Vào đầu nhiệm kỳ của mình, năm 2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhanh chóng khởi xướng việc nối lại quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, ông cho rằng “Tình hữu nghị, quan hệ hợp tác từng vượt qua nhiều trở ngại giữa Philippines và Trung Quốc không chỉ mang lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế cho cả hai quốc gia, mà còn tạo ra nền văn hóa độc đáo được nuôi dưỡng bởi sự hài hòa xen lẫn với đa dạng”, ông Duterte còn kêu gọi cộng đồng nhân dân hai nước tiếp tục nuôi dưỡng các giá trị và lý tưởng giúp thúc đẩy ý chí mạnh mẽ, mở ra thời kỳ hòa bình hơn và vượt lên những thách thức trước mắt.
Quan hệ song phương Philippines – Trung Quốc ngày càng nồng ấm trong nhiều lĩnh vực như an ninh và hợp tác khu vực, thương mại, đầu tư, du lịch hay văn hóa. Ngay trong năm 2016 tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhận được cam kết cung cấp tới 24 tỷ đô la tín dụng để Manila nâng cấp hạ tầng cơ sở.
Cuối năm 2018, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm 02 ngày đến Philipines, Tổng thống Duterte gọi chuyến thăm này là “cơ hội lịch sử” và ông Tập gọi đây là “cột mốc trong lịch sử giao lưu giữa 2 đất nước”, hai bên đã ký 29 thỏa thuận các loại từ hợp tác giáo dục, văn hóa đến phát triển khu công nghiệp, thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác nông nghiệp…trong đó có cả việc nhất trí về một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung.
Đối với cá nhân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Duterte đã từng nói rằng “Tôi chỉ đơn giản là yêu ông Tập Cận Bình”.
Nhưng đến đầu năm 2019, quan hệ hai nước cũng như cá nhân hai ông giường như đã có nhiều thay đổi, tình cảm ấy đã phai nhạt.
Thất vọng vì các thỏa thuận kinh thế không được triển khai như kỳ vọng, hơn nữa ngoài Biển Đông, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa mà nhiều hoạt động có vẻ nhằm trực tiếp đến Philippines.
Trong hơn ba tháng đầu năm 2019, một đội tàu đánh cá của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã tập trung quanh đảo Thị Tứ, một hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng Philippines đã chiếm đóng và đặt một căn cứ quân sự nhỏ và hơn 200 dân thường, đây là hòn đảo lớn nhất mà Philippines chiếm đóng ở Biển Đông.
Các Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng của Philippines đã lên tiếng nhưng cũng không làm thay đổi các hoạt động của Trung Quốc. Đến nước này, ông Duterte đã phải lớn tiếng yêu cầu Trung Quốc “ngừng lại” và đe dọa sẽ phản ứng mạnh mẽ, ông Duterte cảnh báo phía Trung Quốc“Tôi có lính ở đó”, “Nếu các anh có động thái gì ở đó, thì đó sẽ là một câu chuyện khác. Tôi sẽ nói với các binh sĩ của mình: ‘Hãy chuẩn bị cho các nhiệm vụ [tấn công] tự sát.”
Cũng trong thời gian này(ngày 04/4/2019), các lực lượng của Mỹ và Philippines đã diễn tập đổ bộ lên một bãi biển nhìn ra Biển Đông trong cuộc tập trận chung song phương lớn nhất kể từ năm 2016, năm ông Duterte tuyên bố “tách rời” khỏi Mỹ, đồng minh quân sự chính thức duy nhất của Philippines. Sự “xoay trục” của Philippines từ Mỹ sang Trung Quốc, điều mà chính phủ của ông mơ mộng sẽ giúp giảm bớt sự đối đầu với Trung Quốc do các yêu sách chồng chéo ở Biển Đông, đã trở thành một cú xoay mất trụ.
Từ những năm 1990, Trung Quốc đã chiếm giữ các rạn san hô và bãi đá ngầm ở Biển Đông mà Philippines và các nước khác tuyên bố chủ quyền, rồi tiến hành xây dựng trên đó. Năm 2012, sau khi hải quân Philippines cố gắng bắt giữ một số ngư dân Trung Quốc gần bãi cạn Scarborough mà cả Trung Quốc và Philippines cùng tuyên bố chủ quyền, các tàu Trung Quốc đã tuần tra vùng biển xung quanh và đôi khi buộc ngư dân Philippines quay về. Philippines đã tiến hành kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài của Liên hợp quốc. Năm 2016, ngay sau khi ông Duterte trở thành tổng thống, Tòa trọng tài của Liên hợp quốc đã ra phán quyết ủng hộ Philippines, nói rằng các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với bãi cạn Scarborough là vô căn cứ và yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là không có giá trị.
Chủ nghĩa dân tộc rất thịnh hành ở Philippines (cũng như ở Trung Quốc), và trong thời gian trước cuộc bầu cử năm đó, ông Duterte đã dọa sẽ lên một chiếc ca nô và tự mình ra bảo vệ yêu sách của Philippines đối với bãi cạn Scarborough. Nhưng khi đắc cử, thay vào đó, ông đã chọn cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc.Ông đã giữ im lặng về phán quyết của Tòa trọng tài.Về phần mình, Trung Quốc cũng cam kết sẽ đầu tư lớn vào đường bộ, hải cảng và đường sắt ở Philippines.Và mặc dù Trung Quốc cũng buộc một số tàu của Philippines quay đầu nhưng Bắc Kinh đã không xây dựng bất kỳ cơ sở quân sự nào trên bãi cạn Scarborough.
Nhưng cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến gần.Phe đối lập đã buộc tội ông Duterte bán nước cho Trung Quốc và bị cáo buộc là bị lừa khi đã dâng chủ quyền Biển Đông của Philippines cho Trung Quốc. Cũng không có nhiều đầu tư mà Trung Quốc hứa hẹn trở thành hiện thực. Và bây giờ thì người Trung Quốc đang thử ranh giới phản ứng của Philippines xung quanh đảo Thị Tứ. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Duterte, một người có tính bốc đồng cũng như hay biểu cảm, dường như đã có một sự thay đổi suy nghĩ.
Hơn nữa không phải đơn giản nếu không có sự thỏa thuận giữa Mỹ và Philippines mà Ngoại trưởng Mỹ hôm 1/3/2019 tại Manila lại phát biểu đảm bảo rằng Mỹ sẽ bảo vệ Philipines nếu bị tấn công trên Biển Đông và khẳng định Hiệp định phòng thủ Hỗ tương giữa Mỹ và Philippines ký năm 1951 sễ được kích hoạt nếu Philippines bị tấn công.
Chúng ta cần chờ xem quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc liệu có nồng ấm trở lại sau khi Philippines đã hoàn tất bầu cử trong nước. Tuy nhiên, có thể nhận ra một điều với tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông không hề thay đổi và ngày càng đẩy mạnh, việc Philippines phản ứng không chỉ là đối phó nhất thời mà do đã không còn đường lùi vì bị nước ngoài xâm phạm vào chủ quyền lãnh thổ.