Wednesday, January 22, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaPhó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa: Lấy làm tiếc vì...

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa: Lấy làm tiếc vì vấn đề Biển Đông ảnh hưởng quan hệ Trung – Anh

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đang ở thăm Bắc Kinh, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa (25/4) cho biết, Trung Quốc “rất đáng tiếc vì vấn đề Biển Đông đã gây phương hại cho các mối quan hệ giữa hai nước”.

Tàu khu trục HMS Argyll của Anh tập trận tại Ấn Độ Dương.

Theo ông Hồ Xuân Hoa, “thật đáng tiếc vì kể từ tháng 8 năm ngoái các mối quan hệ giữa hai nước chúng ta đã chứng kiến những biến động vì vấn đề Biển Nam Trung Hoa (mà Việt Nam gọi là Biển Đông) và các cuộc đối thoại giữa hai chính phủ cũng như các dự án hợp tác bị ngưng trệ”.

Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond tán đồng các phát biểu của phó thủ tướng Trung Quốc, cho rằng có “một số khó khăn trong việc thúc đẩy một mối quan hệ tích cực mà các nhà lãnh đạo của hai bên đã đề ra”, đồng thời tái khẳng định Anh vẫn giữ lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông.

Trong những năm gần đây,tuy không liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Anh liên tục thể hiện quan điểm, lập trường nhất quán trong việc ủng hộ giải quyết tranh chấp chủ quyền thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật quốc tế và kiên quyết bảo vệ hoạt động tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, cũng như phản đối các hành động đơn phương, vi phạm luật quốc tế và quân sự hóa trong khu vực.

Quan chức cấp cao của Anh đã nhiều lần tuyên bố thể hiện sự quan ngại về tình hình Biển Đông và cam kết bảo vệ tự do hàng hải trong khu vực, cụ thể: Phát biểu trong chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Anh Theresa May (31/8/2017) tuyên bố ổn định ở khu vực Biển Đông là mối quan tâm toàn cầu và thúc giục các bên có một giải pháp hòa bình cho những khác biệt tại khu vực này. Trước đó, cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật quốc tế. Ông David Cameron (25/5/2016) đã mạnh mẽ lên tiếng cảnh báo Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết mà Tòa trọng tài thường trực tại La Hay, Hà Lan dự kiến sẽ đưa ra trong một vài tuần tới liên quan tới vụ việc Philippines khởi kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam, ông David Cameron (28/7/2015) cũng đưa ra tuyên bố rất quan ngại trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông và những ảnh hưởng có thể có đối với hòa bình, an ninh trong khu vực cũng như sự thịnh vượng của toàn cầu; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình cũng như việc sử dụng tự do, hợp pháp và không bị cản trở các vùng biển và đại dương trên thế giới; đồng thời tiếp tục kêu gọi các bên giải quyết các bất đồng về hàng hải và các vấn đề khác theo tinh thần của luật pháp quốc tế và UNCLOS. Trong cùng năm 2015, khi thăm Ban Thư ký ASEAN, Thủ tướng Anh David Cameron (27/7/2018) nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực hướng tới một giải pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS và nguyên tắc sáu điểm của ASEAN về Biển Đông.

Trong khi đó, phát biểu trên tàu HMS Sutherland trong chuyến thăm Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết, Anh cùng với Pháp và Australia muốn đảm bảo quyền tự do qua lại ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh “Anh đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tự do hàng hải là điều quan trọng sống còn”. Ông Gavin Williamson cho biết lý do Anh đưa các tàu chiến tới thăm và tuần tra ở Biển Đông là nhằm gửi thông điệp rằng các nước phải “chơi” theo đúng luật”, nhấn mạnh những quan ngại tại khu vực đang gia tăng khi có thêm các nước sở hữu vũ khí hạt nhân và chưa kể đến việc ngăn cản quyền tiếp cận, tự do và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Đầu năm 2018, khi trả lời phỏng vấn hãng tin ABC, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cũng nêu tầm quan trọng của việc khẳng định quyền tự do hàng hải ở Biển Đông và nhấn mạnh Hải quân Anh sẽ bảo vệ các quyền này để phục vụ cho vận tải quốc tế cùng với hải quân các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon (27/7/2017) cho biết Anh sẽ gia tăng sự hiện diện của mình ở khu vực Biển Đông bằng cách gửi tàu chiến tham gia tuần tra chung với Mỹ tại đó vào năm 2018 và mục đích của việc tham gia tuần tra chung với Mỹ ở biển Đông là thực hiện quyền tự do hàng hải của Anh ở đây.

Trong bài phát biểu tại Jakarta vào tháng 8/2018, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề châu Á và Thái Bình Dương của Anh, ông Mark Field cho biết, Anh cam kết một sự hiện diện an ninh lâu dài ở châu Á và kêu gọi các nước tôn trọng tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Trong đó bao gồm phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực ở The Hague năm 2016, đã chỉ trích các hành động của Trung Quốc và bác bỏ cái gọi là “Đường 9 đoạn” của nước này ở Biển Đông.

Đáng chú ý, trong vai trò là một trong những nước thành viên của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Anh đã nhiều lần đi đầu trong việc thúc đẩy các nước thông qua Thông cáo chung thể hiện sự quan ngại về tình hình Biển Đông. Tại Hội nghị Ngoại trưởng G7 (4/2016), trong thông cáo chung, lãnh đạo G7 đã cùng bày tỏ mối quan ngại về tình hình căng thẳng ngày càng nghiêm trọng trên Biển Đông và biển Hoa Đông, nhấn mạnh đến tầm quan trọng cơ bản của việc quản lý và xử lý các bất đồng một cách hòa bình và phản đối mạnh mẽ việc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và các quyền hàng hải thông qua sử dụng những lời đe dọa hoặc vũ lực. Đáng chú ý, tại Tuyên bố chung Hiroshima nhấn mạnh: “Ngoại trưởng các nước thuộc nhóm G7 quan ngại về tình hình đang diễn ra trên Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; cho biết các nước G7 phản đối mạnh mẽ bất kỳ những hành động đơn phương nào mang tính đe dọa, cưỡng ép nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng; đồng thời kêu gọi tất cả các bên tránh các hành động như bồi lấp, bao gồm bồi lấp trên quy mô lớn, xây dựng và sử dụng các công trình cho mục đích quân sự. Thay vào đó, các bên cần hành động phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc về tự do hàng hải và hàng không; tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS và kêu gọi các nước tuân thủ phán quyết của tòa án quốc tế về giải quyết các tranh chấp lãnh thổ”. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2017, Tuyên bố chung khẳng định các thành viên G7 cam kết “duy trì trật tự dựa trên pháp luật trong lĩnh vực hàng hải dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế”, kêu gọi giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua ngoại giao cũng như phương tiện pháp lý, bao gồm toà trọng tài. Nhóm cũng nhất trí hối thúc tất cả các bên phi quân sự hoá trên “các thực thể tranh chấp”, phản đối mạnh mẽ mọi hoạt động đơn phương có thể làm gia tăng căng thẳng. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2018, Thông cáo chung một lần nữa bày tỏ sự phản đối đối với các hành động đơn phương có thể gây leo thang căng thẳng và gây tổn hại đến ổn định khu vực cũng như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cũng hối thúc tất cả các bên thực hiện việc phi quân sự hoá các cấu trúc tranh chấp ở khu vực.

Những năm qua, để đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, Anh đã nhiều lần cử các loại tàu chiến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc trong khu vưc. Hải quân Hoàng gia Anh điều tàu các tàu chiến gồm tàu khu trục nhỏ chống ngầm Sutherland, tàu HMS Albion và HMS Argyll tới vùng biển châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2018. Tàu Hải quân Hoàng gia Anh HMS Albion (31/8) do Đại tá Hải quân Tim Neild chỉ huy đã đi sát các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa, nhằm thực thi “quyền tự do hàng hải” và thách thức Trung Quốc. Tàu hải quân Hoàng gia HSM Albion là loại tàu tấn công đổ bộ, dài 176 m, rộng 28,9 m, có tải trọng gần 18,8 tấn, đoàn thuỷ thủ trên tàu gồm 353 người, ngoài ra còn một đơn vị thuỷ quân lục chiến với tổng số 202 người.

Trước đó, Hải quân Hoàng gia Anh cũng đã cử một số tàu chiến như tàu hộ vệ HMS Sutherland F81, tàu hộ vệ FS Surcouf (F-711), tàu chiến HMS Sutherland… tuần tra ở Biển Đông. Trước đó, trong năm 2016, Anh cũng điều 4 phi cơ Typhoon bay qua Biển Đông nhằm tuần tra, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trong khu vực.

Trong khi đó,Trung Quốc bao biện cho hành vi của Bắc Kinh trên Biển Đông, liên tục chỉ trích các nước tăng cường hiện diện ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc liên tục đưa ra các tuyên bố bao biện cho những hành vi phi pháp của Bắc Kinh trên Biển Đông; đồng thời tìm cách chỉ trích “các nước liên quan can thiêp công việc nội bộ của Trung Quốc”. Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cương quyết nhấn mạnh “các công trình xây dựng của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là nhằm “cải thiện điều kiện sống của nhân viên đóng tại đó và giải quyết các nguy cơ đe dọa đối với an ninh hàng hải; việc tăng cường xây dựng dân sự là nhằm cung cấp thêm các dịch vụ công và dân sự cho khu vực này”; đồng thời cho biết Trung Quốc triển khai vũ khí ở Trường Sa “không nhằm vào ai” và đây chỉ là triển khai các phương tiện “phòng thủ lãnh thổ cần thiết”, nhằm thực hiện “nhiệm vụ dự phòng”, để đối phó với những tình huống đột xuất như tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, cứu hộ khẩn cấp, chữa cháy trên biển, làm sạch dầu tràn. Trong khi đó, Giám đốc Cục tìm kiếm và cứu nạn thuộc Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc Vương Trịnh Lương ngang nhiên tuyên bố “Trung Quốc sẽ tiến hành củng cố các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn ở Trường Sa và các khu vực xung quanh”; khẳng định rằng “Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các máy bay trực thăng và chế tạo các tàu cứu hộ lớn tới khu vực này”. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận nước này đã đưa các hệ thống tên lửa tới quần đảo Trường Sa, nhưng khẳng định “việc triển khai này không nhằm vào ai”. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố rằng họ có “quyền gửi quân đội và vũ khí tới bất cứ khu vực nào thuộc lãnh thổ của họ và bất cứ động thái chỉ trích nào cũng có thể coi là can thiệp vào tình hình nội bộ của Bắc Kinh”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần ra thông cáo thể hiện sự tức giận khi cáo buộc chiến hạm Anh đã “vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật pháp quốc tế”, xâm phạm cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc”. Trong khi phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh khẳng định tàu HMS Albion thực hiện quyền tự do hàng hải theo luật pháp quốc tế, tuân thủ đầy đủ các luật và thông lệ quốc tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố “phản đối mạnh mẽ” và bày tỏ “thái độ không hài lòng”, thậm chí còn gọi đây là “hành động khiêu khích”. Đáng chú ý, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (25/9) đã đề nghị Anh cam kết không đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông, bày tỏ hy vọng Anh sẽ hiện thực hóa cam kết và thể hiện sự tôn trọng đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Trên thực tế, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc dừng các hành động trái phép, tránh làm phức tạp thêm tình hình, đặc biệt là việc quân sự hóa, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam cũng tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS, kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; thực hiện đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), cùng các nước ASEAN thúc đẩy tiến trình xây dựng “Bộ Quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới