Friday, January 17, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHải Dương 981 lại khoan dầu khí ở Biển Đông

Hải Dương 981 lại khoan dầu khí ở Biển Đông

Truyền thông Trung Quốc (16/4) cho biết, giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 lại bắt đầu khoan thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực phía Đông Biển Đông.

Giàn khoan Hải Dương 981 cung cấp năng lượng cho Đại Loan Khu

Theo thông tin trên, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ tiến hành khai thác dầu khí ở vùng biển phía Đông Biển Đông nhằm cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) cho các thành phố thuộc Đại Loan Khu (tức Vùng Vịnh Lớn bao gồm Quảng Châu, Hong Kong và Macau). Một khi giàn khoan này bắt đầu sản xuất thì khí hóa lỏng sẽ được vận chuyển về trạm đầu mối của CNOOC ở cảng Cao Lan thuộc Chu Hải nơi cung cấp năng lượng cho Đại Loan Khu. Việc có thể vận chuyển khí hóa lỏng qua đường ống từ đầu mối Chu Hải đến Đại Loan Khu sẽ góp phần lớn trong việc giảm chi phí vận chuyển và cung cấp một nguồn năng lượng sạch đáng tin cậy cho sự phát triển của khu vực.

Theo trang mạng MarineTraffic.com thì tính đến ngày 7/4 giàn khoan Hải Dương Thạch Châu 981 đặt ở vị trí 20.22187° Bắc và 115.6864° Nam, nằm cách Hong Kong khoảng 266 km về hướng Đông Nam và về phía Tây Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Cũng theo trang mạng này thì vị trí này “nằm hoàn toàn trong vùng biển của Trung Quốc”, tức không phải trên vùng biển có tranh chấp với các nước xung quanh.

Kế hoạch phát triển “Đại Loan Khu” của Trung Quốc

Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản và Quốc vụ viện Trung Quốc vừa công bố Đề cương Quy hoạch phát triển Khu vực vịnh Quảng Đông – Hồng Công – Macao mở rộng (gọi tắt là Đại Loan Khu). Đây là chiến lược cấp quốc gia do Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đích thân hoạch định và thúc đẩy, nhằm phát triển vùng này trở thành hình mẫu cho sự phát triển chất lượng cao.

Theo quy hoạch, trong thời gian tới, vùng vịnh Quảng Đông, Hồng Công và Ma-cao sẽ xây dựng thành vùng vịnh hàng đầu thế giới và cụm thành phố đẳng cấp thế giới, vai trò nâng đỡ và dẫn dắt trong phát triển kinh tế và mở cửa đối ngoại của Trung Quốc sẽ tiếp tục được tăng cường. Vùng vịnh Quảng Đông, Hồng Công và Ma-cao được xây dựng dưới điều kiện một nước, hai chế độ, ba khu thuế quan và ba loại tiền tệ.

Theo đề cương, Khu vực Vịnh mở rộng bao gồm: Khu hành chính đặc biệt Hồng Công, Khu hành chính đặc biệt Macao và chín thành phố của tỉnh Quảng Đông là Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Huệ Châu, Đông Quản, Trung Sơn, Giang Môn, Triệu Khánh; tổng diện tích 56.000km2; tổng số dân khoảng 70 triệu người (tính đến cuối năm 2017); GDP đạt khoảng 10 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,48 nghìn tỷ USD) năm 2017. Quy hoạch nhấn mạnh, Khu vực Vịnh mở rộng với mức độ mở cửa và năng động kinh tế hàng đầu ở Trung Quốc sẽ đóng vai trò chiến lược quan trọng trong tổng thể phát triển của đất nước. Sự phát triển của khu vực này được đề cao không chỉ là một đột phá khẩu mới trên con đường tiếp tục mở cửa toàn diện trong thời kỳ mới, mà còn là một bước tiến nữa trong thực hiện “một nước, hai chế độ”. Quy hoạch xác định, Khu vực Vịnh mở rộng sẽ được phát triển thành một cụm thành phố đầy sức sống đẳng cấp thế giới, một trung tâm đổi mới sáng tạo công nghệ quốc tế có ảnh hưởng toàn cầu, một trụ đỡ quan trọng cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, một minh chứng cho hợp tác sâu rộng giữa Trung Quốc lục địa với Hồng Công và Macao, và một vòng tròn sống chất lượng để sống, làm việc và đi lại. Hồng Công, Macao, Quảng Châu và Thâm Quyến sẽ được tập trung phát triển để đóng vai trò như tổ hợp động cơ bốn lõi hạt nhân của Khu vực Vịnh mở rộng.

Quy hoạch chia làm hai giai đoạn, ngắn hạn từ nay đến năm 2022, và dài hạn đến năm 2035. Đến năm 2022, cơ bản hình thành khuôn dạng một khu vực vịnh đẳng cấp hàng đầu quốc tế và cụm thành phố đẳng cấp thế giới đầy sức sống và sáng tạo cao với cơ cấu công nghiệp tối ưu hóa, sự vận hành trôi chảy các nhân tố của sản xuất và môi trường sinh thái hài hòa. Đến năm 2035, khu vực này sẽ có một hệ thống kinh tế và mô hình phát triển chủ yếu thúc đẩy bởi sức đổi mới sáng tạo, với sức mạnh kinh tế và công nghệ tăng mạnh và sức cạnh tranh và ảnh hưởng quốc tế được tăng cường hơn nữa. Các thị trường trong khu vực này sẽ cơ bản được kết nối cao, với sự vận hành thông suốt của các nguồn lực và nhân tố đa dạng của sản xuất. Sự phối hợp phát triển vùng được cải thiện đáng kể, với ảnh hưởng đối với các vùng chung quanh được tăng cường hơn nữa. Các nguồn tài nguyên được bảo tồn và sử dụng hiệu quả, môi trường sinh thái được bảo vệ, và một khu vực vịnh đẳng cấp hàng đầu quốc tế để sống, làm việc và đi lại được phát triển hoàn chỉnh.

Theo “Đề cương”, sự phát triển sau này của vùng vịnh Quảng Đông, Hồng Công và Ma-cao tối thiểu có 6 “sáng tạo”. Một là sáng tạo về khoa học – công nghệ: Hành lang sáng tạo khoa học – công nghệ “Quảng Châu – Thâm Quyến – Hồng Công – Ma-cao” sẽ khánh thành, các cơ sở hạ tầng nghiên cứu khoa học quan trọng và thiết bị nghiên cứu khoa học lớn mà Trung Quốc xây dựng và bố cục tại Quảng Đông sẽ mở cửa có trật tự với Hồng Công và Ma-cao, Quảng Đông, Hồng Công và Ma-cao sẽ tập trung tăng cường năng lực chuyển hóa thành quả khoa học-công nghệ. Hai là sáng tạo tài chính: Phát huy đầy đủ chức năng của các thị trường vốn và dịch vụ tài chính ở Hồng Công, Ma-cao, Thâm Quyến, Quảng Châu… xây dựng đầu mối tài chính quốc tế. Ba là sáng tạo chế độ: Kiến tạo môi trường kinh doanh hàng đầu ổn định, công bằng, minh bạch và có thể dự kiến, tăng cường toàn diện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng cơ chế hoàn thiện điều phối xuyên biên giới trong các vụ án liên quan quyền sở hữu trí tuệ, triển khai thí điểm chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra còn có sáng tạo ngành nghề, sáng tạo nhân tài và sáng tạo quản lý.

Giàn khoan Hải Dương 981 sẽ đóng vai trò cung cấp năng lượng quan trọng cho Đại Loan Khu

Giàn khoan Hải Dương 981 là giàn khoan biển sâu di động có kích cỡ lớn đầu tiên do Trung Quốc sản xuất. Hải Dương 981 dài 114 m, rộng 90 m, cao 137,8 m và nặng 31.000 tấn; diện tích boong của giàn khoan có kích thước bằng một sân bóng đá chuẩn. Giàn khoan này có thể khoan sâu tối đa 12.000 m. Trung Quốc đã đầu tư 6 tỉ nhân dân tệ (952 triệu đô la Mỹ) cho Hải Dương 981. Tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc đã mất trên ba năm mới hoàn tất giàn khoan Hải Dương 981. Mỗi ngày hoạt động trên biển, chỉ riêng giàn khoan này đã ngốn hết hơn 300.000 USD chi phí, đó là chưa kể chi phí hoạt động của đội tàu hộ tống.

Theo Wall Street Journal, lượng thép mà người ta dùng để xây dựng Hải Dương 981 lớn gấp 4 lần lượng thép để dựng tháp Eiffel của Pháp. Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hạ thủy giàn khoan Hải Dương 981 vào giữa năm 2012. Hiện tại, Hải Dương 981 thuộc quyền quản lý của công ty dịch vụ Bãi dầu Trung Quốc (COSL), đơn vị trực thuộc CNOOC.

Được biết, giàn khoan Hải Dương 981 đã từng được Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Theo đó, ngày 2/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

Vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan sâu khoảng 1.000 m, trong đó nơi Trung Quốc hạ đặt Hải Dương 981 sâu khoảng 1.100 m. Vì vậy, Trung Quốc phải dùng giàn khoan đặc biệt, dạng nửa chìm nửa nổi. Giàn này có hai cách định vị, dùng neo xuống đáy biển hoặc các chân vịt để tự cố định.

Để bảo vệ giàn khoan tỉ đô này, Trung Quốc huy động tới 80 tàu thuyền các loại, trong đó có 7 tàu quân sự như tàu hộ vệ tên lửa 534, tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753, 33 tàu hải cảnh, cùng nhiều tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Có những thời điểm, số lượng tàu hộ tống của Trung Quốc lên tới hơn 100 chiếc, trong đó các tàu chiến thường xuyên lởn vởn xung quanh giàn khoan.

Trong khi đó, để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong vùng đặc quyền kinh tế theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, Việt Nam đã cử 29 tàu tới các khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, khi nhận thấy giàn khoan này định “thiết lập vị trí cố định”. Lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tích cực tuyên truyền, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, giải thích rõ lập trường của mình cũng như cập nhật tình hình trên biển cho bạn bè quốc tế, để dư luận các nước hiểu rõ sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Sau 75 ngày hạ đặt trái phép bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dưới sức ép quyết liệt từ phía cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cũng đã phải chấm dứt hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của mình và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới