Sunday, January 19, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaThấy gì xung quanh lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên...

Thấy gì xung quanh lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông của TQ

Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm chính là một biện pháp, bước đi trong mũi tiến công “cuộc chiến pháp lý” của Trung Quốc.

Từ năm 1999, hàng năm Bộ Ngông nghiệp Trung Quốc đều đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông. Năm 2018, đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá dài nhất so với các năm trước đây, thời gian bắt đầu từ 12h ngày 01/5 đến 12h ngày 16/8/2018, với phạm vi trải dài từ 12 độ vĩ bắc đến khu vực biển giao nhau giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough. Lệnh cấm trên cũng được áp dụng ở vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải và Hoa Đông. Khi ban hành lệnh cấm trên, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường sử dụng tàu chấp pháp để “giám sát, tuần tra, bắt giữ và xử phạt các hành vi vi phạm”. Lý giải về lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên, một học giả của Viện Nghiên cứu biển Nam Trung Hoa, thuộc Đại học Hạ Môn của Trung Quốc cho rằng là “tốt cho tính bền vững của các nguồn lực hải sản ở trên Biển Đông”. Tuy nhiên, xem xét phạm vi của lệnh này, cũng như các hành động thực tế mà Trung Quốc đã thực hiện ở Biển Đông thời gian qua cho thấy, lệnh cấm trên không đơn thuần như học giả Trung Quốc nói, mà nó là chuỗi hành động có hệ thống để Trung Quốc hiện thực hóa chủ quyền theo yêu sách “đường chín đoạn” phi lý trên Biển Đông.

Sự thực là, với việc ban hành lệnh trên, Trung Quốc hy vọng sẽ giải quyết được “cơn khát” về thủy, hải sản đang ngày càng gia tăng của nước này. Theo đánh giá của ông Sébastien Colin – nhà địa lý học, giảng viên Viện Quốc gia ngôn ngữ và Văn minh phương Đông (Inalco) của Pháp, Trung Quốc hiện nay là nước đứng đầu thế giới về nuôi trồng (chiếm 61%) và đánh bắt (khoảng 27%) thủy, hải sản. Ngay từ những năm 1980, nhu cầu tiêu thụ thủy, hải sản của Trung Quốc đã tăng mạnh và nó sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, bởi mức tiêu thụ loại thực phẩm trên mỗi năm tính theo đầu người tại nước này không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, Bắc Kinh không những muốn bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa 1,4 tỷ dân, mà còn muốn đẩy mạnh xuất khẩu thủy, hải sản ra thị trường thế giới, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước. Do đó những năm qua, Trung Quốc phát triển mạnh mẽ nghề nuôi trồng thủy, hải sản để cung cấp cho thị trường nội địa, đồng thời tìm cách giảm bớt đội ngư thuyền để bảo tồn các nguồn thủy, hải sản gần bờ. Nhưng trớ trêu thay, mô hình đó giờ đang tỏ ra hụt hơi, để lại nhiều hệ lụy, khó khăn cho Trung Quốc. Các nguồn thủy, hải sản ven bờ đang dần suy kiệt, môi trường đang ngày càng ô nhiễm. Các loài cá ven bờ là những loài cá nhỏ, chỉ có thể dùng để làm thức ăn cho cá nuôi. Trong bối cảnh như vậy, Trung Quốc buộc phải mở rộng phạm vi đánh bắt, đi đến những vùng biển xa hơn ở Biển Đông, hay Nam Thái Bình Dương. Nhưng muốn vươn ra các vùng biển này, Trung Quốc không thể tự do thực hiện, mà phải có cơ sở pháp lý. Để giải quyết vấn đề này, Trung Quốc lựa chọn cách làm dù không có cơ sở rõ ràng, giống như việc họ tự vạch ra “đường chín khúc ” trên Biển Đông. Đó là ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên một phạm vi rộng lớn, vượt ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc, đồng thời lập luận rằng, lệnh đánh bắt cá mà họ ban hành “về cơ bản, hướng vào việc kiểm soát chặt chẽ ngư dân Trung Quốc, không nhằm chống lại nước nào” và “bản thân lệnh cấm này là tốt cho tính bền vững của các nguồn lực thủy, hải sản ở Biển Đông. Vì thế, chính quyền các nước nên ủng hộ lệnh này, thay vì phản đối nó”. Trung Quốc chọn thời điểm ban hành lệnh trên vào mùa sinh sản của các loài thủy, hải sản nhằm che đậy cho ý đồ “mở rộng quyền làm chủ Biển Đông” và cũng để làm dịu bớt sự phản đối của các nước, hướng lái dư luận các nước hiểu rằng, việc làm này của Trung Quốc là hoàn toàn “hợp lý”, “Trung Quốc đang bảo vệ nguồn lợi thủy, hải sản không chỉ cho mình, mà còn cho các nước khác”.

Mặc dù lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của một số nước trong khu vực, bị các nước phản đối và vô hiệu hóa, nhưng Trung Quốc không dừng lại, năm nào cũng vẫn ngang nhiên đưa ra thứ lệnh cấm phi lý này. Nguyên do là bởi:

Trước hết, trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, không thể không nói đến vấn đề pháp lý, thậm chí nó còn là vấn đề tối quan trọng. Do đó, ban hành lệnh cấm đánh bắt cá là một giải pháp pháp lý nhằm thể hiện tư cách “chủ nhân ông” của Trung Quốc. Mặc dù nó có vẻ phi lý, ít được thừa nhận, nhưng “nói mãi cũng có người phải nghe”, cứ ban hành đều đều hàng năm thì đó cũng là một cuộc đấu tranh “giành lấy sự công nhận trên thực tế” đối với cộng đồng quốc tế. Đây là sự tính toán của Trung Quốc nhằm phối hợp với các biện pháp khác trong thực hiện tham vọng “độc quyền kiểm soát Biển Đông”. Chả thế mà nhiều học giả nước ngoài đã xem hành động ban hành lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc chính là một mũi tiến công cho “cuộc chiến pháp lý”. Một loại “chiến tranh mềm” để thực hiện đòi hỏi về yêu sách chủ quyền.

Tiếp theo, lâu nay Trung Quốc đã cố tình giải thích và áp dụng sai quy định của luật pháp và thực tiễn quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) bằng cách dùng quy định về hệ thống đường cơ sở của các quốc gia quần đảo để áp dụng cho các quần đảo xa bờ không phải là quốc gia quần đảo. Từ đó, Trung Quốc luôn khẳng định họ có các vùng biển và thềm lục địa liền kề với 4 quần đảo (họ gọi là Tứ Sa) ở giữa Biển Đông. Sau khi chiếm đóng các thực thể địa lý không phải là đảo, họ bắt tay đầu tư cải tạo chúng thành các đảo nhân tạo cực lớn. Việc đưa người ra sống trên các thực thể đó, tiến hành xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế, dân sự, quân sự, thành lập các đơn vị hành chính (thành phố Tam Sa…), công bố các quyết định hành chính trong đó có việc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm là những việc làm mà Trung Quốc đang muốn chứng minh rằng các thực thể địa lý đó hoàn toàn “thích hợp cho con người ở và có đời sống kinh tế riêng”. Vì vậy, chúng có hiệu lực trong việc mở rộng phạm vi các vùng biển và thềm lục địa tối thiểu là 200 hải lý. Họ nhằm tới mục tiêu khẳng định rằng yêu sách “đường chín khúc” hoàn toàn có cơ sở pháp lý, thậm chí rất phù hợp với quy định của UNCLOS 1982. Chính vì thế, năm 1996, Trung Quốc chính thức công bố đường cơ sở ở quần đảo Hoàng Sa và công khai xác nhận sẽ làm điều tương tự cho các quần đảo khác trong Biển Đông vào lúc thích hợp, trong đó có quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc gọi là Nam Sa. Vì vậy, công bố lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm là biện pháp và bước đi thích hợp nhất để thực hiện ý đồ trên.

Lại nói, Trung Quốc cho rằng, việc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm là nhằm “bảo đảm nguồn tài nguyên bền vững, lâu dài ở vùng biển của Trung Quốc” và rằng, “điều này không chỉ bảo vệ lợi ích cho người dân Trung Quốc, mà còn bảo vệ lợi ích của người dân các nước khác”. Tuy nhiên, xem xét lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm của Trung Quốc, nhất là lệnh ban hành năm 2018 sẽ thấy, phạm vi bao trùm trọn vẹn phần biển phía Bắc của “đường chín khúc”, còn phần phía Nam tính từ 12 độ vĩ Bắc trở lên, lệnh này bao trùm lên vùng đánh cá chung với Việt Nam ở vịnh Bắc Bộ, trùm cả lên vùng biển tranh chấp với Philippinnes. Mặc dù, Trung Quốc đã ký DOC với các nước ASEAN, ký các thỏa thuận hợp tác song phương với một số nước trong khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam, Philippines, nhưng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc lại vi phạm chủ quyền của hai nước trên, vi phạm nguyên tắc, chuẩn mực luật pháp quốc tế. Trên thực tế, sau khi Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá, tàu thuyền của ngư dân một số nước mặc dù hoạt động bình thường trong vùng biển truyền thống của họ, nhưng vẫn bị phía Trung Quốc cho là vi phạm lệnh cấm này. Và họ đã nhiều lần sử dụng các tàu đánh cá cỡ lớn, có nhiều chức năng, thực hiện nhiều hành động (va, húc…), kể cả sử dụng vũ lực, gây thiệt hại lớn không chỉ về tài sản mà còn cả tính mạng của ngư dân một số nước. Trong một số trường hợp, ngư dân các nước đã không dám ra khơi bám biển vào thời gian lệnh cấm trên được thi hành. Thậm chí, lệnh cấm này còn gây trở ngại cho việc tự do hàng hải ở Biển Đông, khiến cho việc đi lại của tàu thuyền các nước qua khu vực này gặp khó khăn, không loại trừ sự xáo trộn, căng thẳng có thể xảy ra khi Trung Quốc đưa tàu ra xua đuổi tàu thuyền các nước đi qua vùng cấm theo lệnh này. Theo nhiều chuyên gia quốc tế, đây là hành động không phù hợp với thoả thuận quan trọng đã đạt được giữa lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc với một số nước về kiểm soát tốt bất đồng trên biển. Lệnh này cũng không có lợi cho việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và xu thế phát triển tốt đẹp của quan hệ giữa một số nước trong khu vực với Trung Quốc, cũng như nỗ lực của các nước trong việc đàm phán, xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiện nay.

Từ phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm cho thấy, sau một số năm triển khai, giờ đây Trung Quốc đang lấn tới, vươn xa việc đánh bắt cá xuống vùng biển phía Nam Biển Đông. Nhiều chuyên gia, học giả nhận định, theo thời gian, với cách làm này, dần dần Trung Quốc sẽ mở rộng vùng đánh bắt cá đi sâu hơn xuống phía Nam chứ không phải dừng lại ở 12 độ vĩ Bắc, vì cái mà Trung Quốc cần là hiện thực hóa chủ quyền theo yêu sách “đường chín khúc”, muốn vậy cần phải có lực lượng để thực hiện nhằm tránh xảy ra xung đột quân sự, tránh gây căng thẳng. Lực lượng này không ai tốt hơn chính là ngư dân và trong trường hợp nếu có xảy ra xung đột thì chỉ là xung đột giữa lực lượng dân sự với dân sự. Khi xung đột dân sự không giải quyết được, lúc đó họ mới tính tới việc sử dụng lực lượng quân sự. Tuy nhiên, việc sử dụng lực lượng quân sự còn tùy thuộc thời thế, tương quan lực lượng và nhiều yếu tố khác nữa. Nếu luật pháp quốc tế không đủ mạnh, các nước không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả, có sự “làm ngơ” trước lệnh cấm này, thì theo thời gian, Trung Quốc dần dần sẽ lấn tới theo cách “được đằng chân, lân đằng đầu”, “mềm nắn, rắn buông”. Theo đó, Trung Quốc có thể áp dụng cách làm là thi hành lệnh cấm đánh bắt cá tại một số bãi đá chìm ở Trường Sa như vừa qua xuống các bãi đá ở phía Nam Biển Đông. Lúc đó, với các thực thể Trung Quốc đang có được, lệnh cấm đánh bắt cá sẽ không còn giới hạn ở 12 độ vĩ Bắc nữa, mà có thể xuống 11, 10 độ vĩ Bắc hoặc sâu hơn nữa và điểm cuối cùng là chạm đúng vào “đường chín khúc” ở phía Nam. Đó cũng là lúc Trung Quốc hoàn thành “cơ sở pháp lý” ra toàn bộ “đường chín khúc”, đúng theo tham vọng của họ.

Nhìn vào thực trạng Trung Quốc đầu tư xây dựng tại các thực thể chiếm đóng trái phép ở Trường Sa trong thời gian qua, nhìn vào yêu cầu thực hiện chiến lược “Hướng Nam”, tiến tới “giấc mộng Trung Hoa”, đặc biệt là nhìn vào dư luận trong và ngoài khu vực đang đấu tranh đòi loại bỏ “đường chín khúc” bởi tính chất bất hợp pháp, phi lý, phản khoa học của nó, có thể dự báo rằng: Trung Quốc sẽ tính đến việc sớm công bố hệ thống đường cơ sở ở Trường Sa theo cách mà họ thực hiện ở Hoàng Sa năm 1996 và lại có thể coi đây là một mũi tiến công trong “cuộc chiến pháp lý” mà nước này đã và đang phát động. Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm chính là một biện pháp, bước đi trong mũi tiến công đó của Trung Quốc.

Từ những ý đồ thâm hiểm đằng sau lệnh đánh bắt cá hàng năm của Trung Quốc, nhiều học giả quốc tế gọi đây là “trò chơi hai mặt” của Trung Quốc trên Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới