Saturday, January 18, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiThông điệp phía sau nụ cười của lãnh đạo Nga - Triều...

Thông điệp phía sau nụ cười của lãnh đạo Nga – Triều trong cuộc gặp lịch sử

Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Kim Jong-un đã dành cho nhau những cử chỉ thân mật trong lần đầu gặp mặt và đây có thể là thông điệp được hai nhà lãnh đạo gửi tới Mỹ.

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bắt đầu bằng cái bắt tay siết chặt và kết thúc bằng màn nâng ly của hai nhà lãnh đạo trước khi ông chủ Điện Kremlin tổ chức họp báo trước truyền thông.

Tuy nhiên, phía sau những nụ cười, nghi thức đón tiếp và món quà mà Tổng thống Putin dành cho ông Kim Jong-un là thông điệp quan trọng được hai nhà lãnh đạo gửi tới Mỹ.

Ông Kim Jong-un quyết định nhận lời mời tới thăm thành phố Vladivostok trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Washington đang lâm vào bế tắc. Việc Bình Nhưỡng “xoay trục” sang Moscow được xem là tín hiệu nhắn gửi Tổng thống Donald Trump, rằng Washington không phải “người chơi” duy nhất trên bàn cờ.

“Nhà lãnh đạo Triều Tiên đích thân đề nghị chúng tôi thông báo với phía Mỹ về lập trường của ông ấy (Kim Jong-un). Không có bí mật nào ở đây”, Tổng thống Putin phát biểu tại cuộc họp báo sau bữa tiệc thân mật với vị khách quý từ Triều Tiên.

Lãnh đạo Nga – Triều đi bộ cùng nhau tới nơi họp thượng đỉnh

Sau hai giờ hội đàm, vượt quá một giờ so với kế hoạch ban đầu, Tổng thống Putin cho biết cuộc đối thoại giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên diễn ra “cởi mở, thú vị và thực chất”. Ông Putin nói rằng hai nhà lãnh đạo đã đề cập tới hàng loạt vấn đề như phi hạt nhân hóa, các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, tương lai của các lao động Triều Tiên có nguy cơ bị trục xuất khỏi Nga theo nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an và quan hệ song phương.

“Phi hạt nhân hóa có nghĩa là từ bỏ vũ khí, nhưng Triều Tiên cần sự bảo đảm để điều đó có thể xảy ra… Tôi có cảm giác ông Kim Jong-un quan tâm đến vấn đề phi hạt nhân hóa và tất cả những gì Triều Tiên mong muốn là đảm bảo an ninh và chủ quyền của nước này”, ông Putin nhấn mạnh.

Trong một bình luận được cho là nhắm trực tiếp tới Mỹ, Tổng thống Nga kêu gọi việc “quay trở lại luật pháp quốc tế”, đồng thời nhấn mạnh cách duy nhất để thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa là đảm bảo luật pháp quốc tế phải được đặt lên trên “luật của nắm đấm”.

Triều Tiên đã đàm phán với Mỹ suốt nhiều tháng với chủ đề xoay quanh phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai tại Việt Nam hồi cuối tháng 2 kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào. Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington liên tục bị đình trệ khi hai nước vẫn bất đồng quan điểm về định nghĩa “phi hạt nhân hóa”.

Giải mã cuộc gặp

Thông điệp phía sau nụ cười của lãnh đạo Nga - Triều trong cuộc gặp lịch sử - 2

Hai nhà lãnh đạo Nga – Triều dự tiệc cùng nhau. (Ảnh: Reuters)

Theo Robert Kelly, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Pusan Hàn Quốc, việc gặp Tổng thống Putin là cách để nhà lãnh đạo Kim Jong-un đánh tiếng với Tổng thống Trump rằng ông có thể “đi khắp nơi để tìm kiếm thỏa thuận”.

“Ông Kim Jong-un bây giờ có thể vui vẻ đối thoại với bất kỳ ai”, giáo sư Kelly nhận định.

Sau nhiều năm cô lập, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như hào hứng với việc vươn ra thế giới trong những năm gần đây, một phần bởi vì ông đã có trong tay quân bài mặc cả chiến lược: đó là tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công lục địa Mỹ. Ngoài hai lần Tổng thống Trump, ông Kim Jong-un còn có 4 cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và 3 cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Mỹ không đi đến đâu, nhà lãnh đạo Triều Tiên chuyển hướng sang Nga với hai mục đích: vừa để xem Tổng thống Putin có thể đưa ra đề xuất giúp đỡ gì, vừa để gửi thông điệp tới các nước khác.

“Có nhiều lý do cho chuyến đi này, và một trong số đó là thể hiện cho Mỹ thấy rằng họ không phải là người chơi duy nhất. Mỹ chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ bất kỳ kết quả nào (về cuộc gặp thượng đỉnh Kim – Putin), nhà nghiên cứu Tom Plant tại Viện Royal United Services ở London, Anh, nhận định.

Hội nghị thượng đỉnh Nga – Triều lần này diễn ra tại đảo Russky, gần cảng Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga. Nga và Triều Tiên có chung đường biên giới trên bộ và Tổng thống Putin vẫn mong muốn xây dựng các tuyến đường sắt và đường ống dẫn khí đốt chạy qua Triều Tiên để tới Hàn Quốc.

Ông Putin và ông Kim Jong-un nâng ly trong cuộc gặp đầu tiên

Tổng thống Putin chắc chắn không muốn có một cường quốc hạt nhân ở ngay cửa ngõ của Nga. Các chuyên gia nhận định ông Putin ít nhất cũng muốn được xem như một “nhà bảo trợ chính” cho các cuộc đàm phán liên quan tới Triều Tiên.

“Chúng tôi đã trao đổi về tình hình hình bán đảo Triều Tiên”, ông Putin nói, đồng thời cho biết ông sẵn sàng chia sẻ thông tin về cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho Tổng thống Trump.

Tổng thống Putin hy vọng hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ giúp ông hiểu rõ hơn “về những gì cần làm để giải quyết tình hình trên bán đảo Triều Tiên”.

“Ông Putin từ lâu đã muốn mời ông Kim Jong-un đến Nga. Lần gần nhất là vào tháng 9 năm ngoái tại diễn đàn kinh tế ở Vladivostok. Đây được xem là cơ hội để ông Putin đóng vai trò trong đàm phán hạt nhân Triều Tiên nhằm đảm bảo rằng Nga không chỉ là một bên quan sát, mà còn là thành viên tích cực trong vấn đề này”, chuyên gia Andrey Kortunov tại Hội đồng Quan hệ quốc tế của Nga nói.

“Tôi đoán rằng có vấn đề nghiêm trọng trong quan hệ giữa ông Kim Jong-un và chính quyền Trump. Ông ấy hiểu rằng sức ép ngày càng tăng và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, người được ủy quyền đàm phán, là một nhà đàm phán cứng rắn. Ông ấy cần thêm sự ủng hộ và ông ấy chỉ có thể trông cậy vào Bắc Kinh và Moscow”, chuyên gia Kortunov cho biết thêm.

Theo chuyên gia Tom Plant, việc Tổng thống Putin đồng ý hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un là nỗ lực để giảm bớt mức độ quan trọng của các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt lên Bình Nhưỡng, cũng như tầm ảnh hưởng toàn cầu của Washington.

“Lợi ích của Nga có lẽ là tìm cách làm giảm bớt mức độ hiệu quả của các lệnh trừng phạt quốc tế nói chung để các lệnh trừng phạt này không còn được coi là biện pháp hợp pháp hay hiệu quả nữa”, ông Plant cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới