Friday, January 10, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaBản tin Biển Đông ngày 22/04

Bản tin Biển Đông ngày 22/04

Bản tin Biển Đông ngày 22/04.

Philippines không thể làm bất cứ điều gì quyết liệt đối với các hành động khiêu khích của Trung Quốc

Tờ Philstar đưa tin, ngày 20/4, Hiệp hội luật gia Philippines và các ngư dân vùng Palawan và Zambale đã yêu cầu tòa án cấp cao Philippines ban hành một văn bản đề nghị Chính phủ Philippines phải thực thi luật môi trường Philippines ở Biển Đông, bao gồm luật ngư nghiệp, để chống lại các hành động hủy hoại môi trường, khai thác sò tai tượng của Trung Quốc tại khu vực này. Bản đề nghị này cũng buộc tội Chính phủ Philippines đã thất bại hoặc không sẵn sàng thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông.

Ngày 20/4 vừa qua, Phủ Tổng thống Philippines cho biết Philippines không thể làm gì quyết liệt để chống lại sự hủy hoại môi trường của Trung Quốc tại khu vực này. Cách tốt nhất để xử lý vấn đề này là đàm phán; nếu sử dụng biện pháp vũ lực thì Trung Quốc sẽ đáp trả bằng biện pháp vũ lực. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cũng cho rằng, để ngăn chặn các thiệt hại môi trường ở khu vực bãi cạn Scarbourough thì phải triển khai thêm lực lượng cảnh sát biển ở khu vực này để trông coi và ngăn chặn việc phá hủy các rạn san hô.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết Trung Quốc sẽ không đáng được ca ngợi như người anh hùng khi nỗ lực phục hồi các rạn san hô đã bị chính Trung Quốc phá hủy ở Biển Đông. Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr cho rằng vấn đề của Philippines không chỉ đơn thuần là bảo vệ các rạn san hô mà còn là vấn đề bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Philippines.

Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân đội

Ngày 22/4, tờ Washington Post cho biết, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng cùng với các tàu ngầm, tàu khu trục hạt nhân mới, chiến đấu cơ sẽ tham gia lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng Hải quân Trung Quốc. Theo thông báo của Hải quân Trung Quốc, có 32 tàu chiến và 39 máy bay của Trung Quốc chuẩn bị cùng với gần 20 tàu đến từ 10 quốc gia khác (không có Mỹ). Sự kiện diễn ra trên vùng biển ngoài khơi thành phố Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) vào ngày 23/4, là cuộc duyệt binh quân sự thứ 5 do Chủ tịch Tập Cận Bình giám sát kể từ lúc ông nắm quyền năm 2012.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines từ chối đề xuất Philippines nên phát triển vũ khí hạt nhân

Ngày 21/4, mạng Manila Bullentin đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã từ chối đề xuất cho nước này phát triển năng lực vũ khí hạt nhân để có thể gây áp lực với việc Trung Quốc đang chiếm giữ một số khu vực tranh chấp trong lãnh thổ Philippines. Theo ông Lorenzana, “tuyên bố của cựu Bộ trưởng Quốc phòng và ứng cử viên thượng nghị sĩ hiện tại Juan Ponce Enrile cho rằng cách duy nhất để thi hành Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc là Philippines phát triển khả năng vũ khí hạt nhân là không đúng”. Ông Lorenzana cũng nêu ba lý do chính tại sao Philippines không thể phát triển năng lực vũ khí hạt nhân. (i) Đầu tiên và quan trọng nhất, Philippines không có năng lực kỹ thuật và công nghệ cho nó. (ii) Là một bên ký kết Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân nên Philippines không thể làm như vậy. (iii) Hiến pháp của Philippines tuyên bố rằng chúng ta phản đối chiến tranh là một công cụ của chính sách quốc gia. Vũ khí hạt nhân không phải là vũ khí phòng thủ mà là vũ khí tấn công.

Để ngăn cản Trung Quốc, Mỹ cần tới Lực lượng Tuần duyên

Ngày 20/4, tờ Washington Post cho biết, các tàu Trung Quốc đã theo dõi tàu của Lực lượng Tuần duyên Mỹ khi đi qua biển Hoa Đông tháng trước. Đây là một sự nhắc nhở người Mỹ về việc họ đang hoạt động ở đâu, một khu vực chiến lược cách bờ biển Trung Quốc 200 hải lý. Tình hình này đã làm cho Mỹ cảm thấy cần phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa của Lực lượng Tuần duyên trong khu vực này.

Một quan chức Mỹ cho hay Lực lượng tuần duyên của Mỹ có xu hướng đối phó với Trung Quốc bằng cách triển khai các tàu khu trục mới, sắp xếp lại vị trí của các tàu cũ và cử các thành viên tới các nước như Việt Nam và Sri Lanka để giúp những nước này đào tạo lực lượng cảnh sát biển của họ.

Đô đốc Karl Schultz của Chỉ huy Lực lượng Tuần duyên Mỹ nói rằng khi Bộ Quốc phòng chuyển hướng trọng tâm sang cạnh tranh với Nga và Trung Quốc thì Hải quân bị “đặt hàng” quá nhiều. Vì vậy, “Lực lượng Tuần duyên sẽ giúp giảm tải về nhu cầu của Hải quân và giúp chính quyền ổn định khu vực. Chúng tôi là những tàu chiến của Mỹ nhưng chúng tôi trông khác biệt với thân tàu màu trắng và một sọc màu cam”.

Việc triển khai tàu Bertholf của Lực lượng Tuần duyên Mỹ từ cảng Alameda, bang Califorlia tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 1 vừa qua đã đánh dấu sự mở rộng các chiến dịch của Lực lượng này ở đây. Tàu tuần duyên Berholf, một phần của đội tàu đang lớn mạnh hiện đại thuộc sự kiểm soát của Đội tàu số 7 của Hải quân Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương mặc dù Lực lượng Tuần duyên là một phần của Bộ An ninh nội địa Mỹ. Việc triển khai Bertholf cũng đánh dấu lần đầu tiên Lực lượng Tuần duyên triển khai một con tàu lớn như vậy tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đô đốc Linda Fagan, chỉ huy các chiến dịch của Lực lượng Tuần duyên ở khu vực cho hay, Mỹ cam kết triển khai một tàu tuần duyên tương tự, tàu Stratton vào cuối năm nay để giúp các quốc gia đối tác của Mỹ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tuần tra ở chính vùng biển của họ.

Lực lượng Tuần duyên Mỹ cũng có thể triển khai việc tìm kiếm, cứu nạn và thực thi pháp luật nghề cá. Phó Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ, Brig. Gen. Dagvin Anderson khẳng định với Washington Post rằng Lực lượng Tuần duyên “đem tới những sự hiểu biết sâu và những khả năng đặc biệt” quan trọng với các đồng minh và đối tác ở khu vực. Chức năng thực thi pháp luật của Lực lượng Tuần duyên cũng bổ trợ cho các mục tiêu của Bộ Quốc phòng.

Sự tham gia của Lực lượng Tuần duyên Mỹ ở khu vực cũng bao gồm cả việc chuyển lại cho Cảnh sát Biển Việt Nam một tàu tuần duyên dài 378 feet. Những chiếc tàu này được cho là sẽ giúp Việt Nam trong việc ngăn chặn cướp biển, buôn lậu và khai thác cá trái phép. Lực lượng Tuần duyên Mỹ cũng trao lại cho Sri Lanka một tàu tuần duyên, trước đây là tàu USCGC Sherman.

Lyle Morris, một chuyên gia nghiên cứu các vấn đề an ninh ở khu vực cho hay trong các thập kỷ qua, sự tham gia của Lực lượng Tuần duyên Mỹ ở Châu Á là rất ít nhưng hiện nay nó đang đáp ứng những yêu cầu từ các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực để kiểm soát các vùng lãnh hải của chính những nước này. Chuyên gia Lyle cho rằng “họ nhận thấy mối quan hệ giữa các tàu thực thi pháp luật và lực lượng tuần duyên ít gây ra nguy cơ xung đột leo thang hoặc không leo thang hơn là hải quân”. Sự cần thiết của Lực lượng Tuần duyên vượt ra ngoài việc cản trở lại Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới