Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTQ khôi phục hệ sinh thái ở Biển Đông, việc làm có...

TQ khôi phục hệ sinh thái ở Biển Đông, việc làm có đáng tin?

Gần đây, trên một số trang mạng của Trung Quốc như South China Morning Post (scmp.com), China News Service (ecns.cn)… đăng tải thông tin cho biết, Bộ Tài nguyên nước này đang tích cực tiến hành các biện pháp nhằm khôi phục hệ sinh thái của các rạn san hô ở biển Hoa Nam (Biển Đông). Các trang mạng trên khoe rằng, từ đầu năm 2019, các cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc bảo vệ và khôi phục các rạn san hô sẽ được xây dựng tại Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn – ba bãi đá chìm trong 7 thực thể mà Trung Quốc chiếm giữ tại quần đảo Trường Sa. Tờ Thời báo Hoàn Cầu thậm chí còn trích dẫn tuyên bố của Bộ Tài nguyên Trung Quốc, trong đó có đoạn nêu: “Mục đích của các cơ sở này là củng cố hoạt động bảo vệ hệ sinh thái tại biển Hoa Nam, cũng như đảm bảo nghĩa vụ bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái khu vực”. Những thông báo và tuyên truyền trên khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Vì sao Trung Quốc lại quan tâm bảo vệ hệ sinh thái ở Biển Đông và, liệu hành động này của họ có đáng tin?

Về câu hỏi thứ nhất, vì sao Trung Quốc lại quan tâm bảo vệ hệ sinh thái ở Biển Đông. Xin thưa:

Trong nhiều năm qua, để thực hiện ý đồ “độc chiếm” Biển Đông, phục vụ tham vọng nước lớn siêu cường, Trung Quốc đã thực hiện một loạt bước đi và hành động đối với Biển Đông như công khai yêu sách chủ quyền của họ theo “đường chín đoạn” và tuyên truyền xuất bản sách báo, bản đồ về “đường chín đoạn”; đẩy mạnh luật hóa, dân sự hóa các hoạt động trên Biển Đông như thành lập “Thành phố Tam Sa”, ra lệnh cấm đánh bắt cá; tăng cường công tác tuần tra, chấp pháp nhằm mở rộng quyền kiểm soát Biển Đông và khẳng định “chủ quyền”; đẩy mạnh hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trong khi lại cứng rắn phản đối các nước khác thăm dò, khai thác dầu khí trong phạm vi “đường chín đoạn”; tăng cường sức mạnh và mở rộng hoạt động của lực lượng hải quân trên vùng biển có tranh chấp nhằm “răn đe” đối phương… Không những thế, Trung Quốc còn ráo riết đưa tàu thuyền, máy móc, nhân lực xuống triển khai hoạt động bồi đắp, mở rộng, cải tạo và xây dựng mới các công trình quân, dân sự trên các đảo, bãi cạn họ chiếm đóng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với quy mô “chưa từng có”. Theo đó, từ năm 2013 đến năm 2016, Trung Quốc đã tiến hành tôn tạo, mở rộng các đảo nổi ở Hoàng Sa như Phú Lâm, Quang Hòa để kéo dài đường băng sân bay, làm đê chắn sóng biển và xây dựng doanh trại, trận địa quân sự. Đối với quần đảo Trường Sa, họ tiến hành hút cát mở rộng các bãi san hô, trong đó một số bãi lúc đầu chìm dưới nước khi thủy triều dâng nay được nâng cao lên thành các đảo, tạo điều kiện để xây dựng đường băng sân bay, trạm ra-đa, hải đăng, cầu tàu, doanh trại… tại tất cả 7 điểm đảo, đá mà họ chiếm đóng trái phép là Xu Bi, Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Gạc Ma, Chữ Thập và Châu Viên. Tổng diện tích tôn tạo các đảo rộng tới gần 800 héc-ta, gấp gần 400 lần diện tích ban đầu của các thực thể này trên Biển Đông.

Điều đáng nói là trong quá trình đó, các tàu công trình phục vụ hoạt động mở rộng và xây cất đã ngày đêm nạo hút một lượng lớn cát san hô từ đáy biển phun lên các bãi nhằm hình thành đảo nổi. Con tàu lớn nhất trong số các tàu trên là tàu Tianjing (Thiên Kình), với khả năng nạo, hút, phun tới 4.500 m3 vật liệu mỗi giờ, tương đương sức chứa của 2 hồ bơi tiêu chuẩn Olympic. Những hoạt động đó đã làm đứt gãy các rạn san hô, hút các mảnh vỡ và thổi chúng lên bờ – điều mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó ngụy biện là “mô phỏng quá trình tự nhiên của bão biển quét qua và di chuyển các phế liệu sinh học mà dần dần phát triển thành ốc đảo trên biển”. Bên cạnh đó, hoạt động liên tục của tàu thuyền Trung Quốc đã làm cho nguồn nước biển ở đây bị ô nhiễm do dầu mỡ, vẩn đục mà không có cách gì phục hồi được san hô nữa. Chính những hoạt động hút cát mở rộng các bãi san hô của Trung Quốc đã gây ra nhiều hệ lụy khó lường đối với sự phát triển của hệ sinh thái ở Biển Đông, khiến nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế quan ngại, lên tiếng phản đối. Các nhà sinh học, hải dương học chỉ trích hành động trên của Trung Quốc là tàn sát mọi loài sinh vật sống quanh các rạn san hô và đầm phá trong khu vực. Nhưng Trung Quốc lại cãi rằng, hệ sinh thái san hô tại khu vực này đã bị tàn phá bởi “các nguyên nhân tự nhiên và tình trạng đánh bắt cá quá mức” từ rất lâu trước khi họ bắt đầu quá trình cải tạo, xây mới các đảo nhân tạo. Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc còn trâng tráo tự biện hộ rằng “hoạt động xây cất không làm biến đổi sức khỏe của hệ sinh thái ở quần đảo Trường Sa”, “Trung Quốc vẫn quan tâm bảo vệ hệ sinh thái bằng cách trồng, sửa chữa và cấy mới san hô sau khi thi công các hạng mục trong khu vực”…

Phải đến tháng 7/2016, Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ở La Haye/Hà Lan ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc vì hành vi xâm chiếm bãi cạn Scarborough của nước này, theo đó, ngoài việc bác bỏ “đường chín đoạn” Trung Quốc đòi hỏi ở Biển Đông, Tòa còn cho rằng, việc Trung Quốc cải tạo, bồi đắp và xây dựng mới các đảo nhân tạo ở Biển Đông đã gây nên tác hại nghiêm trọng đến môi trường và các rạn san hô trong khu vực, vi phạm nghĩa vụ bảo tồn, bảo vệ các hệ sinh thái mong manh và môi trường sống của các loài sinh vật đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, đã và đang gây ra tác hại không thể khắc phục được đối với môi trường biển. Phán quyết của Tòa không khác gì kết luận chính thức của cộng đồng quốc tế về thủ phạm phá hủy môi trường sinh thái Biển Đông chính là Trung Quốc. Đương nhiên, họ sẽ nhận được “búa rìu” của dư luận.

Thế là, Trung Quốc vội vàng sử dụng các trang mạng đưa tin về “củng cố hoạt động bảo vệ hệ sinh thái tại biển Hoa Nam” và thông báo sẽ tiến hành các cuộc khảo sát để xác định thêm các khu vực có rạn san hô cần được bảo vệ và khôi phục với phương pháp “tự nhiên” nhằm giúp các rạn san hô tự hồi phục, song song cùng các biện pháp nhân tạo và các kĩ thuật được phát triển đặc biệt. Những hoạt động trên, từ trước khi Trung Quốc tôn tạo đảo, bãi ở Trường Sa, chằng bao giờ thấy họ thực hiện. Nếu không có phản đối của dư luận quốc tế, nếu không có phán quyết của PCA, thử hỏi Trung Quốc có bỏ công, của ra để làm những chuyện “trên trời” đó không. Thực chất, đó chỉ là nhằm xoa dịu công luận, để che đậy cho hành vi đáng bị lên án của mình và chứng minh cho hoạt động thi công của họ là một “dự án xanh” mà thôi. Nhưng nó cũng vẫn mang hàm ý hỗ trợ cho các đòi hỏi “chủ quyền” và mở rộng khả năng kiểm soát biển của Trung Quốc.

Về câu hỏi thứ hai, liệu hành động “khôi phục hệ sinh thái” ở Biển Đông của Trung Quốc có đáng tin và khả thi.

Trong một chừng mực nào đó, cũng phải thấy rằng: Việc Trung Quốc nói sẽ tôn tạo, khôi phục các rạn san hô ở Trường Sa đã cho thấy, Trung Quốc mặc nhiên thừa nhận hành vi sai trái của mình. Họ cũng phần nào tự thấy mình là kẻ phá hoại môi trường sinh thái biển nên buộc lòng cũng phải có động thái “đền bù” bằng các cách như họ tuyên truyền, nhằm làm dịu đi sự bất bình của cộng đồng khu vực và quốc tế. Theo trang mạng ecns.com, trên thực địa, Bộ Tài nguyên Trung Quốc đã vận hành các trạm giám sát hàng hải tại Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn, với mục tiêu cung cấp thông tin thường xuyên về dự báo thời tiết và cảnh báo thảm họa cho cộng đồng quốc tế cũng như tàu bè qua lại trong khu vực. Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cũng khai trương Trung tâm Nghiên cứu phối hợp về khoa học tại các rạn san hô và các đảo tại Đá Vành Khăn để làm cơ sở phục vụ việc nghiên cứu hệ sinh thái, địa chất, môi trường, các vật liệu và năng lượng tại vùng biển nhiệt đới này. Một lãnh đạo của Viện Hải dương học nhiệt đới biển Hoa Nam tại Hải Nam cho rằng, môi trường sinh thái tại Biển Đông “đã được cải thiện đáng kể” trong những năm gần đây nhờ các hoạt động “bảo vệ” của chính quyền và ý thức của người dân, nhất là các ngư dân. Gần đây nhất, trên website của scmp.com nói rằng, Trung Quốc đang nỗ lực bảo vệ sinh thái cho vùng biển Trường Sa bằng cách khôi phục lại các rạn san hô đã mất bằng phương pháp nhân tạo và kỹ thuật tiên tiến bên cạnh khả năng gọi là “tự hồi phục” của thiên nhiên. Nói thế xem ra có vẻ ổn, nhưng phải nghe các nhà khoa học chân chính và có trình độ nhận xét thì mới biết được.

Trang mạng Inquirer dẫn lời giáo sư Jay Batongbacal – Giám đốc Viện các vấn đề hàng hải và luật biển thuộc trường Đại học Philippines, bày tỏ sự hoài nghi về các thông tin mà Trung Quốc đưa ra và khả năng phục hồi các rạn san hô quy mô lớn đã bị Trung Quốc hủy hoại. Theo giáo sư Jay Batongbacal lý giải: “Những rạn san hô mà họ (Trung Quốc) đề cập, rõ ràng không còn có thể hồi phục bởi chúng đã bị chôn vùi dưới những hạ tầng kiên cố”. Các khu vực lân cận bị hủy hoại bởi hoạt động xây cất cũng khó có thể khôi phục vì tại đó diễn ra “rất nhiều hoạt động cản trở việc hồi phục của san hô”. Vị giáo sư trên còn cho rằng, chủ trương nói trên của Trung Quốc không thực sự là vì mục đích cải thiện hệ sinh thái tự nhiên tại các rạn san hô này mà chỉ là cách để họ thể hiện quyền kiểm soát Biển Đông thông qua các hoạt động dân sự thay vì quân sự. Kế hoạch mà Trung Quốc vừa công bố chỉ nhằm “cải thiện hình ảnh” của các hòn đảo nhân tạo, vốn thực chất là để sử dụng cho các mục đích quân sự. Giáo sư Batongbacal nói tiếp: “Họ tập trung vào việc nhấn mạnh các hoạt động dân sự và những ích lợi công cộng mà các hòn đảo này đem lại. Họ tìm cách để khu vực dễ dàng chấp nhận mọi chuyện hơn. Tuy nhiên, người ta không nên quên rằng, tất cả chỉ là một bước tiến khác trong tiến trình chậm mà chắc để khẳng định quyền kiểm soát toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc”.

Một số chuyên gia về tài nguyên, môi trường và hải dương học của một số nước trong khu vực Đông Nam Á nhận định: (1) Lời lẽ của Trung Quốc xem ra có vẻ bao biện nhiều hơn và cũng không chắc là khả thi vì qua một thời gian khá dài phá hủy, đến lúc này mới nói đến chuyện phục hồi rạn san hô thì không phải là chuyện đơn giản, vì khó có thể khôi phục được như nguyên dạng tự nhiên vốn có của nó. (2) Phục hồi, tái tạo, trồng lại san hô là một tin tốt, nhưng việc này rất khó khăn, tốn kém và đòi hỏi công sức rất lớn. Cũng chưa hiểu Trung Quốc sẽ làm như thế nào, họ có ý tưởng ấy thì hoan nghênh, tuy nhiên chưa thấy kế hoạch, phương án cụ thể như thế nào.

Khi được hỏi tại sao bảo vệ môi trường biển và bảo tồn các rạn san hô được coi là một nghĩa vụ quốc tế mà bất cứ quốc gia nào vi phạm cũng bị lên án nặng nề, nhiều chuyên gia trên lĩnh vực này giải thích rằng: “San hô đóng vai trò quan trọng nhất đối với nghề cá, hơn 50% nghề cá trên thế giới phụ thuộc vào các rạn san hô. Ngoài ra, các rạn san hô còn là những thành lũy bảo vệ các đảo chống sóng gió và xói lở. Nếu phá đi và thay bê tông vào đấy thì nó không thể bảo vệ được cảnh quan địa lý. San hô còn là cảnh quan phục vụ cho những ngành kinh tế khác như du lịch hay nghiên cứu khoa học biển, đụng chạm đến nó hầu như là đụng chạm đến những lợi ích của con người trên đại dương”.

Từ góc độ hải dương học, một số nhà khoa học trên lĩnh vực này đã phân tích và chỉ ra rằng, phá hủy san hô thì rất dễ nhưng phục hồi lại nó thì rất khó, bởi: “San hô phát triển rất chậm, mỗi năm trong điều kiện biển, nó chỉ lớn tính bằng centimet. San hô có môi trường sống rất đặc biệt, do đó, những công trình mà Trung Quốc đã xây đắp thì san hô không thể sống được”. Cũng theo các nhà khoa học này: “San hô đã bị phá hủy đi thì việc phục hồi lại hầu như là không thể được vì môi trường ở đấy không còn thích hợp nữa. Giống để phục hồi lấy ở đâu ra, trong lúc những đảo như vậy bị phá hết. Lấy san hô ở vùng khác đến để cấy trồng thì không thể sống được. San hô mà bị phá hoại như vậy thì sẽ làm cho nghề đánh bắt cá biển có thể thiệt hại đến 50%”.

Từ những điểm bất cập mà các nhà khoa học nêu ra như trên, chưa kể đến việc tàu thuyền Trung Quốc tiếp tục hoạt động lưu thông xung quanh các đảo, có thể thấy rằng, những điều mà Trung Quốc đưa ra như họ nói là để khôi phục các rạn san hô ở các đảo, bãi họ chiếm đóng trái phép ở Trường Sa chỉ là những phương án trên lý thuyết, không có tính khả thi trên thực tế. Chủ trương, hay nói chính xác hơn là những tuyên truyền của Trung Quốc không có mục đích nào khác là nhằm xoa dịu những quan ngại và sự phản ứng của các nước trước những gì mà họ đã “phá hoại” đối với hệ sinh thái ở Biển Đông – một lĩnh vực không thể thiếu đối với môi trường sống và sự phát triển của các quốc gia.

RELATED ARTICLES

Tin mới