Tuesday, January 21, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMalaysia kiên quyết không chấp nhận đàm phán song phương với TQ...

Malaysia kiên quyết không chấp nhận đàm phán song phương với TQ trong vấn đề Biển Đông

Hãng thông tấn Đài Loan (24/4) dẫn lời Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah khẳng định Malaysia sẽ không chấp nhận đàm phán song phươn với Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Phát biểu trên được đưa ra trước thềm chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Mahathir Mohamad. Theo Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah, chính phủ Trung Quốc đang muốn bàn về các vấn đề an toàn và an ninh ở Biển Đông trong các cuộc gặp chính thức với Malaysia. Tuy nhiên, Malaysia ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN khi thảo luận với Trung Quốc. Ông Saifuddin Abdullah nhấn mạnh rằng Thủ tướng Mahathir đã nói rõ quan điểm về vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc

Từ trước đến nay, Malaysia có truyền thống áp dụng cách tiếp cận “giữ an toàn” ở Biển Đông vừa để bảo vệ yêu sách của nước này vừa để duy trì mối quan hệ song phương quan trọng với Trung Quốc. Trong giai đoạn cầm quyền, chính quyền của cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak duy trì chính sách “không đối đầu, không gây chuyện”, cố gắng tránh xung đột bên ngoài, đặc biệt là xung đột quân sự; ưu tiên việc sử dụng biện pháp chính trị để đảm bảo duy trì lợi ích ở Biển Đông; chủ trương của Malaysia có phần ủng hộ, ngả theo Trung Quốc, song Malaysia cũng tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực và Mỹ. Malaysia cũng đã lựa chọn biện pháp an ninh và chính trị mang tính phòng bị đối với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Chủ yếu bao gồm 3 phương diện: (1) Tăng cường bố trí quân sự, đẩy nhanh nâng cao sức mạnh hải quân; (2) Tăng cường hợp tác an ninh quân sự với thế lực ngoài khu vực chủ yếu là Mỹ, lợi dụng tối đa sự hoài nghi chiến lược lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ, để Mỹ cân bằng sức mạnh quân sự và tầm ảnh hưởng khu vực không ngừng tăng lên của Trung Quốc, đạt được mục đích duy trì thế cân bằng ở khu vực Biển Đông; (3) Nỗ lực thúc đẩy ký kết “Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC), đẩy mạnh hợp tác và liên kết với Philippines, Việt Nam, thúc đẩy đoàn kết nội bộ ASEAN, làm suy yếu ưu thế của lực lượng biển Trung Quốc tại khu vực Biển Đông. Trên thực tế, cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông của Malaysia có thể nhìn nhận, đánh giá dựa trên một số khía cạnh sau:

Từ những năm 1980 đến nay, Malaysia luôn kiên trì thái độ không nhượng bộ đối với tuyên bố “chủ quyền” ở Biển Đông, mặc khác lại luôn lựa chọn thái độ tương đối bình tĩnh ôn hòa, chủ trương bằng phương thức hòa bình, thông qua con đường ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Malaysia đã từng đưa ra nhiều tuyến bố khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, chỉ trích, lên án các hành động phi pháp, bất chất luật quốc tế của Trung Quốc trong khu vực. Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak (17/10/2016) từng tuyên bố Malaysia sẽ không thỏa hiệp trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman (20/3/2017) nhấn mạnh nước này bác bỏ yêu sách “chủ quyền” theo “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và cho rằng hành động của Bắc Kinh chỉ làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, khẳng định Malaysia phản đối các hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài ra, để tăng cường khả năng bảo vệ “chủ quyền” ở Biển Đông, Malaysia cũng tích cực đầu tư, hiện đại hóa lực lượng hải quân. Được biết, hải quân nước này mới hạ thủy tàu chiến ven biển đầu tiên (có lượng giãn nước 3.100 tấn) trong gói hợp đồng 2 tỷ USD được ký kết vào năm 2011. Bộ Quốc phòng Malaysia hiện đang có kế hoạch đẩy mạnh mua sắm thêm các trang thiết bị quân sự mới như tàu chiến, máy bay trinh sát trên biển… trong năm 2019.

Ngay sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc ra phán quyết liên quan vụ kiện Trung Quốc của Philippines về vấn đề Biển Đông, Bộ Ngoại giao Malaysia cũng ra tuyên bố, song chủ yếu nhằm thăm dò phản ứng của các bên và đưa ra quan điểm chung chung liên quan phán quyết, như: “Malaysia tin tưởng các bên liên quan cần giải quyết hòa bình tranh chấp bằng việc thực sự tôn trọng quá trình pháp lý và ngoại giao, các luật liên quan và UNCLOS. Malaysia cho rằng điều quan trọng là phải duy trì hòa bình, an ninh và ổn định bằng cách kiềm chế những hành động có thể làm phức tạp tranh chấp hay làm leo thang căng thẳng, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Malaysia cho rằng Trung Quốc và tất cả các bên liên quan có thể tìm ra những cách thức mang tính xây dựng để thúc đẩy các đối thoại, đàm phán và tham vấn một cách hiệu quả, trong khi duy trì tính thượng tôn pháp luật vì hòa bình và an ninh khu vực”. Gần đây, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 16, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein từng khẳng định, “ quan điểm của Malaysia là rõ ràng và nhất quán: Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết hòa bình và thông qua cơ chế đa phương, đặc biể là cơ chế có sự tham gia của các bên liên quan như ASEAN”.

Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 6 (2016), cựu Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein đã khẳng định “quan điểm của Malaysia trong vấn đề Biển Đông là các tranh chấp cần phải được giải quyết một cách hòa bình thông qua các nền tảng, cơ chế đa phương”; cho biết Malaysia tin rằng COC là phương cách tốt nhất để quản lý, kiểm soát các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông; đồng thời kêu gọi tăng cường tham vấn giữa ASEAN và Trung Quốc để sớm thống nhất COC và đảm bảo sự tuân thủ COC đầy đủ, hiểu quả. Trước đó, phát biểu bên lề Hội nghị ADMM diễn ra tại Brunei hồi tháng 8/2013, ông Hishammuddin còn tỏ ý muốn cùng Trung Quốc khai thác Biển Đông và không cho rằng các cuộc tuần tra bất hợp pháp của Bắc Kinh trong vùng lãnh thổ tranh chấp không phải “mối đe dọa đáng chú ý”.

Từ khi lên cầm quyền cho đến nay, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad được cho là người theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm, chủ trương bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Liên quan vấn đề Biển Đông, ông Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông nên là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột; Không phải đe dọa quân sự mà tham vấn ngoại giao mới là chìa khóa để xử lý và giải quyết bất cứ tranh chấp liên quốc gia nào ở Đông Á cũng như những nơi khác; Tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều được hoan nghênh đóng vai trò xây dựng trong một cộng đồng Đông Á rộng mở thông qua sự hội nhập và tạo thành thị trường lớn hơn, nhưng lợi ích của các nước yếu hơn phải được tôn trọng, bảo vệ và hoàn thiện.

Thời gian tới, Malaysia sẽ tiếp tục thực thi chính sách Biển Đông như hiện nay, theo đó Malaysia sẽ: (1) Bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của Malaysia ở Biển Đông; (2) Thúc đẩy phối hợp với các nước liên quan tranh chấp chủ quyền trong khu vực và kêu gọi ASEAN đóng vai trò dẫn dắt và chủ động trong việc xử lý mọi tình huống trên Biển Đông. (3) Tìm cách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong cả lĩnh vực chiến lược và kinh tế. Điều này được thể hiện bằng việc Malaysia cam kết duy trì sự trung lập và kêu gọi sự tham gia của tất cả các tác nhân, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tham vấn, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN cũng như mở rộng chủ nghĩa đa phương của tổ chức khu vực này trên nhiều tầng nấc. (4) Tăng cường hợp tác, giao lưu hải quân với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm thúc đẩy sự tin cậy chính trị, nâng cao năng lực hải quân và khả năng ứng phó với những tình huống đột xuất trên biển. (5) Tìm cách ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Nhìn chung, Malaysia đã thể hiện thái độ dứt khoát trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế và đàm phán đa phương giữa các bên liên quan và không chấp nhận chủ trương đàm phán song phương của Trung Quốc. Dưới thời chính quyền Thủ tướng Mahathir Mohamad, Malaysia sẽ thực thi chính sách mang tính cứng rắn, cương quyết hơn trong vấn đề Biển Đông. Một mặt, Malaysia sẽ tăng cường hợp tác với các nước nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông. Mặt khác, Malaysia sẽ giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế và từng bước ngăn chặn, lên án những hành động phi pháp của Bắc Kinh trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới