Hải chi thủy bất túc dĩ trạc kỳ ô,

Khánh Nam Sơn chi trúc bất túc dĩ thư kỳ ác.”

Dịch:

“Độc ác thay, trúc Nam Sơn không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay, nước Đông Hải không rửa sạch mùi.”

Ý nghĩa lịch sử của tên vùng biển này hẳn rất lớn với người Việt Nam.

Nhưng vấn đề là đã có mấy cái tên giống nhau, nên cộng đồng quốc tế thật khó chọn chỉ một mà bác bỏ các tên kia.

Trung Quốc từng gọi là Nam Hải nhưng cũng có lúc gọi đây là Nam Trung Quốc Hải.

Để tránh nhầm lẫn, đã có cuộc vận động để đặt tên lại Biển Đông cạnh Việt Nam là Biển Đông Nam Á.

Chừng nào nỗ lực này chưa thành thì quốc tế sẽ vẫn gọi đây là Biển Nam Trung Hoa.

Về mặt kỹ thuật, ít ra cách gọi như hiện nay tránh được sự lẫn lộn trên bản đồ hàng hải cho tàu thuyền đi lại trong vùng.

RELATED ARTICLES

Tin mới