Ông Putin thực sự rất muốn chèo lái các sự kiện ở Bán đảo Triều Tiên theo hướng có lợi cho Nga.
Truyền thông thế giới đang dồn sự chú ý vào cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un. Kremlin xác nhận việc chuẩn bị đang được tiến hành cho cuộc gặp diễn ra vào cuối tháng 4.
Câu hỏi chính mà nhiều người đặt ra là liệu Nga có thể giúp phá vỡ bế tắc đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều hay không, đặc biệt sau khi hai ông Donald Trump và Kim Jong Un không đạt được thỏa thuận tại hội nghị ở Hà Nội cuối tháng 2.
Cuộc gặp ở Hà Nội đã chứng kiến sự bất đồng rõ ràng và sâu sắc giữa Washington và Bình Nhưỡng về quy mô cũng như tiến độ giải trừ hạt nhân và cấm vận. Thực tế này đã phủ bóng bất trắc lên tương lai đàm phán hạt nhân giữa hai nước.
Và giờ đây, Tổng thống Nga Putin đang tiến đến “hố đen” đàm phán tiềm năng, trong bối cảnh Bình Nhưỡng vừa thử “vũ khí dẫn đường chiến thuật” mới gắn một “đầu đạn uy lực” hôm 18/4. Đây là vụ thử đầu tiên kể từ khi tiến trình đàm phán Trump – Kim bắt đầu.
Trong lịch sử đã có tiền lệ những cuộc đàm phán cấp cao như vậy sụp đổ rồi lại hồi sinh, chẳng hạn đàm phán Xô – Mỹ giữa Ronald và Mikhail Gorbachev năm 1986 và 1987.
Tuy nhiên, dường như giữa ông Trump và ông Kim vẫn tồn tại nhiều khoảng cách lớn, và sau hội nghị ở Hà Nội, Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ không thay đổi lập trường, thậm chí bác bỏ tuyên bố của ông Trump nói đàm phán đổ vỡ là do phía Triều Tiên đòi dỡ bỏ hết cấm vận.
Theo hãng thông tấn Gulf News, một trong những lý do chính mà ông Putin có thể thấy khó lay chuyển Triều Tiên rời xa và nhanh khỏi lập trường của nước này là ít nhất cho đến lúc này, chính ông Kim chứ không phải ông Trump nổi lên là người giành thắng lợi lớn hơn trong tiến trình đàm phán. Thời gian qua, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên có rất ít nhượng bộ cụ thể trước Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Trump chấp nhận hoãn hủy tập trận chung Mỹ – Hàn, trao đổi thư từ khen ngợi Chủ tịch Triều Tiên, thậm chí nêu viễn cảnh nới lỏng cấm vận nếu Bình Nhưỡng làm “điều gì đó có ý nghĩa” về phi hạt nhân hóa. Tất cả cho thấy ông Kim nhận được khá nhiều từ ông Trump để đổi lấy những cam kết mập mờ trong thỏa thuận Singapore.
Ở mức độ cá nhân, Kim Jong Un giành được vị thế cao hơn đáng kể trên trường quốc tế. Điều này càng được ghi nhận sau khi ông đến Việt Nam, chuyến công du nước ngoài thứ 4 trong chưa đầy 12 tháng, trong khi ông chưa hề ra khỏi biên giới quốc gia trong hơn 6 năm cầm quyền trước đó.
Trong bối cảnh như vậy, câu hỏi chính là vì sao Tổng thống Putin muốn tham gia và nghĩ ông có thể tạo nên khác biệt để “đảo chiều cuộc chơi”? Câu trả lời rất đơn giản: Putin nắm bắt được dòng chảy trong ván cờ địa chính trị này, với một loạt cơ hội mới quan trọng có thể mở ra. Nhận thấy mình có nhiều lợi ích lớn trên Bán đảo Triều Tiên, Moscow và một số chủ thể lớn khác liên quan đến tương lai của khu vực, trong đó có Nhật Bản, đều đang chạy đua hết sức để giành vị trí.
Năm ngoái, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp Chủ tịch Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng. Và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng gặp người đồng cấp Nga hồi tháng 6/2018 ở Moscow. Ông Putin là nguyên thủ đầu tiên đón một vị Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm tới thăm Nga kể từ năm 1999. Cuộc gặp nêu bật những lợi ích của Moscow trong sự thay đổi lịch sử giờ đây có thể đang “lơ lửng” trên bán đảo Triều Tiên. Chẳng hạn, Tổng thống Moon đang thúc đẩy “Chính sách Phương Bắc Mới”, mà khi kết hợp cùng hòa đàm với Kim Jong Un sẽ trở thành động lực chính sách đối ngoại, theo đó Seoul sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước láng giềng chen chốt vùng Á – Âu.
Có thể nói, cuộc gặp thượng đỉnh Putin – Kim và chính sách ngoại giao rộng lớn hơn trên bán đảo Triều Tiên chứng tỏ các mảng kiến tạo địa chính trị nơi đây vẫn đang chuyển động, bất chấp hội nghị Trump – Kim lần 2 đổ vỡ. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Putin đang rất muốn “đánh lái” theo hướng có lợi cho Nga và tránh những rủi ro có thể xảy ra nếu đối thoại Hàn – Triều hóa thành ảo vọng.