Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMột số đánh giá về chủ trương, chính sách của Lào liên...

Một số đánh giá về chủ trương, chính sách của Lào liên quan vấn đề Biển Đông

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông liên quan trực tiếp đến lợi ích và an ninh quốc gia của các nước ASEAN. Tuy nhiên, trong nội bộ ASEAN hiện vẫn tồn tại mâu thuẫn, bất đồng về lập trường chung trong cách xử lý vấn đề này. Lào là một trong số ít nước ASEAN ủng hộ lập trường phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, để đổi lấy lợi ích trước mắt.

Lào nằm ở phía Bắc bán đảo Đông Dương, phía Đông giáp Việt Nam, phía Nam giáp Campuchia, phía Tây Nam giáp Thái Lan, phía Tây Bắc giáp Myanmar và phía Bắc giáp Trung Quốc. Lào có diện tích 236.800 km2, là nước lục địa duy nhất ở Đông Nam Á. Tuy Lào không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng quan điểm, chủ trương và hành động của Lào đã ảnh hưởng lớn tiến trình giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Chủ trương, chính sách của Lào liên quan vấn đề này có một số điểm nổi bật sau:

Chính sách của Lào liên quan tranh chấp ở Biển Đông

Trước tiên, Lào chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp. Cùng với tình hình Biển Đông liên tục nóng lên, nhất là các nước xung quanh Biển Đông từng bước nỗ lực tăng cường sức mạnh trang thiết bị quân sự và các nước bên ngoài khu vực không ngừng tăng cường mức độ can thiệp quân sự, xu thế quân sự hóa của khu vực Biển Đông ngày càng gay gắt, chỉ số rủi ro xảy ra va chạm ngày càng tăng lên. Lào chủ trương các nước liên quan vấn đề Biển Đông dựa vào quy định của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, yêu cầu các bên giữ sự kiềm chế cần thiết, tránh thực hiện bất kỳ hành động nào khiến cho tình hình căng thẳng, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu chiến lược của nước mình.

Hai là thực hiện chính sách trung lập tương đối thận trọng. Đối với Lào, Trung Quốc là đối tác chiến lược của nước này, các nước tuyên bố chủ quyền Biển Đông ở Đông Nam Á cùng thuộc tổ chức ASEAN, việc xác định rõ đứng về bên nào là rất khó khăn và có sự ràng buộc lợi ích trên nhiều phương diện. Vì vậy, Lào đã áp dụng lập trường không lựa chọn đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông, thực hiện chính sách trung lập thận trọng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, để đạt được mục tiêu thu hút ngồn vốn và viện trợ từ Trung Quốc, Lào đã thay đổi gần như toàn bộ chủ trương, chính sách trong vấn đề Biển Đông, chính thức chấm dứt quan điểm trung lập. Hiện Lào thực thi chính sách ủng hộ và nghe theo mọi xắp xếp của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Điều này được thể hiện trong hàng loạt hội nghị cấp cao ASEAN, Đông Á… Lào đã có các tuyên bố, hành động cụ thể ủng hộ Trung Quốc khiến nội bộ ASEAN mâu thuẫn, bất đồng trong việc thống nhất lập trường để giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc. Ngoài ra, Lào cũng ngầm nghe theo Trung Quốc khi kiên trì quan điểm ASEAN không phải một bên của tranh chấp Biển Đông, hy vọng ASEAN về tổng thể có thể kiên trì không lựa chọn đứng về bên nào, không tham gia tranh chấp giữa các nước liên quan, để “bảo vệ sự đoàn kết của ASEAN” và quan hệ tổng thể giữa tổ chức này với Trung Quốc. 

Ba là phản đối đa phương hóa và quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Lào cho rằng vấn đề Biển Đông là tranh chấp song phương giữa một số nước Đông Nam Á và giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á, nhưng các nước như Philippines thúc đẩy một cách tích cực ASEAN hóa, đa phương hóa và quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Các nước không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong ASEAN như Lào giữ ý kiến khác về vấn đề này, cho rằng điều này không liên quan đến lợi ích của mình, không muốn can dự vào đó. Tháng 9/2011, hội nghị chuyên gia về luật biển của ASEAN do Philippines khởi xướng được tổ chức tại Manila, với mục đích thực hiện phương án giải quyết vấn đề Biển Đông mà Philippines đưa ra và lấy sức mạnh khu vực để cùng cân bằng Trung Quốc, nhưng Lào không cử đại diện tham gia. Năm 2012, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vì sự bất đồng giữa các nước thành viên trong vấn đề Biển Đông mà không đạt được tuyên bố chung, đây là lần đầu tiên trong 45 năm thành lập của tổ chức này không ra được tuyên bố chung. Các nước như Lào… kiên trì vấn đề Biển Đông là vấn đề song phương, từ chối chủ trương của các nước như Philippines, Việt Nam… đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của ASEAN, cho rằng ASEAN không nên can dự vào tranh chấp Biển Đông. Ngoài ra, các nước Philippines, Việt Nam… không ngừng thúc đẩy các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ can dự vào vấn đề Biển Đông, tìm cách thông qua Mỹ để kiềm chế ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc. Lào cũng không tán thành nước lớn bên ngoài can dự vào tranh chấp Biển Đông, lo ngại Biển Đông trở thành nơi đọ sức của xung đột nước lớn và ảnh hưởng đến ổn định khu vực Đông Nam Á và tiến trình nhất thể hóa ASEAN. Tháng 1/2016, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến thăm Lào để tìm cách thuyết phục nước này gia nhập phe gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng không đạt được hiệu quả. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hai lần đến thăm Lào vào tháng 5 và tháng 7/2016, thậm chí lấy viện trợ quy mô lớn đổi lại Lào ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông. Trung Quốc giữ lập trường phản đối mạnh mẽ đối với việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông. Tháng 7/2016, khi gặp gỡ Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nêu rõ phía Lào ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời hy vọng cùng duy trì hòa bình, ổn định của khu vực Biển Đông. Đây cũng là phản ứng rõ ràng của Chính phủ Lào đối với các nước trong và ngoài khu vực tìm cách quốc tế hóa và đa phương hóa vấn đề Biển Đông. 

Bốn là tích cực chủ trương giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương. Trong tranh chấp Biển Đông, Lào quyết ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương giữa từng nước với Bắc Kinh, chủ trương tranh chấp Biển Đông là vấn đề của các bên có liên quan, không phải là vấn đề của toàn ASEAN với Trung Quốc. Năm 2016, Chính phủ Trung Quốc đưa ra “tư duy kép” – chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển do các nước liên quan hiệp thương giải quyết, hòa bình và ổn định của Biển Đông do Trung Quốc và ASEAN cùng duy trì. Điều này nhận được sự ủng hộ của Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith từng mạnh miệng tuyên bố rằng tranh chấp Biển Đông phải do các nước liên quan trực tiếp dựa theo quy định của điều 4 trong DOC thông qua bàn bạc và đàm phán hữu nghị để giải quyết. Trong quá trình trao đổi qua lại với các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong ASEAN, Lào nhiều lần nhấn mạnh vấn đề Biển Đông phải thông qua đàm phán song phương để giải quyết.

Có thể nói chính sách Biển Đông của Lào tập trung thể hiện “nhận thức chung 4 điểm” về vấn đề Biển Đông mà Trung Quốc đạt được với một số nước ASEAN như Lào, Campuchia và Brunei, các bên cho rằng tranh chấp tồn tại trên một số đảo, đá ở quần đảo Trường Sa không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên ảnh hưởng quan hệ Trung Quốc-ASEAN; cho rằng phải tôn trọng quyền lợi các nước dựa theo luật pháp quốc tế để tự lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, không tán thành biện pháp đơn phương cho rằng phải dựa theo quy định của điều 4 trong DOC, kiên trì các nước liên quan thông qua đối thoại hiệp thương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền lợi biển; cho rằng Trung Quốc và ASEAN có thể thông qua hợp tác để cùng bảo vệ tốt hòa bình ổn định của Biển Đông, các nước bên ngoài khu vực nên phát huy vai trò mang tính xây dựng, chứ không phải là ngược lại.  Hành động này của Lào không chỉ đi ngược lại lợi ích chung của ASEAN mà còn làm gia tăng mâu thuẫn, bất đồng trong ASEAN, khiến ASEAN ngày càng suy yếu và bị hạn chế trước Trung Quốc.

Vì sao Lào lại ủng hộ Trung Quốc?

Trong tranh chấp Biển Đông, đối sách cơ bản mà Lào áp dụng về căn bản là để bảo vệ lợi ích quốc gia của nước này. Cụ thể, đặc trưng chính sách ngoại giao trong giai đoạn hiện nay của Lào, quan hệ Lào-Trung, quan hệ Lào-Việt và nỗi lo nước nhỏ của Lào… có ảnh hưởng quan trọng đối với chính sách Biển Đông của Lào. 

Một là Lào thực hiện chính sách ngoại giao linh hoạt. Sau khi thành lập chính phủ năm 1975, Đảng nhân dân cách mạng Lào thực hiện chính sách ngoại giao “nghiêng về” Việt Nam và Liên Xô, không gian hoạt động quốc tế rất hạn hẹp. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Lào đã phá vỡ đường lối ngoại giao truyền thống, thực hiện chính sách ngoại giao tích cực và linh hoạt hơn, nỗ lực phát triển quan hệ hữu nghị với các nước. Tháng 3/2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9 của Đảng nhân dân cách mạng Lào đưa ra chính sách ngoại giao “5 đa” – đa dạng hóa, đa phương diện, đa phương hóa, đa tầng nấc và đa hình thức. Tháng 1/2016, Đảng nhân dân cách mạng Lào kiên trì đường lối ngoại giao hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác, triển khai hợp tác đối ngoại toàn diện, lĩnh vực rộng mở, đa tầng nấc. Nội dung quan trọng mới trong ngoại giao của Lào nằm ở chỗ tăng cường liên hệ kinh tế với thế giới, tích cực tìm kiếm sự đầu tư và viện trợ bên ngoài, dốc sức mở rộng thị trường quốc tế, coi phát triển kinh tế trong nước và nâng cao mức sống của người dân là biện pháp quan trọng để củng cố chính quyền xã hội chủ nghĩa và địa vị cầm quyền của Đảng nhân dân cách mạng Lào. Trong bối cảnh chính sách ngoại giao mới này, Lào giữ thái độ tương đối thờ ơ đối với tranh chấp quốc tế có mối liên hệ không lớn với nước mình, cố gắng không làm mất lòng bất kỳ bên nào, để tránh ảnh hưởng đến sự triển khai của ngoại giao toàn diện. Trong vấn đề Biển Đông, với tư cách là nước thành viên của ASEAN, Lào không hy vọng khu vực xuất hiện các vụ việc không ổn định thậm chí là xảy ra chiến tranh, lo ngại sự can dự của các nước lớn bên ngoài khu vực sẽ làm phức tạp hóa vấn đề, cũng không muốn mình bị liên lụy một cách vô cớ. Ngoài ra, sau khi Lào gia nhập ASEAN, luôn coi ASEAN là diễn đàn quan trọng để mình thể hiện năng lực ngoại giao, phát huy vai trò khu vực và nâng cao ảnh hưởng quốc tế, bảo vệ sự đoàn kết của nội bộ ASEAN là xem xét lớn nhất trong chính sách Biển Đông của Lào. 

Hai là quan hệ mật thiết Lào-Trung. Chính phủ Lào phản đối đa phương hóa và quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và nhiều lần ngăn cản mưu đồ của các nước như Philippines… đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung của ASEAN, có tiếng nói chung nhiều hơn với chủ trương của Trung Quốc. Sau khi ASEAN đưa ra tuyên bố chung tháng 7/2016, khi gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ca ngợi chính phủ nước này kiên trì lập trường Biển Đông công bằng, khách quan. Trên thực tế, chính sách Biển Đông tương đối thiên về Trung Quốc của Lào không thể tách rời quan hệ hữu nghị giữa Lào và Trung Quốc. Về chính trị, hai nước đều là quốc gia xã hội chủ nghĩa, chế độ xã hội tương đồng, nhiệm vụ phát triển giống nhau, viếng thăm cấp cao lẫn nhau không ngừng, trao đổi các cấp liên tục diễn ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng nhân dân cách mạng Lào duy trì sự hợp tác cao độ giữa hai chính đảng. Năm 2009, Lào và Trung Quốc tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai nước còn chủ trương thực hiện phương châm “4 tốt” – láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt. Quan hệ “4 tốt” cũng trở thành biểu tượng lớn nhất cho sự hữu nghị về chính trị giữa Trung Quốc và Lào, trở thành bảo đảm quan trọng để hai đảng và hai nước phát triển quan hệ ở tầng nấc cao hơn. Về kinh tế, Lào có ưu thế tài nguyên khác với Trung Quốc, tài nguyên tự nhiên của Lào rất phong phú, còn Trung Quốc có công nghệ tương đối tiên tiến, thị trường to lớn và ưu thế nguồn vốn dồi dào, tính bổ sung về kinh tế giữa hai nước tương đối mạnh mẽ. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai và nước đầu tư lớn nhất của Lào, lĩnh vực đầu tư liên quan đến thủy điện, khai thác khoáng sản, thương mại dịch vụ, vật liệu xây dựng, trồng trọt, sản xuất dược phẩm… Có nhà quan sát nước ngoài cho rằng hiện nay, Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất của Lào, vì vậy đã thúc đẩy tích cực lợi ích của Trung Quốc ở ASEAN. Cùng với việc phát triển Tiểu vùng sông Mekong được thúc đẩy đi vào chiều sâu và Trung Quốc triển khai xây dựng “Một vành đai, một con đường”, đặc biệt là việc xây dựng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), quan hệ kinh tế thương mại Trung-Lào sẽ ngày càng mật thiết, sự phụ thuộc về kinh tế của Lào đối với Trung Quốc sẽ tăng lên. 

Ba là quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam. Do các nguyên nhân như địa lý, lịch sử và hiện thực, Lào giữ quan hệ đặc biệt với Việt Nam. Lào và Việt Nam có biên giới chung dài 1.650 km, Việt Nam là đường ra biển tiện lợi nhất của Lào, có ảnh hưởng quan trọng đối với mối liên hệ kinh tế đối ngoại của Lào. Lào rất coi trọng tình hữu nghị với Việt Nam, cố Chủ tịch Lào Kaysone Phomvihane miêu tả một cách hình tượng quan hệ Lào-Việt là quan hệ “gắn bó như răng với môi”. Năm 2012, nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 35 năm ký kết “Hiệp ước hữu nghị hợp tác”, hai nước đều tuyên bố phải gìn giữ quan hệ đặc thù hai nước mãi mãi xanh tươi, ổn định lâu dài. Hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Lào, là nước đầu tư quan trọng, cũng là đối tượng ngoại giao ưu tiên của Lào. Chính địa vị quan trọng đặc biệt của Việt Nam trong ngoại giao Lào, Lào có thái độ tương đối thận trọng đối với tranh chấp Biển Đông có Việt Nam bị cuốn vào trong đó, lo ngại sẽ làm cho Việt Nam không hài lòng. Lào rất không muốn nhìn thấy vì vấn đề Biển Đông mà làm cho Việt Nam và Trung Quốc xảy ra xung đột, từ đó khiến cho Lào ở cảnh ngộ bất lợi tương đối khó xử. Vì vậy, chính sách “không lựa chọn đứng về bên nào” mà Lào áp dụng là hành động bắt buộc để đối phó với tranh chấp Biển Đông, cũng là hành động được quyết định bởi vị thế ngoại giao đặc biệt của nước này. 

Thứ tư là Lào xem xét vấn đề an ninh của nước mình với tư cách là nước nhỏ trong khu vực. Trong trạng thái vô chính phủ, mong muốn sinh tồn và nhu cầu an ninh của nước nhỏ mạnh mẽ hơn nước lớn. Nhưng khả năng bảo vệ an ninh và độc lập của nước nhỏ tương đối hạn chế, khiến cho sự lo ngại về sinh tồn của nước nhỏ tương đối mạnh mẽ. Do tính hạn chế của nguồn lực bên trong, phương thức tự giúp mình của nước nhỏ để thực hiện mục tiêu an ninh xem ra tương đối khó khăn, vì vậy việc phải tìm kiếm một cách tích cực nguồn lực bên ngoài để đạt được động cơ sinh tồn đã trở thành sự lựa chọn chiến lược lớn nhất của nước nhỏ. Đúng như Robert L. Rothstein từng nói “Nước nhỏ không thể thông qua năng lực của bản thân để giành lấy an ninh, để thực hiện an ninh bản thân, về cơ bản phải dựa vào sự giúp đỡ về cơ chế, tiến trình và phát triển từ bên ngoài”. Lào được coi là nước nhỏ cũng có mối quan tâm an ninh tương tự và biện pháp an ninh tương ứng. Thông qua việc tích cực hội nhập ASEAN, lấy sức mạnh tập thể và yêu cầu các bên tuân thủ cơ chế, quy phạm liên quan để bảo vệ lợi ích an ninh của mình, đề phòng sự tấn công của các nước xung quanh hoặc nước lớn khác. Trong tranh chấp Biển Đông, Lào yêu cầu các bên giải quyết hòa bình các tranh chấp: một mặt lo ngại xung đột và chiến tranh đe dọa ổn định và phát triển khu vực sẽ ảnh hưởng đến lợi ích căn bản của nước này; mặt khác lo sợ hiệu ứng liên quan mang tính tiêu cực của con đường lấy phương thức chiến tranh để giải quyết đối với an ninh sau này của Lào. Đồng thời, Lào hy vọng các bên tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế và DOC, cũng lo ngại các cơ chế và quy phạm tương ứng bị phá hoại, từ đó làm xấu đi tiến trình quy phạm của khu vực, xuất hiện hiện tượng đi ngược lại trào lưu chung của xã hội, làm cho hiện tượng sùng bái sử dụng vũ lực một cách tùy tiện và coi thường cơ chế quốc tế trở nên phổ biến. Cuối cùng đe dọa đến an ninh căn bản của các nước nhỏ trong khu vực trong đó có Lào. 

Tác động, ảnh hưởng từ chính sách của Lào đối với quá trình giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Tác động, ảnh hưởng của chính sách Biển Đông của Lào chủ yếu được thể hiện ở những phương diện sau: 

Một là không có lợi cho sự ổn định của tình hình khu vực Biển Đông. Thái độ của Lào trong vấn đề Biển Đông về tổng thể ngả theo Trung Quốc, không phù hợp với các nguyên tắc căn bản của quan hệ quốc tế. Những năm gần đây, Trung Quốc liên tục gia tăng các hoạt động phi pháp ở Biển Đông, tiến hành cải tạo phi pháp nhiều đảo, đá ở Trường Sa, tiến hành quân sự trên Biển Đông, phá hủy môi trường sinh thái trong khu vực, không thực thi theo phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016)… đã làm cho môi trường xung quanh Biển Đông xấu đi, làm giảm mức độ giải quyết hòa bình các tranh chấp, làm gay gắt thêm khó khăn an ninh của khu vực. Việc Lào tích cực chủ trương ủng hộ Trung Quốc trong giải quyết tranh chấp Biển Đông đã giáng một đòn mạnh mẽ vào đoàn kết trong nội bộ ASEAN, vào công luận và luật pháp quốc tế. Sự thực chứng minh vấn đề Biển Đông cần phải giải quyết qua các cơ chế luật pháp quốc tế, đàm phán đa phương giữa các bên liên quan tranh chấp, giữa các bên có lợi ích, an ninh ở Biển Đông với Trung Quốc. Việc giải quyết thông qua đàm phán song phương trực tiếp với nước liên quan là cách làm thiển cận, câu giờ của Trung Quốc nhằm tạo điều kiện có lợi cho Bắc Kinh để gây sức ép, buộc các nước phải nghe theo Trung Quốc. Theo đó, biện pháp và đối sách của Lào là nhân tố tiêu cực, phá rối trong tranh chấp Biển Đông, khiến tình hình tranh chấp thêm căng thẳng và không có lợi cho hòa bình, ổn định trong khu vực cũng như thống nhất, đoàn kết trong ASEAN.

Hai là không có lợi cho sự phát triển của quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Tranh chấp Biển Đông là tranh chấp giữa Trung Quốc với ASEAN, nên việc Lào kiên trì song phương hóa tranh chấp Biển Đông, phản đối coi vấn đề này là vấn đề của toàn ASEAN với Trung Quốc, ủng hộ tích cực “tư duy kép” của Trung Quốc khiến mâu thuẫn, bất đồng trong ASEAN gia tăng, gây ảnh hưởng đến đoàn kết trong nội bộ Khối, không có lợi cho việc thúc đẩy hợp tác quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Hiện Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, cùng với sự nâng cấp của Khu vực thương mại tự do Trung Quốc-ASEAN, xây dựng cơ chế Lan Thương-Mekong và thực hiện xây dựng “Một vành đai, một con đường”, mối liên hệ giữa Trung Quốc và ASEAN ngày càng tăng lên, quan hệ ngày càng mật thiết. Trong tranh chấp Biển Đông, việc Lào và một số nước nghe theo Trung Quốc để đi ngược lại lợi ích của cộng đồng ASEAN chỉ khiến quan hệ ASEAN-Trung Quốc xấu thêm. Lào hiện đã trở thành công cụ để Trung Quốc chi phối, điều khiển chống đối lại chính các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông. Năm 2016, với tư cách là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN, Lào tổ chức Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và hàng loạt hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á, Lào đã nghe theo Trung Quốc, khiến Hội nghị không thể ra được Tuyên bố chung, điều này làm mâu thuẫn, bất đồng giữa các nước ASEAN lên đỉnh điểm.

Ba là không có lợi cho việc thúc đẩy xây dựng Cộng đồng ASEAN. Cộng đồng ASEAN được tuyên bố thành lập vào ngày 31/12/2015 là mục tiêu quan trọng và chỗ dựa mang tính giai đoạn của nhất thể hóa ASEAN, trong đó có cộng đồng an ninh, cộng đồng kinh tế, cộng đồng văn hóa xã hội. Nhưng việc Lào nghe theo Trung Quốc khiến việc vận hành Cồng đồng ASEAN gặp nhiều khó khăn.

RELATED ARTICLES

Tin mới