Monday, November 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaIndonesia tích cực mua sắm tàu ngầm, gia tăng sức mạnh hải...

Indonesia tích cực mua sắm tàu ngầm, gia tăng sức mạnh hải quân để đối phó với ý đồ của TQ

Mặc dù đã sở hữu 5 tàu ngầm và hiện đã đặt đóng thêm 3 chiếc nữa, song Indonesia tiếp tục đặt mua thêm để nâng số lượng loại tàu này lên 12 chiếc trong tương lai. Giới qua sát nhận định lực lượng tàu ngầm mới sẽ giúp nâng cao đáng kể sức mạnh trên biển của Indonesia, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc, nước đang quân sự hóa ồ ạt ở Biển Đông và đang nhòm ngó vùng biển Natuna của Indonesia.

Tàu ngầm Alugoro (405), Alugoro (404) của Indonesia. Nguồn: PT-PAL

Số lượng tàu ngầm của Indonesia hiện nay

Năm 2011, Indonesia đã ký hợp đồng mua 3 tàu ngầm Type 209/1400 lớp Nagapasa với Công ty đóng tàu và kỹ thuật Hàng hải Daewoo (DSME) của Hàn Quốc. Đến nay 2 trong số 3 tàu trên là KRI Nagapasa và Ardadedali đã đưa vào hoạt động, trong khi chiếc thứ 3 Alugoro (405) được đóng tại Indonesia vừa hạ thủy xong vào hôm 11/4 vừa qua. Đáng chú ý, chỉ một ngày sau (12/4), Indonesia đã ký tiếp hợp đồng mua 3 tàu ngầm Type 209/1400 thứ 2 với Công ty đóng tàu và kỹ thuật Hàng hải Daewoo. Với hợp đồng này, hạm đội tàu ngầm Indonesia sẽ tăng lên 8 chiếc vào năm 2024, bao gồm cả cặp tàu Type 209 Cakra mua của Đức sử dụng từ đầu những năm 1980. Như vậy, 6 trong 8 chiếc tàu ngầm của Indonesia đều được mua từ Hàn Quốc.

Như vậy, với việc có trong biên chế tới 8 tàu ngầm Type 209 thì nhiều khả năng Hải quân Indonesia sẽ tìm kiếm một lớp tàu mới hoặc phiên bản cải tiến tốt hơn thay vì tiếp tục lựa Type 209 cho loạt 4 tàu còn lại theo ý đồ hiện tại. Việc Hàn Quốc “thắng lớn” khi bán 6 tàu ngầm hiện đại cho Hải quân Indonesia khiến nhiều quốc gia mới nổi công nghệ tàu ngầm thèm khát muốn có phần, điển hình là Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà máy đóng tàu Savunma Teknolojileri Muhendislik ve Ticaret (STM), Thổ Nhĩ Kỳ mới đấy đã có buổi thuyết trình thiết kế tàu ngầm Type 209 và Type 214 tới Lãnh đạo cấp cao của Hải quân Indonesia (TNI-AL) với mục đích không gì ngoài việc tìm kiếm hợp đồng béo bở. Mặc dù hiện Indonesia đã có trong tay 5 tàu ngầm và hiện đã đặt đóng thêm 3 chiếc nữa, nhưng theo các nhà hoạch định quốc phòng nước này thì họ cần hạm đội 12 tàu ngầm trong tương lai. Do đó, cơ hội vẫn còn với các nền công nghiệp đóng tàu ngầm thế giới muốn tìm kiếm cơ hội phát triển.

Các lựa chọn cho Indonesia

Thổ Nhĩ Kỳ đang chào hàng thêm cả lớp tàu ngầm Type 214 do Đức thiết kế mà Ankara có được bản quyền cho phép chế tạo trong nước và phục vụ xuất khẩu. Tuy vậy, họ cũng phải chịu sự cạnh tranh đáng kể từ chính Hàn Quốc khi mà nước này đang được phép xuất khẩu lớp tàu Type 214. Type 214 là tàu ngầm động cơ điện – diesel, tích hợp hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) do HDW Đức sản xuất. Hiện Hàn Quốc đã chế tạo được 8 chiếc, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp khó khăn khi đóng chiếc đầu tiên. Theo thiết kế của Đức, tàu ngầm Type 214 đóng bằng vật liệu siêu bền HY-100, lượng giãn nước khi lặn 1.860 tấn, có khả năng lặn liên tục 2.311km, dự trữ hành trình lên tới 84 ngày, tầm hoạt động cực đại 19.300km, lặn sâu 250m. Hệ thống tác chiến trên con tàu được cho là rất hiện đại, giao tiếp người – máy bằng hệ thống máy móc kỹ thuật số, màn hình LCD hiển thị trực quan, rõ nét… Hỏa lực của Type 214 gồm 8 ống phóng ngư lôi 533mm (6 trước, 2 đuôi) cho phép triển khai 8 ngư lôi Black Shark hoặc các loại ngư lôi chuẩn NATO tương thích với tàu ngầm Đức. Ngoài ra, Type 214 có khả năng triển khai đến 4 tên lửa hành trình chống hạm UGM-84 Harpoon.

TQ là lý do khiến Indonesia tăng cường mua sắm tàu ngầm

Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 9 được tổ chức tại Myanmar vào năm 2014, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, khi đó mới đắc cử đã tuyên bố sáng kiến mang tính định hướng cho chính sách đối ngoại “Trục biển toàn cầu” trong tương lai. Theo đó, Indonesia chú trọng phát triển hải quân, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm.

Giới chuyên gia cho rằng tham vọng mở rộng hạm đội tàu ngầm của Indonesia là nhằm phục vụ ba lợi ích hàng hải quan trọng.Thứ nhất, việc Trung Quốc thực hiện mục tiêu mở rộng ảnh hưởng tại Biển Đông có thể gây quan ngại về xung đột vùng đặc quyền kinh tế biển (EEZ) với Indonesia; vì vậy, thay vì chờ đợi biện pháp ngoại giao đạt hiệu quả, hiện đại hóa lực lượng hải quân nhằm mục tiêu ngăn chặn là hợp lý hơn cả.Thứ hai, Indonesia sở hữu vị trí địa lý chiến lược quan trọng, trong đó có eo biển Malacca, nơi có tới ¼ tổng số hàng hóa thương mại toàn cầu vận chuyển qua.Thứ ba, do đặc điểm được cấu thành từ nhiều đảo và quần đảo lớn nhỏ, chủ quyền trên biển của Indonesia đặc biệt dễ bị tổn thương trước bất cứ hành vi xâm phạm nào của hải quân nước khác.

Trung Quốc được xem là nhân tố quan trọng khiến Indonesia phải hiện đại hóa hải quân và mua sắm tàu ngầm. Tháng 3/2016, Trung Quốc tuyên bố nước này có chủ quyền đối với “ngư trường truyền thống” ở quần đảo Natuna của Indonesia. Điều này khiến chính phủ và người dân Indonesia phản ứng mạnh mẽ. Giới chức Indonesia bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc và khẳng định hành động này là hoàn toàn phi pháp, không được công nhận theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Lãnh đạo Indonesia cho rằng tuyên bố của Trung Quốc “là điều bịa đặt, mơ hồ về mặt thời gian, không rõ năm tháng nào nó trở thành lịch sử, truyền thống”. Theo Bộ nông nghiệp, thủy sản Indonesia, UNCLOS không công nhận ngư trường truyền thống và chỉ công nhận “quyền đánh bắt cá truyền thống” do công dân của một quốc gia thực hiện trong phạm vi một nước khác, nhưng phải được thông qua bằng hiệp ước với bên liên quan. Indonesia cho đến nay chỉ có một hiệp ước về quyền đánh cá truyền thống với Malaysia và được áp dụng trong một khu vực cụ thể.

Kết luận:Indonesia vốn không phải một bên trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông, song nước này đã bị kéo vào cuộc, sau khi Trung Quốc tuyên bố Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia là một phần trong “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc và tàu cá Trung Quốc được tự do đánh bắt trong khu vực này. Sự xuất hiện của các tàu Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang nhăm nhe “đánh dấu lãnh thổ” trong vùng biển của Indonesia.

RELATED ARTICLES

Tin mới