Các phân tích quân sự về dữ liệu vệ tinh GPS cho thấy hai tàu nghiên cứu của Trung Quốc đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Papua New Guinea ở phía Bắc đảo Manus,Tây Nam Thái Bình Dương để lập bản đồ vùng biển khu vực này.
Tàu nghiên cứu của Trung Quốc đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Papua New Guinea. Nguồn: ABC
Báo chí Australia dẫn các phân tích quân sự về dữ liệu vệ tinh GPS cho biết hai tàu nghiên cứu của Trung Quốc đã đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Papua New Guinea ở phía Bắc đảo Manus hồi cuối năm 2018 vừa qua. Hai tàu nghiên cứu vừa nêu thuộc “hạm đội nghiên cứu đại dương” gồm 20 chiếc của Trung Quốc, đã thực hiện các cuộc điều tra hàng hải mở rộng quanh Philippines, Palau, đảo Guam và Nhật Bản trong hai năm qua (2017-2018).
Mặc dù các quan chức quân sự cấp cao của Australia và Mỹ thừa nhận các cuộc điều tra hải dương học hoàn toàn hợp pháp, nhưng tin rằng các tàu đang thu thập dữ liệu vô giá cho các hoạt động quốc phòng trong tương lai. Một quan chức quốc phòng Australia giấu tên nói với đài ABC hôm 20/4 rằng “thông tin thu được cho mục đích tài nguyên có thể sử dụng kép cho mục đích quân sự”. Cũng theo quan chức này, “thu thập dữ liệu cơ bản về cấu tạo đáy biển, địa hình đáy biển, độ mặn và lớp nêm nhiệt còn giúp xác định điều kiện âm thanh cho hoạt động của tàu ngầm”.
Bộ Quốc phòng Australia không chính thức đề cập nhiều đến hoạt động hải dương học của Trung Quốc, ngoại trừ lưu ý rằng “vùng biển của Australia có lưu lượng giao thông hàng hải lớn, bao gồm cả quân sự và các tàu của chính phủ nhiều nước khác”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Australia nói với đài ABC rằng “Luật pháp quốc tế cho phép tiến hành nghiên cứu khoa học biển ở vùng biển quốc tế với điều kiện các hoạt động không vi phạm quyền của các quốc gia khác hoặc can thiệp một cách vô lý vào hoạt động hợp pháp khác trên biển”.
Theo kết luận của báo cáo của Học viện Hải quân Mỹ hồi tháng 11/2018 cho biết các hoạt động nghiên cứu hải dương học ngoài khu vực của Trung Quốc gây ra nhiều lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Hồi tháng 3, các Chỉ huy quốc phòng Australia và Papua New Guinea gặp nhau tại Canberra để ký Bản ghi nhớ nâng cấp Căn cứ Hải quân Lombrum. Trước lo lắng về nghiên cứu hải dương học của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, Bắc Kinh khẳng định nhiệm vụ chỉ thuần khoa học và hợp pháp.
Giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng việc Trung Quốc thúc đẩy hoạt động hợp tác nghiên cứu khảo sát, thăm dò tài nguyên với các nước không chỉ nhằm cạnh tranh, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nhiều khu vực biển quốc tế trong đó có Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hoạt động này còn nhằm tạo tiền đề thúc đẩy mở rộng hợp tác trên biển giữa Trung Quốc với các nước, qua đó hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và góp phần giúp Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Cường quốc biển” vào giữa thế kỷ 21. Phải nhắc lại việc Trung Quốc thường lợi dụng danh nghĩa các hoạt động nghiên cứu khoa học biển để thực hiện các ý đồ nham hiểm bành trướng ảnh hưởng của nước này. Hồi tháng 2/2018, Hội đồng Bản đồ và Khoáng sản quốc gia Philippines phải đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines kiến nghị Tổ chức Thủy văn quốc tế hủy các tên gọi do Trung Quốc đặt cho 05 cấu trúc trong vùng biển Benham Rise mà Trung Quốc có được thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát.