Wednesday, November 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiSCMP: TQ có thể vượt Mỹ giành ngôi vị số 1? Đừng...

SCMP: TQ có thể vượt Mỹ giành ngôi vị số 1? Đừng ảo tưởng!

“Đừng hiển nhiên cho rằng Trung Quốc là số hai và nghĩ là chúng ta rồi sẽ trở thành số một”, cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc nhắc nhở.

Lời cảnh báo của cựu Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh về việc Bắc Kinh không nên nghĩ rằng mình sẽ vượt Mỹ để trở thành cường quốc đứng đầu thế giới là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai còn ảo tưởng về vị trí của Trung Quốc trên trường quốc tế trong khi phớt lờ những thách thức phía trước.

“Đừng hiển nhiên cho rằng Trung Quốc là số hai và nghĩ là chúng ta rồi sẽ trở thành số một, không sớm thì muộn”, ông Trần phát biểu trong một diễn đàn do Trung tâm về Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Bắc Kinh) tổ chức mới đây.

Quan niệm rằng Trung Quốc là cường quốc đứng thứ hai, đang trên đường vươn lên ngôi vị thứ nhất vốn dựa trên hai nhận định: Thứ nhất là mức độ tăng trưởng xuất sắc giúp Trung Quốc vượt qua một số đối thủ chính sẽ tiếp tục được duy trì và thứ hai là chỉ số GDP hay kích thước của nền kinh tế tương đương với sức mạnh quốc gia.

Chúng ta hãy cùng xem xét những nhận định này.

Xu hướng thực sự của GDP Trung Quốc

Trước hết là quan điểm về tình hình tăng trưởng của Trung Quốc.

Năm ngoái, GDP chính thức của Trung Quốc là khoảng 90 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 13 nghìn tỉ USD). Theo tỷ giá hối đoái chính thức vào cuối 2018 thì 6,88 nhân dân tệ tương đương với 1 USD. Như vậy, GDP của Trung Quốc ở vào khoảng 2/3 so với Mỹ (20,89 nghìn tỉ USD).

Dựa trên những khác biệt về tỉ lệ tăng trưởng giữa 2 nước trong vòng 2 thập kỷ qua, một số nhà kinh tế học dự đoán GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào khoảng năm 2030.

Dựa trên tỷ giá hối đoái 6 nhân dân tệ đổi 1 USD, Trung Quốc có thể vượt lên trước vào 2025, còn nếu ở mức 7,8 nhân dân tệ đổi 1 USD thì Trung Quốc có thể phải đợi tới năm 2031 để bước lên ngôi vị đứng đầu.

Nguyên nhân là bởi tỷ lệ tăng trưởng thường niên đối với nền kinh tế Mỹ trong vòng 1 thập kỷ qua chỉ lơ lửng ở khoảng 3%, so với mức cao gấp 2-3 lần của Trung Quốc.

Nhưng tất cả những tính toán đó đều phụ thuộc vào điều kiện sơ đồ tăng trưởng đáng ghen tị của Trung Quốc giữ được chiều hướng hiện tại – một điều chưa chắc chắn ở thời điểm này.

Thực ra, động lực tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới đang giảm đều kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2007 (14,23%). Tỷ lệ này đã chậm lại, giảm xuống 10,62% vào năm 2010, 7,29% vào 2014 và 6,6% vào 2018.

Đáng chú ý là triển vọng còn có vẻ ảm đạm hơn trong thời gian gần đây so với bất cứ thời điểm nào. Xu hướng giảm đang tăng tốc theo từng quý kể từ đầu 2018. Trong quý I của năm này, tỷ lệ tăng trưởng là 6,8%, quý II là 6,7%, quý III là 6,5% và quý IV là 6,4%.

Mặc dù mức tăng trưởng đang được duy trì ở 6,4% – một tỷ lệ tốt hơn kỳ vọng – trong quý đầu 2019 nhờ các chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích tài chính nhưng đây vẫn là mức thấp nhất kể từ năm 1992, khi Bắc Kinh bắt đầu công bố dữ liệu GDP theo quý.

Trong những năm tới, khi Trung Quốc chuyển sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên tiêu dùng, nền kinh tế của nước này nhiều khả năng sẽ còn chậm lại.

Những nghi ngại về việc liệu nền kinh tế Trung Quốc có thể ngừng xu hướng giảm hiện thời hay không khiến người ta không chắc chắn về thời điểm Trung Quốc có thể bắt kịp Mỹ.

Họ cũng đưa ra một kịch bản khác, khi tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc rơi xuống mức tương đương với Mỹ  – ở mức này thì Bắc Kinh sẽ không bao giờ đuổi kịp Washington, chứ đừng nói tới chuyện vượt mặt.

Quy mô nền kinh tế tương đương quyền lực quốc gia?

Tiếp đó, chúng ta sẽ xem xét nhận định thứ hai về việc đặt quy mô nền kinh tế ngang hàng với quyền lực quốc gia. Kể cả khi GDP của Trung Quốc vượt Mỹ thì điều đó cũng không đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ trở nên mạnh về kinh tế và giàu có như Mỹ.

GDP là thước đo hoạt động kinh tế của một đất nước nhưng nó không phải là thước đo chính xác mức độ cải thiện trong đời sống con người và không lột tả hoàn toàn bản chất về sức mạnh của quốc gia.

Trong trường hợp của Trung Quốc, tăng trưởng GDP gắn chặt với bong bóng tài sản, đầu cơ và đầu tư vốn theo định hướng nhà nước. Việc này đã dẫn tới tình trạng dư thừa và nợ xấu, tạo ra cái mà các nhà kinh tế học gọi là “GDP xấu”.

Một thước đo khác có ý nghĩa hơn để tính toán mức độ phát triển, năng suất và mức độ tinh vi của xã hội, chưa kể tới sự giàu có của công dân, là GDP bình quân đầu người. Năm 2018, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là 64.500 nhân dân tệ (khoảng 9.400 USD) trong khi con số này ở Mỹ là 53.712 USD.

Thậm chí, thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc còn chẳng vượt qua nổi mức trung bình của thế giới năm 2018 (11.570 USD) và ở dưới dấu mốc 10.000 USD (dấu mốc phân tách giữa các nền kinh tế thu nhập trung và thu nhập thấp).

Sự khác biệt giữa GDP và GDP bình quân đầu người lý giải vì sao phải tới tận khi kết thúc Thế chiến II, Mỹ mới có thể vượt qua Anh để trở thành quốc gia đứng đầu thế giới mặc dù xét về GDP thì Washington đã vượt London từ những năm 1860.

Sức mạnh của một quốc gia không chỉ được tính bởi quy mô của nền kinh tế, mà còn ở năng suất, mức độ tinh vi, công nghệ, kỹ năng quản lý; còn ở sức mạnh ngoại giao, quân sự; còn ở cái được gọi là “quyền lực mềm” – những tiến triển trong lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa, nghệ thuật.

Xét trên phần lớn các thước đo này thì Trung Quốc vẫn tụt lại phía sau so với hầu hết các nước phát triển ở phương Tây. Và đó là lý do vì sao ông Trần Đức Minh cảnh báo rằng, quy mô nền kinh tế của Trung Quốc không cho nước này quyền “thống trị” thế giới.

Trên đây là phần lược dịch bài phân tích của cây viết Cary Huang về thực trạng nền kinh tế Trung Quốc, đồng thời so sánh với quan niệm cho rằng nước này sắp đuổi kịp Mỹ và soán ngôi vị quốc gia quyền lực nhất thế giới. Bài viết đăng tải trên SCMP.

RELATED ARTICLES

Tin mới