Wednesday, January 15, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaPhán quyết của Tòa Trọng tài “quá khó” để Philippines thực hiện?

Phán quyết của Tòa Trọng tài “quá khó” để Philippines thực hiện?

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo (15/4) cho biết, Phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (12/7/2016) “chưa bao giờ từ bỏ phán quyết về Biển Đông, song đổ lỗi cho việc chẳng có nước nào giúp Manila là nguyên nhân khiến nó không thực thi được”.

Tuyên bố vô trách nhiệm của Philippines

Theo ông Salvador Panelo, chính quyền của ông Duterte chưa bao giờ từ bỏ phán quyết về Biển Đông, song đổ lỗi cho việc chẳng có nước nào giúp Manila là nguyên nhân khiến nó không thực thi được. Ông Panelo nhấn mạnh đây là phán quyết của một tòa quốc tế, là luật pháp quốc tế nên không thể bị đảo ngược và Trung Quốc cần phải tôn trọng nó; nhưng Philippines không có khả năng thực thi nó một cách đơn độc bằng vũ lực, chưa kể đến việc thực thi bằng các lực lượng vũ trang có thể kích động một cuộc chiến đẫm máu, cướp đi mạng sống của nhân dân và hủy hoại tài sản của Manila; đồng thời kêu gọi chính phủ Trung Quốc tôn trọng nó và chúng tôi hi vọng cơ chế đàm phán song phương giữa hai nước sẽ tạo ra một giải pháp thỏa đáng cho cuộc xung đột, dựa trên các nguyên tắc công bằng và có đi có lại của quốc tế, cũng như dựa trên nhu cầu an ninh quốc gia và nguyện vọng của người dân hai nước.

Người phát ngôn của ông Duterte cũng không quên công kích cựu ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario khi cho rằng ông Del Rosario phải chịu trách nhiệm cho việc Philippines bị mất bãi cạn Scarborough trong thời gian ông làm Ngoại trưởng, vì đã ngây thơ cho rút tàu vũ trang trong khu vực đang có tranh chấp; cho rằng ông Albert del Rosario chắc chắn sẽ chẳng thể tiến thêm được nữa với cái lòng yêu nước giả vờ và sự công bình ngụy tạo như thể ông chẳng góp phần tạo ra cái tình huống không mong muốn mà Philippines đang đối mặt.

Về vụ kiện của Philippines và phán quyết của Tòa Trọng tài

Từ nhiều năm nay, Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với một số nước thành viên ASEAN bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Năm 2002, Trung Quốc ký với các nước ASEAN Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC). Theo qui định của DOC, các nước có liên quan cam kết tôn trọng Công ước Liên hợp quốc 1982 về Luật Biển (UNCLOS), không đưa người lên sinh sống trên đảo không người, trên các cồn, rạn san hô cùng những thực thể khác, tôn trọng tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kiềm chế không gây căng thẳng trong quan hệ giữa các nước, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Mặc dù vậy, năm 2009, Trung Quốc chính thức đưa ra cái gọi là “đường 9 đoạn”, còn gọi là “đường lưỡi bò”, bao trùm hầu hết khu vực Biển Đông. Yêu sách này của Trung Quốc bị nhiều nước và các chuyên gia quốc tế cho là vô căn cứ, không phù hợp với luật pháp quốc tế. Không dừng ở đó, Trung Quốc liên tục có các hành vi gây hấn với tàu cá, tàu chở hàng và máy bay của các nước ở hải phận và không phận trên những vùng biển đang có tranh chấp ở Biển Đông. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc tăng cường bồi đắp các đá ở Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đã chiếm được nhằm biến thành các đảo nhân tạo, đồng thời xây dựng các cơ sở hạ tầng trên các đảo này được cho là căn cứ quân sự ở Biển Đông. Những hành động này của Trung Quốc làm dấy lên quan ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp này, đồng thời đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Philippines và Việt Nam là hai nước có tranh chấp quyết liệt nhất với Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và đã nhiều lần đề nghị Trung Quốc chấm dứt các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng phản đối và cảnh báo nguy cơ xung đột trong khu vực nếu Trung Quốc tiếp tục có những hành vi gây hấn đối với tàu thuyền của các nước qua lại trong khu vực và khi Trung Quốc hoàn thành việc xây dựng các đảo phi pháp ở Biển Đông.

Năm 2013, Philippines đã kiện yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc ra Tòa Trọng tài, cho rằng nó không phù hợp với UNCLOS 1982. Vụ kiện này liên quan đến vai trò của các quyền lịch sử trong việc xác định quyền hưởng các vùng biển tại Biển Đông, quy chế của một số cấu trúc cụ thể và các vùng biển của các cấu trúc này, và tính hợp pháp của các hành vi của Trung Quốc mà Philippines cho là vi phạm UNCLOS 1982. Trung Quốc nhiều lần tuyên bố không tham gia vụ kiện. Mặc dù vậy, Tòa Trọng tài vẫn tiến hành việc tố tụng theo qui định trong Phụ lục VII của UNCLOS 1982.

Sau một quá trình tố tụng theo đúng những qui định của luật pháp quốc tế, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài đã đưa ra Phán quyết căn cứ vào Điều 296 của UNCLOS 1982 và Điều 11 của Phụ lục VII của UNCLOS 1982. Những điểm chính trong Phán quyết của Tòa Trọng tài bao gồm: (1) Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với Biển Đông; (2) “Đường 9 đoạn” do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với UNCLOS 1982; (3) Không có thực thể nào ở quần đảo Trường Sa có thể mang lại vùng đặc quyền kinh tế cho Trung Quốc; (4) Trung Quốc can thiệp vào quyền đánh bắt cá của ngư dân Philippines, đặc biệt là ở bãi cạn Scarborough; (5) Trung Quốc gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo; (6) Các hành động của Trung Quốc làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Philippines. Ngoài ra, Phán quyết của Tòa Trọng tài khẳng định “Phán quyết này có tính ràng buộc pháp lý và có tính chung thẩm”. Như vậy, Phán quyết của Tòa Trọng tài đã không công nhận tính pháp lý trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông và Philippines đã trở thành bên thắng kiện.

Phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài

Phản ứng của Philippines: Là nước thắng kiện nhưng Philippines lại có những phản ứng khá thận trọng và tỏ ra kiềm chế sau Phán quyết của Tòa Trọng tài và trong những tuần tiếp theo. Chính phủ Philippines không có những tuyên bố tỏ ra hân hoan trước chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý với Trung Quốc. Thậm chí, Philippines không thúc đẩy mạnh mẽ để đưa Phán quyết của Tòa Trọng tài vào tuyên bố chính thức của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 tổ chức tại Lào (24/7/2016). Đây là hội nghị quan trọng nhất của ASEAN kể từ khi Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Phát biểu với hãng tin Reuters sau sự kiện này, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Rivas Yasay Jr. nói rằng Philippines “không tìm kiếm sự hỗ trợ từ ASEAN hoặc cộng đồng quốc tế trong vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và không muốn thúc ép vấn đề này, gây nguy cơ chia rẽ nhóm hay kích động Trung Quốc”. Mặc dù vậy, ông Yasay khẳng định dù tuyên bố chung của ASEAN không đề cập đến Phán quyết của Tòa Trọng tài, việc đó không có nghĩa là Trung Quốc đã giành được chiến thắng ngoại giao. Phản ứng của Philippines gây ra sự ngạc nhiên đối với những người quan sát, giới chuyên gia và truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, thái độ và phản ứng kiềm chế của Philippines được cho là tránh gây khiêu khích và sức ép của Trung Quốc đối với Philippines trong bối cảnh vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một vấn đề an ninh – chính trị căng thẳng đối với các nước ASEAN và khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, phản ứng của Philippines đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài được xem xét và cân nhắc trong bối cảnh rộng lớn hơn của mối quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc trên các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là từ những lợi ích kinh tế của Philippines ở Trung Quốc, từ sự tương quan lực lượng giữa hai nước về quân sự, và từ sự cân bằng trong quan hệ của Philippines với Trung Quốc và với Mỹ nhằm đảm bảo lợi ích tổng thể lâu dài của Philippines cũng như an ninh và chủ quyền quốc gia của mình. Mặc dù có thái độ và phản ứng thận trọng, Chính phủ Philippines cho rằng Phán quyết của Tòa Trọng tài tạo ra thế mạnh cho Philippines và khẳng định Phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ được dùng như một tài liệu mang tính bản lề dẫn dắt cho các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc, nhưng cũng không làm mất thể diện của Trung Quốc để giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa hai nước một cách hòa bình.

Phản ứng của Mỹ. Kể từ khi Trung Quốc chính thức đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn” ở Biển Đông năm 2009 và có nhiều hoạt động phi pháp trong khu vực, bất chấp luật pháp quốc tế, Mỹ đã có những can dự mạnh mẽ vào vấn đề Biển Đông. Trên thực tế, Mỹ không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông và luôn tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp. Sự can dự của Mỹ được cho là vì những quan ngại về sự đe dọa của Trung Quốc đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh chiến lược quyết liệt ở Đông Nam Á. Vì vậy, Mỹ đã tích cực can dự với ASEAN, chủ động tạo ra mối quan hệ tốt đẹp với cả khối ASEAN và với từng nước, đặc biệt là những nước đang có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc. Đồng thời, Mỹ tìm cách để đưa các nước ASEAN có một tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông trước sức ép của Trung Quốc đối với ASEAN trong vấn đề này. Khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines, đồng minh của Mỹ, phản ứng chính thức của Mỹ cũng tỏ ra rất thận trọng. Trong thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/7/2016, Mỹ kêu gọi “các bên liên quan tránh đưa ra tuyên bố hoặc hành động khiêu khích”, tôn trọng Phán quyết của Tòa Trọng tài và tuân thủ các nghĩa vụ của họ. Bản thông báo cũng cho biết Mỹ đang nghiên cứu Phán quyết của Tòa Trọng tài và không bình luận về giá trị vụ kiện nhưng ủng hộ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình. Đồng thời, Mỹ khẳng định Phán quyết của Tòa Trọng tài đối với vụ kiện Philippines – Trung Quốc “là sự đóng góp quan trọng cho mục tiêu chung về một giải pháp hòa bình cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông”. Ngoài ra, trong cuộc họp báo trực tuyến cùng ngày, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan điểm đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài và những vấn đề có liên quan.

Theo quan điểm của Mỹ, Phán quyết của Tòa Trọng tài có bốn điểm then chốt: (1) Đưa ra tính bất hợp pháp của “đường 9 đoạn” của Trung Quốc; (2) Xác định rõ những thực thể ở quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc đang chiếm đóng) chỉ được hưởng phạm vi lãnh hải không quá 12 hải lý; (3) Việc xây dựng các đảo nhân tạo của Trung Quốc và hoạt động của các tàu đánh cá Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Philippines; (4) Hoạt động bồi đắp và xây dựng các căn cứ quân sự ở Trường Sa đã phá hoại môi trường ở đây. Ngoài ra, phía Mỹ cho rằng Phán quyết của Tòa Trọng tài đã tạo ra cơ sở pháp lý cho các nước giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, theo đó Mỹ ủng hộ các bên tranh chấp đàm phán theo cách thức “cùng thắng”, nghĩa là các bên phải có thỏa hiệp, chẳng hạn như việc cùng khai thác ở vùng có tranh chấp, và thông qua tiến trình ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Đối với Trung Quốc, Mỹ bày tỏ “sự tôn trọng nhưng không sợ” và mong muốn Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế để có thể dành được uy tín quốc tế. Mỹ sẽ tận dụng mọi cơ hội tiếp xúc với Trung Quốc để trao đổi về Phán quyết của Tòa Trọng tài và những vấn đề có liên quan. Những bày tỏ quan điểm của Mỹ cho thấy mặc dù thận trọng trước thắng lợi pháp lý của đồng minh Philippines, Mỹ đã gián tiếp nêu ra thất bại của Trung Quốc trong vụ kiện này, đồng thời một lần nữa kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Mỹ cũng gợi mở những cách thức giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không ở những vùng biển quốc tế và trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của các nước (EEZ) theo qui định của UNCLOS 1982.

Phản ứng của Việt Nam. Là một trong những nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc, Việt Nam rất quan tâm tới vụ kiện của Philippines và đã cử đại diện tham dự quá trình tố tụng của Tòa Trọng tài với tư cách là quan sát viên. Ngay khi Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết về vụ kiện, Việt Nam tuyên bố hoan nghênh việc Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết cuối cùng. Đồng thời, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi tới Tòa Trọng tài, ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Phản ứng tích cực của Việt Nam đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài là điều dễ hiểu vì Việt Nam và Philippines cùng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, chiến thắng của Philippines đã tạo ra lợi thế cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh pháp lý về chủ quyền biển đảo ở Biển Đông với Trung Quốc. Việt Nam có thể sử dụng Phán quyết của Tòa Trọng tài làm cơ sở pháp lý để phản bác những hành động sai trái tương tự mà Trung Quốc đã làm với Philippines. Ngoài ra, đối với Việt Nam, Phán quyết của Tòa Trọng tài có những nội dung phù hợp với lập trường 8 điểm trong Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa Trọng tài ngày 5/12/2014 và đã được Tòa Trọng tài công nhận để đưa vào cân nhắc.

Những nội dung phù hợp nổi bật giữa Phán quyết của Tòa Trọng tài và Tuyên bố của Việt Nam bao gồm: (1) Việt Nam công nhận Tòa Trọng tài có thẩm quyền đối với vụ kiện, đối với những điểm mà Tòa Trọng tài tuyên bố; (2) Việt Nam và Tòa Trọng tài bác bỏ bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào của Trung Quốc dựa trên “đường 9 đoạn”; (3) Việt Nam và Tòa Trọng tài đều cho rằng cả 8 cấu trúc mà Philippines đề cập cụ thể trong vụ kiện chỉ là những bãi nửa nổi nửa chìm theo Điều 13 của UNCLOS 1982 hoặc là đá theo Điều 121, khoản 3 của văn kiện này, do đó chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý; (4) Việt Nam bảo lưu tất cả các quyền của mình nhằm sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ các quyền lợi pháp lý và các quyền lợi hợp pháp của mình ở Biển Đông. Như vậy, Phán quyết của Tòa Trọng tài đã tạo ra những cơ sở pháp lý vững chắc cho Philippines, Việt Nam cũng như các nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc để từ đó có những tuyên bố và hành động phù hợp nhằm bảo vệ tốt nhất lập trường cũng như chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của họ trên Biển Đông.

Phản ứng của ASEAN. Vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một trong những vấn đề an ninh – chính trị nổi cộm của các nước ASEAN và là một vấn đề gây chia rẽ trong nội bộ ASEAN trong những năm gần đây. Điển hình là sự kiện ASEAN không ra được tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh của khối ở Campuchia năm 2012 vì Campuchia, nước không liên quan trực tiếp đến tranh chấp ở Biển Đông và bị coi là đang chịu sức ép của Trung Quốc, phản đối yêu cầu của Philippines đưa vấn đề tranh chấp ở bãi cạn Scarborough vào bản tuyên bố chung của ASEAN. Khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết, người ta hy vọng đây có thể coi là một cơ sở pháp lý để từ đó các nước ASEAN thống nhất quan điểm trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông với việc công khai yêu cầu Trung Quốc tôn trọng Phán quyết của Tòa Trọng tài và chấm dứt ngay những hành động phi pháp và gây căng thẳng trong khu vực. Tiếc thay, Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 tại Lào (24/7/2016) đã không đề cập đến Phán quyết của Tòa Trọng tài. Trong nội dung về vấn đề Biển Đông, bản Tuyên bố không đề cập trực tiếp Trung Quốc hay phán quyết “đường 9 đoạn” mà chỉ bày tỏ quan ngại về những diễn biến trên Biển Đông, kêu gọi các bên tôn trọng các quy trình pháp lý và ngoại giao theo các nguyên tắc đã được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS 1982, kêu gọi thực hiện đầy đủ DOC và tích cực đàm phán để sớm có Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Như vậy, ASEAN đã bỏ lỡ một cơ hội để cùng thống nhất quan điểm trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Việc Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN chỉ nêu quan ngại và kêu gọi chung chung mà không chỉ đích danh Trung Quốc là nước phải tuân thủ luật pháp quốc tế và thực thi Phán quyết của Tòa Trọng tài đã không thực sự giúp giải quyết vấn đề chính trị – an ninh nóng bỏng này của khu vực.

Như vậy, cho đến nay, việc ASEAN vẫn chưa có tiếng nói chung đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông xuất phát từ những nguyên nhân sau: (1) Do sự khác biệt trong lợi ích quốc gia và mức độ tác động khác nhau của vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đến lợi ích quốc gia của từng nước; (2) Tính chất phức tạp của việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều cơ chế hợp tác khác nhau của ASEAN; (3) Các nước ASEAN chịu sự tác động mạnh mẽ của các nước đối tác lớn, đặc biệt là Trung Quốc và Mỹ, trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông; (4) Vì lợi ích quốc gia, một vài nước ASEAN đã lợi dụng nguyên tắc đồng thuận để ngăn cản việc đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông vào các văn kiện diễn đàn của ASEAN. Như vậy, đã đến lúc ASEAN cần xem xét lại nguyên tắc đồng thuận để nguyên tắc này không bị lợi dụng vì lợi ích của một quốc gia mà ảnh hưởng đến sự đoàn kết và lợi ích chiến lược lâu dài của cả khối. Sẽ là lý tưởng nếu tất cả các nước ASEAN có vùng biển nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn” của Trung Quốc cùng họp lại với nhau để thống nhất quan điểm giải quyết tranh chấp trên cơ sở Phán quyết của Tòa Trọng tài.

Phản ứng của Nga. Là một cường quốc ngoài khu vực, Nga hầu như không can dự vào vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông. Tuy nhiên, những động thái của Nga trong thời gian gần đây rất đáng chú ý. Vào thời điểm trước khi Tòa Trọng tài đưa ra Phán quyết về vụ kiện Philippines – Trung Quốc, Nga đưa ra quan điểm cho rằng “sự can dự của bên thứ ba vào những tranh chấp này sẽ chỉ khiến căng thẳng trong khu vực thêm trầm trọng”, hoặc “không được quốc tế hóa những vấn đề liên quan đến tranh chấp ở khu vực Biển Đông”, hoặc “những nỗ lực quốc tế hóa giải quyết tranh chấp ở Biển Đông cần phải được chấm dứt”. Lập trường của Nga hoàn toàn phù hợp với lập trường của Trung Quốc và ám chỉ sự can thiệp của Mỹ trong vấn đề Biển Đông. Sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết, trong cuộc họp báo ngày 5/9/2016, Tổng thống Nga V. Putin tuyên bố: “Chúng tôi đoàn kết và ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề này – không công nhận phán quyết của tòa, … Đây không phải là lập trường chính trị, mà chỉ đơn thuần về pháp lý”. Như vậy, phản ứng của Nga đối với Phán quyết của Tòa Trọng tài xuất phát từ những tính toán lợi ích quốc gia của họ nhưng chắc chắn đã góp phần làm phức tạp thêm tiến trình giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông khi các cường quốc lớn cùng can dự vào tiến trình này, trong đó Nga và Trung Quốc có cùng quan điểm và đối trọng với quan điểm của Mỹ.

Phán quyết của Tòa Trọng tài về vụ kiện Philippines – Trung Quốc là một sự kiện thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng tế vì nó không chỉ là cuộc chiến pháp lý giữa Philippines và Trung Quốc mà còn có nhiều ý nghĩa và tác động đối với quan hệ quốc tế nói chung và quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á nói riêng. Nhìn chung, phản ứng của giới chuyên gia về luật quốc tế và quan hệ quốc tế của nhiều nước và của tổ chức quốc tế đều đánh giá ý nghĩa tích cực Phán quyết của Tòa Trọng tài vì nó góp phần làm phong phú thêm án lệ của luật pháp quốc tế và đóng vai trò như một thước đo chuẩn mực về cách mà các nước hành xử trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền. Ngoài ra, Phán quyết của Tòa Trọng tài có thể được sử dụng như một thông lệ ứng xử trong luật quốc tế cho những vụ kiện trong tương lai, nếu có, vì nó không chỉ góp phần vào việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông mà còn cả với tranh chấp về biển đảo nói chung tại các khu vực khác trên thế giới. Một điểm chung nữa trong phản ứng của cộng đồng quốc tế là kêu gọi tất cả các bên thực thi đầy đủ những phán quyết mang tính ràng buộc của Tòa Trọng tài phù hợp với UNCLOS 1982 và đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật và các thông lệ quốc tế về các vấn đề trên biển. Vì Tòa Trọng tài là một cơ quan trọng tài, không có lực lượng, chế tài để thi hành các phán quyết của mình, do đó tác động của các phán quyết của Tòa Trọng tài phụ thuộc vào cách phản ứng của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là những nước có liên quan trực tiếp đến phán quyết của Tòa Trọng tài. Sự phản ứng của những nước có liên quan, như đã trình bày ở phần trên, được phân chia thành hai nhóm chính. Nhóm những nước ủng hộ Phán quyết của Tòa Trọng tài đều hoan nghênh văn kiện này nhưng đồng thời tỏ thái độ thận trọng, kêu gọi các bên kiềm chế để tránh gây ra những kích động dẫn tới những phản ứng tiêu cực từ những nước không ủng hộ Phán quyết của Tòa Trọng tài. Mặc dù vậy, những nước ủng hộ Phán quyết của Tòa Trọng tài luôn đề cao tính pháp lý và sự ràng buộc của phán quyết này, đồng thời yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực thi trách nhiệm của họ đối với luật pháp quốc tế. Ngoài ra, nhóm nước ủng hộ Phán quyết của Tòa Trọng tài chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở của luật pháp quốc tế. Trong khi đó, nhóm những nước không ủng hộ đưa ra những lý do khác nhau để phủ nhận tính pháp lý của Phán quyết của Tòa Trọng tài, chủ yếu vì những tính toán lợi ích quốc gia của họ trong quan hệ với Trung Quốc trên các phương diện chính trị, kinh tế và an ninh.

Như vậy, việc Philippines tuyên bố không có nước nào hỗ trợ Philippines trong việc thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài là không xác thực. Hiện nay, đa phần cộng đồng quốc tế đều ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài, đồng thời yêu cầu Trung Quốc tuân thủ, thực thi nghiêm túc phán quyết trên. Tuy nhiên, Philippines với tư cách là nước đương sự lại tìm cách né tránh, gác lại phán quyết để thúc đẩy hợp tác song phương và tìm kiếm cơ hội đầu tư từ Trung Quốc. Chính điều này đã khiến phán quyết của Tòa không được thực thi đầy đủ và từ đó dẫn đến căng thẳng gia tăng trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới